5. Bố cục của đề tài
2.3. Chính sách của nhà nước Israel từ 1948 đến nay
Từ sau khi thành lập đến nay, những người cầm đầu nhà nước Irsael đã thực hiện một chính sách đối nội và đối ngoại nhằm chống người Ả rập, trước hết là người Ả rập Palextin. Về đối nội, một trong những chính sách cơ bản của nhà nước Irsael từ năm 1948 đến nay là tước đoạt, xua đuổi và phân biệt
đối xử về mọi mặt đối với người Ả rập còn lại trên lãnh thổ Irsael. Chính sách này thể hiện trước hết trong vấn đề đất đai. Trong những năm đầu tiên sau khi thành lập nhà nước Irsael, Chính phủ Irseal đã thành lập những “vùng cấm”, theo đó các chủ đất người Ả rập ở những vùng này không được phép trở về quê hương sau chiến tranh 1948 và những đất đai “bỏ hoang” đó được giao cho người Do Thái khai khẩn. Tháng 10/1948, Chính phủ Irsael đã ban hành đạo luật cho phép Bộ Nông nghiệp tịch thu những ruộng đất không được sử dụng trong vòng một năm và giao cho “các đối tượng thứ ba”. Tiếp theo đó, đạo luật về “ Tài sản vắng chủ”(14/5/1950) cho phép chính quyền Irseal dân sự hay quân sự tịch thu tài sản của tất cả những người đã rời khỏi Irsael, kể cả những người trong khoảng thời gian từ ngày 29/11/1947 đến ngày 1/9/1948 ở ngoài lãnh thổ Irsael hoặc ở các vùng do người Ả rập kiểm soát. Như vậy là đạo luật về “Tài sản vắng chủ” không những được dùng để tịch thu tài sản của tất cả những người tị nạn Ả rập mà còn dùng để buộc hàng vạn người Ả rập còn lại ở Irsael phải di cư vì người ta đã tịch thu mọi tài sản của họ. Được áp dụng sau cuộc chiến tranh sáu ngày (1967) ở các vùng mới bị chiếm đóng, đạo luật này đã làm tăng nhiều hơn nữa số người tị nạn Ả rập bằng phương pháp hoà bình. Năm 1949, Chính phủ Irsael quyết định thành lập “các khu vực an ninh”. Bộ Quốc phòng được phép di dân Ả rập ra các vùng giáp biên giới trong vòng phạm vi 10km và sau đó những vùng đất này được tuyên bố là tài sản quốc gia theo một đạo luật mới được Quốc hội Irsael thông qua vào năm 1953. Ngoài ra việc tịch thu đất đai của người Ả rập còn được hỗ trợ bởi hàng loạt các luật lệ và hiệp định khác. Kết quả là đến giữa những năm 70, các làng của người Ả rập chỉ còn chiếm khoảng gần 50 000 hecta ruộng đất.
Từ sau cuộc chiến tranh năm 1967, việc lấn chiếm đất đai của người Ả rập còn được thực hiện thông qua chính sách xây dựng các làng Irsael tại các vùng lãnh thổ bị chiếm đóng (vùng bờ tây sông Jordan, Gaza và cao nguyên Gôlan). Trong khoảng từ năm 1967 đến năm 1976, đã có 68 làng như vậy
được xây dựng. Chính sách này cho đến nay vẫn đang được tiếp tục tiến hành với mục đích nhằm chiếm đóng lâu dài các lãnh thổ Ả rập và huỷ bỏ quyền tự quyết của nhân dân Ả rập Palextin.
