nhỏ và vừa.
Trong thời kỳ hội nhập và phát triển hiện nay, vốn là một vấn đề then chốt giúp các doanh nghiệp phát triển. Không có vốn các doanh nghiệp không thể đổi mới công nghệ, nâng cao chất lượng lao động để từ đó nâng cao sức cạnh tranh của mình trên thị trường. Đặc biệt, trong thời kỳ kinh tế khó khăn như hiện nay, bài toán vốn cho sản xuất kinh doanh của các DNNVV lại càng khó khăn. Vấn đề mấu chốt ở đây đó là làm sao để các doanh nghiệp có thể dễ dàng tiếp cận các nguồn vốn vay, giảm bớt thời gian vay vốn để có thể mau chóng đưa vốn vào sản xuất.
3.2.2.1 Đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Các DNNVV phải xây dựng phương án sản xuất kinh doanh mang tính khả thi cao làm cơ sở vay vốn, do đó các DNNVV cần phải chú ý nguyên tắc 5C sau đây:
5C – Character, Capacity, Capital, Collateral, Conditions.
- Tính cách (Character): đó là các vấn đề như động cơ huy động vốn, lịch sử tín dụng và thành tích kinh doanh trong các năm trước khi huy động vốn là tốt.
- Khả năng trả nợ (Capacity): hay phương án kinh doanh khả thi. Phương án đầu tư được đề xuất có doanh thu lớn hơn chi phí, có lãi và có khả năng trả nợ. Như vậy, muốn huy động được vốn, bản thân các doanh nghiệp cần phải
có các phương án đầu tư khả thi – là các phương án có khả năng thực hiện và thực hiện có hiệu quả.
- Tỷ lệ vốn tự có trong tổng vốn đầu tư (Capital): tỷ lệ này từ 50% trở lên thì các doanh nghiệp rất dễ dàng huy động vốn. Với những phương án đầu tư có triển vọng thì tỷ lệ này có thể ít hơn.
- Thế chấp (Collateral): Thông thường để huy động một đồng vốn thì doanh nghiệp phải thế chấp một đồng vốn. Tuy nhiên, để đảm bảo an toàn tín dụng, các ngân hàng thường chỉ cho vay từ 70% -80% giá trị tài sản thế chấp. Đây được coi là một cản trở cho đầu tư của doanh nghiệp. Nó làm hạn chế năng lực tài chính của doanh nghiệp khiến các doanh nghiệp không thể thực hiện được các dự án có quy mô tối ưu.
- Các điều kiện kinh tế, xã hội, môi trường cho việc huy động vốn (Conditions): đó là các điều kiện về thị trường, pháp lý, ngành, vùng, trong nước và quốc tế… càng thuận lợi thì việc huy động vốn càng dễ dàng.
3.2.2.2 Đối với các ngân hàng
Cơ chế thế chấp, tín chấp cần có sự đổi mới, chỉnh sửa pháp lệnh về đăng ký giao dịch đảm bảo. Ngân hàng có thể áp dụng hình thức đảm bảo bằng các khoản phải thu của doanh nghiệp chỉ cần doanh nghiệp cam kết thu tiền hàng qua hình thức chuyển khoản vào tài khoản của doanh nghiệp mở tại ngân hàng. Ngân hàng có thể thu nợ bằng cách trích trừ vào tại khoản của doanh nghiệp.
Một số doanh nghiệp do thiếu thông tin nên chưa am hiểu các điều kiện và thủ tục vay của ngân hàng. Vì vậy, các ngân hàng phải mở rộng thông tin, hướng dẫn thủ tục cho doanh nghiệp trên các phương tiện truyền thông hoặc qua các cuộc hội thảo,…
Trợ giúp các doanh nghiệp trong khâu lập dự án kinh doanh: Các ngân hàng có thể trực tiếp gửi cán bộ tín dụng xuống trợ giúp các doanh nghiệp trong quá trình lập dự án kinh doanh.
Nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm dịch vụ cho vay ưu đãi hơn đối với các DNNVV.
3.2.3 Đổi mới các chính sách về đất đai và mặt bằng kinh doanh cho doanh nghiệp.
Yêu cầu đổi mới chính sách đất đai đối với DNNVV nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp hoạt động kinh doanh, đồng thời phải thúc đẩy quá trình vận động và sinh lời của đất đai, mặt khác phải đảm bảo giữ gìn kỷ cương, pháp luật. Để hỗ trợ các DNNVV, việc hoàn thiện chính sách đất đai phải thực hiện một số vấn đề sau:
- Nhà nước đứng ra thiết lập một thị trường bất động sản (trong đó có chuyển nhượng quyền sử dụng đất đai). Cho phép các đối tượng sử dụng đất đai được chủ động sử dụng theo cơ chế thị trường và pháp luật quy định. Thiết lập một khung giá đất chung phù hợp với cơ chế thị trường.
- Ban hành các văn bản dưới luật không được gây sự khó hiểu, không chồng chéo và mâu thuẫn nhau.
- Thúc đẩy cải cách thủ tục, rút ngắn thời gian cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâu dài cho doanh nghiệp.
- Xúc tiến xây dựng các quy hoạch tổng thể phát triển từng địa phương để từ đó có căn cứ cho các DNNVV đầu tư phát triển.
3.2.4 Cải cách hệ thống thuế hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa trong sản xuất kinh doanh.
Thuế là nghĩa vụ và quyền lợi của các DNNVV, một hệ thống thuế đầy đủ và hoàn chỉnh sẽ giúp các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ của mình một cách tự giác, nghiêm túc hơn, kích thích các doanh nghiệp phát triển. Do đó, hệ thống thuế cần hướng tới:
Xây dựng hệ thống thuế hoàn chỉnh phù hợp với các cam kết hội nhập trong khu vực và trên thế giới. Trong những năm qua, Việt Nam đã tiến hành hội nhập với thế giới và khu vực một cách sâu rộng kèm theo đó là hàng loạt những quy định về mở cửa thị trường, giảm thuế đối với các mặt hàng khác nhau. Một chính sách thuế phù hợp với những cam kết hội nhập sẽ giúp DNNVV thuận lợi hơn trong quá trình kinh doanh trên thị trường nước ngoài, hạn chế được sự kiện tụng, tranh chấp có thể gây bất lợi cho các DNNVV.
Đảm bảo việc xây dựng các chính sách thuế phải thực tiễn, đảm bảo tính khả thi, đặc biệt phải phù hợp với đối tượng nộp thuế.
Thuế phải đơn giản, rõ ràng, dễ hiểu, dễ thi hành. Cần giảm thiểu tính phức tạp của hệ thống chính sách thuế, đảm bảo cho người thu thuế và người nộp thuế đều hiểu các quy định một cách cụ thể, chính xác, thống nhất.
Đảm bảo công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế. Tính công bằng thể hiện ở mức huy động thuế phải phù hợp với khả năng đóng góp của đối tượng nộp thuế. Không phân biệt đối xử, nhưng không có nghĩa là mọi doanh nghiệp đều phải ngang nhau mà phải có phương thức hợp lý, để các doanh nghiệp tự nguyện nộp thuế.
Giảm bớt số lượng các loại thuế không phù hợp gây khó dễ cho doanh nghiệp.
Xây dựng một chính sách thuế ưu đãi hơn đối với các DNNVV, và phải đặt trong hệ thống chính sách hỗ trợ các DNNVV.
