Khác nhau về phương diện nghệ thuật

Một phần của tài liệu So sánh quan niệm về hạnh phúc lứa đôi trong truyện kỳ mạn lục (nguyễn dữ) và truyện cổ tích (người việt) (Trang 50 - 65)

6. Bố cục của khoá luận

3.2.Khác nhau về phương diện nghệ thuật

3.2.1. Yếu tố “kỳ”

Hai thể loại đều có dạng thức tồn tại hữu hình là thần, tiên, người nhưng yếu tố kỳ trong truyện cổ tích còn tồn tại vô hình ở dạng câu thần chú (truyện

Cây tre trăm đốt); còn truyện truyền kỳ vô hình ở dạng hồn ma: hồn ma Đào, Liễu, kế rồi thấy những mĩ nhân tự xưng là họ Vi, họ Lý, họ Mai, họ Dương, này chị họ Kim, cô kia họ Thạch, lục tục đến mừng và dự tiệc (Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây) [12, 150], hồn ma Nhị Khanh (Chuyện cây gạo). Yếu tố kỳ xuất hiện trong truyện cổ tích còn ở dưới dạng những vật thần kỳ mà truyện truyền kỳ không có như cây đàn thần, niêu cơm thần (truyện Thạch Sanh), chiếc gậy thần (truyện

Chử Đồng Tử).

Các hình tượng truyện cổ tích mang vẻ đẹp “nguyên phiến nguyên khối” còn các hình tượng trong truyện truyền kỳ luôn có sự chuyển hóa, dung hợp. Ví dụ: Giáng Hương đến xem hội hoa, kết duyên cùng Từ Thức cũng là hình ảnh thần tiên trần tục hóa.

Một điểm nữa là sự tham gia của yếu tố thần kỳ vào câu chuyện. Ở truyện truyền kỳ không phải là những nhân vật có phép lạ như kiểu Trời- Bụt- Tiên ở trong truyện cổ tích thần kỳ mà phần lớn ở ngay hình thức phi nhân của nhân vật (ma quỷ hóa người). Tuy vậy, trong truyện bao giờ nhân vật cũng là thật. Chính nhân vật mang hình thức phi nhân thì cũng là sự cách điệu, phóng đại của tâm lý, tính cách một loại người nào đó. Chẳng hạn, Hàn Than trong Chuyện nghiệp oan của Đào thị đấu tranh rửa nhục bằng cách thuê thích khách trả thù. Chuyện bị lộ, nàng trốn đi tu. Vào cửa chùa, nàng vẫn khao khát quyền sống của người trần tục. Nàng đấu tranh tự giải phóng, biến thành thuồng luồng về trả thù, chứng tỏ trong con người Hàn Than có sức sống mãnh liệt, sự khao khát cuộc sống mãnh liệt: Thiếp buổi trước ngàn dâu xế bóng, cửa Phật nương mình; đáng cười thay chưa dứt lòng trần, thêm ngán nỗi chia bầy; sống còn chưa được thỏa yêu đương, chết xuống sẽ cùng nhau quấn quýt. Mong chàng hiểu câu kệ lục, như bỏ cõi thiêng Tứ đại tạm rời cảnh Phật, về chốn suối vàng, để thiếp được ngửa nhờ Phật lực, thác hóa đầu thai, trả cho xong cái nợ oan gia ngày trước… [12, 171]. Vì vậy có thể nói Truyền kỳ mạn lục mang đậm yếu tố nhân bản, có giá trị nhân bản sâu sắc.

Nguyễn Dữ giống tác giả dân gian vì một trong những nguồn ảnh hưởng khi sáng tác Truyền kỳ mạn lục là từ truyền thuyết, Tiên thoại, Phật thoại của Việt Nam. Tuy nhiên, sáng tác của Nguyễn Dữ khác truyện cổ tích ở chỗ: nhà văn còn ảnh hưởng bởi loại truyện truyền kỳ ở Trung Quốc với nội dung chủ

yếu là “thuật kỳ ký dị” (thuật lại sự khác thường, ghi lại điều kỳ lạ), nhất là ảnh hưởng mạnh mẽ từ Tiễn đăng tân thoại (Cù Hựu).