Song song với chính sách xua đuổi người Ả rập bằng cách tước đoạt ruộng đất và tài sản của họ, là chính sách phân biệt đối xử về mọi mặt đối với người Ả rập, đã bị biến thành thiểu số ở Irseal. Đạo luật về hồi cư (6/7/1950) cho phép mọi người Do Thái có quyền trở về Irseal như là người nhập cư., đã làm cho dân Do Thái ở Irseal tăng lên nhanh chóng. Nếu như tháng 12/1947, số người Do Thái ở Palextin mới chỉ có 629 000 người thì đến tháng 12/1960 đã có 1.911.200 người. Tiếp theo, đạo luật về quốc tịch (1/4/1952) mặc nhiên thừa nhận quyền công dân cho tất cả những người Do Thái nhập cư (hoặc đồng hoá với người nhập cư) nghĩa là cho tất cả mọi người Do Thái. Trong khi đó, đối với những người không phải Do Thái, thì việc nhập quốc tịch phải tuân theo một số điều kiện : - Đã đăng kí ( tính đến 1/3/1952) là dân Irseal theo sắc lệnh năm 1949, - Đã sống ở Irseal vào lúc đạo luật về quốc tịch có hiệu lực (14/7/1952), - Đã sống ở Irsael từ khi thành lập nước đến lúc đạo luật nói trên có hiệu lực hoặc đã trở về một cách hợp pháp trong thời gian đó. Như vậy, người Ả rập đã bị coi là những người không có tổ quốc ngay trong nước họ chừng nào họ chưa có đủ các điều kiện nói trên. Trong thực tế, người Ả rập bị tước bỏ mọi quyền công dân, bị phân biệt đối xử trong lĩnh vực việc làm, học vấn; một thời gian dài không được quyền đi lại tự do trong nước. Ngân sách nhà nước được tập trung cho việc phát triển khu vực Do Thái, còn ở khu vực Ả rập hầu như không được đầu tư. Đến năm 1976, có tới 60% các làng của người Ả rập vẫn chưa có điện. Tình trạng của người Ả rập ở các vùng bị Irseal chiếm đóng sau năm 1967 còn tồi tệ hơn nữa. Họ phải chịu đựng một chế độ chiếm đóng hà khắc : thường xuyên bị bắt bớ, khủng bố, khám xét, đàn áp dã man. Từ năm 1967 đến năm 1976, nhà cầm quyền Irsael đã phá huỷ gần 20 000 ngôi nhà của người Ả rập ở các vùng bờ tây sông Jordan và dải Gaza, hàng ngàn người Ả rập bị ném vào nhà tù. Trong
nội bộ người Do Thái cũng có sự phân biệt đẳng cấp giữa những người Do Thái từchâu Âu về với những người Do Thái từ châu Á, châu Phi đến; thậm chí giữa những người từ Tây Âu với những người từ Đông Âu… Người lao động Do Thái ở Irseal cũng bị bóc lột không kém so với ở các nước khác, trái với hứa hẹn trước đây của những người cầm đầu phong trào phục quốc Do Thái về một thiên đường ở Irsael. Nhìn chung, về mặt chế độ chính trị, kinh tế và xã hội, Irsael cũng chỉ là một nhà nước tư bản chủ nghĩa thông thường. Nền kinh tế Irsael bị quân sự hoá cao độ và phụ thuộc chủ yếu vào nước ngoài.
Về đối ngoại, chính sách cơ bản của nhà nước Irsael từ sau khi thành lập đến nay là bành trướng và xâm lược nhằm ngăn cản việc thành lập nhà nước Ả rập Palextin; mở rộng lãnh thổ tới mức tối đa nhằm thôn tính đất đai của các nước Ả rập; làm tay sai cho chủ nghĩa đế quốc mà trước hết là đế quốc Mỹ trong việc thực hiện các mưu đồ chiến lược ở Trung Cận Đông. Từ năm 1948 đến nay, Irsael đã liên tục tiến hành 4 cuộc chiến tranh và hàng loạt các cuộc tấn công quân sự khác chống nhân dân Ả rập Palextin và các nuớc Ả rập láng giềng. Kết quả là Irsael đã chiếm trọn vùng lãnh thổ được dành cho việc thành lập nhà nước Ả rập Palextin, theo nghị quyết ngày 29/11/1947 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, toàn bộ bán đảo Sinai của Ai Cập và một phần cao nguyên Gôlan của Syria, mở rộng lãnh thổ Irsael tới 102 000 km2 so với 14 100 km2 theo quy định của Liên Hiệp Quốc; gần 1,5 triệu người Ả rập Palextin phải rời bỏ tổ quốc sang sống tị nạn ở các nước Ả rập láng giềng, trong đó có nhiều người phải tị nạn đến lần thứ hai.
