Bài học kinh nghiệm:

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về sự tự do hóa dòng vốn và cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi ở 11 nền kinh tế Châu Á (Trang 41 - 45)

Việt Nam là một nước đang phát triển, việc điều hành công cụ chính sách tiền tệ cần phải hết sức cẩn trọng. Trong bối cảnh nền kinh tế còn non yếu và bộc lộ những hạn chế khá lớn và tăng trưởng còn chưa vững chắc, để tránh hiện tượng “bộ ba bất khả thi”, Ngân hàng Nhà nước nên kiểm soát dòng vốn đồng thời thực hiện chính sách lạm phát mục tiêu. Tuy nhiên, việc áp dụng chính sách mục tiêu lạm phát (CSMTLP) cũng phải lưu tâm tới một số vấn đề sau:

Một là, “Lựa chọn CSMTLP phải trên cơ sở sau một thời kỳ kềm chế lạm phát thành công”. Điều này sẽ giúp tạo ra niềm tin của công chúng vào khả năng của Ngân hàng trung ương trong việc thực thi các mục tiêu mình đã định ra cũng như tạo tiền đề cở sở cho việc kiểm soát lạm phát về sau. Còn việc sau bao nhiêu năm thì phải phụ thuộc vào điều kiện của từng quốc gia cụ thể, khi thấy mình đã hội tụ đầy đủ những yếu tố có thể thực hiện thành công CSMTLP thì chính thức công bố. Bởi vì một khi đã công khai công bố thì phải bằng mọi cách đạt được, nếu không sẽ gây mất niềm tin với công chúng.

Hai là, “Chỉ số CPI và chỉ số lạm phát cơ bản – song song sử dụng”. Mặc dù chỉ số CPI có nhiều ưu điểm nhưng một nhược điểm lớn là nó lại bao gồm cả những yếu tố khiến giá cả biến động trong ngắn hạn mà có thể nhanh chóng mất đi sau đó, nên bên cạnh đó các Ngân hàng trung ương đều sử dụng thêm chỉ số lạm phát cơ bản vì cho rằng chỉ số này mới thể hiện bản chất xu hướng biến động của giá cả và giúp Ngân hàng trung ương có thể nhìn nhận về tình trạng lạm phát chính xác hơn.

Ba là, “CSMTLP phải có tính linh hoạt cao”. Đây là một vấn đề quan trọng, bởi vì các biến cố kinh tế, chính trị, xã hội biến đổi không lường, dẫn đến những phản ứng khác nhau của nền kinh tế vào từng thời kỳ, rất cần thiết phải cho Ngân hàng trung ương những sự linh hoạt nhất định để họ có thể phản ứng lại các biến động này một cách có hiệu quả. Sự linh hoạt này có thể được thể hiện trên nhiều mặt: - Mục tiêu được đặt trong một khung giá trị hơn là một con số cụ thể.

- Khung mục tiêu được đặt ra một cách từ từ tăng hoặc giảm theo thời gian để tránh gây sốc cho nền kinh tế.

- Mỗi mục tiêu có thời gian thực hiện tương đối dài, trong thời gian đó, vẫn có thể chấp nhận sự lệch ra khỏi mục tiêu một cách tạm thời.

Bốn là, “CSMTLP phải có sự công khai minh bạch và gắn liền với trách nhiệm cao của Ngân hàng trung ương” Điều này có tác dụng là khi mà các chủ thể khác trong nền kinh tế biết được Ngân hàng trung ương đang làm gì, chính sách tiền tệ đang ở đâu thì những sự dự tính của họ về các nhân tố có liên quan đến lạm phát sẽ gần hơn với những gì mà Ngân hàng trung ương mong muốn và tỷ lệ lạm phát trong dài hạn sẽ rơi vào khung mục tiêu đã đặt ra. Các khía cạnh có thể đề cập đến:

- Bên cạnh các kênh thông tin chính thức phải chú ý quan tâm cả đến những kênh không chính thức (các bài tham luận, phát biểu, phát hành báo chí, trang web...) - Gia tăng cam kết trách nhiệm của Ngân hàng trung ương trong việc thực thi các mục tiêu đã đặt ra của chính sách tiền tệ.

Năm là, “CSMTLP không được phép xung đột với các chính sách kinh tế vĩ mô khác”. Ngoài chính sách tiền tệ, bất cứ quốc gia nào cũng còn phải thực hiện nhiều các chính sách kinh tế vĩ mô khác. Việc đặt ra các chính sách chồng chéo và xung đột lẫn nhau tất sẽ gây ra những khó khăn cho các cơ quan chủ quản trong việc thực thi các chính sách này. Vì vậy ngay từ khi hoạch định chúng ta đã phải cố gắng làm sao cho các chính sách này không có xung đột với nhau mới tạo ra những thuận tiện trong quá trình thực hiện sau này.

