Bất cập đến từ phía bộ tập quán:

Một phần của tài liệu Ứng dụng thực tế của UCP 600 và ISBP 681 trong việc tạo lập và kiểm tra bộ chứng từ thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ tại một số ngân hàng thương mại (Trang 64 - 66)

III. Một số khó khăn và bất cập khi áp dụng

1.Bất cập đến từ phía bộ tập quán:

Mặc dù so với UCP500, UCP600 đã hạn chế được một số những bất cập nhất định (Quy định cụ thể hơn trách nhiệm của hai bên mua bán, của ngân hàng, tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ rõ ràng hơn…), tuy nhiên UCP600 và cùng với nó là ISBP681 vẫn không phải là hoàn hảo, và vẫn còn một số điểm mà 2 văn bản mới này chưa giải quyết được.

♣ Điều 7 (b) UCP600

Điều 7 (b) UCP600 chỉ ra thời điểm cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành có hiệu lực đó là từ thời điểm ngân hàng phát hành tín dụng. Tuy nhiên lại chưa định nghĩa thế nào là phát hành tín dụng và thời điểm nào được coi là tín dụng đã được phát đi. Điều này đặc biệt có ý nghĩa bởi vì đó chính là thời điểm mà ngân hàng phát hành bị ràng buộc bởi cam kết thanh toán cho tín dụng thư.

♣ Điều khoản về tiêu chuẩn kiểm tra chứng từ:

Khi làm nhiệm vụ kiểm tra chứng từ, các TTV phải tuân theo quy định của UCP600. Quy định càng cụ thể thì việc kiểm tra chứng từ càng nhanh chóng và sẽ hạn chế được những sai sót xảy ra từ việc kiểm tra chứng từ. Thế nhưng trong Điều14(d) UCP600 quy định như sau: “ Dữ liệu trong một chứng từ không nhất thiết phải giống hệt như khi đọc lời văn của tín dụng, của bản thân chứng từ và của tập quán ngân hàng tiêu chuẩn quốc tế, nhưng không được mâu thuẫn với dữ liệu trong chứng từ đó, với bất cứ quy định nào khác hoặc với tín dụng.”

Quy định này thực sự mơ hồ và khó hiểu. Thực sự rất khó để xác định các chứng từ có mâu thuẫn nhau hay không. Và nhiều khi việc quyết định xem các dữ liệu, các thông số có mâu thuẫn với nhau hay không lại phụ thuộc vào sự nhạy cảm của người kiểm tra chứng từ

♣ Trách nhiệm của ngân hàng thông báo.

Điều 9 UCP600 quy định về việc thông báo thư tín dụng và các sửa đổi, theo đó “bằng việc thông báo thư tín dụng hoặc sửa đổi thư tín dụng, ngân hàng thông báo phải thể hiện là nó đã kiểm tra tính chân thực của thư tín dụng hoặc sửa đổi đó và thông báo đó phải phản ánh chính xác các điều khoản của thư tín dụng hoặc sửa đổi mà ngân hàng thông báo đó đã nhận được. Nghĩa vụ của ngân hàng thông báo thứ hai cũng giống như ngân hàng thông báo thứ 1”.Trong trường hợp bình thường, nếu một ngân hàng thông báo trực tiếp cho người hưởng về thư tín dụng, ngân hàng đó chỉ việc làm một tờ thông báo về thư tín dụng (notification of letter of credit) và kèm theo đó là bức điện MT700 (chính là toàn bộ thư tín dụng) mà nó nhận được từ ngân hàng phát hành và gửi cho người hưởng lợi. Như vậy, ngân hàng hoàn toàn có thể thực hiện được các yêu cầu của Điều 9. Tuy nhiên, trong trường hợp ngân hàng không thông báo trực tiếp thư tín dụng cho người hưởng mà thông báo qua ngân hàng thông báo thứ hai thì rất khó có thể thực hiện được quy trình “ phản ánh chính xác các điều khoản”. Trong thực tế ngân hàng phát hành sẽ gửi điện MT700 đến cho ngân hàng thông báo thứ nhất và yêu cầu thông báo qua một ngân hàng thông báo thứ hai. Ngân hàng thông báo thứ nhất sẽ phải lập một điện MT710 (có đầy đủ các trường như của MT700). Tuy nhiên có những điều khoản trong MT700 lại bao gồm những thông tin mà ngân hàng phát hành chỉ gửi cho ngân hàng thông báo thứ nhất, không phải ngân hàng thông báo thứ hai. Trong trường hợp đó, ngân hàng thông báo thứ nhất sẽ cắt bỏ điều khoản đó, không đưa vào nội dung của MT700 gửi cho ngân hàng thông báo thứ hai. Tuy nhiên, nếu làm như vậy sẽ không thực hiện đúng như yêu cầu của Điều 9. Trong trường hợp đó ngân hàng thông báo thứ nhất sẽ phải làm gì? Đây chính là một vấn đề mà UCP 600 vẫn chưa giải quyết được để hỗ trợ cho hoạt động của các ngân hàng.

♣ Chứng từ vận tải đa phương thức: Điều 19 UCP600

Theo tên gọi của loại chứng từ nay: “chứng từ vận tải đa phương thức đối với hành trình ít nhất hai phương thức vận tải khác nhau”. Song trên thực tế hiện nay thì chứng từ vận tải đa phương thức vẫn được áp dụng đối với hành trình chỉ sử dụng phương thức vận chuyển đường bộ. Vậy trong trường hợp đó, nó có thuộc đối tượng điều chỉnh của UCP600 không? Đây thực sự là một bất cập mà UCP600 vẫn chưa giải quyết được cho phù hợp với ngành vận tải và bảo hiểm hiện nay.

♣ Vận đơn của người giao nhận

Ta có thể thấy rằng trong UCP600 không có một điều khoản riêng nào về forwarder B/L. vậy trong trường hợp người xuất khẩu tiến hành gửi hàng cho người giao nhận thì vận đơn của người giao nhận có được ngân hàng chấp nhận không?

Một phần của tài liệu Ứng dụng thực tế của UCP 600 và ISBP 681 trong việc tạo lập và kiểm tra bộ chứng từ thanh toán theo phương thức tín dụng chứng từ tại một số ngân hàng thương mại (Trang 64 - 66)