2. Nội dung
2.7.2. Thực phẩm biến đổi gene và vấn đề độc tố sinh ra trong thực phẩm
Độc tố xuất hiện trong thực phẩm biến đổi gene là vấn đề rất đáng quan tâm. Tuy nhiên, không phải chỉ có thực phẩm biến đổi gene mới có độc tố mà ngay cả thực phẩm được trồng theo phương pháp truyền thống cũng có chứa một hàm lượng độc tố khá cao. Tìm hiểu song song 2 loại thực phẩm: thực phẩm truyền thống và thực phẩm biến đổi gene, qua đó có thể trả lời được câu hỏi về vấn đề an toàn của thực phẩm biến đổi gene. Đó cũng là vấn đề được người tiêu dùng đặc biệt quan tâm. • Đối với thực phẩm biến đổi gene: có 2 giả thiết được các nhà khoa học
nêu ra
- Đột biến thêm đoạn trong kỹ thuật chuyển gene: trong quá trình thực hiện kỹ
thuật di truyền, gene mới chuyển vào làm hư hỏng hay gây đột biến một hoặc vài gene khác của thực vật - do một quá trình có tên gọi là đột biến thêm đoạn. Việc xuất hiện các đột biến thêm đoạn này sẽ dẫn đến sự hư hại về di truyền. Đột biến gene trong kỹ thuật chuyển gene làm thay đổi quá trình điều hòa, gây ảnh hưởng đến quá trình sản xuất độc tố. Vì vậy, hàm lượng độc tố mà thực vật sản xuất ra có thể tăng cao.
- Trạng thái stress ở thực vật: nếu thực vật đó được gây biến đổi bằng kỹ
thuật di truyền, nhằm gây ảnh hưởng lên quá trình trao đổi chất bình thường của thực vật thì bản thân nó sẽ ở trong trạng thái stress, và thực vật trong trạng thái stress có thể tạo ra lượng độc tố cao hơn.
• Đối với thực phẩm truyền thống
- Trong quá trình lai giống, để chọn ra một giống mới có khả năng kháng bệnh, nhưng lại không loại bỏ được các gene điều khiển sản sinh ra độc tố. Vì vậy, bản thân chúng vẫn tự sinh ra độc tố.
- Nhiều thực vật có mang một đoạn ADN tự nhiên có khả năng di chuyển. Ở những điều kiện nhất định, những đoạn ADN này sẽ "nhảy" ra khỏi vị trí của nó và gắn vào một một vị trí ngẫu nhiên khác trong hệ ADN của thực vật và hiện tượng này có thể gây ra hiệu ứng "đột biến thêm đoạn" như xảy ra với kỹ thuật chuyển gene.
Qua các nghiên cứu về độ an toàn của thực phẩm biến đổi gene, và so sánh nó với thực phẩm được lai tạo chọn giống qua nhiều thế hệ, ta thấy cả hai phương pháp
đều có độc tố. Tuy nhiên, những suy đoán trên đối với thực phẩm biến đổi gene chỉ là những giả thiết nêu ra thông qua những nghiên cứu thực tế trên cây trồng lai tạo, chọn giống mới. Trên thị trường hiện nay vẫn chưa phát hiện được bất kỳ thực vật chuyển gene nào có khả năng gây ảnh hưởng đến sức khỏe con người bằng cách tạo độc tố.
Để đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng và hỗ trợ cho việc theo dõi diễn biến của thực phẩm biến đổi gene, tổ chức Thuốc và Thực phẩm Hoa Kỳ (FDA) khuyến cáo các nhà phát triển thực vật chuyển gene cần đánh giá hàm lượng độc tố tự nhiên cũng như chất đối kháng dinh dưỡng trong thực vật chuyển gene và so sánh các thông số này với thực vật không chuyển gene cùng loài.
