II. Một số giải pháp nhằm khắc phục những bất cập và khó khăn khi áp dụng:
1. Một số giải pháp mang tính chất vĩ mô:
1.2. Đối với các cơ quan chức năng, ngân hàng nhà nước Việt Nam
♣ Các cơ quan chức năng:
Hoạt động thương mại quốc tế có thành công hay không phụ thuộc rất nhiều vào định hướng, tư vấn và hướng dẫn của các cấp có thẩm quyền. Ví dụ khi doanh nghiệp muốn xuất khẩu hàng hóa sang thị trường Mỹ thì việc cung cấp những tài liệu về thị trường Hoa Kỳ, định hướng và lưu ý doanh nghiệp những vấn đề tiêu biểu của thị trường hàng đầu thế giới này tỏ ra thực sự cần thiết, góp phần không nhỏ vào sự thành công của doanh nghiệp trên thị trường đó. Không chỉ có vậy, sự hiểu biết về tập quán quốc tế, những quy định và thông lệ đang được bạn bè thế giới sử dụng cũng góp phần không nhỏ vào thành công ấy.
Trong bối cảnh hiện nay, khi mà UCP600 và ISBP 681 đã có hiệu lực được gần 1 năm thì sự hiểu biết của các doanh nghiệp Việt Nam về hai bản quy tắc mới này còn rất nhiều hạn chế. Điều này sẽ gây ra khá nhiều thiệt thòi cho doanh nghiệp chúng ta khi làm ăn buôn bán với các đối tác nhiều kinh nghiệm, có tiềm lực kinh tế mạnh. Do vậy, việc định hướng, giúp doanh nghiệp tìm hiểu, hiểu đúng và vận dụng đúng tỏ ra vô cùng cần thiết. Bởi vì chỉ khi thực sự hiểu thì mới có thể áp dụng đúng, và chỉ có áp dụng đúng mới có thể tránh đuơc những sai sót, rủi ro trong thương mại quốc tế. Đặc biệt liên quan đến hai bản pháp lý này đó là những sai sót của bộ chứng từ thanh toán dẫn đến việc bị ngân hàng nước ngoài từ chối thanh toán theo tín dụng thư. Do vậy, các cơ quan chức năng đặc biệt là Cục Xúc Tiến Thương Mại, Trung Tâm Hỗ Trợ Doanh Nghiệp, phòng thương mại và công nghiệp nên tổ chức các khoá đào tạo, hướng dẫn về tín dụng chứng từ và UCP600 cho các doanh
nghiệp. Bên cạnh đó, cũng cần thường xuyên tổ chức những buổi hội thảo giới thiệu về bộ tập quán mới, giúp doanh nghiệp hiểu và lưu ý doanh nghiệp về sự khác biệt so với bộ tập quán cũ. Chỉ có như vậy thì các doanh nghiệp của chúng ta mới có thể tự tin khi áp dụng, từ đó sẽ giảm thiểu được những rủi ro bộ chứng từ bị từ chối thanh toán. Và từ đó mới có thể nâng cao được hiệu quả của hoạt động ngoại thương (vì theo ước tính của VIB mỗi lần bộ chứng từ bị từ chối thanh toán, các doanh nghiệp của chúng ta sẽ phải chịu chi phí sửa chữa bộ chứng từ là 50-2500USD)
♣ Ngân hàng nhà nước Việt Nam:
Một trong những chức năng nhiệm vụ của ngân hàng nhà nước đó là chỉ đạo, hướng dẫn và kiểm soát hoạt động của ngân hàng thương mại. Tuy nhiên trong quy trình nghiệp vụ thanh toán quốc tế thì ngân hàng nhà nước chưa có một đơn vị chuyên về thanh toán quốc tế để hướng dẫn nghiệp vụ thanh toán quốc tế của doanh nghiệp. Do vậy, ngân hàng nhà nước Việt Nam nên thành lập một ban chuyên về thanh toán quốc tế để chỉ đạo hướng dẫn hoạt động này của các ngân hàng thương mại đồng thời có thể tư vấn cho các ngân hàng thương mại khi có các tranh chấp liên quan đến vấn đề thanh toán quốc tế.
