5. Cấu trúc của khoá luận
1.2.1. Khái quát về chương trình Ngữ văn THPT hiện nay
1.2.1.1. Chương trình Ngữ văn THPT hiện nay được biên soạn theo hướng
tích hợp và tích cực
Sự đổi mới về cơ chế dạy học văn đã kéo theo sự ra đời của bộ SGK Ngữ văn tích hợp. Đổi mới cơ chế và phương pháp dạy học văn là nhằm mục tiêu phát huy được tính tích cực chủ động của HS trong giờ học. Bên cạnh đó SGK Ngữ văn còn được biên soạn theo hướng tích hợp để tạo điều kiện cho các em chiếm lĩnh một khối lượng thông tin đồ sộ được cập nhật từ nhiều ngành khoa học và nghệ thuật trong cuộc sống. Có thể nói một đặc điểm khác biệt của chương trình Ngữ văn THPT hiện nay so với chương trình Văn học chỉnh lí hợp nhất năm 2000 mà ta có thể dễ dàng nhận ra, đó là chương trình mới được biên soạn theo hướng dạy học tích hợp và tích cực.
Trước hết chương trình Ngữ văn THPT hiện nay được biên soạn theo hướng tích hợp. Nếu như trước đây, trong chương trình Văn học chỉnh lí hợp nhất ba bộ phận tri thức được biên soạn độc lập, tách rời nhau thì hiện nay, chương trình mới được xây dựng theo nguyên tắc tích hợp. Tích hợp là sự gắn kết, phối hợp giữa các tri thức của ba phân môn: Đọc - hiểu, Làm văn và Tiếng Việt với nhau và đó còn là sự phối hợp tri thức giữa môn Văn với nhiều môn học, nhiều lĩnh vực khác như lịch sử, chính trị, địa lí,… Mục đích của nguyên tắc này là nhằm hình thành và rèn luyện cho học sinh các kĩ năng về nghe, nói, đọc, viết.
Khi tiếp xúc với chương trình SGK Ngữ văn hiện nay, ta dễ dàng nhận thấy phần đọc - hiểu văn bản được sắp xếp đầu tiên. Sau đó, các bài làm văn và tiếng Việt được biên soạn sao cho có sự gắn kết với các tri thức có trong phần đọc -
hiểu văn bản. Chẳng hạn trong chương trình Ngữ văn lớp 10, tập 2 (bộ sách nâng cao), sau một loạt bài đọc - hiểu về văn học trung đại thì có bài tiếng Việt Luyện
tập về từ Hán Việt mà các từ Hán Việt được sử dụng rất nhiều trong các văn bản
văn học trung đại. Cũng trong chương trình Ngữ văn lớp 10, tập 1 (bộ sách nâng cao), sau bài đọc - hiểu về tục ngữ dân gian có bài làm văn Quan sát, thể nghiệm
đời sống. Như vậy có thể thấy rằng, giữa ba hợp phần này có mối liên hệ với
nhau rất mật thiết. Phần đọc - hiểu văn bản cung cấp cho các em ngữ liệu để các em tiến hành luyện tập ở phần làm văn và tiếng Việt. Ngược lại phần tiếng Việt có đóng góp rất quan trọng trong việc giúp học sinh giải mã ngôn từ của văn bản, đồng thời học tiếng Việt là để rèn luyện cho HS nói và viết tiếng Việt hay hơn. Chương trình Ngữ văn THPT hiện nay được biên soạn theo hai trục tích hợp chính: đọc - hiểu và làm văn. Đây không phải là hai phân môn thuộc bộ môn Ngữ văn; thực chất đó là hai hoạt động quan trọng nhất mà giáo viên dạy văn cần rèn luyện cho HS khi dạy bộ môn này. Tất cả những tri thức của ba hợp phần trong môn Ngữ văn đều được tích hợp xung quanh hai trục này. Hoạt động đọc - hiểu văn bản cũng cần được trang bị những kiến thức và kĩ năng cần thiết có trong hợp phần làm văn và tiếng Việt. Hoạt động làm văn cũng cần được cung cấp các thông tin về tiếng Việt, văn hoá, lịch sử trong quá trình tạo lập văn bản. Như vậy, xoay quanh hai trục tích hợp: đọc - hiểu và làm văn, các tri thức về văn hoá, văn học, tiếng Việt trở thành những tri thức công cụ có tác dụng giúp HS khám phá văn bản và tạo lập được văn bản.
