Khi nhiệt độ và áp suất khí nạp thay đổi sẽ ảnh hưởng tới khối lượng không khí nạp vào cũng như hàm lượng oxy trong không khí:
+ Thể tích và nồng độ oxy trong không khí thay đổi theo nhiệt độ. Nếu nhiệt độ không khí càng cao, hàm lượng oxy trong không khí thấp và ngược lại, khi nhiệt độ không khí thấp, hàm lượng oxy trong không khí càng tăng.
+ Mật độ oxy trong không khí cũng thay đổi theo áp suất khí quyển. Càng lên cao, áp suất khí quyển càng thấp, mật độ oxy trong không khí cũng sẽ giảm.
Vì vậy, để đảm bảo được tỷ lệ không khí-nhiên liệu thích hợp mà không bị ảnh hưởng bởi môi trường thì ở hệ thống phun xăng điện tử, người ta phải tiến hành hiệu chỉnh lượng phun theo nhiệt độ và áp suất khí nạp.
Như vậy, sự thay đổi của nhiệt độ và áp suất khí nạp sẽ làm thay đổi lượng phun và thời gian mở kim phun.
Khi nhiệt độ khí nạp tăng lên, hệ thống sẽ hiệu chỉnh làm giảm lượng phun nhiên liệu vào và làm tăng lượng phun khi nhiệt độ khí nạp thấp hơn. Hiệu chỉnh này làm tăng hay giảm lượng phun tối đa là 10% (đối với loại sử dụng cảm biến lưu lượng khí nạp kiểu xoáy quang học Karman là 20%). Tuy nhiên, hiệu chỉnh này là không cần thiết với hệ thống phun xăng sử dụng cảm biến lưu lượng khí nạp kiểu dây nhiệt.
Hình 3.6: Ảnh hưởng của áp suất khí nạp tới lượng phun.
Ngược lại, khi áp suất khí nạp tăng, hệ thống sẽ hiệu chỉnh làm tăng lượng phun và làm giảm lượng phun khi áp suất giảm. Hiệu chỉnh này dựa trên tín hiệu từ cảm biến bù độ cao và cảm biến lưu lượng khí nạp. Hiệu chỉnh này làm giảm 10% lượng nhiên liệu phun vào ở độ cao 1000 mét so với mực nước biển. Tuy nhiên, hiệu chỉnh này chỉ cần thiết với hệ thống phun xăng loại L- Jetronic với cảm biến lưu lượng khí nạp kiểu xoáy quang học Karman.