19-8-1945 Ngày tổng khởi nghĩa

Một phần của tài liệu Tài liệu cac ngay le ky niem va lich su pdf (Trang 45 - 48)

19-8-1945 Ngày tổng khởi nghĩa

Tháng 8 năm 1945, cuốc chiến tranh thế giới đi vào giai đoạn kết thúc. Sau khi tiêu diệt phát xít Đức tại sào huyệt của chúng, Liên Xô quay sang tấn công tên phát xít phương đông là Nhật Bản. Phong trào đấu tranh chống Nhật bùng lên mạnh mẽ ở các nước phía đông và đông nam châu á. Con thú dữ ở á đông đó lâm vào tình trạng tột cùng nguy khốn. Thời cơ cách mạng đang mở ra trước con đường giải phóng của các dân tộc, Đảng ta đứng trước một cơ hội lịch sử ngàn năm có một, giờ phút có ý nghĩa quyết định đối với vận mệnh của đất nước.

Hội nghị toàn quốc của Đảng họp ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong 2 ngày 14 và 15 tháng 8 năm 1945 đã giải quyết vấn đề trọng đại: quyết định tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Đại biểu các đảng bộ từ Bắc, Trung, Nam, từ các chiến khu và khu giải phóng về dự đông đủ. Hội nghị họp vào lúc phát xít Nhật tuyên bố đầu hàng. Trung ương Đảng và Tổng bộ Việt Minh liền

thành lập "ủy ban khởi nghĩa toàn quốc" để lãnh đạo khởi nghĩa trong cả nước. Trong tình hình hết sức khẩn trương, Đảng quyết định phát động và lãnh đạo toàn dân tổng khởi nghĩa giành chính quyền từ tay phát xít Nhật và bọn bù nhìn tay sai của chúng trước khi quân đồng minh Anh, Pháp vào nước ta.

23 giờ đêm 13 tháng 8, ủy ban khởi nghĩa ra "Quân lệnh số I" hạ lệnh tổng khởi nghĩa: ... "Giờ tổng khởi nghĩa đã đánh!

Quyết chiến! Quyết chiến! Quyết chiến! Thắng lợi nhất định về ta"

Mệnh lệnh khởi nghĩa và lời hiệu triệu cứu nước là tiếng gọi của non sông thức tỉnh con tim mỗi người Việt Nam yêu nước hãy nhất tề đứng dậy tranh đấu giành quyền Độc lập- Tự do.

Lòng yêu nước thiết tha và sự đoàn kết nhất trí được biểu lộ rõ nét trong Đại hội Quốc dân họp ở Tân Trào ngày 15-8. Hơn 60 đại biểu của các thành phần dân tộc, tôn giáo và các đoàn thể, đảng phái tề tựu trước mái đình Hồng Thái để bàn việc cứu nước. ý chí quyết chiến của hội nghị Diên Hồng thuở trước giờ đây đang sống lại và bội phần mãnh liệt tại Đại hội Tân Trào. Các đại biểu đều tán thành chủ trương Tổng khởi nghĩa của Đảng. Đại hội quy định quốc kỳ, quốc ca, 10 chính sách lớn và cử ra ủy ban dân tộc giải phóng Việt Nam, tức là Chính phủ lâm thời sau này. Đồng chí Nguyễn ái Quốc, sau bao năm đấu tranh kiên cường vì sự nghiệp cách mạng của dân tộc, đã được đại hội nhất trí bầu làm chủ tịch- Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Không khí cách mạng sôi sục trong cả nước.

Nắm được thời cơ thuận lợi, nhiều địa phương ở Quảng Ngãi, Hà Tĩnh đã nổi dậy giành chính quyền từ ngày 14-8. Ngày 18, chính quyền các tỉnh Bắc Giang, Hải Dương, Quảng Nam đã về tay nhân dân.

Ngày 15, xứ ủy Bắc Kỳ trực tiếp chỉ thị cho Hà Nội khởi nghĩa. Hà Nội sống trong những ngày rạo rực chuẩn bị nổi dậy, các tầng lớp nhân dân nhất là thanh niên, hăng hái gia nhập các đoàn thể cứu quốc, tuyên truyền cho Việt Minh, thành lập các đội tự vệ chiến đấu.

Chiều 17, cuộc biểu tình của Tổng hội công chức bị viến thành cuộc mít tinh lớn của Việt Minh. Cờ đỏ sao vàng xuất hiện trên tầng hai Nhà hát Thành phố, đại biểu Việt Minh kêu gọi nhân dân đứng dậy giành chính quyền, lật đổ chính quyền bù nhìn Trần Trọng Kim. Như một tia lửa nhen lên từ cánh đồng cỏ khô, ngọn lửa cách mạng bùng cháy, cả Hà Nội bừng bừng khí thế đấu tranh theo lời kêu gọi của Đảng.