2.7.3. Thực phẩm biến đổi gene và chất gây dị ứng trong thực phẩm
Thực phẩm biến đổi gene chỉ có nguy cơ gây dị ứng khi nó có chứa một hoặc nhiều protein mà không có trong thực phẩm cùng loại bình thường. Người ta đặc biệt quan tâm nếu thực phẩm biến đổi gene có chứa protein của một thực phẩm khác mà đã biết trước là có khả năng gây dị ứng. Nếu chẳng may protein chuyển vào thực phẩm biến đổi gene lại là yếu tố gây dị ứng trong thực phẩm thông thường thì rất có thể thực phẩm biến đổi gene cũng gây dị ứng. Chẳng hạn những ai dị ứng với lạc Brazil, thì rất có thể cũng dị ứng với đậu tương chuyển gene có chứa một protein từ lạc Brazil.
Ngoài ra, nếu chuyển một protein từ vi khuẩn vào thực vật, thì thực vật có thể gây ra những biến đổi làm cho nó không giống như khi nó ở trong vi khuẩn, vấn đề này có thể ảnh hưởng đến khả năng gây dị ứng của protein đó. Có một quá trình được chứng minh là có khả năng tạo ra protein gây dị ứng, đó là quá trình Glycosyl hóa, một quá trình cho phép phân tử protein gắn kết với các phân tử đường. Hơn nữa, số lượng protein được tạo ra cũng ảnh hưởng đến khả năng gây dị ứng của nó, mặc dù hầu hết các protein chuyển vào thực vật chuyển gene được tổng hợp ở mức rất thấp. Tuy nhiên không phải thực phẩm biến đổi gene nào cũng gây dị ứng, có một số thực vật chuyển gene không tạo ra một protein mới nào, thì chúng không có khả năng gây dị ứng. Ví dụ: cà chua Flavr-Savr…
Từ năm 1992, FDA đã khuyến nghị (nhưng không bắt buộc) những nhà phát triển thực phẩm biến đổi gene nên đánh giá nguy cơ gây dị ứng với thực phẩm biến đổi gene mà họ tạo nên, nhất là khi thực phẩm đó có chứa một protein của một thực phẩm khác đã biết là có khả năng gây dị ứng. Dù việc đánh giá này là không bắt buộc về mặt pháp lý, nhưng cho đến nay hầu hết các nhà phát triển thực phẩm biến đổi gene, đều gửi sản phẩm của họ đi đánh giá khả năng gây dị ứng. Tổ chức FDA cũng gợi ý rằng nếu không có đủ bằng chứng để khẳng định rằng thực phẩm biến đổi gene đó “không” gây dị ứng thì sản phẩm đó phải được dán nhãn hoặc là không được đưa vào thị trường tiêu dùng.
• Việc đánh giá khả năng gây dị ứng của thực phẩm biến đổi gene Nếu protein chuyển gene bắt nguồn từ một thực phẩm đã biết là có thể gây dị ứng:
- Trước tiên protein đó được tách từ thực vật chuyển gene và kiểm tra với huyết thanh của bệnh nhân bị dị ứng với thực phẩm biến đổi gene ban đầu bằng các phương pháp chuẩn xác định dị ứng.
- Nếu như bước thử trên là âm tính hoặc không rõ ràng thì bước tiếp theo sẽ là thử dị ứng trên da. Với phép thử này, bệnh nhân dị ứng sẽ được tiêm một lượng nhỏ protein trên vào dưới da.
- Nếu vẫn không có phản ứng dị ứng với protein đó thì bước cuối cùng là thử nghiệm bằng cách ăn thực phẩm đó còn gọi là “phép thử tiêu dùng thực phẩm”. Phép thử này được tiến hành theo nguyên tắc “mù đôi”, sử dụng cả mẫu giả (placebo) lẫn mẫu thật.
- Nếu tất cả các phép thử trên đầu âm tính trên những người có thể trạng dị ứng với thực phẩm cao thì có thể kết luận là thực phẩm biến đổi gene đó sẽ không có nguy cơ gây dị ứng. Hệ thống phương pháp này, sẽ phát hiện ra các trường hợp thực phẩm biến đổi gene có gây dị ứng hay không. Vì thế, có thể ngăn chặn nó xâm nhập vào thị trường tiêu dùng.
- Nếu có huyết thanh của bệnh nhân bị dị ứng với thực phẩm biến đổi gene thì thực hiện bước thử như trên.
