Truyền thống lịch sử văn hóa

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý hoạt động dạy học môn toán ở các trường trung học cơ sở huyện nghĩa đàn, tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ (Trang 43 - 46)

Từ ngàn xưa, vùng đất Nghĩa Đàn đã là một trong những cái "nôi" của người Việt cổ, với di chỉ khảo cổ học làng Vạc, những chiếc trống đồng và những dụng cụ lao động, săn bắn … biểu tượng rực rỡ của nền văn hoá Đông Sơn từ thuở các Vua Hùng dựng nước. Quá trình lao động chinh phục thiên nhiên, xây dựng cuộc sống của

người Việt cổ ở Nghĩa Đàn đã góp phần vào trang sử vẻ vang của dân tộc Việt Nam trong lịch sử hàng ngàn năm dựng nước. Những giá trị to lớn về văn hoá và lịch sử của di chỉ khảo cổ học Làng Vạc để lại là niềm tự hào lớn lao của mỗi người dân Nghĩa Đàn qua bao thế hệ.

Trong sự tiếp biến của lịch sử, cùng với người bản địa, trên địa bàn Nghĩa Đàn xuất hiện thêm các cộng đồng cư dân mới, trong đó đáng kể nhất là đồng bào dân tộc Thổ, Thái di cư từ các địa phương khác đến và người Kinh từ miền xuôi lên sinh sống, lập nghiệp. Từ đây, các thế hệ người Thái, người Thổ, người Kinh chung sống trong sự cố kết cộng đồng hoà thuận, cùng nhau hun đúc nên truyền thống yêu nước, đoàn kết, thuỷ chung, cần cù, sáng tạo và tạo nên bản sắc văn hoá riêng của người dân Nghĩa Đàn.

Trải qua nhiều triều đại trong lịch sử dân tộc, đến năm Minh Mệnh thứ 21 (tức năm 1840), tổ chức hành chính Nghệ An được sắp xếp lại, huyện Nghĩa Đường được thành lập trên cơ sở tách ra từ phủ Quỳ Châu. Đến năm 1885, Vua Đồng Khánh lên ngôi, vì huý kỵ nên triều đình đổi tên huyện Nghĩa Đường thành huyện Nghĩa Đàn và tên gọi Nghĩa Đàn có từ đó đến nay.

Ngày 03/02/1930, một sự kiện chính trị có ý nghĩa quyết định của cách mạng Việt Nam đã diễn ra - Đảng Cộng sản Việt Nam ra đời, tạo ra một bước ngoặt vô cùng quan trọng trong lịch sử của dân tộc. Vào tháng 10/1930, tại hang Rú Ấm, xã Thọ Lộc (nay thuộc xã Nghĩa Đức), Chi bộ Đảng đầu tiên của huyện Nghĩa Đàn, một trong những chi bộ Đảng đầu tiên của các huyện miền núi Tây Bắc đã ra đời do đồng chí Võ Nguyên Hiến làm Bí thư. Ánh sáng của con đường cách mạng do Đảng ta lãnh đạo đã bắt đầu dẫn đường, soi rọi và thôi thúc phong trào yêu nước của nhân dân các dân tộc Nghĩa Đàn. Một trang sử mới hào hùng và vẻ vang đã mở ra, sự phát triển trên các lĩnh vực trong những năm đổi mới đã là nhân tố có tính quyết định để hình thành và ra đời một đô thị mới - Thị xã Thái Hoà được thành lập và chính thức công bố vào ngày 10/05/2008.

Sau khi thực hiện Nghị định 164/NĐ-CP của Thủ tướng Chính phủ, huyện Nghĩa Đàn được tổ chức lại với nhiều khó khăn, thách thức bởi gần như trở lại điểm xuất phát của một huyện miền núi nghèo. Song từ khó khăn, Đảng bộ và nhân dân

các dân tộc huyện nhà lại thắp sáng lên niềm tin mới, đoàn kết và quyết tâm xây dựng quê hương Nghĩa Đàn sớm vượt qua khó khăn, nhanh chóng “thay da, đổi thịt”. Tập trung sớm ổn định tổ chức và bộ máy cán bộ; xây dựng quy hoạch phát triển kinh tế - xã hội, quy hoạch và triển khai xây dựng khu trung tâm hành chính huyện, khu công nghiệp nhỏ và hệ thống hạ tầng kỹ thuật; tích cực thu hút đầu tư vào địa bàn; chăm lo ổn định và nâng cao đời sống tinh thần vật chất của nhân dân, đảm bảo an sinh xã hội. Với quyết tâm cao và định hướng đúng, chỉ sau hơn ba năm kể từ ngày chia tách, Nghĩa Đàn đã cơ bản ổn định về mọi mặt, vượt qua được những khó khăn ban đầu, thế và lực của Nghĩa Đàn từng bước nâng lên.

2.1.4 Khái quát về phát triển của giáo dục đào tạo huyện Nghĩa Đàn, tỉnh Nghệ An

2.1.4.1. Thuận lợi.

Nghĩa Đàn có vị trí địa thuận lợi trong giao lưu với các vùng, các khu vực. Điều kiện tự nhiên phong phú, đa dạng tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển kinh tế. Với sự quan tâm của Đảng bộ, chính quyền các cấp, cơ sở hạ tầng được đầu tư xây dựng, đời sống kinh tế, văn hóa xã hội của nhân dân ngày một đi lên góp phần làm thay đổi đáng kể bộ mặt của quê hương Nghĩa Đàn trong thời kỳ mới. Là một huyện có truyền thống văn hóa lịch sử, nhân dân cần cù, sáng tạo trong lao động, dân trí ngày càng được nâng lên. Con em Nghĩa Đàn đã phát huy tinh thần hiếu học để vươn lên học tập, sáng tạo phần tích cực vào công cuộc xây dựng quê hương đất nước.

2.1.4.2. Khó khăn.

Trong chiến tranh, Nghĩa Đàn bị tàn phá nặng nề, là huyện miền núi nên chịu ảnh hưởng của thiên tai, lũ lụt. Đến nay Nghĩa Đàn vẫn là một huyện nghèo, kinh tế chủ yếu phụ thuộc vào nông nghiệp với sản lượng hằng năm không cao, thu nhập bình quân đầu người còn thấp so với bình quân chung cả tỉnh. Cơ sở vật chất trường học được đầu tư xây dựng chủ yếu bằng chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình kiên cố hóa tập trung cho các xã vùng khó khăn, số trường chuẩn quốc gia đạt được hằng năm thấp do thiếu đầu tư về cơ sở vật chất, sự đóng góp của nhân dân còn hạn chế.

Để thực hiện đổi mới quê hương trong thời kỳ hội nhập, Đảng bộ và nhân dân Nghĩa Đàn luôn phát huy những thuận lợi, khắc phục khó khăn, chủ động tích cực

tìm hướng đi đúng đắn, thích hợp với sự phát triển chung để nâng cao vị thế của huyện, phấn đấu trở thành huyện khá về kinh tế, vững về văn hóa xã hội, ổn định về an ninh quốc phòng.

Một phần của tài liệu Một số biện pháp quản lý hoạt động dạy học môn toán ở các trường trung học cơ sở huyện nghĩa đàn, tỉnh nghệ an luận văn thạc sỹ (Trang 43 - 46)