Cuộc biểu tình chiều 17 làm cho kẻ thù càng thêm hoảng hốt. Trái lại, quần chúng cách mạng phấn chấn, ráo riết chuẩn bị khởi nghĩa. Sáng ngày 18, ủy ban khởi nghĩa của thành uỷ đã chuyển từ ngoại thành vào nhà số 101 Trần Hưng Đạo để trực tiếp chỉ đạo cuộc đấu tranh. Từ sáng ngày 19, hàng chục vạn nhân dân thành phố rầm rập tiến về Quảng trường Nhà hát lớn. Đúng 11 giờ trưa, cuộc mít tinh bắt đầu. Lời kêu gọi khởi nghĩa của Đảng được quần chúng đón mừng bằng những tiếng reo hò và những khẩu hiệu hô vang khắp quảng trường: * Thành lập chính phủ Cộng hòa Dân chủ Việt Nam

* Việt Nam hoàn toàn độc lập

* Đả đảo chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim.

các đội tự vệ chiến đấu dẫn đầu đi chiếm các công sở và chiếm lĩnh các vị trí xung yếu. Hai cánh cổng phủ khâm sai (nay là nhà khách chính phủ) đónh im ỉm. Đoàn biểu tình dừng lại, nhiều người vượt qua hàng rào sắt nhảy vào bên trong chiếm lấy trụ sở cơ quan đầu não của địch. Cờ đỏ sao vàng được kéo lên cao, phần phật tung bay trước gió. ở trại Bảo an ninh, bọn Nhật cho xe tăng và quân lính chặn các ngã đường. Nhưng chúng không thể ngăn cản được làn sóng người đang cuồn cuộn tiến bước, sẵn sàng đạp bằng mọi trở ngại. Tuy còn hàng vạn tên lính với vũ khí đây đủ, quân Nhật cũng phảI lùi bước.

Nhân dân Hà Nội đã hoàn toàn làm chủ thành phố của mình Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội đã cổ vũ tinh thần đấu tranh của toàn dân, thúc đẩy các nơi nổi dậy giành chính quyền. Cuốc khởi nghĩa ở Hà Nội có tác dụng mạnh mẽ đến phong trào cách mạng của cả nước. Cùng ngày 19, nhân dân các tỉnh Yên Bái, Thái Bình, Phú Yên, Thanh Hóa, Khánh Hòa nổi dậy giành chính quyền.

Ngày 20, khởi nghĩa bùng nổ ở Bắc Ninh, Thái Nguyên, Ninh Bình.

Ngày 21, các tỉnh Cao Bằng, Tuyên Quang, Sơn Tây, Nam Định, Kiến An, Nghệ An, Ninh Thuận lật đổ chính quyền phản động ở các địa phương.

Ngày 22, khởi nghĩa thắng lợi ở Hưng Yên, Quảng Yên.

Ngày 23 tháng 8, thành phố Huế nổi dậy khởi nghĩa. Trên 15 vạn người xuống đường biểu tình, cùng các đơn vị tự vệ đi chiếm các công sở. Trước sức mạnh như nước vỡ bờ của cách mạng, tên vua phong kiến cuối cùng của triều Nguyễn là Bảo Đại phải xin thoái vị. Nền quân chủ chuyên chế hoàn toàn sụp đổ.

Cùng với thắng lợi của Huế, ngày 23, các tỉnh Bắc Cạn, Hòa Bình, Hải Phòng, Hà Đông, Quảng Bình, Quảng Trị, Gia lai, Tân An, Bạc Liêu... nổi dậy giành chính quyền.

Ngày hôm sau, nhân dân Hà Nam, Phú Thọ, Đác Lác, Phú Yên, Bình Thuận, Gò Công, Mỹ Tho khởi nghĩa thắng lợi.

Ngày 25 tháng 8, cả thành phố Sài Gòn sục sôi không khí khởi nghĩa. Từ đêm trước, hàng vạn công dân, nông dân và thanh niên các tỉnh Gia Định, Chợ Lớn, Mỹ Tho, Biên Hòa, Thủ Dầu Một... đều đổ dồn về Sài Gòn. Sáng 25, quần chúng cách mạng chiếm các sở công an, cảnh sát, nhà ga, bưu đIện cùng nhiều vị trí xung yếu khác trong thành phố. Quân Nhật hầu như không dám chống cự. Cuộc biểu tình của hơn một triệu người hoan nghênh ủy ban nhân dân Nam Bộ, hô vang khẩu hiệu " Việt Nam hoàn toàn độc lập", " Tất cả chính quyền về tay Việt Minh" đã đánh dấu thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn.

Cùng lúc với cuộc khởi nghĩa ở Sài Gòn, các tỉnh Lạng Sơn, Kon Tum, Đồng Nai Thượng, Chợ Lớn, Gia Định, Sóc Trăng, Long Xuyên, Vĩnh Long, Bà R�a, Thủ Dầu Một, Châu Đốc, Trà Vinh, Tây Ninh, Biên Hòa, Bến Tre, Sa Đéc nổi dậy khởi nghĩa.

Ngày 26, khởi nghĩa thắng lợi ở Hòn Gai, Sơn La, Cần Thơ.

Ngày 27, nhân dân nổi dậy giành chính quyền ở Rạch Giá, hôm sau ở Hà Tiên.

Trong vòng 10 ngày từ 19 đến 28 tháng 8 hầu hết các tỉnh và thành phố đều nổi dậy khởi nghĩa. Bọn phát xít Nhật thua trận không dám hành động. Chế độ quân chủ bị lật đổ. Chính quyền trong cả nước hoàn toàn về tay nhân dân.

Từ đó, ngày 19-8 đi vào lịch sử của dân tộc, là ngày khởi nghĩa của Hà Nội, ngày đánh dấu cao trào Tổng khởi nghĩa trong cả nước, ngày cách mạng Tháng tám thành công.

Một phần của tài liệu Tài liệu cac ngay le ky niem va lich su pdf (Trang 45 - 48)