Quan điểm biên soạn chương trình Ngữ văn hiện nay theo hướng tích hợp đi liền với nguyên tắc tích cực, tức là nhằm mục đích khơi dậy tính chủ thể sáng tạo vốn tiềm tàng ở học sinh. Chủ thể của hoạt động dạy học chính là giáo viên và học sinh, trong đó HS là đối tượng tiềm tàng năng lực sáng tạo và người giáo viên khi tổ chức quá trình dạy học cần có ý thức để thức dậy những năng lực tiềm ẩn này. Để phát huy được tính tích cực chủ động ở HS, chương trình Ngữ
văn THPT cũng được biên soạn theo một hướng riêng khác với chương trình Văn học chỉnh lí hợp nhất. Hệ thống câu hỏi ở phần "Hướng dẫn học bài" của hợp phần đọc - hiểu văn bản mang tính gợi mở nhiều hơn, yêu cầu HS không chỉ tái hiện tri thức mà còn phải tìm ra con đường giải quyết mới trước một tình huống có vấn đề. Phía dưới mỗi bài đọc - hiểu còn có thêm phần "Luyện tập" (ở sách cơ bản) và nó được được thay bằng phần "Bài tập nâng cao" ( ở sách nâng cao). Phần này yêu cầu HS tự mình vận dụng các kiến thức vừa mới khám phá từ văn bản để giải quyết bài tập, do đó nó có tác dụng khơi dậy ở các em tính tự giác, tích cực. Ở hợp phần làm văn, cách biên soạn cũng có nhiều thay đổi so với trước đây. Nếu như trong chương trình Văn học chỉnh lí hợp nhất, các nhà biên soạn chỉ chú trọng đưa vào chương trình các văn bản nghị luận văn học thì trong chương trình Ngữ văn hiện nay, phần nghị luận xã hội được các soạn giả rất quan tâm. Với hướng đi mới này, hoạt động làm văn trong nhà trường phổ thông có thể trang bị cho các em những kĩ năng cần thiết trong việc tạo lập một văn bản nghị luận mang tính xã hội. Nó là hành trang để sau này các em có thể vận dụng các kĩ năng này vào việc tạo lập các văn bản trong đời sống như: các bài diễn thuyết chính trị trước đám đông,…
Có thể nói, chương trình Ngữ văn hiện nay được biên soạn theo nguyên tắc tích hợp và tích cực là một đặc điểm quan trọng, có tác dụng chỉ đạo trong việc dạy học văn ở nhà trường phổ thông hiện nay. Nhờ hướng đi mới này mà môn Ngữ văn trong nhà trường mang ý nghĩa thiết thực hơn đối với HS, nó vừa đảm bảo đặc trưng văn chương lại vừa thể hiện được tính chất công cụ của môn học. 1.2.1.2. Đặc điểm phần đọc - hiểu văn bản trong chương trình Ngữ văn THPT
hiện nay
Đọc - hiểu văn bản là một hợp phần quan trọng trong chương trình Ngữ văn ở trường THPT hiện nay. Số lượng các đơn vị bài đọc - hiểu chiếm tỉ lệ cao nhất
trong tương quan với các đơn vị bài làm văn và tiếng Việt. Chẳng hạn ở chương trình Ngữ văn lớp 10 (bộ cơ bản), trong 105 tiết học văn / 35 tuần / 1 năm thì có tới 50 tiết dành cho hợp phần đọc - hiểu văn bản, chiếm tỉ lệ 47,6%; ở chương trình nâng cao tỉ lệ này là 42,7 % (60 tiết / 140 tiết); ở chương trình Ngữ văn 11 (bộ cơ bản), tỉ lệ này là 54,2% (57 tiết / 123 tiết), ở chương trình Ngữ văn 11 (bộ nâng cao) tỉ lệ này là 42,1% (59 tiết / 140 tiết); ở chương trình Ngữ văn 12 (bộ cơ bản) số tiết dành cho phần đọc hiểu là 43 tiết trên tổng số 105 tiết, chiếm tỉ lệ 40,9% và tỉ lệ này ở chương trình Ngữ văn 12 (bộ nâng cao) là 35,7%. Như vậy phần đọc - hiểu văn bản trong chương trình Ngữ văn tích hợp có số lượng tiết học nhiều hơn so với phần làm văn và tiếng Việt. Điều đó cho thấy được vị trí của nó trong chương trình là hết sức quan trọng.