3.2.5 Xúc tiến thương mại hỗ trợ các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Một khó khăn của các DNNVV trong kinh doanh đó là thiếu thông tin về thị trường, đặc biệt là các thị trường tiềm năng mà doanh nghiệp có thể hướng đến. Ngoài ra, việc quảng bá sản phẩm của các DNNVV là hạn chế bởi nguồn lực không đủ. Do đó, xúc tiến thương mại cho các DNNVV cần tập trung một số điểm như sau:
Tổ chức giới thiệu sản phẩm hàng hóa của DNNVV thông qua triển lãm trong và ngoài nước, nhất là các thị trường còn tiềm ẩn, chưa có cơ hội làm ăn. Hỗ trợ tư vấn thông tin về các thị trường nước ngoài cho các DNNVV. Tổ chức các cuộc hội thảo trao đổi kinh nghiệm giữa các doanh nghiệp với nhau trong việc tìm kiếm và tiếp cận các thị trường khác nhau.
Đào tạo bồi dưỡng kỹ năng hội nhập thị trường trong và ngoài nước để các doanh nghiệp nhanh chóng thích ứng với điều kiện hội nhập.
Cung cấp các ấn phẩm cần thiết về thị trường và hội nhập cho lãnh đạo các doanh nghiệp.
3.2.6 Hỗ trợ các doanh nghiệp đào tạo lao động kỹ thuật, lãnh đạo.
Do hạn chế về quy mô cũng như nguồn vốn, các DNNVV rất khan hiếm lao động có trình độ để có thể nâng cao năng suất, tăng khả năng cạnh tranh với các doanh nghiệp khác cùng ngành và các doanh nghiệp nước ngoài. Hỗ trợ DNNVV trong đào tạo lao động kỹ thuật cần thực hiện một số điểm sau:
Nhà nước cân tăng cường hơn nữa nguồn vốn đầu tư cho việc đào tạo lao động cho doanh nghiệp, nhất là lao động kỹ thuật có trình độ cao. Đánh giá chương trình hỗ trợ đào tạo lao động cho các DNNVV giai đoạn 2004 – 2008
để từ đó tiếp tục xây dựng chương trình hỗ trợ đào tạo giai đoạn tiếp, trong đó nhấn mạnh việc thay đổi giáo trình, phương pháp dạy và các thiết bị phục vụ cho việc dạy học phù hợp với điều kiện hiện nay.
Cần sự phối hợp giữa các ngành, các cấp để xây dựng mối liên kết chặt chẽ giữa các trường dạy nghề, các trường đại học với doanh nghiệp. Mục đích chính là đào tạo các sinh viên thuần thục các kỹ năng cần thiết để có thể làm việc, giảm bớt thời gian đào tạo lại gây lãng phí về nguồn lực.
Mở rộng các khóa đào tạo ngắn hạn kỹ năng quản lý cho người lãnh đạo các DNNVV.
3.2.7 Tăng cường mối liên kết giữa các doanh nghiệp nhỏ và vừa với các doanh nghiệp lớn.
Mối liên kết giữa các DNNVV với các doanh nghiệp lớn của Việt Nam đã được hình thành song còn lỏng lẻo thiếu sự phối hợp chặt chẽ giữa hai bên. Theo đó, tăng cường mỗi liên kết giữa các DNNVV với các doanh nghiệp lớn cần thực hiện như sau:
Quy định trách nhiệm của các doanh nghiệp lớn phải trợ giúp các DNNVV trong một ngành về công nghệ, quản lý, phối hợp với DNNVV để hình thành nên đầu mối cung cấp các sản phẩm phụ trợ cho doanh nghiệp lớn.
Thiết lập các cuộc hội thảo có sự tham gia của doanh nghiệp lớn và DNNVV để xây dựng mối liên kết giữa các doanh nghiệp cùng ngành và giữa các ngành với nhau.
3.2.8 Phát triển các Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho doanh nghiệp nhỏ và vừa.
Quỹ Bảo lãnh tín dụng cho các DNNVV là hết sức cần thiết xong thực trạng hoạt động hiện nay của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng là không hiệu quả, cần có sự đổi mới theo hướng sau;
Rà soát lại hoạt động của các Quỹ Bảo lãnh tín dụng hiện có, thực hiện đánh giá và cơ cấu lại các Quỹ hoạt động không hiệu quả.
