Những mặt tồn tại và nguyên nhân

Một phần của tài liệu Tài liệu Đề tài "Một số giải pháp phát triển hoạt động gia công may mặc xuất khẩu ở Xí nghiệp may xuất khẩu Lạc Trung" docx (Trang 32 - 36)

Cho đến nay phương thức xuất khẩu của Xí nghiệp vẫn chủ yếu là theo phương thức xuất khẩu uỷ thác và gia công. Sản phẩm của Xí nghiệp mới chỉ dừng lại ở các mặt hàng thông thường do bên đối tác đưa mẫu như quần âu và áo Jacket, chưa xuất khẩu được các mặt hàng cao cấp hoặc các mặt hàng thiết kế và sản xuất theo mẫu riêng. Xí nghiệp chỉ thực hiện quá trình gia công sản phẩm từ các nguyên phụ liệu mà khách hàng gửi tới và hưởng chi phí gia công nên hiệu quả kinh tế thấp.

Thị trường sản phẩm may là thị trường cạnh tranh hoàn hảo, do đó Xí nghiệp may xuất khẩu Lạc Trung phải cạnh tranh với rất nhiều các doanh nghiệp khác trên thị trường. Vì vậy vần đề thị trường tiêu thụ sản phẩm là một vấn đề nan giải trong khi xí nghiệp vẫn chưa đầu tư đúng mức vào công tác này.

Tình trạng đổi mới trang thiết bị, công nghệ của xí nghiệp hiện nay còn chậm chạp so với yêu cầu thị trường. Mặt khác, quy mô sản xuất và trình độ quản lý không phù hợp nên tiềm năng chưa được khai thác đúng mức. Trình độ công nhân lao động trong ngành chưa thực sự cao, số lượng lao động có tay nghề còn hạn chế, đặc biệt thiếu hẳn đội ngũ thiết kế sản phẩm.

Về vấn đề giao hàng, Xí nghiệp sản xuất, gia công hàng may mặc cho các đối tác nước ngoài nên việc lựa chọn phương thức vận tải, phương thức thanh toán thường bị phụ thuộc vào phía đối tác. Xí nghiệp mới chỉ thực hiện ở dạng FOB chưa có những mặt hàng ở dạng CIF nên giá cả giao nhận thấp.

Sở dĩ còn những tồn tại trên là do nhiều nguyên nhân khác nhau:

Xét về phía bên ngoài, ta có thể thấy được hệ thống pháp luật nước ta chưa hoàn chỉnh, thủ tục hành chính rườm rà. Đặc biệt là sự cạnh tranh gay gắt, đôi khi còn là tình trạng tranh giành nhau trong từng hợp đồng, nên thường bị phía nước ngoài lợi dụng thời cơ ép giá, gây nên tính yếu kém trong hiệu quả kinh doanh. Sức cạnh tranh trên thị trường quốc tế của Xí nghiệp bị

giảm sút do thị trường gia công hàng may mặc của Trung Quốc phát triển mạnh với chi phí thấp nên có nhiều khách hàng đã chuyển hướng đầu tư sang Trung Quốc. Ngoài ra, trong nước cũng có nhiều đơn vị kinh tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu may mặc và điều kiện về lao động, về kỹ thuật, máy móc thiết bị tốt hơn của xí nghiệp, chi phí sản xuất – kinh doanh thấp nên khả năng cạnh tranh của họ cao hơn.

Xét về những nguyên nhân bên trong ta có thể kể đến những yếu tố khác:

- Máy móc thiết bị cũ, lạc hậu và một số đã hết khấu hao đã làm cho chất lượng sản phẩm kém, không đáp ứng yêu cầu của khách hàng.

- Khả năng thiết kế sản phẩm may mặc của Xí nghiệp chưa cao, nên kiểu dáng và chủng loại hàng hoá còn đơn điệu.

- Về công tác thị trường, Xí nghiệp chưa quan tâm đến việc đề ra các chiến lược marketing hợp lý cho từng thị trường cụ thể. Xí nghiệp chưa xây dựng được các chi nhánh, các văn phòng đại diện ở nước ngoài để tiến hành nghiên cứu về thị hiếu tiêu dùng ở từng quốc gia cụ thể. Vì vậy Xí nghiệp luôn luôn bị mất các hợp đồng có giá trị lớn.

- Nguồn nguyên liệu sản xuất hàng gia công cũng là một nhân tố đáng xét đến. Hiện nay nguồn nguyên liệu trong nước chưa phong phú, chất lượng chưa cao, số lượng còn hạn chế. Sự phối hợp giữa ngành may và ngành dệt chưa phù hợp với yêu cầu của sản xuất may mặc. Khả năng tích luỹ vốn của Xí nghiệp chưa cao, hơn nữa Xí nghiệp chỉ sử dụng hình thức gia công và uỷ thác là chính, nên chỉ nhận được tỷ lệ hoa hồng và chi phí gia công thấp.

Những lý do trên làm cho hoạt động gia công may mặc xuất khẩu của Xí nghiệp vẫn còn tồn tại những hạn chế nhất định. Việc nghiên cứu những hạn chế này và tìm ra nguyên nhân là cơ sở để đề ra những biện pháp phát triển thích hợp cho giai đoạn tới.

CHƯƠNG 3

Một phần của tài liệu Tài liệu Đề tài "Một số giải pháp phát triển hoạt động gia công may mặc xuất khẩu ở Xí nghiệp may xuất khẩu Lạc Trung" docx (Trang 32 - 36)