Để phát triển KTNN làm cho nó trở nên vững mạnh không còn cách nào hơn là phải sắp xếp, đổi mới phát triển DNNN. Tiến trình cải DNNN đã được thực hiện hơn 10 năm qua song vẫn còn rất chậm. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là chưa có sự nhận thức sâu sắc của không ít cán bộ quản lý Nhà nước, quản lý doanh nghiệp và người lao động về các chủ trương, chính sách đổi mới DNNN; chưa có sự thống nhất trong nhận thức, nhiều vấn đề gây chưa được thực tiễn tổng kết chứng minh. Vì vậy bài viết xin đưa ra một số ý kiến về mặt lý luận nhằm làm sáng tỏ, giải thích rõ hơn về những chủ trương chính sách của Đảng.
Thông qua các nghị quyết của Đảng và chính phủ có thể tóm gọn chủ trương sắp xếp cải cách DNNN thành những điểm cơ bản sau: Nhà nước giảm sự quản lý hành chính với các DNNN, thu gọn đầu mối quản lý, chỉ nắm giữ những ngành những lĩnh vực then chốt bằng việc thành lập và tập trung nguồn lực vàp các tổng công ty nhà nước, cổ phần hoá một bộ phận DNNN mà Nhà nước không cần nắm giữ 100% vốn, giao, bán, khoán kinh doanh và cho thuê những DNNN có quy mô nhỏ, thua lỗ kéo dài, sáp nhập, giải thể, cho phá sản những doanh nghiệp làm ăn thua lỗ kéo dài mà Nhà nước không cần nắm giữ.
Những chủ trương này là hoàn toàn đúng đắn, chúng mang tính tất yếu khách quan phù hợp với yêu cầu của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN. Việc thành lập các tổng công ty là nhằm nắm giữ những ngành những lĩnh vực then chốt và tạo ra vai trò chủ đạo của KTNN. Thực vậy, kinh nghiệm của tiến trình lịch sử cho
thấy, vai trò chủ đạo của một thành phần kinh tế nào đó không phải ở chỗ quy mô của nó to hay nhỏ, lực lượng của nó nhiều hay ít, mà là ở chỗ nó có chi phối được các thành phần kinh tế khác hay không, có làm cho các mối quan hệ kinh tễ diễn ra theo tính chất của phương thức sản xuất thống trị hay không. Nhà nước chỉ nắm giữ nhũng đầu mối chủ chốt góp phần làm gọn nhẹ bộ máy hành chính, làm giảm gánh nặng cho Nhà nước, từ đó khả năng quản lý điều tiết nền kinh tế có hiệu quả hơn, phù hợp với yêu cầu của KTTT.Việc giao, bán, khoán, cho thuê, cổ phần hoá thực chất là quá trình chuyển đổi hình thức sở hữu một bộ phận các DNNN cỡ vừa và nhỏ không nắm vai trò chủ đạo, để cho những doanh nghiệp đó trở về đúng vị trí và phát huy được những vai trò vốn có của nó. Hay thực chất đó là quá trình phi quốc hữu hoá những doanh nghiệp vừa và nhỏ. ở đây, phi quốc hữu hoá không có nghĩa là tư hữu hoá. Mục đích của phi quốc hữu hoá là tìm ra những hình thức thực hiện mới cho chế độ công hữu, hình thức mới này không còn là hình thức thực hiện chế độ công hữu như chế độ quốc hữu nữa mà là hình thức thực hiện chế độ công hữu khác phù hợp với sự phát triển của lực lượng sản xuất. Mô hình đầu của tiến trình này là cổ phần hoá để cho người lao động chi phối tài sản của xí nghiệp tương tư như mô hình “khoán ruộng đất cho nông dân” .
Một trong những nguyên nhân làm cho cải cách DNNN không tiến triển được là chủ thể lợi ích của cải cách không rõ ràng, cải cách bị thiếu động lực thúc đẩy. Cải cách ở nông thôn có chủ thể rất rõ ràng, nông dân tích cực yêu cầu cải cách và nông dân là người được lợi trong cải cách. Cải cách xí nghiệp phải dựa vào đông đảo công nhân viên chức của xí nghiệp, nhưng tính tích cực của công nhân viên chức không cao. Bởi vì trong thể chế cũ công nhân vẫn được bao cấp ổn định và là người chủ trên danh nghĩa, trong thể chế cũ, người công nhân có nhiều lợi ích hơn so với nông dân. Sau khi chuyển đổi cơ chế, xoá bỏ chế độ bao cấp, người công nhân phải chịu thiệt rủi ro hơn. Phải làm cho công nhân trở thầnh người được lợi trong cải cách, làm cho họ thấy cải cách sẽ đem lại cho họ nhiều lợi ích hơn nữa.