- Tuy nhiên, vì là loại thực phẩm hiếm khi gây dị ứng nên có thể sẽ không có huyết thanh đó. Trong trường hợp này, thực phẩm đó sẽ được đánh giá khả năng gây dị ứng theo qui trình dành cho nhóm thực phẩm chưa rõ khả năng gây dị ứng.
Nếu protein chuyển gene có nguồn gốc từ sinh vật không rõ về khả năng gây dị ứng.
- Dự đoán khả năng gây dị ứng của một thực phẩm khi chưa có bệnh nhân dị ứng là rất khó khăn. Hiện chưa có một phương pháp thử nghiệm nào, có thể xác đinh được khả năng gây dị ứng trong thực phẩm biến đổi gene cũng như thực phẩm thông thường.
- Một phân tích cho thấy, trước khi một protein của lạc Brazil được chuyển vào đậu tương thì các thử nghiệm trên động vật đã cho thấy rằng protein đó sẽ không gây dị ứng trên người.
- Hầu hết các chất gây dị ứng đều có một số đặc điểm chung như kích thước nhỏ, bền nhiệt, axít, và không mẫn cảm với enzyme tiêu hóa. Đây là các đặc tính được cho là cần thiết để cho một chất gây dị ứng có thể xâm nhập vào hệ tuần hoàn mà không bị phân hủy hay biến đổi.
- Mặc dù không phải protein nào có đặc tính như trên cũng có thể gây dị ứng, nhưng nếu một protein mới của thực phẩm biến đổi gene có một trong những đặc tính trên hoặc có cấu trúc giống với những protein đã được biết là có gây dị ứng thì FDA sẽ coi protein đó là một chất gây dị ứng tiềm ẩn và sẽ có những qui định phù hợp.
- Tuy nhiên, trong tương lai các chất gây dị ứng sẽ được hạn chế đáng kể để nâng cao vấn đề an toàn thực phẩm và đảm bảo sức khỏe cho người tiêu dùng.
2.7.4. Thành phần dinh dưỡng trong thực phẩm biến đổi gene
Theo các nhà nghiên cứu, tất cả các phương pháp nhân giống thực vật, dù truyền thống hay chuyển gene đều có khả năng thay đổi dinh dưỡng của sản phẩm hoặc có những thay đổi ngoài dự kiến về nồng độ, hàm lượng các chất ức chế dinh dưỡng.
Cây chuyển gene có thể giúp tăng lên một số thành phần dinh dưỡng nhất định. Chẳng hạn, cây lúa là cây lương thực quan trọng nhất của nhân loại, nhưng lúa có nhược điểm cơ bản là không chứa vitamin A và cả carotene. Do đó những gia đình ăn chủ yếu bằng gạo sẽ bị thiếu vitamin A, hậu quả là gây viêm màng mắt, lâu dài bị khô mắt, mù loà... Thế nhưng khi dùng công nghệ gene, các nhà khoa học đã tạo ra giống lúa chứa vitamin A, hạt gạo của nó có màu vàng, gọi là lúa vàng. Như vậy, nhờ kỹ thuật gene người ta có thể tạo ra các cây có giá trị dinh dưỡng cao.
Tuy nhiên, cây biến đổi gene có thể gây những nguy cơ thành phần dinh dưỡng. Phương pháp này có thể gây ra sự thay đổi các thành phần như: protein thô, chất béo thô, carbonhydrat thô... làm thay đổi hàm lượng protein, tạo các protein bất thường, các chất kháng dinh dưỡng (phytase, chất ức chế trypsin...)
Do đó, trước khi đưa thực phẩm biến đổi gene ra lưu thông trên thị trường, cần phải đánh giá mức độ nguy cơ của chúng và công việc kiểm nghiệm tính an toàn của thực phẩm biến đổi gene phải được thực hiện nghiêm ngặt bởi các cơ quan tổ chức độc lập với các nhà sản xuất, đảm bảo hạn chế đến mức thấp nhất những ảnh hưởng của loại thực phẩm này tới sức khoẻ người tiêu dùng.