Ở những người dễ bị ung thư vú do mang gene đột biến, việc tăng cường vận động cơ thể và kiểm soát tốt cân nặng lúc trẻ có thể làm cho bệnh đến muộn hơn. Đây là phát hiện mới nhất của Hiệp hội nghiên cứu Ung thư vú New York, Mỹ.
Trưởng nhóm nghiên cứu Mary-Claire King cho biết, những phụ nữ mang một trong hai gene BRCA1 hoặc BRCA2 đột biến có 80% nguy cơ phát triển ung thư vú. Những biến đổi của 2 gene này làm suy giảm khả năng tự sữa chữa tế bào của cơ thể. Ngoài ra, họ có thể bị căn bệnh ung thư buồng trứng đe dọa.
Tuy nhiên, giáo sư King nhấn mạnh: "việc tăng cường luyện tập cơ thể và kiểm soát cân nặng hợp lý trong thời kỳ thanh thiếu niên có thể trì hoãn được thời điểm khởi phát bệnh”.
Bà cùng cộng sự đã tiến hành một nghiên cứu được xem là quy mô nhất từ trước tới nay trong lĩnh vực ung thư vú - tìm hiểu cấu trúc gene của hơn 2.000 phụ nữ đến từ những gia đình có ít nhất 1 người mắc bệnh.
Kết quả cho thấy, những người chăm chỉ vận động cơ thể khi còn trẻ thường mắc bệnh muộn hơn người không tập luyện. Và những người không bị béo phì, giữ cân nặng phù hợp với giai đoạn tuổi này cũng nhận được kết quả tương tự.
Ngoài ra, nhóm chuyên gia còn nhận thấy, những người mang gene đột biến và sinh trước năm 1940 có 24% nguy cơ phát triển bệnh ở tuổi 50. Trong khi nguy cơ ở nhóm mang gene tương tự nhưng sinh sau năm 1940 cao hơn nhiều, tới 67%. Điều này chứng tỏ yếu tố môi trường đóng vai trò quan trọng trong việc quyết định thời điểm mắc bệnh. Nghiên cứu cũng phủ nhận luận điểm trước đây, rằng phụ nữ chỉ "thừa hưởng" nguy cơ từ mẹ. "Điều này là hoàn toàn sai lầm vì nó còn liên quan đến bệnh sử của người cha và gia đình họ nội", King nói.
Mỹ Linh (theo BBC)