3.2.2. Cốt truyện

Cốt truyện trong các truyện Truyền kỳ mạn lục được xây dựng phức tạp hơn cốt truyện của truyện cổ tích. Ở truyện cổ tích, cốt truyện là sự sắp xếp các chức năng của nhân vật. Nghĩa là những sự kiện, tình tiết trong truyện cổ tích luôn luôn nằm trong một mô hình khái quát nào đó tạo nên cái gọi là những “mô-típ” và nó thường biểu hiện một nội dung nhất định. Ví dụ như sự thử thách, sự đền ơn, sự trừng phạt. Còn cốt truyện trong Truyền kỳ mạn lục thì mỗi tình tiết, sự kiện đều thể hiện một nội dung quan niệm của tác giả.

Đặc biệt, nếu cốt truyện trong truyện cổ tích chỉ có chức năng tạo thành nội dung tác phẩm, không miêu tả kĩ diễn biến tâm lý và đời sống nội tâm nhân vật thì Truyền kỳ mạn lục lại thể hiện rõ nét vận động bên ngoài cũng như diễn biến bên trong của nhân vật. Chẳng hạn Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu (Khoái Châu nghĩa phụ truyện), nhân vật Nhị Khanh được miêu tả với những sắc thái khác nhau: lúc đầu là yêu mến tài năng của Trọng Quỳ nên đã kết duyên Châu Trần→ thẳng thắn, dứt khoát khuyên chồng theo cha cho trọn hiếu đạo→ sợ hãi, mất ngủ quên ăn vì bà cô Lưu thị ép duyên mới→ vui mừng vì gặp lại chồng→ đau buồn vì chồng bạc tình khi Trọng Quỳ đem nàng gán nợ → cuối cùng là khóc vì gặp lại chồng, thấy chồng đã ăn năn hối cải.

Bên cạnh đó, Truyền kỳ mạn lục sử dụng những yếu tố ngoài cốt truyện mà truyện cổ tích không có. Yếu tố ngoài cốt truyện là chi tiết, bộ phận thuộc nội dung các tác phẩm văn học thuộc loại hình tự sự, nằm ngoài hệ thống sự kiện tạo thành cốt truyện [6, 370] và nó tăng cường sự hấp dẫn của cốt truyện [6, 370].

Trong sáng tác của Nguyễn Dữ, yếu tố ngoài cốt truyện chính là những đoạn văn vần và lời bình ở cuối mỗi truyện. Qua mười tác phẩm nói lên quan niệm về hạnh phúc lứa đôi thì tất cả đều có lời bình cuối mỗi truyện và có xen các bài văn vần ở trong truyện. Đây hoàn toàn là dụng ý nghệ thuật của tác giả: trong những tác phẩm có văn vần, ta thấy cốt truyện dường như ngừng phát triển, bị kéo chùng xuống, thời gian nghệ thuật kéo dãn ra, tạo nên chất trữ tình và màu sắc lãng mạn cho truyện. Chẳng hạn truyện Từ Thức lấy vợ tiên (Từ

Thức tiên hôn lục), tác giả dùng những đoạn văn vừa thể hiện những ngày tháng Từ Thức sống ở cõi tiên, vừa biểu hiện sự chuyển biến tâm trạng của chàng trong suốt thời gian sống cạnh người đẹp ở chốn bồng lai tiên cảnh: Những đêm sương sa gió thổi, bóng trăng sáng dòm qua cửa sổ, tiếng thủy triều nghe văng vẳng đầu giường, đối cảnh chạnh lòng, một mối buồn bâng khuâng quấy nhiễu khiến không sao ngủ được. Hay Tôi bước khách bơ vơ, lòng quê bịn rịn, lệ hoa thánh thót, lòng cỏ héo hon, dám xin thể tình mà cho được tạm về, chẳng hay ý nàng thế nào? [12, 190].

Hoặc như Chuyện nghiệp oan của Đào thị (Đào thị nghiệp oan ký), mười bài thơ liên cú có tác dụng biểu hiện khoảng không gian mà Hàn Than và sư bác Vô Kỷ yêu nhau say đắm, nhàn nhã say mê hưởng lạc. Ví dụ:

Mây núi

Bên trời đậm nhạt không thường,

Ráng chiều mưa sớm bốn phương đi về. Sư lười tiểu cũng lười ghê

Siêng năng khép cửa bồ đề ấy ai. [12, 169]

Trăng núi

Sau rừng khí sáng lên cao

Long lanh gương bạc gác vào đỉnh non. Bóng soi mát dịu tâm hồn,

Lên lầu Nam, lọ phải còn tốn công [ 12, 170].

