5. Bố cục của đề tài
1.3.3. Palextin dưới quyền uỷ trị của Anh
Chính sách thực dân phản động của Anh đã làm cho Palextin thường xuyên sống trong máu lửa, mâu thuẫn giữa người Arập và người Do Thái không ngừng bùng phát. Trong các kết luận của uỷ ban điều tra Hoàng gia Anh “Feel” (1937 ) đã nêu lên : “Chúng tôi tin rằng hoà bình trật tự và sự cai trị trôi chảy chỉ có thể duy trì được ở Palextin bằng một chế độ đàn áp khắc
nghiệt” [18,13]. Sự cách biệt giữa nghĩa vụ thiết lập một chế độ tự do dân chủ đối với nhân dân Palextin (mà đại đa số là người Arập) và lời cam kết của Anh là thiết lập một quê hương dân tộc cho người Do Thái cũng như tạo điều kiện dễ dàng cho người Do Thái nhập cư về vùng đất Palextin tất yếu sẽ tạo ra một không khí bất an và rối loạn. Vào tháng 4/1918, trước khi chiến tranh thế giới thứ nhất kết thúc, ủy ban phục quốc Do Thái đã đến Palextin với sự thoả thuận của chính phủ Anh nhằm thực hiện bản tuyên bố Banpho. Chính thực dân Anh đã dùng bản tuyên bố này để liên kết một bộ phận người Do Thái phục quốc xa lạ với đất nước họ nhằm thực hiện chính sách áp bức của Anh đối với nhân dân Palextin và do đó đã duy trì mối mâu thuẫn thường trực giữa người Do Thái và người Arập. Thực tế Anh cũng không có thiện chí với người Do Thái bởi vì thực chất Anh chỉ muốn lợi dụng họ để gây mâu thuẫn và tạo ra tình trạng lộn xộn phức tạp ở Trung Đông mà cụ thể là trong thế giới Arập để họ dễ bề cai trị.
Chính quyền quân sự của Anh ở Palextin lập tức kết hợp bản tuyên bố Banpho với chính sách của mình bằng cách cho phép thành lập một “chính phủ thực sự song hành tiến hành các hoạt động ở tất cả các nơi thuộc Palextin” [18,14], với một nền tư pháp riêng, một lực lượng quân sự Do Thái, một cơ quan tình báo “rất có hiệu quả” để đàn áp sự phản ứng của nhân dân Arập Palextin. Trên vùng đất này bên cạnh tiếng Arập thì chính quyền Anh tuyên bố tiếng Anh và tiếng Hêbơrơ (tiếng của người Do Thái) là ngôn ngữ chính thức. Ngay trong thời kỳ này, giữa lúc đang có chiến tranh thế giới, người Arập đã đấu tranh chống các biện pháp đó, đòi được quản lý công việc của họ phản đối việc chiếm đóng, quyền uỷ trị và việc vi phạm quỳên lợi của họ. Mùa xuân năm 1920, quân đội Anh đã đàn áp các cuộc biểu tình đầu tiên của người Arập làm cho nhiều người chết và bị thương, trong những năm tiếp đó phong trào dân tộc của các nước Arập đã phát triển mạnh mẽ và ngày càng lớn mạnh trong suốt thời kỳ giữa hai cuộc chiến tranh thế giới dưới những hình thức khác nhau như: hoạt động chính trị, bãi công, biểu
tình, đấu tranh vũ trang- tuy gặp nhiều thất bại song cũng đã thể hiện tinh thần của người Arập.
Chính những chính sách ưu ái mà nước Anh đã dành cho người Do Thái đã khiến cho làn sóng người Do Thái đổ về vùng đất Palextin ngày càng tăng. Khi quân Anh mới đến ở đây chỉ có 56 nghìn người Do Thái (chiếm khoảng 10% dân số), từ năm 1920-1946, dân số tăng lên 608.225 người, chiếm 1/3 dân số toàn Palextin (báo cáo của Liên Hợp Quốc ngày 31/8/1947). Trong khoảng thời gian từ năm 1920-1946, phần lớn người nhập cư (376 nghìn người) là từ châu Âu đặc biệt là sau khi Hítle nắm chính quyền-với chính sách bài Do Thái triệt để tàn sát không thương tiếc người Do Thái, đã gây nên làn sóng chạy loạn của người Do Thái và họ đã tìm về vùng đất Palextin. Một điều cần nói đến đó là việc nhập cư không phải chỉ ở quy mô rộng lớn của nó mà chính là ở tính chất có tổ chức và có kiểm soát của nó, do chính quyền người Anh thực hiện với sự hợp tác của các tổ chức phục quốc Do Thái, việc nhập cư dần dần phụ thuộc vào chính sách thực dân hoá của Anh. Trong văn bản về quyền uỷ trị có ghi rõ “một tổ chức Do Thái thích hợp sẽ chính thức được thừa nhận và sẽ có quyền đưa ra ý kiến với chính quyền Palextin và hợp tác với chính quyền trong tất cả các vấn đề kinh tế, xã hội và các vấn đề khác mà khả dĩ có tác dụng đến việc thành lập một quê hương dân tộc cho người Do Thái…”.(Văn bản dịch Nghị quyết Hội Quốc Liên về quyền ủy trị). Tổ chức hợp tác đó lúc đầu có tên là tổ chức phục quốc Do Thái và đến 1929 trở thành cơ quan Do Thái (sự thay đổi này cho phép đưa vào Ban chấp hành tổ chức phục quốc Do Thái các nhà tư bản Do Thái).