Các văn bản đọc - hiểu trong chương trình Ngữ văn hiện nay được biên soạn theo cụm thể loại. Cách tổ chức sắp xếp này mang tính hệ thống cao. Qua khảo sát, chúng tôi thấy các văn bản được sắp xếp theo tiến trình lịch sử của dân tộc và ở mỗi giai đoạn lịch sử lại có các thể loại văn học tương ứng. Từ chương trình Ngữ văn lớp 10 cho đến chương trình Ngữ văn lớp 12, đặc điểm này dược thể hiện rất rõ. Ở mỗi giai đoạn lịch sử, các thể loại văn học được sắp xếp theo hệ thống thể loại. Các nhà biên soạn thường xếp các tác phẩm cùng thể loại theo trật tự liên tiếp nhau. Chẳng hạn, ở chương trình Ngữ văn lớp 12 (bộ cơ bản), các văn bản thuộc loại hình kí được xếp đặt ngay bên cạnh nhau: tuỳ bút Người lái đò Sông Đà của Nguyễn Tuân, bút kí Ai đã đặt tên cho dòng sông của Hoàng Phủ
Ngọc Tường, hồi kí Những năm tháng không thể nào quên của Võ Nguyên Giáp. Ba đoạn trích này đều được trích trong ba tác phẩm kí hiện đại, và chúng là đại diện tiêu biểu cho ba thể loại cơ bản trong loại hình kí, là tuỳ bút, bút kí và hồi kí. Nếu các văn bản trong chương trình Văn học chỉnh lí hợp nhất được biên soạn theo tiến trình lịch sử là chủ yếu, nặng về văn học sử thì chương trình Ngữ văn tích hợp được biên soạn theo cụm thể loại. Đây là một đặc điểm mới làm nên nét
khác biệt giữa hai chương trình. Chính sự sắp xếp các văn bản theo cụm thể loại của chương trình Ngữ văn tích hợp đã góp phần hình thành một định hướng quan trọng giúp cho GV phổ thông trong quá trình dạy đọc - hiểu các văn bản văn học, đó là dạy theo đặc trưng thể loại.
Về cấu trúc các đơn vị bài học, phần đọc - hiểu cũng có những nét riêng. Nếu như hợp phần giảng văn trong chương trình Văn học chỉnh lí hợp nhất có cấu trúc các đơn vị bài học khá đơn giản, nó chỉ bao gồm: tên tác phẩm, tác
giả, tiểu dẫn, tác phẩm, chú thích và hướng dẫn học bài thì cấu trúc các đơn vị
bài học trong hợp phần đọc - hiểu của chương trình Ngữ văn tích hợp phức tạp hơn. Ngoài các phần trên, hợp phần đọc - hiểu trong chương trình mới còn có thêm các phần như: "Kiến thức cần đạt" ở ngay sau dưới "Tên văn bản", phần
''Luyện tập" ở chương trình cơ bản được thay bằng phần "Bài tập nâng cao" ở
chương trình nâng cao. Qua so sánh ta thấy được hợp phần đọc - hiểu văn bản trong chương trình Ngữ văn tích hợp được biên soạn theo hướng phát huy được tính tích cực, chủ động của HS, hình thành và rèn luyện ở các em năng lực đọc - hiểu tác phẩm văn chương.