Trợ giúp các Quỹ Bảo lãnh tín dụng về nguồn nhân lực để hoạt động có hiệu quả hơn.
Phát triển các Quỹ tín dụng tại các địa phương có sự tham gia góp vốn của các doanh nghiêp trong địa bàn.
Thường xuyên thanh tra, kiểm tra hoạt động của Quỹ để đảm bảo thực hiện tốt mục tiêu đặt ra của Quỹ, giao công tác thanh tra cho địa phương phối hợp cùng với doanh nghiệp
KẾT LUẬN
Cùng với sự phát triển của nền kinh tế cả nước nói chung, các DNNVV đã không ngừng lớn mạnh và trở thành một thành phần kinh tế quan trọng trong chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam. Với số lượng đông đảo, chiếm đa số trong tổng số các doanh nghiệp đang hoạt động trong cả nước các DNNVV đã và đang đóng góp tích cực vào tăng trưởng và phát triển của đất nước. Sự phát triển mạnh mẽ của các DNNVV trong thời gian quan không những mang lại nguồn thu lớn cho ngân sách quốc gia mà còn giải quyết được các vấn đề xã hội, xóa đói giảm nghèo, thúc đẩy nhanh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng công nghiệp hóa – hiện đại hóa.
Tuy nhiên, trong quá trình hoạt động, các DNNVV đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức, nhất là trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế trên toàn thế giới hiện nay. Nhận thức được tầm quan trọng của các DNNVV, Đảng và Chính phủ đã có những chính sách hỗ trợ các DNNVV phát triển trong thời gian qua. Đứng trước bối cảnh hội nhập và phát triển, sự khó khăn trong sản xuất – kinh doanh của các DNNVV do chịu tác động của khủng hoảng kinh tế đòi hỏi phải có chính sách mới hỗ trợ các DNNVV vượt qua được khó khăn trước mắt, tiếp tục phát triển.
Bằng những kiến thức đã học tại khoa Kế hoạch và Phát triển, cùng thười gian thực tập thực tế tại Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư và sự hướng dẫn nhiệt tình của thầy giáo – TS. Nguyễn Ngọc Sơn và sự chỉ bảo của cán bộ hướng dẫn – KS. Vũ Xuân Thuyên (Chuyên viên cao cấp, Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư) em đã hoàn thành chuyên đề tốt nghiệp với đề tài: “Giải pháp hỗ trợ phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa ở Việt Nam, định hướng 2015”. Chuyên đề đã hệ thống những vấn đề lý luận chung về DNNVV và hỗ trợ phát triển DNNVV, phân tích thực trạng phát triển
DNNVV ở Việt Nam trong thời gian qua và đề xuất một số giải pháp, kiến nghị để trợ giúp phát triển DNNVV. Tuy nhiên, do thời gian cuãgn như năng lực còn hạn chế nên chuyên đề này chắc chắn không tránh khỏi một số thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô, chú Vũ Xuân Thuyên cũng như toàn thể các bạn để chuyên đề này được hoàn thiện hơn.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Báo cáo thường niên doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam 2008 của Cục Phát triển Doanh nghiệp – Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
2. Kế hoạch phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa 5 năm (2006 – 2010) của Bộ Kế hoạch và Đầu tư.
3. Bài viết “Khuyến khích phát triển khu vực kinh tế tư nhân Việt Nam nhìn từ góc độ hiệu của chính sách” của PGS.TS. Nguyễn Đình Tài – Viện Nghiên cứu Quản lý Kinh tế Trung ương.
4. Nghị định 90/2001/NĐ-CP ngày 23 tháng 11 năm 2001 về trợ giúp phát triển các doanh nghiệp nhỏ và vừa.
5. Luật Doanh nghiệp 2005
6. Luật sửa đổi đất đai Việt Nam 2004.
7. Website: www.mpi.gov.vn, www.business.gov.vn, …