2.Một số giải pháp mang tính chất vi mô:
2.1.Đối với các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu:
Hiện nay, các doanh nghiệp Việt Nam tham gia thương mại quốc tế ngày càng nhiều. Đặc biệt là từ sau khi Việt Nam trở thành thành viên chính thức của tổ chức Thương Mại Quốc Tế (7/11/2006). Khi tham gia thương mại quốc tế, các doanh nghiệp của chúng ta tất nhiên phải chấp nhận các luật chơi quốc tế. Và một điều đương nhiên là khi lựa chọn phương thức thanh toán tín dụng chứng từ, các doanh nghiệp cũng cần phải hiểu biết về phương thức tín dụng
chứng từ cũng như các tập quán đang được sử dụng đối với phương thức đó.Tuy nhiên, về vấn đề này các doanh nghiệp của chúng ta thực sự còn nhiều hạn chế. Trong các doanh nghiệp của chúng ta, số cán bộ sử dụng thành thạo ngoại ngữ và am hiểu quy tắc tín dụng chứng từ chưa nhiều. Đặc biệt là trong bối cảnh hiện nay khi mà hầu hết các đối tác khi tham gia hoạt động ngoại thương đều sử dụng UCP600 trong phương thức tín dụng chứng từ. Trong khi đó, UCP600 còn là một cái gì đó khá lạ lẫm đối với doanh nghiệp của chúng ta. Điều này sẽ dẫn đến thiệt thòi cho các doanh nghiệp khi tham gia vào thương mại quốc tế. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải chủ động cử cán bộ đi tham gia các khoá đào tạo, hướng dẫn về tín dụng chứng từ và UCP600 do phòng thương mại và công nghiệp cũng như các cơ sở của Việt Nam tổ chức. Bản thân các doanh nghiệp cũng cần phải tự cập nhật kiến thức cơ bản, các quy tắc, luật pháp có liên quan tới lĩnh vực này để có thể tự bảo vệ mình và thành công khi tham gia vào thương mại quốc tế, đặc biệt trong bối cảnh lừa đảo, gian lận thương mại quốc tế có xu hướng gia tăng. Một điều cần lưu ý các doanh nghiệp là khi tham gia ký kết hợp đồng và lựa chọn phương thức thanh toán, nên hỏi ý kiến tư vấn của ngân hàng. Đặc biệt là khi sử dụng phương thức tín dụng chứng từ tuân theo UCP600.
2.2.Đối với các ngân hàng thương mại:
Như đã nói ở trên, thanh toán bằng tín dụng thư chiếm tỷ trọng lớn nhất trong nghiệp vụ thanh toán quốc tế tại các ngân hàng thương mại (khoảng 60%). Việc có một quy trình thanh toán rõ ràng cụ thể sẽ giúp cho các thanh toán viên tránh được nhiều sai sót liên quan đến việc kiểm tra bộ chứng từ thanh toán. Nhất là trong thời điểm hiện nay khi mà UCP600 đã có hiệu lực và bản thân UCP cũng tồn tại một vài những bất cập. Vậy để có thể tham gia vào hệ thống ngân hàngt quốc tế, để có thể ứng dụng thành công UCP600
cũng như ISBP681 và có thể tư vấn cho doanh nghiệp xuất nhập khẩu khi cần thiết, các ngân hàng cần làm những gì?
♣ Những giải pháp chung:
Thứ nhất: Cần phải nâng cao chất lượng đào tạo đội ngũ thanh toán viên. Mặc dù trước khi chính thức áp dụng UCP600 và ISBP681 rất nhiều ngân hàng thương mại đã mở lớp đào tạo cán bộ về bộ tập quán mới. Tuy nhiên, chất lượng đào tạo vẫn thực sự chưa cao và việc đào tạo vẫn chủ yếu diễn ra ở hội sở chính, chưa được triển khai đồng bộ đến các chi nhánh cấp I và cấp II. Các ngân hàng nên tập trung đào tạo nâng cao nghiệp vụ cho thanh toán viên đồng bộ hơn, triển khai từ hội sở chính đến các chi nhánh.
Ngân hàng nên cử cán bộ đi tham dự các buổi hội thảo do các chuyên gia nước ngoài tổ chức tại Việt Nam. Thông qua các buổi hội thảo đó sẽ giúp các thanh toán viên hiểu biết hơn nữa về bộ tập quán mới, đồng thời ứng dụng quy trình nghiệp vụ thanh toán tiên tiến của các ngân hàng nước ngoài vào quy trình nghiệp vụ thanh toán hàng ngày của mình.
Thứ hai: Trong quy trình nghiệp vụ thanh toán thư tín dụng, ngân hàng nên quy định cụ thể và rõ ràng hơn nữa. Bởi vì quy định càng cụ thể rõ ràng bao nhiêu càng giúp cho cán bộ tránh sai sót bấy nhiêu (ví dụ như về vấn đề kiểm tra L/C theo ISBP681 nên quy định rõ ràng và cụ thể hơn).
