0
Tải bản đầy đủ (.doc) (150 trang)

K.T Quyến rũ Venise

Một phần của tài liệu KHÁM PHÁ THẾ GIỚI (PHẦN 2) (Trang 40 -46 )

Quyến rũ Venise

Trong một vịnh dài 60 km, rộng 4 km có tới 118 hòn đảo thuộc Italy, thành phố Venise tọa lạc trên đó, nối với đất liền bằng một công trình nghệ thuật độc đáo. Giữa những toà nhà được xây dựng kiên cố và bề thế là hệ thống kênh đào và thủy lộ chằng chịt, đan kết tạo

thành một mạng lưới giao thông.

Theo thống kê, trong thành phố có khoảng 200 kênh và 400 chiếc cầu, trong đó nhiều cây cầu có từ thời cổ xưa và là những công trình kiến trúc quý giá. Nổi tiếng hơn cả là cầu Rialto xây từ thế kỷ 16, chỉ có một vòm bằng đá nối liền hai hòn đảo lớn của thành phố.

Phong cảnh của Hàn Quốc. (Vietsky Travel)

Cây cầu Rialto. (members.cox.net)

Không chỉ là thành phố nổi lãng mạn bậc nhất thế giới, Venise còn là thánh đường nghệ thuật với rất nhiều nhà hát, bảo tàng, gallery… Đặc biệt hơn cả là Bảo tàng Ca"Rezzonico có từ thế kỷ 18. Nơi đây lưu giữ vô số tấm thảm thêu, đồ sơn mài và những chiếc ghế bành đặc trưng từ thế kỷ 18 cũng như những tác phẩm nghệ thuật của các danh hoạ và nhà điêu khắc nổi tiếng như: Canaletto, Rosalba Carriera, Giambaltista Tiepolo và Francesco Guardi…

Venise còn được biết đến như một thành phố của những lễ hội độc đáo, sống động, đầy màu sắc, đặc biệt là Lễ hội Carnival đầu tháng 2 với những chiếc mặt nạ tinh xảo và huyền bí trong đêm hoá trang.

Ngoài ra, còn có rất nhiều lễ hội văn hoá khác như lễ hội đua thuyền Vogalonga; ngày hội đám cưới Festa della Sensa; lễ hội Festa del Redentore mừng ngày thành phố thoát khỏi bệnh dịch khủng khiếp năm 1576… Ngoài ra liên hoan phim Venise hằng năm cũng là dịp rất được trông đợi.

Lãng mạn, độc đáo và đầy tính nghệ thuật - chính những điều đó đã làm Venise trở thành thành phố độc nhất vô nhị châu Âu.

(Theo Tuổi Trẻ)

Nghìn năm Athens

Hy Lạp, nền văn minh cổ đại mấy nghìn năm này vẫn có sức hút mãnh liệt nổi trội hơn hẳn những ánh sáng Paris, hội hè Amsterdam, sông nước lãng mạn Venice hay lễ hội bia quốc

tế Munich.

Đến Hy Lạp sau chuyến bay gần bốn giờ đồng hồ từ Thụy Điển, một lộ trình kỳ quặc vì hai nước nằm ở hai đầu châu Âu, có lẽ không du khách balô nào điên rồ lặn lội một hơi từ cái lạnh cắt da của vùng Scandinavia để đến với những cơn nắng như thiêu vùng Địa Trung Hải.

Cảnh vật từ sân bay vào trung tâm thành phố còn đáng ngán ngẩm hơn bội phần: hai bên đường những ngôi nhà bêtông cốt thép vừa mới xây lẫn đang xây đều không có chút cá tính riêng nào, gạch ngói ngổn ngang, đường phố bụi tung mù mịt, nóng bức bối, lại còn kẹt xe. Nhiều khách du lịch châu Âu khi trông thấy Athens đã lập tức “biến” ngay đến những đảo biển xanh nhà trắng êm đềm đẹp như postcard cách thủ đô Hy Lạp không xa, quả cũng có cái lý riêng của họ.

