II. Định hướng xuất khẩu mặt hàng thịt lợn giai đoạn 2001-2010
4. Một số giải pháp khác
4.1. Khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành công nghiệp chế biến thịt
Công nghiệp chế biến thịt cùng với hệ thống kho bảo quản lạnh và phương tiện vận chuyển phù hợp đóng vai trò quan trọng trong hoạt động sản xuất và xuất khẩu thịt lợn. Chúng ta nên có những chính sách hỗ trợ, khuyến khích ngành này như một bộ phận cần thiết của chính sách khuyến nông, trợ cấp phát triển nông nghiệp và chăn nuôi, theo các hướng như sau:
Nhà nước cần sớm quy hoạch phát triển ngành chế biến thịt để lựa chọn các dự án xét duyệt theo quy hoạch và cấp giấy chứng nhận ưu đãi đầu tư.
Không đặt vấn đề tách riêng các nhà máy chế biến thịt xuất khẩu để có chính sách ưu đãi đặc biệt, mà hệ thống nhà máy chế biến thịt phục vụ cho nhu cầu trong nước và xuất khẩu đều được hưởng chính sách khuyến khích và ưu đãi chung của Nhà nước, đơn vị nào đủ tiêu chuẩn tham gia chế biến thịt xuất khẩu thì được hưởng ưu đãi bổ sung theo quy định hiện hành.
Nếu cần thiết, Nhà nước có thể hỗ trợ ngành chế biến thịt trong một số trường hợp như:
Khi cần giữ giá sản phẩm chăn nuôi không để xuống thấp, thay vì hỗ trợ trực tiếp cho ngành chăn nuôi, Nhà nước hỗ trợ cho nhà máy nào bảo đảm điều kiện mua sản phẩm chăn nuôi để chế biến thịt theo giá hướng dẫn của Nhà nước.
Trường hợp cần mở thị trường xuất khẩu hoặc bảo đảm thực hiện hợp đồng xuất khẩu đã cam kết nhằm duy trì quan hệ thị trường ngoài nước, khi thị trường trong nước hoặc ngoài nước biến động lớn về giá cả,... thay vì hỗ trợ trực tiếp cho đơn vị xuất khẩu, Nhà nước hỗ trợ cho cơ sở sản xuất chế biến thịt nào tham gia thực hiện hợp đồng xuất khẩu có liên quan.
Nguồn vốn hỗ trợ trong những trường hợp tương tự như trên có thể rút ra từ quỹ khuyến nông hoặc Quỹ hỗ trợ xuất khẩu.
Ngoài ra, Nhà nước cũng cần có các chính sách trợ giá tiêu thụ cho các sản phẩm (thực phẩm) chế biến từ thịt trước hết là để tiêu dùng nội địa tạo tiền đề xuất khẩu các sản phẩm này trong tương lai.
4.2. Giải pháp thu hút đầu tư nước ngoài
Ngành chăn nuôi, chế biến thịt theo hướng kinh tế trang trại, công nghiệp hiện đại đòi hỏi vốn đầu tư tương đối lớn, thường hiệu quả không cao, chậm thu hồi vốn ; trong sản xuất kinh doanh lại hay gặp rủi ro gây tổn thất nghiêm trọng ; ta cần thu hút thêm một số nhà kinh doanh nước ngoài vì không những họ có vốn mà còn có nhiều kinh nghiêm trong tổ chức sản xuất kinh doanh ngành hàng này theo quy mô lớn, có kinh nghiệm tiếp cận và mở rộng thị trường tiêu thụ ở nước ngoài đối với loại hàng đặc thù này..., cần có chính sách khuyến khích, ưu đãi đặc biệt, chủ động tìm kiếm đối tác, nhất là trong những năm đầu phát triển.
Các dự án đầu tư nước ngoài trong lĩnh vực này (dự án liên doanh hoặc 100% vốn nước ngoài) chủ yếu là để thực hiện mục tiêu xuất khẩu nhằm khai thác khả năng về điều kiện tự nhiên và lao động có nhiều thuận lợi ở nước ta, góp phần thúc đẩy phát triển ngành chăn nuôi chế biến và xuất khẩu thịt trong những năm tới ; đồng thời trong quá trình phát triển các cơ sở chăn nuôi chế biến thịt trong nước có điều kiện trực tiếp học tập, tiếp thu được kinh nghiệm tiên tiến để đẩy mạnh phát triển ngành chăn nuôi chế biến thịt đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu.
