Định mức tín nhiệm của doanh nghiệp là chỉ tiêu đánh giá độ tin cậy của nhà đầu tư với doanh nghiệp đó. Định mức tín nhiệm của doanh nghiệp được xây dựng dựa trên cơ sở xem xét một số yếu tố sau:
- Những yếu tố chung về môi trường bên ngoài doanh nghiệp: Đây là những đánh giá về rủi ro chung của thế giới (trạng thái nền kinh tế thế giới), rủi ro khu vực (trạng thái phát triển của khu vực nơi có lãnh thổ quốc gia mà doanh nghiệp đang hoạt động), rủi ro quốc gia (gồm rủi ro chính trị được xem xét dưới góc độ thể chế chính trị đảm bảo quyền lợi cho người đầu tư và rủi ro kinh tế).
- Những yếu tố về bản thân doanh nghiệp: Đây là những đánh giá về quy mô doanh nghiệp, kết cấu và sự biến động lợi nhuận của doanh nghiệp, trình độ quản lý điều hành của bộ máy quản lý.
Định mức tín nhiệm là yếu tố mà doanh nghiệp cần đánh giá, xem xét khi lựa chọn huy động vốn bên ngoài doanh nghiệp. Khi doanh nghiệp có định mức tín nhiệm cao trên thị trường, việc huy động vốn từ nguồn bên ngoài (vay trung gian tài chính, phát hành trái phiếu, tín dụng thương mại) sẽ dễ dàng, thuận lợi hơn. Nếu doanh nghiệp có định mức tín nhiệm thấp, chứng tỏ việc đầu tư vào doanh nghiệp có rủi ro cao hơn đầu tư vào các nơi khác thì doanh nghiệp sẽ phải huy động vốn với chi phí lớn hơn, những đòi hỏi về bảo đảm an toàn cho các khoản tài trợ của nhà tài trợ sẽ cao hơn do đó có thể nói việc hướng tới nguồn vốn bên ngoài là không khả thi. Doanh nghiệp sẽ phải tự tài trợ bằng nguồn vốn nội bộ cụ thể là từ nguồn lợi nhuận không chia hay quỹ khấu hao tài sản cố định. Định mức tín nhiệm còn phản ánh tình hình tài chính của doanh nghiệp. Doanh nghiệp có tình hình tài chính tốt sẽ có định mức tín nhiệm cao.
CHƯƠNG II:
THỰC TRẠNG CƠ CHẾ HUY ĐỘNG VỐN TẠI TỔNG CÔNG TY HÀNG KHÔNG VIỆT NAM