Với sự giúp đỡ của nhiều tổ chức khác phụ thuộc nó (như Quỹ tái thiết, Ngân quỹ quốc gia, Ngân hàng Anh-Palextin, tổ chức công đoàn Histadrouth, Hagana, ...) cơ quan Do Thái này có quyền hành tương đương với quyền hành của một chính phủ, tổ chức việc nhập cư, mua đất, cấp vốn cho các công cuộc kinh doanh công nghiệp và nông nghiệp, giám sát các tổ chức tôn giáo, tư pháp, trường học, nền văn hoá Do Thái và chỉ huy các lực lượng vũ
trang Do Thái mà uỷ ban phục quốc đã bắt đầu thành lập và huấn luyện ngay trước khi Anh thực hiện quyền uỷ trị. Đối với việc nhập cư thì viên cao ủy Anh nắm mọi quyền hành.
Năm 1925, quyền nhập cư được giao cho tổ chức phục quốc Do Thái đảm nhận. Những giấy tờ nhập cư (số lượng do cao ủy quyết định) được giao cho cơ quan Do Thái để cơ quan này phân phối cho các chi nhánh của nó ở châu Âu. Và đương nhiên những ai chấp nhận nguyên tắc thực dân hoá của chủ nghĩa phục quốc và bằng nghề nghiệp, tư tưởng và tài sản của mình có thể giúp ích cho sự nghiệp của phong trào phục quốc thì mới được nhập cư. Những người nhập cư vào Palextin được chia thành các loại: công nhân, nhân viên kỹ thuật, những người làm nghề tự do, những người có tôn giáo. Ai có vốn tối thiểu 1 nghìn đồng bảng thì được biệt đãi phần lớn những người nhập cư trong các năm 1933- 1935 là thuộc loại này.
Về vấn đề cướp đoạt đất đai ở Palextin, thì một trong những đạo luật đầu tiên của chính quyền dân sự Anh là công bố đạo luật về chuyển nhượng đất đai (Land tralsfer ordinance) tháng 9/1920. Năm sau, một đạo luật bổ sung cấm mọi việc bán đất quá 30ha trừ đối với các tổ chức kinh doanh thuộc lợi ích công cộng.
Như vậy là các tổ chức phục quốc Do Thái chuyên trách được phép mua đất. Được sự bảo trợ của cơ quan Do Thái, các tổ chức phục quốc được coi là thuộc lợi ích công cộng như các tổ chức tài chính và ngân hàng điều đó đương nhiên việc làm của các tổ chức này không bị đạo luật trên ngăn cản. Do đó họ nắm độc quyền cung cấp cho người Do Thái những đất đai màu mỡ nhất. Hai tổ chức phục quốc chính nắm việc mua đất là cơ quan thực dân hoá của người Do Thái ở Palextin (viết tắt là PICA) và ngân quỹ dân tộc Do Thái (KKL). Hai cơ quan này được lập ra bằng vốn tư nhân nhất là vốn ngân hàng từ hồi đầu thế kỷ. Cho đến những năm 50, PICA đã nắm giữ trong tay 47 nghìn ha, KKL nắm 2500 ha năm 1920, 28000ha năm 1930 và 72800ha năm 1944 (tức là 44% đất đai của người Do Thái. Từ 1921 - 1936 nó đã chiếm
51% đất đai). Chính sách này của thực dân Anh đã dẫn đến tình trạng người Arập bị tước đoạt đất đai với nhịp độ ngày càng tăng, hàng ngàn người dân Arập Palextin bị mất đất ngay trên quê hương của mình.