Một góc thành Acropolis. (home.online.no)

Nhưng những khách du lịch vội vàng ấy vì hấp tấp đã bỏ qua những điều kỳ diệu mà ngoài Athens không đâu có được. Có thành phố nào trên khắp châu Âu mà thỉnh thoảng lại bắt gặp ngay dưới bước chân một công trình lộng lẫy bằng đất và đá được xây dựng vài chục thế kỷ trước, được bảo tồn bằng cách phủ kính dày trong suốt lên để người đi đường sững sờ đứng lại chiêm ngưỡng?

Và những công trình như vậy có nhiều đến độ dù muốn dù không, những người kế thừa nền văn minh ấy không thể bảo tồn trọn vẹn được hết mà phải khai quật lên đưa một phần vào viện bảo tàng.

Ở một ga xe điện, bên trong là cả một bảo tàng nhỏ của riêng nó với những vật trưng bày được tìm thấy khi người ta đào xuống để xây dựng ga. Những bình, chậu, chày cối, nữ trang... chạm khắc từ đất đá, gốm, đồng, vàng... Có thứ được làm từ cách đây năm, sáu nghìn năm, trông vẫn tinh xảo đến mức không thể tin được. Chỉ cần một điểm như thế cũng đủ là niềm tự hào của nhiều quốc gia khác, nhưng ở đây không ai buồn để ý. Tại bảo tàng khảo cổ quốc gia Hy Lạp có hàng chục nghìn tác phẩm như thế, thậm chí còn xưa hơn nữa.

Thành Acropolis, còn được gọi là Đá Thiêng (Sacred Rock), là nơi chiêm ngưỡng dễ dàng nhất biểu tượng một thời vàng son của nền văn minh Hy Lạp.

Để đến Acropolis nằm trên đồi cao (đúng như tên gọi bắt nguồn từ tiếng Hy Lạp: acro - trên cao, polis - thành phố), du khách phải băng qua khu phố Plaka thế kỷ 19 hội hè với những kệ bán hàng lưu niệm xinh xắn: bánh xà phòng từ dầu ôliu nguyên chất được làm bằng tay, chuỗi hạt tròn vo bằng đá có vân hơi đục và lọ mật ong vàng óng ngọt ngào. Bên đường đầy những nhà hàng (taverna) có hoa giấy nở đỏ tường nhà cổ quét vôi vàng nâu đặc trưng Địa Trung Hải, bàn trải khăn carô, với những khách du lịch da dẻ rám nắng vui vẻ nói cười.

Cách đây hơn 25 thế kỷ, sau chiến thắng ở cuộc đua marathon đầu tiên của nhân loại vào năm 490 trước Công nguyên, người Athens đã đặt những tảng đá đầu tiên làm nền móng thành Acropolis để tôn thờ vị thần hộ mệnh của thành phố - nữ thần Athena Parthenos. Nhưng 10 năm sau, kỳ công này đã bị người Ba Tư phá hủy. Sau 30 năm tạm ngừng, Pericles bắt tay vào cho xây dựng lại công trình với quy mô hoành tráng gấp nhiều lần.

Khi đứng trên đồi cao từ phía bên kia, trông về Acropolis sừng sững trong những cơn gió lồng lộng, sẽ khó tránh khỏi cảm giác ngậm ngùi khi nhìn Athens hiện đại lô xô bên dưới với nhà cửa xây cất không theo trật tự và những mảng màu xám lấn át cả khu phố cổ nâu vàng, với những cây ôliu xanh lúp xúp. Những tòa nhà chung cư bên ngoài đã xuống cấp, tàn tạ, quần áo phơi lung tung không khác những cuốn phim về thời bao cấp.

Ba ngôi đền nổi tiếng nhất của Acropolis được dựng cách đây mấy nghìn năm: Parthenon, Erechtheion và đền Nữ thần Nike. Trên đỉnh cao nhất sừng sững Parthenon bằng đá cẩm thạch với những hàng cột hơi cong, chỗ thuôn nhọn hai đầu, chỗ phồng lên, cố ý chệch hướng với những quy tắc toán học khắt khe để thổi hồn vào đá cứng. Những trụ ngạch (frieze) chạm khắc thật nhiều hình ảnh tinh xảo: hình những nữ thần Hy Lạp cổ đại, thân hình tuyệt mỹ, đầu đội những cổng vòm, hình những vị thần cưỡi ngựa sống động như đang diễn ra trước mắt...

