Giáo dục và đào tạo cùng với khoa học và công nghệ được Đảng ta xác định là “quốc sách hàng đầu”, là “nền tảng và động lực thúc đẩy công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước”.
Hơn nửa thế kỷ qua, nền giáo dục nước ta đã đạt những thành tựu đáng tự hào, góp phần quan trọng quyết định trong việc nâng cao dân trí, đào tạo nhân lực, bồi dưỡng nhân tài. Hệ thống giáo dục quốc dân từ giáo dục mầm non đến giáo dục đại học, với trên 23 triệu người đi học (chiếm hơn 28% dân số), sự nghiệp giáo dục đã góp phần phát huy nhân tố con người-nguồn nội lực quan trọng-để đưa nước ta vào thế kỷ XXI.
Ở bậc giáo dục nghề nghiệp (GDNN), đã có bước phát triển rõ rệt về qui mô, đa dạng hóa về loại hình và các hình thức đào tạo, bước đầu điều chỉnh cơ cấu hệ thống, cải tiến chương trình và huy động được nhiều nguồn lực của xã hội; chất lượng giáo dục ở một số ngành, lĩnh vực, cơ sở GDNN có những chuyển biến tích cực, từng bước đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh những thành tựu đã đạt được, nền Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) ở nước ta còn có những điểm yếu cần khẩn trương khắc phục. Chất lượng giáo dục còn thấp, khả năng chủ động, sáng tạo của học sinh, sinh viên ít được bồi dưỡng, chương trình, phương pháp dạy và học còn lạc hậu, nặng nề, chưa thật phù hợp. Đối với GDNN chưa đáp ứng được những đòi hỏi của sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, nhu cầu học tập của nhân dân và yêu cầu hội nhập quốc tế trong giai đoạn mới. Văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X cũng chỉ ra “công tác quản lý giáo dục, đào tạo chậm đổi mới và còn nhiều bất cập; thanh tra giáo dục (TTGD) còn nhiều yếu kém”.
yếu kém văn kiện Đại hội Đảng lần thứ X đã chỉ ra phương hướng giải quyết là “đổi mới cơ cấu tổ chức, cơ chế quản lý, nội dung, phương pháp dạy và học; thực hiện chuẩn hóa, hiện đại hóa, xã hội hóa, chấn hưng nền giáo dục Việt Nam”; “Tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát các hoạt động giáo dục”. Để nâng cao hiệu lực và hiệu quả của công tác quản lý giáo dục, phải xây dựng tổ chức thanh tra đủ mạnh và nâng cao chất lượng hoạt động, coi thanh tra là hoạt động thiết yếu của cơ quan quản lý nhà nước. Yêu cầu đổi mới công tác TTGD được đặt ra càng cấp thiết hơn.
Ngày 02/11/2005, Chính phủ ban hành nghị quyết số 14/2005/NQ-CP về việc đổi mới cơ bản và toàn diện giáo dục Việt Nam, trong đó nhiệm vụ đổi mới cơ chế quản lý được xác định là “Quản lý nhà nước tập trung vào việc xây dựng và chỉ đạo thực hiện chiến lược phát triển; chỉ đạo triển khai hệ thống đảm bảo chất lượng và kiểm định giáo dục; hoàn thiện môi trường pháp lý; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra”. Trước yêu cầu của việc thực hiện, quán triệt Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ X và triển khai Nghị quyết của Chính phủ, việc lựa chọn và tiến hành nghiên cứu một đề tài về đổi mới công tác TTGD là hết sức cần thiết, có ý nghĩa, góp phần phát huy ưu điểm, khắc phục yếu kém trong quản lý nhà nước về GDNN.
Trong những năm qua hoạt động thanh tra của Sở GD&ĐT TP. Hồ Chí Minh đã có nhiều chuyển biến tích cực, đã có nhiều đóng góp vào việc nâng cao hiệu quả quản lý của ngành GD&ĐT. TTGD đã xác định được mục tiêu và trách nhiệm nặng nề của mình, không ngừng nâng cao hiệu quả hoạt động và quản lý nhằm góp phần vào việc nâng cao chất lượng giáo dục nói chung và nâng cao chất lượng hoạt động thanh tra chuyên môn (TTCM) trong các trường TTCN nói riêng. Tuy nhiên, hoạt động thanh tra (TT) vẫn còn những điều bất cập, đội ngũ thanh tra viên (TTV) và cộng tác viên thanh tra (CTVTT) còn thiếu và có những hạn chế về chất lượng.
Thực tế công tác TTGD trong lĩnh vực GDNN cũng cho thấy chủ yếu tập trung vào TT giải quyết khiếu nại tố cáo liên quan đến lĩnh vực GDNN mà chưa chú trọng đúng mức đến TTCM.
Từ những lý do nêu trên, tác giả lựa chọn đề tài “Một số biện pháp quản lý nâng cao hiệu quả công tác thanh tra chuyên môn ở các trường TCCN, TP. Hồ Chí Minh”.
2.Mục đích nghiên cứu
Đề xuất một số biện pháp quản lý nâng cao hiệu quả công tác TTCM ở các trường TCCN, TP. Hồ Chí Minh, từ đó nâng cao chất lượng đào tạo nghề nghiệp ở các trường này.