4.3. Một số giải pháp khác
Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn cùng Bộ thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp thiết lập Hiệp hội ngành hàng, Hiệp hội chăn nuôi, xuất khẩu thông tin và hướng dẫn các doanh nghiệp thu mua nguyên liệu trong nước, chào bán ra các thị trường nước ngoài; hạn chế tình trạng tranh mua, tranh bán, ép cấp, ép giá, giảm giá bán ở thị trường nước ngoài.
Kết luận
Ban đầu, chăn nuôi và sản xuất thịt lợn ở nước ta phát triển là do tận dụng lợi thế từ ngành trồng trọt vững mạnh, lao động nông nhàn ở nông thôn, đồng thời có đầu ra chắc chắn là xuất khẩu để trả nợ cho Liên Xô cũ. Từ cơ sở đó, ngành chăn nuôi lợn đã vươn lên phát triển: sản lượng thịt lợn liên tục tăng với tốc độ 4%/năm trong các năm qua, kim ngạch xuất khẩu tăng đáng kể và thịt lợn tuy chưa phải là mặt hàng xuất khẩu chủ lực nhưng được coi là mặt hàng xuất khẩu đầy tiềm năng của nước ta. Tuy vậy, có thể nói tiềm năng của ngành vẫn chưa được khai thác hết trong thời gian qua do nhiều lý do khác nhau như: những hạn chế của công nghiệp sản xuất thức ăn gia súc, khâu giống và thú y, chế biến thịt, sự quan tâm chưa đúng mức về công tác thị trường, marketing,... Trong thời kỳ hội nhập kinh tế quốc tế như hiện nay, nhiều cơ hội thị trường lớn đã mở ra cho mặt hàng thịt lợn của Việt Nam, đòi hỏi ngành chăn nuôi lợn tận dụng lợi thế, khai thác hết tiềm năng và vươn lên phát triển thành một ngành sản xuất công nghiệp lớn, đáp ứng nhu cầu thực phẩm bổ dưỡng và chất lượng cao trong nước và quốc tế.
Thuận lợi cho ngành chăn nuôi lợn rất nhiều nhưng đồng thời thách thức cũng rất lớn. Tuy chúng ta có lợi thế từ nguồn lao động nông thôn dồi dào, nguyên liệu chế biến thức ăn gia súc sẵn có, cơ sở chế biến đã bước đầu được
đầu tư nhưng chúng ta lại gặp phải những khó khăn lớn do chưa có những chính sách phát triển sản xuất thức ăn gia súc hợp lý cũng như chưa đầu tư nhiều cho các nhà máy chế biến thực phẩm, khâu giống và thú y vẫn còn chưa hoàn thiện. Đồng thời, đối thủ cạnh tranh trên thị trường thế giới đối với mặt hàng thịt lợn Việt Nam như Trung Quốc, Braxin, Liên minh Châu Âu,... lại rất mạnh khiến cho thịt lợn Việt Nam nhiều lần rơi vào khó khăn. Đó cũng là thực trạng chung của rất nhiều sản phẩm nông nghiệp của Việt Nam cũng như nhiều nước khác khi bước đầu phát triển và hội nhập quốc tế.
Phương châm của ngành chăn nuôi lợn nước ta là phải chủ động hội nhập kinh tế khu vực và thế giới, trên cơ sở phát huy tối đa những lợi thế so sánh của đất nước, mở rộng thị trường, đa dạng hoá sản phẩm xuất khẩu, đa dạng hoá thành phần kinh tế tham gia hoạt động xuất khẩu thịt lợn trong đó kinh tế nhà nước giữ vai trò chủ đạo.
Để thực hiện được mục tiêu đề ra là xuất khẩu trên 100.000 tấn mỗi năm sau năm 2006, kim ngạch xuất khẩu đạt 100-150 triệu USD/ năm, ngành chăn nuôi lợn cần phải nỗ lực rất nhiều. Ngành cần thực hiện tốt các chính sách, giải pháp đề ra và nâng cao năng lực cạnh của các doanh nghiệp xuất khẩu thịt lợn. Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn - cơ quan chủ quản, Bộ Thương Mại, các Bộ ban ngành có liên quan cần phối hợp và tổt chức tốt các nhiệm vụ đề ra.