Ách thống trị của thực dân Anh với chính sách dung dưỡng của nó cộng với sự lộng hành của các tổ chức phục quốc Do Thái tất yếu sẽ dẫn đến bùng nổ phong trào đấu tranh của người Arập. Chỉ tính riêng trong năm 1935 đã có 173.634 trẻ em người Arập từ 6 - 12 tuổi (73% trẻ em đến tuổi đi học) đã không có trường học và theo những số liệu chính thức tỷ lệ ngân sách dành cho giáo dục trong ngân sách chung của chính quyền đã giảm từ 6,19% (1931) xuống còn 2,9% (1944 – 1945). Trong năm 1931, tỷ lệ người thất học trong nhân dân Arập là 85% đối với đàn ông và 93% đối với phụ nữ. Người dân Arập bị kiềm chế trong tình trạng lạc hậu, họ bị cướp đoạt mất đi những cái quý giá nhất đối với họ đó là đất đai và khả năng cày cấy, từ khi Anh nắm quyền uỷ trị trên vùng đất này vấn đề ruộng đất càng trở nên gay gắt về mặt vật chất nó là cơ sở chủ yếu của cuộc nổi dậy của người Arập và là đối tượng cướp đoạt chính của những người Do Thái.
Cho đến chiến tranh thế giới lần thứ hai tất cả mọi phong trào đấu tranh của người Arập từ bãi công, tẩy chay phá hoại và đấu tranh vũ trang đều xoay quanh ba yêu sách chính:
- Chấm dứt sự chiếm đóng và quyền cai trị thực dân của nước ngoài. - Đình chỉ việc nhập cư của người Do Thái và việc cướp đoạt ruộng đất của người Arập.
- Thành lập chính phủ hợp hiến đại diện cho toàn thể nhân dân Palextin mà đa số là người Arập.
Trong giai đoạn đầu phong trào đấu tranh diễn ra dưới sự chỉ đạo của các đại hội người Arập ở Palextin họp đầu kỳ từ năm 1920 đến năm 1928, lúc đầu phong trào đấu tranh của người Arập Palextin gắn liền với phong trào đấu tranh của nhân dân Xiry.
Dưới sự thúc đẩy của các đại hội phong trào kháng chiến của người Arập đã có bước phát triển mạnh mẽ, nhân dân Arập đã cử các phái đoàn của mình sang Luân Đôn để trình bày với chính phủ và quốc hội Anh những yêu sách của người Palextin, tẩy chay các cuộc bầu cử hội đồng lập pháp (đã được hiến pháp thực dân tháng 8/1922 quy định), không đóng thuế (1923 -1925), từ chối đề nghị của Anh là thành lập một cơ quan Arập song song với cơ quan Do Thái (1923), phong trào tổng bãi công vào năm 1925 để tỏ tình đoàn kết với cuộc nổi dậy của nhân dân Xiry chống Pháp và các cuộc biểu tình phản đối cuộc viếng thăm của L.Banpho tới Jerudalem để khai trương trường đại học Do Thái.
Trong thời kỳ này giai cấp tư sản dân tộc Palextin đang hình thành là giai cấp có tiềm lực và có khả năng tổ chức các cuộc đấu tranh và đương nhiên họ nắm quyền lãnh đạo phong trào dân tộc của nhân dân Arập Palextin.
Chính quyền thực dân hiểu rằng sự đoàn kết trong phong trào dân tộc Arập tất yếu sẽ lôi kéo quần chúng vào cuộc đấu tranh, vì thế nó tìm cách gây chia rẽ trong phong trào đặc biệt là chính quyền thực dân Anh đã lợi dụng mâu thuẫn giữa hai gia đình Arập giàu có là Hussein và Nachachibin trong việc tranh giành quyền lãnh đạo phong trào.
Ngay từ năm 1917, tướng Allenby đã cử một trong những nhân vật có tiếng hơn cả trong gia đình Hussein là N.K.Al Hussein làm thị trưởng Jerudalem. Nhưng khi thấy N.K.Al Hussein nói chuyện với đám đông biểu tình trước toà thị chính đòi độc lập (tháng 4/1920), thì Hussein liền bị cách chức và thay vào đó là Rageb Al Nachachibin - một người hợp tác trung thành với chính quyền thực dân Anh trong suốt quá trình uỷ trị. Tuy nhiên, thế lực của gia đình Hussein không phải vì thế mà giảm sút cũng như chính quyền thực dân Anh chưa bao giờ đánh giá thấp việc lợi dụng ảnh hưởng của gia đình Hussein mà biểu hiện của nó là vào năm 1923, vị giáo sĩ Hồi giáo chết chưa có ai lên thay thì Sirllerbert Samuel- Cao uỷ Anh bèn cử Amine Al
Hussein thay thế. ít lâu sau Amile Al Hussein còn được giao cầm đầu Hội đồng Hồi giáo ở đây nhưng cũng như người anh em họ N.K.Al Hussein, Amile Al Hussein đã tham gia vào các cuộc biểu tình tháng 4/1920 và ông ta bị kết án 10 năm tù sau đó vượt ngục sang tị nạn ở Gioócđani. Cao uỷ Anh đã ra lệnh ân xá và đồng thời biến ông ta thành nhân vật Arập có thế lực nhất. Bên cạnh đó để đàn áp phong trào đấu tranh của người Arập chính quyền Anh còn khuyến khích và khích động những mâu thuẫn giữa người Arập và người Do Thái làm thất bại mọi kế hoạch thành lập một nhà nước Arập - Do Thái ở Palextin và việc xây dựng sự hợp tác giữa người Arập và người Do Thái.
