chỗ dựa tin cậy của cử tri
NGUYỄN KHẮC BỘ
uy chế hoạt động của Quốc hội cũng như Hội đồng nhân dân quy định rất rõ về hoạt động tiếp xúc cử tri và tiếp công dân của đại biểu dân cử. Đây là cơ sở pháp lý để đại biểu dân cử thực hiện quyền và nhiệm vụ của mình. Căn cứ những quy định này, ngoài việc tiếp công dân tại cơ quan, đơn vị, đại biểu dân cử có thể tiếp công dân tại đơn vị ứng cử.
Q
Thực hiện quy định tiếp công dân tại nơi ứng cử, các đại biểu dân cử đã góp phần không nhỏ vào việc ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội ở địa phương. Số đơn thư khiếu nại, tố cáo từ cơ sở giảm dần do công dân được giải tỏa khúc mắc khi tiếp xúc với đại biểu dân cử và đại diện các cơ quan hữu quan. Chất lượng giải quyết đơn khiếu nại của cơ sở ngày càng nâng lên, tạo niềm tin của nhân dân đối với đại biểu dân cử và chính quyền địa phương. Nhờ hoạt động tiếp công dân, mối quan hệ giữa cử tri với đại biểu dân cử tại đơn vị ứng cử được duy trì thường xuyên, giúp đại biểu dân cử nắm tình hình phát triển kinh tế - xã hội, những bức xúc trong nhân dân địa phương nơi ứng cử để kịp thời có ý kiến với chính quyền tìm cách tháo gỡ, khắc phục những hạn chế…
Tuy nhiên, thực tế hiện nay nhiều cử tri chưa thật sự tin tưởng đại biểu dân cử, nhất là đại biểu dân cử ở cơ sở. Do đó, khi có những khó khăn, khúc mắc cử tri ít đến gặp đại biểu dân cử để giãi bày, kiến nghị mà thường xin gặp đại diện chính quyền để kiến nghị. Đặc biệt, đơn thư khiếu nại, tố cáo thường gửi đến các “chức sắc” ở địa phương hoặc gửi vượt cấp. Nguyên nhân có nhiều, song cái chính là đại biểu dân cử chưa thực sự là chỗ dựa tin cậy của họ. Hầu hết các đại biểu dân cử là kiêm nhiệm, đại diện các ngành, nghề khác nhau, không am hiểu toàn diện mọi lĩnh vực; vì vậy, tiếp công dân thấy khó khăn, kết quả còn hạn chế. Trong khi đó, việc giải quyết đơn thư khiếu nại, tố cáo của các ngành chức năng, các cấp chính quyền chưa kịp thời, nhiều vụ việc còn để kéo dài nên người dân thiếu niềm tin vào đại biểu dân cử, chính quyền và không mặn mà với các buổi tiếp dân của các đại biểu dân cử. Mặt khác, từ trước đến nay, chưa có một chương trình tập huấn chuyên đề nào dành riêng cho đại biểu dân cử về kỹ năng tiếp công dân, phương pháp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo
của công dân, cho nên phần đông số đại biểu dân cử chỉ quen nhận và chuyển đơn là xong nhiệm vụ.
Để công tác tiếp dân của đại biểu dân cử thu được kết quả cao, tạo sự gần gũi giữa đại biểu dân cử với cử tri và đại biểu dân cử thực sự là chỗ dựa tin cậy của cử tri, thiết nghĩ, thường trực của cơ quan dân cử cần tổ chức các lớp tập huấn, bồi dưỡng kiến thức pháp luật và kỹ năng hoạt động cho đại biểu dân cử, đặc biệt là hướng dẫn về phương pháp xử lý đơn thư khiếu nại, tố cáo của công dân; cung cấp cho đại biểu dân cử những văn bản quy phạm pháp luật có liên quan. Các đại biểu dân cử cũng cần nêu cao ý thức trách nhiệm là người đại biểu của nhân dân mà dành đủ thời gian hoạt động đại biểu theo luật định; luôn nâng cao trình độ, năng lực chuyên môn và nắm vững nội dung các luật, đặc biệt là Luật Khiếu nại, tố cáo để có thể giải thích, hướng dẫn cho công dân, đôn đốc, giám sát các ngành chức năng giải quyết khiếu nại, tố cáo của công dân. Thông thường, công dân chỉ tìm đến đại biểu dân cử khi thấy có thể tin cậy. Do đó, việc trau dồi kiến thức, nắm bắt thông tin, đặc biệt là đôn đốc các cơ quan chức năng giải quyết kịp thời kiến nghị của công dân chính là điều kiện để công tác tiếp dân của đại biểu dân cử thực sự hiệu quả./.