Lời bình cuối mỗi truyện chủ yếu bàn về nội dung ý nghĩa thể hiện một quan điểm của tác giả về những vấn đề đặt ra trong truyện. Ví dụ: Than ôi! Dòm vào buồng, kêu trên xà, chẳng đã là quái gở ư? Thưa rằng chưa vậy. Con gấu Vũ Uyên, con lợn Bối Khâu chẳng đã làm quái gở ư? Thưa rằng chưa vậy. Bởi Xương Lê làm bài văn Nguyên quỷ, Khâu Minh giải nghĩa kinh Xuân thu, ấy là quái trở nên làm thường. Thế thì câu chuyện Xương Giang chẳng phải là quái? Phương chi xem thấy yêu nữ mê hoặc lòng người, phải biết răn sợ trước sắc đẹp, xem thấy linh từ xử án, phải biết kính tránh trước thần thiêng. Nghi để truyện nghi, chẳng có gì là quá đáng vậy [12, 204]. Lời bình ấy hướng độc giả hiểu hơn

và nắm vững cốt truyện cũng như nội dung mà Nguyễn Dữ muốn trình bày trong đó.

Chính những sự khác biệt này cho ta cảm giác Truyền kỳ mạn lục mang hơi hướng của văn xuôi hiện đại sau này.

3.2.3. Nhân vật

Khác với nhân vật trong truyện cổ tích, nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục

được dụng công xây dựng những con người, những cuộc đời riêng tư. Những nhân vật ấy có lí lịch, diện mạo và tính cách riêng. Ví dụ, nhân vật Nhị Khanh trong Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu nổi bật lên với tính cách là một người phụ nữ chung thủy. Nhị Khanh tiêu biểu cho tính cách nhân hậu, dịu dàng, đảm đang, tiết nghĩa, đầy tình thương đối với chồng, con của người phụ nữ ngày xưa. Điều này khác hẳn với nhân vật trong cổ tích chỉ mang tính phiếm chỉ, không có tính cách, không có cá tính.

Nhân vật trong truyện cổ tích chưa có đời sống nội tâm trong khi nhân vật ở các truyện trong Truyền kỳ mạn lục có đời sống nội tâm hết sức sâu sắc. Ở đây, khai niệm “nội tâm” chỉ toàn bộ cuộc sống bên trong của nhân vật. Đó là những tâm trạng, suy nghĩ, những cảm xúc, những phản ứng tâm lý của bản thân nhân vật trước tình huống mà nó chứng kiến hoặc thể hiện trên bước đường đời của mình. Qua khảo sát nhân vật, chúng tôi thấy rằng: các nhân vật trong truyện cổ tích mới chỉ là những nhân cách chứ chưa phải là những tính cách, cho nên chưa có đời sống nội tâm. Trong khi đó, nhân vật trong tác phẩm của Nguyễn Dữ là những tính cách cụ thể, có đời sống nội tâm sâu sắc, phong phú. Ví dụ khác hẳn với nhân vật bà mẹ trong cổ tích Vợ chàng Trương không hề có một lời nhắn nhủ nào trước lúc con lên đường thì trong Chuyện người con gái Nam Xương, lúc Trương sinh bị bắt đi tòng quân, ở một nơi “hỗn loạn”, là lúc chia tay người thân để lên đường, dù vội vã bà mẹ có dặn rằng: Nay con phải tạm tòng quân, xa lìa dưới gối. Tuy là hội công danh xưa ít gặp, nhưng trong chỗ binh cách, phải biết giữ mình, đừng nên tham miếng mồi thơm, để lỡ mắc vào lưới cá, quan cao tước lớn, nhường để người ta. Có như thế thì mẹ ở nhà mới đỡ lo lắng vì con được [12, 237]. Hay như lời Vũ Nương nói với Trương sinh khi nàng bị nghi oan: Thiếp vốn nhà nghèo, được vào cửa tía, sum họp chưa thỏa tình chăn gối, chia phôi vì động việc lửa binh. Cách biệt ba năm, giữ gìn một tiết. Tô son điểm