Đặc biệt hơn cả là bức trụ ngạch dài hơn 150 m, vẽ cuộc diễu hành của 400 người gồm cả người hầu gái, quan tòa, nhạc công và 200 con vật. Vào thời điểm tất cả những bức tượng đều đắp hình thần thánh, việc mô tả người bình thường là một bước đột phá của Đá Thiêng. Chỉ trừ hướng cảng, cả thành phố Athens được bao bọc xung quanh là núi. Gió thổi lùa qua những cột cẩm thạch hiu hắt, những tảng đá "xanh ngời liêu trai" từ vài nghìn năm trước xếp chồng rải rác xung quanh.

Trên chuyến phà về lại đảo Evia, hoàng hôn buông xuống biển xanh nhuộm trời đất mây nước một màu vàng lộng lẫy. Phía bên kia là Athens, cái nôi của một nền văn minh cổ đại đỉnh cao, thành phố mang tới hững cảm xúc đan xen nhau: sững sờ, ngơ ngẩn, thất vọng, tự hào, kính

phục, nuối tiếc, vui sướng, buồn bã. Chỉ ở đó trong vòng chưa đầy 24 giờ, nhưng cảm giác thì mà cứ tưởng đã về lại nghìn năm.

(Theo Tuổi Trẻ)

Hành hương về Bodh Gaya

Vào khoảng thời gian từ tháng 10 đến tháng 2 hằng năm, Bodh Gaya (Bồ Đề Đạo Tràng) ở bang Bihar (Đông Bắc Ấn Độ) trở nên nhộn nhịp với hàng chục nghìn sư sãi, Phật tử và du

khách khắp nơi trên thế giới đổ về chiêm bái.

Thị trấn Bodh Gaya nằm cách thành phố cổ Gaya khoảng 12 cây số về phía Bắc, cách thủ phủ Patna của bang Bihar hơn 100 km, khá nhộn nhịp với các nhà hàng, khách sạn của nhiều nước cùng những cửa hàng dịch vụ Internet giá rất rẻ và văn phòng các công ty du lịch nội địa.

Thánh địa Phật giáo này ghi dấu những nơi Đức Phật đã trải qua từ khi ngài quyết định từ bỏ phương pháp tu khổ hạnh, băng qua con sông Ni Liên Thuyền đến ngồi dưới cội bồ đề cho đến khi giác ngộ chân lý.

Tháp Đại Giác. (sacredsites.com)

Tâm điểm thu hút khách hành hương ở Bodh Gaya chính là Tháp Đại giác, mà người dân địa phương gọi là Chùa chính (Main Temple). Tháp có hình chóp nhọn với chiều cao 52 m được xây dựng vào thế kỷ thứ 2. Bốn mặt tháp được chạm trổ rất tinh vi tập trung vào hai chủ đề tôn giáo và thiên văn. Đây là nơi đã thu hút hàng triệu tín đồ đến chiêm bái suốt hơn nghìn năm qua, cho đến khi đạo Phật suy tàn tại Ấn Độ.

Bên trong tháp, đầy chật những khách hành hương thành kính lễ bái trước tượng Phật Thích Ca bằng đá mạ vàng cao khoảng 2 m, được tạc vào năm 380 với nét mặt thanh thản và dáng ngồi hướng về phía Đông giống y tư thế khi ngài tựa bên cội bồ đề năm xưa.

Bên ngoài là dòng người hành hương đến bên cội bồ đề linh thiêng, cành lá xanh tươi dưới ánh nắng ban mai, được bao bọc bởi một vòng tường bằng đá. Ngay dưới chân cây bồ đề rợp bóng mát là phiến đá phủ tấm lụa đỏ được gọi là Kim Cương Tòa, đánh dấu nơi Đức Phật ngồi thiền và giác ngộ.

Theo nhà khảo cổ nổi tiếng người Anh Alexander Cunningham, người vận động trùng tu lại thánh địa Bodh Gaya vào năm 1871, cây bồ đề hiện nay được chiết ra từ cây bồ đề ở Sri Lanka vốn là một nhánh của cây nguyên thủy, được trồng đúng ngay gốc bồ đề mà Đức Phật đã tọa thiền hơn 2.500 năm trước.