Nếu như cải cách ở nông thôn thực hiện “người cầy có ruộng” thì cải cách ở thành thị phải thực hiện “người lao động có cổ phần”. Bán cổ phần cho công nhân, công nhân trở thành những cổ đông.
Làm như thế có phải là tư hữu hoá không? Câu trả lời là không, vì:
Một là, tư hữu hoá có nghĩa là đem tất cả quyền sở hữu, quyền chiếm hữu, quyền sử dụng, quyền chi phối quy vào một chủ thể. Điều này không thích ứng với quá trình xã hội hoá sản xuất. Sự ra đời của nền sản xuất xã hội tạo điều kiện cho việc huỷ bỏ chế độ tư hữu hoá. Để giải quyết vấn đề tập trung vốn và tư liệu sản xuất ngày càng mở rộng mang tính xã hội hoá. Chủ nghĩa tư bản đã phát triển từ chế độ nghiệp chủ sang chế độ hợp tác hoá và cuối cùng là chế độ cổ phần, đây chính là quá trình xã hội hoá phương thức chiếm hữu tư liệu sản xuất mà Mác đã từng nói. Sự phát triển không ngừng của nền sản xuất xã hội hoá đã làm cho nhân tố XHCN trong lòng của chủ nghĩa tư bản ngày càng nhiều lên.
Hai là, việc đông đảo nhân viên cùng chi phối tài sản doanh nghiệp chứng tỏ đây là quá trình xã hội hoá chứ không phải là tư hữu hoá. Trước đây chúng ta coi chế độ quốc hữu là sở hữu toàn dân, trên danh nghĩa thì đó là sở hữu toàn dân nhưng trên thực tế giữa tư liệu sản xuất và người lao động không hề có mối liên hệ nào cả. Loại sở hữu toàn dân này thực chất là một hình thức sở hữu ngành mang tính đóng kín, bị chia cắt thành nhiều mảnh và chỉ một số ít người có tiến nói quyết định. Việc giao tài sản doanh nghiệp cho công nhân viên chức sẽ làm cho mối quan hệ giữa công nhân viên chức và tài sản doanh nghiệp từ chỗ danh nghĩa chuyển sang thực chất. Đây là sự tiến bộ của quá trình xã hội hoá sản xuất chứ không phải quá trình tư hữu hoá.
Ba là, Người lao động có tài sản không phải là tư hữu hoá, bởi vì trong chế độ cổ phần, quyền sở hữu và quyền tài sản pháp nhân doanh nghiệp đã được tách ra. Sau khi tài sản được đưa vào doanh nghiệp thì nó biến thành tài sản chung của tập thể. Bất luận đầu tư vào đâu nó cũng biến thành tài sản đã được xã hội hoá do mọi người cùng chiếm hưũ, cùng chi phối, cùng sử dụng, cùng hưởng lợi nhuận và cùng phải chịu rủi ro. Cho nên trong doanh nghiệp hiện đại việc cá nhân có tài sản không có nghĩa là tư hữu hoá.
Vậy chủ trương cải cách hiện nay không đi ngược lại với quan điểm của Mác khi ông cho rằng phải xoá bỏ tư hữu “những người cộng sản có thể tóm tắt lý luận của mình thành công thức duy nhất là: ” xoá bỏ chế độ tư hữu”. Sắp xếp, đổi mới doanh nghiệp chính là tìm một hướng đi mới phù hợp với trình độ của lượng sản xuất, một con đường mới tiến lên CNXH. Chính Các Mác cho rằng sự chuyển dịch biến đổi từ sở hữu tư nhân sang sở hữu xã hội, sở hữu hỗn hợp là sở hữu theo nghĩa các tư liệu sản xuất được sử dụng có tính xã hội, hoặc ở mức cao hơn là tư liệu sản xuất thuộc về xã hội. Những biến đổi đó phải được coi là quá trình phát triển lịch sử tự nhiên, do tính chất và trình độ của lực lượng sản xuất quyết định.