Dự báo xu hướng về gạo của thị trường Đông Á đến năm 2010

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường đông á của công ty VIHAFOODCO (Trang 43 - 45)

Nhìn lại xuất khẩu gạo Việt Nam thì năm 2007 là một năm thành công rực rỡ của ngành sản xuất và xuất khẩu lúa gạo, bởi giá liên tục tăng. Chỉ trong vòng một năm qua, giá tăng khoảng 50-85 USD/tấn. Trong hai năm qua, giá gạo toàn cầu đã tăng gấp đôi, hiện đạt mức cao nhất của 10 năm. Năm 2007, các nước xuất khẩu gạo chủ chốt nhìn chung đều đối mặt với sự hạn hẹp về nguồn cung. Ước tính mậu dịch gạo thế giới năm 2007 đạt mức cao kỷ lục, 30,2 triệu tấn, tăng 3,4% (1 triệu tấn) so với năm 2006. Nhu cầu nhập khẩu tăng mạnh được coi là động lực chính dẫn đến sự gia tăng khối lượng mậu dịch gạo của thế giới trong năm 2007. Thị trường châu Á chiếm phần lớn sự gia tăng khối lượng nhập khẩu gạo toàn cầu năm 2007.

Về triển vọng xuất khẩu gạo, Uỷ ban Ngũ cốc Quốc tế (IGC) cho rằng tình trạng thắt chặt nguồn cung trên thị trường gạo sẽ còn tiếp diễn trong những năm tiếp theo. Dự báo nhu cầu gạo thế giới năm 2008 sẽ là 245 triệu tấn, nhưng sản lượng sẽ chỉ đạt 240 triệu tấn. Do vậy, thế giới sẽ vẫn thiếu 5 triệu tấn gạo, và giá sẽ tiếp tục ở mức cao, thậm chí tăng. IGC dự báo mậu dịch gạo toàn cầu sẽ chỉ tăng 1% trong năm 2008, lên 29,6 triệu tấn, so với 29,3 triệu tấn năm 2007, bởi những chính sách hạn chế xuất khẩu của Ấn Độ và Vịêt nam – hai trong số những nước xuất khẩu gạo hàng đầu thế giới.

Dự báo nhu cầu mạnh có thể đẩy giá tăng hơn nữa vào đầu năm 2008. Giá gạo xuất khẩu của Việt nam cũng được dự báo là sẽ tăng lên mức cao mới vào đầu năm 2008 khi các nhà xuất khẩu được phép nối lại hoạt động xuất khẩu trong bối cảnh chi phí sản xuất tăng lên và nguồn cung được dự báo là sẽ không được dư dả. Sản lượng thóc của Việt Nam được dự báo là vẫn ổn định, nhưng chính phủ có thể tăng lượng dự trữ lương thực trong nước phòng khi cần cứu trợ khẩn cấp, trong trường hợp xảy ra thiên tai như bão hay lũ lụt.

Trong các nước Đông Á thì Philippine, một trong những nước nhập khẩu gạo lớn nhất châu Á, đã nhập khẩu 1,87 triệu tấn gạo năm 2007, chủ yếu từ Việt Nam. Dự báo nước này sẽ tiếp tục tăng lượng gạo nhập khẩu từ giờ cho đến năm 2010 do khả năng đất nước này sẽ thiếu hụt gạo để phục vụ tiêu dùng nội địa là khá cao. Có thể nói hoạt động thu mua gạo sẽ được quốc gia này tích cực triển khai trong những năm tới.

Indonesia cũng là một nước trong khu vực Đông Á có nhu cầu nhập khẩu gạo rất cao tuy nhiên dự báo nhập khẩu gạo vào thị trường Indonesia sẽ có xu hướng giảm do dự trũ gạo của quốc gia này và sản lượng thóc có chiều hướng tăng trong những năm tới.

Dự báo nhập khẩu gạo vào Trung Quốc cũng sẽ tăng lên do chất lượng gạo xuất khẩu của Việt Nam đang được cải thiện rõ rệt và đang dần được quốc gia này thừa nhận. Mặt hàng gạo thơm được dự báo sẽ là mặt hàng chủ yếu được Trung Quốc nhập khẩu từ giờ cho đến năm 2010.

Các nước Đông Á khác như Malaysia, Nhật Bản, Hàn Quốc cũng được dự báo là sẽ tăng sản lượng gạo nhập khẩu do chiều hướng khan hiếm lương thực, cung không đủ cầu sẽ có xu hướng tiếp diễn trong những năm tiếp theo. Nhật Bản được dự đoán là sẽ có xu hướng cởi mở hơn với việc nhập khẩu gạo nhưng theo tiêu chí của Nhật Bản thì chất lượng gạo nhập khẩu vẫn luôn phải được đảm bảo. Gạo thơm và gạo đặc sản của Việt Nam dự báo sẽ là 2 mặt hàng gạo được tiêu thụ nhiều nhất ở quốc gia này.

Một phần của tài liệu Đẩy mạnh xuất khẩu gạo sang thị trường đông á của công ty VIHAFOODCO (Trang 43 - 45)