b. Cơ chế lâu dà
4.4.1. Sự di nhập của trung mô sơ cấp
Ngay sau khi phôi nang chui ra khỏi màng thụ tinh, phía cực thực vật bắt đầu dầy lên và dẹt. Tại trung tâm vùng này, một đám tế bào nhỏ bắt đầu biến đổi thành dạng amip và tạo ra các giả túc dạng sợi từ bề mặt bên trong của chúng. Sau đó các tế bào này tách ra khỏi lớp biểu mô và di nhập vào xoang phôi. Những tế bào này có nguồn gốc từ các tiểu phôi bào và được gọi là trung mô sơ cấp (primary mesenchyme). Chúng sẽ tạo thành bộ xương của ấu trùng vì vậy đôi khi chúng còn được gọi là trung mô tạo xương (skeletogenic mesenchyme). Lúc đầu các tế bào di chuyển ngẫu nhiên dọc theo bề mặt xoang phôi. Về sau chúng định vị bên trong vùng bên bụng tương lai của xoang phôi. Tại đây chúng hợp nhất thành các dây hợp bào (syncytial cable), từ đó tạo thành trục của bộ xương ấu trùng
Sự di nhập của các tế bào bắt nguồn từ tiểu phôi bào là do những tế bào này mất đi ái lực của chúng với các tế bào chung quanh và với màng hyaline, đồng thời chúng lại có ái lực rất mạnh với một nhóm protein lót trong xoang phôi. Sự thay đổi trong ái lực này làm cho các tiểu phôi bào tách ra khỏi màng hyaline và các tế bào xung quanh, di cư vào xoang phôi (Hình 20).
Chung quanh các tế bào trung mô sơ cấp, nồng độ của các chất ngoại bào rất cao. Khi đã ở bên trong xoang phôi, các tế bào trung mô sơ cấp tiếp tục di chuyển dọc theo lớp dịch ngoại bào của thành xoang phôi nhờ các giả túc. Các tế bào này tự sắp xếp thành một vòng tại một vị trí xác định dọc theo trục động - thực vật. Ở hai vị trí gần phía bụng tương lai của ấu trùng, một số tế bào hợp nhất lại và tạo thành các gai xương.