Sáu là, “dự báo lạm phát - nhân tố góp phần trong thành công của CSMTLP”. Tất nhiên không phải bất cứ quốc gia nào cũng thực hiện dự báo lạm phát, và cũng không phải bắt buộc phải dự báo lạm phát mới đem đến thành công cho CSMTLP, nhưng có thể dự báo trước được những gì có thể xảy ra cũng không phải là tồi. Nó sẽ góp phần giúp Ngân hàng trung ương có được cái nhìn tốt hơn và không bị bất ngờ trước những gì mà mình sẽ phải đối mặt và vì thế đưa ra được những biện pháp ứng phó.

KẾT LUẬN

Qua việc nghiên cứu đề tài này, có thể rút ra được những vấn đề sau:

- Thứ nhất: về bộ ba bất khả thi: Không thể có chính sách tiền tệ độc lập trong điều kiện cố định (hay xem như cố định) tỷ giá hối đoái cùng lúc với tự do hóa dòng vốn. Hay nói cách khác, không thể giữ được ba góc của một chiếc khăn khỏi bung lên trong một chiều lộng gió chỉ bằng hai hòn đá. - Thứ hai: đối với Việt Nam, năm 2007, Ngân hàng trung ương đã

tham vọng muốn biến “bộ ba bất khả thi” thành “bộ ba khả thi”. Nhìn từ bên ngoài, có thể có đánh giá cho rằng, chúng ta đã áp dụng thành công. Nhưng, xét về dài hạn, đấy là những bước đi chưa chính xác.

- Thứ ba: để tránh “bộ ba bất khả thi”, chính sách tiền tệ của Việt Nam nên đi theo hướng: chính sách lạm phát mục tiêu vì thực tế đã cho thấy, con đường này khá phù hợp và mang lại kết quả tốt. Tuy nhiên, cũng cần thận trọng và cân nhắc lựa chọn thời điểm cho phù hợp.

- Thứ tư: theo khuyến cáo của bài nghiên cứu nêu trên, Việt Nam cũng cần phải tuân theo trình tự thực hiện cải cách, đó là cần tập trung vào tính linh hoạt tỷ giá và sự phát triển của thị trường tiền tệ phái sinh trước khi sẵn sàng để cho tài khoản vốn di chuyển hoàn toàn tự do.

Có thể nói, một nền kinh tế thị trường hội nhập quốc tế phải dựa trên nền tảng thể chế kinh tế thị trường theo nguyên tắc tự do hóa các hoạt động kinh tế- thương mại và được hỗ trợ bởi các thể chế chính trị tương thích là rất cần thiết, song phải có những bước đi, lộ trình cụ thể để đảm bảo sự ổn định vĩ mô. Vấn đề lựa chọn cơ

chế điều hành tiền tệ, cơ chế điều hành tỷ giá nào là thích hợp trong quá trình hội nhập kinh tế luôn là những vấn đề hóc búa.

Sự lựa chọn sai lầm rất có thể dẫn đến sự bất ổn tiền tệ, bất ổn kinh tế vĩ mô. Trong tình hình hiện nay, NHNN nhấn mạnh vai trò của tỷ giá như một công cụ quan trọng để ổn định vĩ mô và ổn định thị trường tài chính là rất đúng hướng. Với một cơ chế điều hành tỷ giá khống chế biên độ và điều hành thận trọng của NHNN hiện nay là giải pháp hữu hiệu nhất để ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế bền vững.

Tuy nhiên, trong dài hạn, khi nền kinh tế đã đạt được những điều kiện nhất định như: tiềm lực tài chính của quốc gia đã đủ mạnh; thị trường tài chính phát triển đầy đủ và vận hành ổn định; tình trạng đô la hóa trong nền kinh tế được kiểm soát mức thấp; lạm phát ở mức ổn định; cơ cấu xuất nhập khẩu có sự thay đổi căn bản, theo hướng xuất khẩu các mặt hàng tinh chế, tỷ trọng xuất khẩu các mặt hàng thô giảm, giá trị hàng xuất được hình thành chủ yếu bằng nguyên, vật liệu trong nước thì việc điều hành tỷ giá sẽ nhấn mạnh tầm quan trọng của tỷ giá là công cụ hỗ trợ tích cực trong việc cải thiện cán cân thương mại, tăng khả năng cạnh tranh trong xuất khẩu, từ đó đảm bảo tính bền vững của cán cân thanh toán nói riêng và tăng trưởng kinh tế nói chung.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình “Tài chính quốc tế” – Khoa Tài chính Doanh nghiệp - Trường ĐH Kinh tế TP.HCM ( 2010)

2. Tài liệu “Châu Á đương đầu với bộ ba bất khả thi” – Ngân hàng Phát triển Châu Á, tháng 02/2010

3. Tạp chí Người đại biểu của nhân dân, số tháng 6/2007

4. Thời báo Kinh tế Sài gòn, số tháng 6/2007.

Một phần của tài liệu Nghiên cứu về sự tự do hóa dòng vốn và cơ chế tỷ giá hối đoái thả nổi ở 11 nền kinh tế Châu Á (Trang 41 - 45)

w