Nhà nước với vai trò quản lí vĩ mô ngành kinh tế, quản lí vĩ mô ngành bảo hiểm để tạo ra môi trường kinh doanh bình đẳng, thuận lợi cho các doanh nghiệp bảo hiểm theo định hướng phát triển ngành của Nhà nước và tránh vi phạm các thông lệ quốc tế thì Nhà nước cần phải:
Trước hết, Nhà nước cần phải hoàn thiện khung pháp luật hiện hành nói chung để tạo thuận lợi cho Việt Nam hội nhập quốc tế, mở cửa thị trường; kiện
toàn bộ máy tổ chức nhà nước. Đồng thời, phải sửa đổi, hoàn thiện hệ thống pháp luật về bảo hiểm và các quy định pháp luật liên quan đến nghiệp vụ bảo hiểm hàng hóa XNK vận chuyển bằng đường biển (Bộ luật hàng hải, Luật tố tụng..) phù hợp luật pháp quốc tế nhằm tạo ra một môi trường bình đẳng cho các DNBH, chống hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh. Với Bộ luật hàng hải, nhà nước cần sớm hoàn thiện để phù hợp hơn với các chuẩn mực quốc tế như: vấn đề giao nhận hàng hóa, tiêu chuẩn tàu vận chuyển…do có nhiều vấn đề trong ngoại thương thế giới hiện nay đã thay đổi.
Hai là, Nhà nước cần phát huy hơn nữa vai trò quản lí ngành bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm và thị trường bảo hiểm hàng hóa XNK vận chuyển bằng đường biển:
+ Nhà nước cần đưa ra chế tài mới xử phạt nghiêm hơn hành vi trục lợi bảo hiểm nhằm răn đe kịp thời những hành vi gây hậu quả nghiêm trọng.
+ Nhà nước cần có biện pháp cụ thể hơn để hướng cạnh tranh vào con đường lành mạnh cho thị trường bảo hiểm hàng hóa XNK và các thị trường bảo hiểm khác vì quyền lợi của người tham gia bảo hiểm và sau hết là quyền và lợi ích chính đáng của bản thân các doanh nghiệp. Mọi hình thức, biểu hiện cạnh tranh không lành mạnh như sử dụng các biện pháp mệnh lệnh hành chính để ép buộc tham gia bảo hiểm trái pháp luật, hạ phí bảo hiểm dưới mức an toàn, hay sử dụng hoa hồng bảo hiểm, hoa hồng môi giới bảo hiểm không đúng mục đích đều phải bị phát hiện kịp thời, xử lý nghiêm minh và thích đáng để duy trì sự phát triển bền vững của thị trường. Bên cạnh đó, Nhà nước phải tăng cường công tác kiểm tra, giám sát doanh nghiệp bảo hiểm, nhất là đánh giá thực trạng tài chính của họ, khả năng thanh toán, trích lập dự phòng, hiệu quả đầu tư, tình hình cạnh tranh, hoạt động đại lý, môi giới bảo hiểm...
Ba là, Nhà nước cần có cơ chế, chính sách cụ thể khuyến khích các công ty XNK ký kết hợp đồng theo điều kiện xuất khẩu CIF, nhập khẩu FOB hoặc
C&F như: giảm thuế XNK cho chủ hàng nào tham gia bảo hiểm tại Việt Nam, hoặc giảm thuế doanh thu, thuế giá trị gia tăng, giảm thủ tục hải quan, … Như trên đã phân tích, điều kiện giao hàng có tác dụng chủ yếu đến phân định trách nhiệm giữa các bên trong quá trình thực hiện hợp đồng thương mại, còn ý nghĩa kinh tế không rõ ràng. Với các chính sách ưu đãi trên, các công ty XNK sẽ chủ động hơn trong đàm phán ký kết, thực hiện phương thức xuất khẩu theo điều kiện CIF, nhập khẩu theo điều kiện FOB hoặc C&F tạo cơ sở nâng cao tỷ trọng hàng hóa XNK tham gia bảo hiểm trong nước, đồng thời thúc đẩy ngành bảo hiểm Việt Nam phát triển.
Bốn là, Bộ Tài chính xem xét không đánh thuế nhập khẩu, thuế VAT hàng nhập khi hàng nhập bị tổn thất (đã làm thủ tục nhập khẩu- thông quan nhưng sau đó mới phát hiện tổn thất trên đường vận tải quốc tế). Nhiều doanh nghiệp nhập khẩu gặp trường hợp tổn thất trên thường từ bỏ hàng, DNBH là người thế quyền lô hàng bị tổn thất đó nên lại là người gánh chịu nộp thuế nhập khẩu, thuế VAT hàng nhập cho cả giá trị lô hàng đã tổn thất.
Năm là, Bộ Tài chính nên đưa vào thông tư hướng dẫn Nghị định 45, 46 một số vấn đề đặc thù của bảo hiểm hàng hóa mà thông lệ quốc tế vẫn áp dụng:
+ Thưởng không có khiếu nại + Bồi thường thương mại
Bởi vì việc này liên quan đến chi phí trước thuế thuế thu nhập doanh nghiệp của các công ty bảo hiểm.