Hoàn thiện khuôn khổ pháp lý là điều kiện tiên quyết hàng đầu nhằm tạo lập một hành lang pháp lý ổn định, phù hợp với thông lệ quốc tế và tình hình thực tiễn của Việt Nam. Chính phủ nên có ngay những hành động sau:
Thứ nhất, nhanh chóng rà soát tổng thể toàn bộ hệ thống pháp luật và xây dựng một hệ thống luật có sự tương thích cao trong việc cam kết WTO.
Thứ hai, đẩy nhanh quá trình xây dựng và hoàn thiện Luật Công chứng nhằm tạo điều kiện nâng cao hiệu quả phối hợp giữa các cơ quan ban ngành trong việc công chứng, đăng ký giao dịch bảo đảm.
Thứ ba, tiếp tục xây dựng các Nghị định, Thông tư hướng dẫn để chỉ đạo các cơ quan ban ngành trong việc thực thi pháp luật có liên quan đến việc Bảo đảm tài sản nợ, xử lý tài sản bảo đảm nợ vay của các NHTM. Mục đích này nhằm tháo gỡ những khó khăn vướng mắt trong việc xử lý tài sản (phát mãi tài sản, thi hành án) theo hướng nâng cao vai trò chủ động của các NHTM, tạo điều kiện đẩy nhanh tốc độ xử lý tài sản bảo đảm nợ vay để góp phần nâng cao chất lượng hoạt động tín của các ngân hàng.
Thứ tư, nên xây dựng lại Luật các Tổ chức tín dụng cho phù hợp với tình hình mới, tạo điều kiện tối đa cho các ngân hàng hoạt động trên thị trường chứng khoán.
Thứ năm, nhanh chóng gỡ bỏ những vướng mắc liên quan đến thị trường chứng khoán đối với ngành ngân hàng, tạo điều kiện tối đa cho các NHTM VN tiếp cận với các tố chức nước ngoài cũng như sớm bỏ Nghị định liên quan tới giới hạn của các cá nhân và tổ chức mua cổ phần ngân hàng bằng với mức 49% như các doanh nghiệp khác niêm yết trên thị trường chứng khoán. Việc nới rộng “room” sẽ làm cho cổ phiếu ngân hàng có yếu tố nước ngoài nhiều hơn, từ đó làm cho các NHTM VN dễ dàng niêm yết trên thị trường chứng khoán Việt Nam và xa hơn là niêm yết trên thị trường chứng khoán nước ngoài. Có như vậy, thương hiệu và uy tín của các NHTM VN sẽ ngày càng được nâng cao và tiếp cận được các nước trong khu vực và thế giới.