phấn từng đã nguội lòng, ngõ liễu đường hoa chưa hề bén gót. Đâu có sự mất nết hư thân như lời chàng nói. Dám xin trấn bạch để cởi mối nghi ngờ. Mong chàng đừng một mực nghi oan cho thiếp [12, 239]. Đây là những lời hết sức chân thành mà Vũ Thị Thiết nói ra để minh oan cho mình. Khác hẳn với Vợ chàng Trương (adsbygoogle = window.adsbygoogle || []).push({});

trong cổ tích: không hề có một lời minh oan, giải thích trước sự hiểu lầm của chồng rồi nàng phải tự gieo mình xuống sông, chết một cách oan trái.

Thế giới nhân vật trong cổ tích phong phú đa dạng hơn, đầy đủ các giai tầng trong xã hội. Trong khi đó, qua khảo sát các truyện ở Truyền kỳ mạn lục, chúng tôi nhận thấy có hai loại nhân vật chủ yếu là Nho sĩ và người phụ nữ. Các truyện có nhân vật Nho sĩ là: Từ Thức (Từ Thức lấy vợ tiên); Dư Nhuận Chi (Chuyện nàng Túy Tiêu); Phật Sinh (Chuyện Lệ Nương); Đạo nhân (Chuyện cây gạo). Tiêu biểu cho nữ giới cũng là tiêu biểu cho phẩm cách con người Việt Nam là các nhân vật: Nhị Khanh (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu); Dương thị (Chuyện đối tụng ở Long cung); Đào thị (Chuyện nghiệp oan của Đào thị); Túy Tiêu (Túy Tiêu truyện); Lệ Nương (Chuyện Lệ Nương).

Chính những sự khác biệt này, nhân vật trong Truyền kỳ mạn lục tồn tại mà không hề bị che lấp bởi sự lặp lại, bắt chước theo nguyên mẫu.

3.2.4. Thời gian nghệ thuật

Thời gian trong truyện cổ tích là quá khứ tuyệt đối không có tính xác định với công thức mở đầu phổ biến là: “ngày xửa ngày xưa đã lâu lắm (hoặc xưa kia), ở một làng nọ…”[4, 69]. Đây là thời gian “bịa” để đưa người nghe vào “trường cổ tích”. Thời gian trong Truyền kỳ mạn lục mang tính xác định, cụ thể. Điều tất yếu sẽ dẫn đến nhân vật được quan tâm hơn về tuổi tác, cuộc đời, những diễn biến trong đời sống. Đó không chỉ dừng lại ở việc tác giả đã sáng tạo ra từ chính chất liệu ông ảnh hưởng mà còn khẳng định tài năng của Nguyễn Dữ. Đồng thời ta thấy được bước phát triển trong nền văn xuôi tự sự trung đại Việt Nam.

Thời gian trong Truyền kỳ mạn lục phức tạp hơn truyện cổ tích. Thời gian trong Truyền kỳ mạn lục thường gắn với ban đêm, thời gian truyện cổ tích gắn với ban ngày, gắn với cuộc sống lao động sinh hoạt bình thường của nhân dân. Thời gian ban đêm trong truyện cổ tích rất ít. Ví dụ truyện Chử Đồng Tử: Đến nửa đêm, trời nổi cơn dông cát bay, cây đổ rồi toàn khu tòa lâu đài của Chử

Đồng Tử, Tiên Dung bay cả lên trời, chỉ còn lại bãi đất trống ở giữa cái đầm [1, 376]. Tác giả dân gian cũng sử dụng thời gian ban đêm tạo điều kiện cho yếu tố kỳ ảo xuất hiện nhưng kiểu thời gian ấy rất ít. Trong khi đó, hầu hết các truyện ở Truyền kỳ mạn lục, Nguyễn Dữ không những sử dụng thời gian kỳ ảo mà còn xây dựng tình tiết, sự kiện gắn với giấc mơ hoặc để sự việc diễn ra vào ban đêm. Thời gian ban đêm có khi được kể cụ thể, tỉ mỉ: Khoảng cuối canh ba, bỗng nghe tiếng khóc nức nở từ xa rồi gần (Chuyện người nghĩa phụ ở Khoái Châu);