Trong quá trình cuộc xung đột Ả rập – Irsael, Liên Hiệp Quốc đã nhiều lần ra nghị quyết lên án các hành động xâm lược của Irsael, trong đó quan trọng nhất là nghị quyết 194 (III) ngày 11/12/1948 của Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc, quy định Irsael phải cho phép người tị nạn Ả rập trở về quê hương và phải bồi thường cho họ, nghị quyết 242 ngày 22/11/1967 của Hội đồng bảo an đòi Irsael phải rút quân đội ra khỏi những vùng đất đai Ả rập mà
họ đã chiếm đóng. Nhưng Irsael đã không chịu thực hiện các nghị quyết của Liên Hiệp Quốc mà âm mưu chiếm đóng lâu dài các đất đai Ả rập, làm cho người Palextin bị hoà tan vào các cộng đồng Ả rập khác và bằng cách đó nhằm loại trừ khả năng thành lập nhà nước Palextin. Ngang ngược hơn, sau cuộc chiến tranh Sáu ngày (1967), Quốc hội Irsael đã thông qua quyết định chính thức sáp nhập Đông Jerusalem vào Irsael, Eshkol, Thủ tướng Irsael lúc đó, tuyên bố: “ Irsael sau khi đã chiếm những lãnh thổ mới sẽ không bao giờ quay trở lại biên giới trước kia”. Hơn thế nữa, ngày 5/6/1968, nhân kỷ niệm một năm cuộc chiến tranh Sáu ngày, Bộ trưởng Quốc phòng Irsael M. Dayan đã phát biểu “ Cha, anh chúng ta đã đạt tới biên giới, được kế hoạch phân chia Palextin năm 1947 thừa nhận, thế hệ chúng ta đã đạt được biên giới năm 1949, còn thế hệ của cuộc chiến tranh Sáu ngày với người Ả rập năm 1967 thì đã đạt tới kênh đào Suez của Ai Cập, sông Jordan của Jordan, cao nguyên Gôlan của Syria… Nhưng đó chưa phải là hết vì tiếp theo những giới tuyến ngừng bắn hiện nay sẽ là những đường giới tuyến mới ở bên kia sông Jordan kéo dài tới Libăng và vùng trung tâm Syria”. Ngày 16/3/1972, Quốc hội Irsael đã thông qua nghị quyết trong đó khẳng định rằng “ quyền lịch sử của dân tộc Do Thái đối với đất đai theo kinh thánh của Irsael là không thể chối cãi được”.
Một trong những phương hướng cơ bản trong “chính sách Ả rập” của giới cầm quyền Irsael là việc tiến hành khai khẩn các đất đai Ả rập mà họ chiếm đóng. Chính sách này được duy trì ngay cả sau cuộc chiến tranh tháng 10/1973, Thủ tướng Irsael M. Beghin tuyên bố rằng vùng bờ tây sông Jordan và dải Gaza không phải là lãnh thổ bị chiếm đóng mà là lãnh thổ được giải phóng.
Bên cạnh mục tiêu mở rộng lãnh thổ tối đa bằng cách chiếm các đất đai Ả rập, trong suốt hơn một nữa thế kỷ qua, Irsael còn thực hiện vai trò tên lính xung kích của chủ nghĩa đế quốc các chế độ Ả rập tiến bộ, gây chia rẽ và xung đột trong nội bộ các nước Ả rập.
Từ đầu những năm 90, tình hình thế giới và khu vực có những thay đổi lớn: do sự phát triển mạnh của phong trào kháng chiến Palextin từ sau cuộc nổi dậy năm 1987, sự ủng hộ ngày càng tăng của dư luân quốc tế đối với những đòi hỏi chính đáng của nhân dân Palextin và bản thân nhân dân Irsael cũng mệt mỏi vì chính sách quân sự hoá mà Irsael theo đuổi hơn nữa thế kỷ nay, giới cầm quyền Irsael đã buộc phải thay đổi đường lối. Chính phủ mới của Công đảng lên cầm quyền ở Irsael từ tháng 7/1992 đã áp dụng một chính sách thực tế hơn là “đổi đất lấy hoà bình”. Từ năm 1993 đến nay đã có nhiều cuộc thương lượng, cũng như nhiều thoả thuận, hiệp ước được kí kết giữa Irsael và PLO. Quân đội Irsael cũng đã rút khỏi Gaza và một số vùng thuộc bờ tây sông Jordan và trao cho người Palextin quyền tự trị tạm thời ở đó. Tuy nhiên, vấn đề mấu chốt là việc thương thuyết về quy chế cuối cùng của Palextin và tuyên bố thành lập nhà nước Palextin độc lập thì vẫn bị trì hoãn và lẫn tránh.