Thứ ba: Các ngân hàng thương mại nên thường xuyên tổ chức các buổi hội thảo hướng dẫn về UCP600, những thay đổi của UCP600 so với UCP500 cho khách hàng của mình. Bởi vì chính những nhà xuất nhập khẩu mới là những đối tượng chính sử dụng phương thức tín dụng chứng từ trong thương mại quốc tế. Họ cần phải nắm vững các quy định điều chỉnh phương thức này để có thể vận dụng nó một cách nhanh chóng, chính xác. Việc các doanh nghiệp có thể vận dụng thành thạo và chính xác UCP600 không chỉ giúp đẩy
nhanh việc giao dịch thanh toán của họ mà còn giảm một phần gánh nặng cho các ngân hàng trong việc xử lý các giao dịch chứng từ cũng như hạn chế được rủi ro cho bản thân ngân hàng và khách hàng. Chính vì những lý do đó, công tác tuyên truyền, giới thiệu và hướng dẫn sử dụng UCP600 cho các khách hàng cần nhận được sự quan tâm thoả đáng của các ngân hàng thương mại
♣ Những giải pháp cụ thể:
- Khi là ngân hàng phát hành:
+ Khi nhận được đơn đề nghị phát hành L/C: Cần tìm hiểu kỹ về khách hàng (tiềm lực tài chính, uy tín của khách hàng, hợp đồng ngoại thương) để từ đó đề ra mức ký quỹ thích hợp. Đặc biệt lưu ý trong trường hợp khách hàng là bạn hàng mới, tiềm lực kinh tế kém, uy tín trên thị trường không cao, để tránh rủi ro cho ngân hàng nên yêu cầu ký quỹ 100%.
+ Khi phát hành thư tín dụng: Cần tư vấn cho khách hàng phát hành một thư tín dụng sao cho có lợi nhất cho khách hàng. Đặc biệt cần lưu ý về những vấn đề mà UCP600 vẫn chưa đề cập, ví dụ như vận đơn của người giao nhận có được chấp nhận không? Điều này cần quy định cụ thể và rõ ràng trong thư tín dụng.
+ Cần phải quy định cụ thể về việc thế nào là phát hành tín dụng và thời điểm nào được coi là tín dụng đã được phát đi. Vì điều này ràng buộc cam kết thanh toán của ngân hàng phát hành khi BCT được xuất trình phù hợp.
+ Khi kiểm tra BCT: Tiến hành kiểm tra cẩn thận theo đúng tinh thần của UCP600 và ISBP681 đồng thời đảm bảo đúng thời hạn quy định (5 ngày làm việc). Đối với những BCT có giá trị lớn, phức tạp nên giao cho những thanh toán viên có nhiều kinh nghiệm kiểm tra, hoặc sau khi TTV đã kiểm tra nên giao lại cho KSV kiểm tra lại.
- Khi là ngân hàng thông báo: Trong nhiều trường hợp, ngân hàng phát hành L/C bị đánh giá là có khả năng thanh toán quá thấp hoặc có vị trí địa lý ở vùng cấm vận, chính trị không ổn định. Khi người hưởng lợi xuất trình bộ chứng từ đòi tiền ngân hàng phát hành thì có thể không đòi được tiền hoặc phải mất nhiều công sức mới đòi được tiền từ ngân hàng phát hành. Điều này kéo theo thời gian giao dịch và có thể không hiệu quả.
+ Khi nhận được đơn yêu cầu thông báo thư tín dụng của ngân hàng nước ngoài gửi đến: Tìm hiểu khả năng thanh toán của ngân hàng phát hành trước khi tiến hành thông báo thư tín dụng cho người hưởng lợi. Nếu từ chối thông báo thư tín dụng thì phải gửi thông báo từ chối đến ngân hàng phát hành.
+ Khi tiến hành thông báo thư tín dụng: Tiến hành kiểm tra kỹ các điều khoản của thư tín dụng để kịp thời lưu ý khách hàng về những bất lợi, khách hàng có thể yêu cầu người nhập khẩu sửa lại, tu chỉnh L/C cho phù hợp.
- Khi là ngân hàng xác nhận: Khả năng ngân hàng phát hành không thể thanh toán bộ chứng từ là rất cao (Do vậy người hưởng lợi mới yêu cầu xác nhận thư tín dụng) Do vậy cần lưu ý:
+ Tìm hiểu ngân hàng phát hành trước khi tiến hành xác nhận thư tín dụng
+ Trong trường hợp có nhiều rủi ro thì nên từ chối xác nhận thư tín dụng
- Khi là ngân hàng thương lượng thanh toán: Quá trình kiểm tra bộ chứng từ chiết khấu phải thật chính xác để từ đó đề ra hạn mức và thời hạn chiết khấu thích hợp.