XUẤT KHẨU HÀNG THỦ CÔNG MỸ NGHỆ VẠN XUÂN
1. Đặc điểm thị trường kinh doanh của Công ty
1.1. Đặc điểm về khu vực KD
Việt Nam là quốc gia có nghề mây tre đan truyền thống, sản phẩm đa dạng bậc nhất trên thế giới. Các sản phẩm mây, tre đan mang thương hiệu “Made in Việt Nam” được thế giới biết đến ngày một nhiều hơn. Tổng kim nghạch xuất khẩu mây tre đan của Việt Nam ngày càng tăng và hiện xếp thứ 3 trên thế giới. Sản phẩm mây tre Việt Nam chủ yếu được xuất khẩu, đến nay đã vươn ra 120 quốc gia, vùng lãnh thổ trên thế giới. Kim ngạch xuất khẩu đạt trung bình 200 triệu USD trong mấy năm gần đây (năm 2007 đạt 219 triệu USD; năm 2008 đạt trên 224.7 triệu USD).
Quảng Bình là một trong những tỉnh có tiềm năng rất lớn để phát triển nghề mây tre đan. Kết quả khảo sát của Công ty Vạn Xuân cho thấy một số địa phương ở hai
huyện Tuyên Hoá và Quảng Trạch, tỉnh Quảng Bình cho thấy nguồn nguyên liệu mây ở Quảng Bình dồi dào và hiện đang là một địa phương cung cấp nguyên liệu cho các nhà sản xuất ở nơi khác. Chỉ tính riềng hai huyện Tuyên Hóa và Minh Hóa, tổng sản lượng mây tươi nguyên liệu được khai thác và cung ứng đạt khoảng 350 tấn/ năm. Trong đó, lượng mây khai thác từ tự nhiên đạt 250 tấn, mây khoanh nuôi bảo vệ và do dân trồng đạt khoảng 100 tấn năm. Hàng năm có tới khoảng 2.000 tấn nguyên liệu tre được khai thác và cung ứng cho các làng nghề (chưa tính khối lượng cung ứng cho các nhà máy chế biến ván ép, tre khối). Với nguồn nguyên liệu này đủ để sản xuất một khối lượng lớn hàng mây tre cho xuất khẩu.
Các HTX và doanh nghiệp mây tre ở các huyện còn nhỏ lẻ, đang gặp lúng túng về khâu thị trường tiêu thụ và hiện đang phụ thuộc vào các nhà chế biến xuất khẩu ở các tỉnh Hà Tây, Hưng Yên.
Hiện trên toàn tỉnh có khoảng 1.200 lao động tham gia vào nghề mây tre đan, trong đó ở huyện Tuyên Hóa có khoảng 120 lao động; ở huyện Quảng Trạch có khoảng 600 – 700 người và tại huyện Lệ Thủy có khoảng 300 lao động tham gia. Mặc dù vậy, trình độ tay nghề và năng suất lao động của người lao động trong nghề mây tre đan ở Quảng Bình còn thấp hơn so với người lao động ở các tỉnh có nghề mây tre đan truyền thống như: Hà Tây cũ (nay là Hà Nội); Phú Thọ, Hưng Yên, Thái Bình, Quảng Nam. Hiện chưa có doanh nghiệp đầu mối cấp tỉnh để mạnh dạn đầu tư vào tìm kiếm thị trường, thiết kế và gia công các mẫu mới để thâm nhập và khai thông thị trường xuất khẩu; từ đó đào tạo nâng cao tay nghề cho lực lượng lao động thủ công mây tre đan trong tỉnh để nâng cấp nghề thủ công mỹ nghệ mây tre trong tỉnh, tạo việc làm ổn định và nâng cao thu nhập cho bộ phận lao động đông đảo ở khu vực nông thôn. 1.2. Đối thủ cạnh tranh:
- Đối thủ cạnh tranh của Vạn Xuân đến chủ yếu từ tỉnh Quảng Nam như là công ty Nam Phước ở huyện Duy Xuyên, Công ty Âu Cơ ở huyện Núi Thành. Đây là các công ty cạnh tranh trực tiếp với Vạn Xuân về thị trường đầu ra, giá cả, nguyên liệu đầu vào.. ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp.
- Sản phẩm Vạn Xuân hoàn toàn sử dụng nguyên liệu từ tự nhiên, bao gồm các dòng sản phẩm: mây, tre, lá và sợi tự nhiên. Vạn Xuân coi trọng sự tiện dụng của sản phẩm, đặc trưng văn hóa của khách hàng và yếu tố thẩm mỹ khi thiết kế và gia công sản phẩm.
- Để đáp ứng nhu cầu của các đối tác, Vạn Xuân đã và đang tổ chức đào tạo nghề làm túi lá cho hàng trăm lao động trên địa bàn tỉnh Quảng Bình. Sản phẩm túi lá của Công ty Vạn Xuân được làm từ lá dừa ở miền Nam và thổ cẩm của đồng bào dân tộc thiểu số ở miền Bắc, kết hợp tinh tế văn hoá giữa các vùng, miền. Sản phẩm túi lá của Vạn Xuân hứa hẹn sẽ là dòng sản phẩm tiềm năng ở cả thị trường trong nước cũng như thị trường Quốc tế.
- Các mẫu thiết kế của Vạn Xuân phần lớn là do Công ty tự thiết kế, một số là do các làng nghề tại tỉnh TT-Huế thiết kế.
- Công ty thường hay đặt hàng sản xuất sản phẩm tại các làng nghề ở huyện Quảng Trạch, Lệ Thủy, Tuyên Hóa tỉnh Quảng Bình, ngoài ra công ty cũng có đặt hàng tại các làng nghề khác ở Nghệ An hay TT-Huế.