Rồi, canh ba đêm hôm ấy, nhân lúc đêm đen giời tối, hai người cùng đi đến Đông thôn (Chuyện cây gạo); Bấy giờ trăng tỏ sao thưa, bốn bề im lặng, chợt nghe ở mỏm bãi cát ở đằng phía Đông Nam có tiếng khóc rất ai oán (Chuyện yêu quái ở Xương Giang). Trong Truyền kỳ mạn lục, người và ma gặp nhau vào ban đêm và cứ khi trời lờ mờ sáng thì từ biệt hoặc chuyện kỳ lạ xảy ra trong đêm ấy cũng kết thúc. Đó là để xây dựng những tình tiết, sự kiện cho thêm phần hấp dẫn kỳ ảo. Chuyện Lệ Nương, sau khi Lệ Nương mất, nàng vẫn được gặp lại người chồng còn sống, thậm chí còn âu yếm chuyện trò trong một đêm… Chính thời gian ban đêm gắn với giấc mơ để người đọc cảm nhận đó là giấc mơ thật sự của nhân vật.

Truyện cổ tích thì khác, mỗi câu chuyện là một giấc mơ của nhân vật, giấc mơ về một cuộc sống tốt đẹp, bình đẳng và nhân ái tình người biểu hiện ở kết thúc có hậu chứ không phải nằm mơ (giấc mộng) như ở tác phẩm của Nguyễn Dữ. Truyền kỳ mạn lục khiến người đọc có cảm giác bước vào thế giới xa lạ, kỳ ảo có phần ghê sợ mặc dù các nhân vật rất gần gũi với cuộc sống đời thường. Đó cũng chính là một trong những thành công khi Nguyễn Dữ sáng tác tác phẩm theo thể loại truyền kỳ.

3.2.5. Không gian nghệ thuật

Truyện cổ tích sử dụng không gian trần thế là chủ yếu, Truyền kỳ mạn lục

lại sử dụng không gian hư ảo là chủ yếu. Như chúng ta đã biết, cả hai loại truyện này đều sử dụng không gian trần thế và không gian hư ảo, nhưng tần số sử dụng những kiểu không gian này ở hai loại truyện là khác nhau. Nếu truyện cổ tích chủ yếu mở ra một thế giới của cõi trần thân thuộc thì Truyền kỳ mạn lục lại cố gắng co rút lại không gian trần thế để đưa người đọc vào một thế giới kỳ ảo, huyễn hoặc. Trong truyện cổ tích Vợ chàng Trương, không gian trần thế là ngôi

nhà mà người vợ tần tảo chăm sóc mẹ già, con dại, nơi người chồng ra đi; là không gian xa cách của vợ chồng, là không gian miếu thờ sau khi người vợ chết. Ở Chuyện người con gái Nam Xương, không gian trần thế cũng có là không gian ngôi nhà, không gian xa cách nơi người chồng ra đi. Bên cạnh đó còn có không gian thủy phủ là Thủy tinh cung của đức Linh Phi.

Không gian nghệ thuật của truyện cổ tích cũng là không gian phiếm định

“ở một làng nọ” hay “một vương quốc xa xôi nào đó”. Hầu như mọi cổ tích thần kỳ đều mở đầu bằng không gian “tại một nơi cùng trời cuối đất nọ”… Chính nhờ tính không xác định mà người kể cổ tích có thể mở rộng tối đa chân trời hư cấu còn người nghe cũng “không hề liên hệ gì nữa chuyện kể với thực tại” [4, 33]. Trong khi đó ở Truyền kỳ mạn lục, không gian nghệ thuật lại rất cụ thể: Chẳng hạn Chuyện kỳ ngộ ở trại Tây có ghi: Khi đến trại Tây, qua mấy lần rào, quanh một đoạn tường, đi ước mấy chục trượng đến một ao sen, hết ao là một khu vườn,

Một phần của tài liệu So sánh quan niệm về hạnh phúc lứa đôi trong truyện kỳ mạn lục (nguyễn dữ) và truyện cổ tích (người việt) (Trang 50 - 65)