Khác với vẻ tĩnh lặng trầm mặc bên trong, khu vực bên ngoài ngôi tháp ồn ào náo nhiệt với những quầy san sát bán đủ các mặt hàng, từ đồ trang sức bằng đồng lẫn bằng đá, áo quần sặc sỡ đủ màu của các dân tộc vùng cao, đến tượng thần, tượng Phật đủ mọi kích cỡ và chất liệu. Bodh Gaya ngày nay thường được ví von là một "Liên Hợp Quốc Phật tự" vì tập trung rất nhiều chùa của các quốc gia và lãnh thổ như Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Nepal, Nhật Bản, Sri Lanka, Tây Tạng, Thái Lan, Trung Quốc, Việt Nam...

Người Nhật xây dựng tại đây một tượng Phật bằng đá trắng cao hơn 20 m có tên là Đại Phật (The Great Buddha Statue), với kinh phí lên đến cả triệu USD, hai bên là hai dãy tượng 10 vị đại đệ tử của Đức Phật kích thước cao bằng người thật. Phật giáo Tây Tạng có nhiều trường phái khác nhau và ngôi chùa tại Bodh Gaya thuộc phái Kagyupa, mà theo lời kể của nhiều người thì đây là công trình cúng đường của một ông vua dầu hỏa Trung Đông. Ông ta đã bỏ ra gần 2 triệu USD xây dựng để tạ ơn vị sư Tây Tạng đã chữa căn bệnh nan y cho mình.

Hoàng gia Thái Lan xây dựng ngôi chùa đồ sộ vào năm 1957 với mái cong vút được mạ vàng óng ánh rất công phu đến từng chi tiết. Chùa Trung Quốc có ba tượng Phật ngồi kích cỡ lớn cùng với hình ảnh Vạn Phật khắc trên khắp bốn bức tường. Các chùa khác như của Bhutan, Đài Loan, Myanmar, Sri Lanka... mỗi ngôi đều mang một vẻ độc đáo riêng với lối kiến trúc đặc thù theo truyền thống Phật giáo của từng nước. Riêng chùa Việt Nam tại đây có tên Việt Nam Phật Quốc Tự do thày Huyền Diệu, được khá nhiều Phật tử trong nước biết đến với biệt danh khiêm xưng "Người làm vườn kiêm quét chùa", xây dựng và trụ trì.

Một hình ảnh khá lạ mắt đối với những du khách lần đầu tới xứ Ấn Độ là những phụ nữ với giỏ xách đựng cơm và bánh vụn tẩn mẩn đem bỏ vào các gốc cây để bố thí cho chim chóc và cả con sâu cái kiến. Tuy nhiên, nếu đối với thú vật họ gần gũi thì đối với con người, nhất là khách nước ngoài, họ lại tỏ ra khá xa cách và e dè.

Một điểm đặc biệt ở đây là đội ngũ ăn xin đông đảo đủ hạng người già trẻ lớn bé, mà những du khách chưa có kinh nghiệm lỡ hào phóng mở lòng từ tâm sẽ phải khốn khổ với một đoàn quân cái bang ngay lập tức nhì nhằng đeo bám.

Một thánh tích nổi tiếng khác là Na Lan Đà cách Patna 70 km về hướng Đông Nam, được mệnh danh là "Viện Đại học Phật giáo đầu tiên trên thế giới" được xây dựng từ thế kỷ 12, nay tuy đã trở thành phế tích vì chỉ còn trơ lại các nền đá nhưng vẫn được chăm sóc chu đáo. Vào thời kỳ cực thịnh có đến 10.000 tì kheo đến tu học tại Na Lan Đà, trong đó có ngài Huyền Trang, một vị cao tăng đời Đường vào năm 637 đã lưu lại đây 15 tháng để học đạo với vị minh sư Giới Hiền đã 106 tuổi mà vẫn còn minh mẫn.

(Theo Doanh Nhân Sài Gòn Cuối Tuần)

Một phần của tài liệu KHÁM PHÁ THẾ GIỚI (PHẦN 2) (Trang 40 -46 )

×