Chúng ta hoàn toàn có quyền nghĩ đến một triển vọng tốt đẹp cho mặt hàng thịt lợn Việt Nam. Trong tương lai không xa, Việt Nam sẽ có một ngành sản xuất thịt lợn tiên tiến, lớn mạnh về quy mô, đa dạng về sản phẩm. Ngành sản xuất thịt lợn không những đáp ứng được nhu cầu về thực phẩm chất lượng cao trong nước mà còn cạnh tranh được với nhiều nước xuất khẩu thịt chủ yếu trên thế giới, góp phần đẩy mạnh xuất khẩu, phát triển kinh tế đất nước./.
Danh mục tài liệu tham khảo
1. Giáo trình Kinh tế ngoại thương - GS.TS. Bùi Xuân Lưu, trường Đại học ngoại thương, NXB Giáo dục, 2002.
2. Giáo trình Kinh tế Nông nghiệp - Chủ biên GS.TS. Nguyễn Thế Nhã, T.S. Vũ Đình Thắng, Trường ĐHKTQD, khoa Kinh tế NN và PTNN, NXB Thống kê, 2002.
3. Kinh tế chính trị, chương trình cao cấp , tập 1,2 - Khoa Kinh tế chính trị, Học viện chính trị quốc gia, NXB Chính trị quốc gia, 1997.
4. Đề án “Xuất khẩu thịt lợn thời kỳ 2001-2010” - Bộ Thương mại, tháng 3/2001.
5. Đề án “Phát triển chăn nuôi lợn xuất khẩu thời kỳ 2001-2010”- Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tháng 4/2001.
6. Báo cáo tổng kết “Thị trường xuất khẩu lợn của Việt Nam”, Bộ NN&PTNT, tháng 9, 2000.
7. Báo cáo “Thị trường xuất khẩu thịt lợn Việt Nam và triển vọng", Bộ Nông Nghiệp và Phát triển nông thôn, tháng 9,2001.
8. “World Pork Outlook Report”, Food &Agriculture Organization of USA, 8.JUL. 2000.
9. “World Pork Outlook Report”, Bureau Statistics of Hong kong and Board Agriculture of USA, 26. JUL.2000.
10. “Dự báo thị trường một số hàng hoá xuất khẩu chủ yếu của Việt Nam thời kỳ đến năm 2010”, Bộ Thương Mại, 5/2001.
11. Tờ trình “Về các đề án đẩy mạnh xuất khẩu các mặt hàng rau hoa quả và thịt lợn thời kỳ 2001-2010”- Bộ Thương mại 30/3/2001.
12. Tóm tắt “Đề tài nghiên cứu khoa học cấp Bộ Thị trường xuất khẩu và các giải pháp cơ bản đẩy mạnh xuất khẩu một số mặt hàng rau, quả, thịt lợn và hàng thủ công mỹ nghệ của Việt Nam đến 2010” (Mã số 2001-78- 013)-Bộ Thương mại.
13. Báo cáo “Tình hình thị trường thịt lợn thế giới và định hướng xuất khẩu của Việt Nam đến 2005 và 2010”- Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam 12/2001.
14. Báo cáo Tổng kết năm 2002 và kế hoạch SXKD 2003 của Tổng Công ty chăn nuôi Việt Nam.
15. Báo cáo thực tập tốt nghiệp “ Tình hình chăn nuôi lợn ở Việt Nam và việc xuất khẩu thịt lợn sữa, lợn choai sang thị trường Hồng Kông” –sinh viên Đào Quốc Tuấn Anh 6-Tại chức 18B-Khoa KTNT-ĐHNT, 2003. 16. Tạp chí Ngoại thương21-30/4/2003;1-10/5/2003; 11-20/5/2003; 11-
20/6/2003.
17. Tạp chí thương mại số 36/2003; 40/2003.
18. Trang web báo Thời báo kinh tế Việt Nam, Đầu tư, Thương mại, Nông thôn ngày nay, Sài Gòn Giải Phóng, Doanh nghiệp.
19. Trang web của Tổng Cục thú y Việt Nam, FAO, Bộ Nông nghiệp Mỹ (USDA), Vissan, Fexim.
20. www.thepigsite.com.
21. www.vnexpress.com.