Từ những chính sách của thực dân Anh đã dẫn đến tình trạng mâu thuẫn nội bộ ngày càng tăng trong phong trào dân tộc Arập mà đỉnh cao của nó là một bộ phận các nhà lãnh đạo của phong trào đã tách khỏi ban chấp hành và thành lập Đảng Istiqlal (độc lập).
Tháng 10/1935, tại Napouse (một thành phố từ lâu nổi tiếng về tinh thần đấu tranh không khoan nhượng và về việc động viên lực lượng nhân dân), Đảng “Koutlaalwatania” (Đảng dân tộc) ra đời. Đảng Koutlaalwatania đã đề ra mục tiêu đoàn kết mọi lực lượng dân tộc trong một mặt trận và một hành động thống nhất để dành cho kỳ được các yêu cầu dân tộc.
Hai đại gia đình Arập, Nachachibi và Hussein đã thành lập mỗi gia đình một đảng, Nachachibi thì thành lập Đảng “bảo vệ dân tộc Arập” (tháng 12/1934) mà tuyên ngôn của nó không nói gì đến độc lập hay là vấn đề ruộng đất- những vấn đề nóng hổi đang thu hút sự quan tâm của người dân Arập, còn Hussein thì thành lập Đảng Arập - Palextin tháng 3/1935 khẩu hiệu của nó hầu như lấy lại ý nguyện chương trình của đảng Istiqlal với ý đồ rõ ràng là nhằm cứu vãn ảnh hưởng của mình trong phong trào dân tộc Arập.
Nhưng tất cả các mưu đồ tổ chức các lực lượng chính trị đó đều tỏ ra rất lạc hậu so với sự phát triển của phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân ở tất cả các thành phố và nông thôn. Các đại hội và ban chấp hành rất ít
chú ý đến việc tổ chức quần chúng, do đó phong trào nhân dân phát triển trong những điều kiện rất khó khăn, nhờ vào hoạt động và sáng kiến của từng cá nhân. Thế nhưng ngay từ đầu thời kỳ uỷ trị, hàng trăm hoạt động - ít nhiều có mang tính chất tự phát - đã nổ ra chống lại bất công và áp bức: Như chính sách thuế má nặng nề, nạn tước đoạt ruộng đất, tình trạng thất nghiệp, tăng giá, tình trạng giáo dục và y tế sa sút, sự đàn áp của cảnh sát và quân đội. Nạn đói xẩy ra sau cuộc khủng hoảng kinh tế thế giới đã ngày càng thúc đẩy cuộc nổi dậy của quần chúng nhân dân phát triển. Sau đại hội VII (1928), ban chấp hành nhận được nhiều lời kêu gọi từ phong trào đấu tranh của quần chúng nhân dân yêu cầu các nhà lãnh đạo chấm dứt tình trạng chia rẽ giữa họ với nhau, lên án những người hợp tác với bọn phục quốc Do Thái chiếm đoạt ruộng đất, các uỷ ban đề kháng ra đời ở các thành phố và khắp các làng mạc. Đảng Istiqlal đã liên kết với các phong trào độc lập khác (như Đảng Cộng sản, tổ chức thanh niên Hồi giáo) để lên án Ban chấp hành (gồm một nửa là những người quốc gia chân thành và một nửa là những bọn hợp tác và bọn trục lợi” và kêu gọi nhân dân Palextin đoàn kết và kiên trì đấu tranh vì mục tiêu giải phóng dân tộc. Đảng Istiqlal đã chấp nhận các yêu sách cơ bản của phong trào dân tộc, nhưng lần đầu tiên đã nêu rõ kẻ thù chính của phong trào dân tộc Arập là bọn chiếm đóng thực dân Anh và kêu gọi đấu tranh công khai chống bọn hợp tác và bọn trung gian đồng loã. Tuy nhiên, do những người lãnh đạo bị hạn chế bởi hoàn cảnh xuất thân nên Đảng Istiqlal không thể tự mình lựa chọn con đường tổ chức quần chúng đấu tranh một cách có hệ thống và có tổ chức cũng như đề ra các phương pháp đấu tranh nhằm đoàn kết nhân