1.2.3. Sự đấu tranh và chuyển hóa của các mặt đối lập là nguồn gốc, động lực của sự phát triển động lực của sự phát triển
Như chúng ta đã biết, không phải bất kỳ sự đấu tranh của các mặt đối lập đều dẫn đến sự chuyển hoá giữa chúng. Chỉ có sự đấu tranh của các mặt đối lập phát triển đến mức độ nhất định, hội tụ tất cả các điều kiện cần thiết mới dẫn đến sự chuyển hoá, bài trừ phủ định lẫn nhau. Trong giới tự nhiên, chuyển hoá của các mặt đối lập thường diễn ra một cách tự phát, còn trong xã hội, chuyển hoá của các mặt đối lập nhất thiết phải diễn ra thông qua hoạt động có ý thức của con người. Chuyển hóa giữa các mặt đối lập chính là lúc mâu thuẫn được giải quyết, sự vật cũ mất đi, sự vật mới ra đời.
Do đó, không nên hiểu sự chuyển hoá lẫn nhau giữa các mặt đối lập chỉ là sự hoán đổi vị trí một cách đơn giản, máy móc, mà đây là quá trình diễn ra hết sức phức tạp, trải qua nhiều khâu trung gian. Tùy mỗi sự vật, hiện tượng mà có sự chuyển hóa khác nhau. Thông thường thì mâu thuẫn chuyển hoá theo hai phương thức:
Phương thức thứ nhất: Mặt đối lập này chuyển hoá thành mặt đối lập kia và ngược lại nhưng ở trình độ cao hơn xét về phương diện chất của sự vật.
Ví dụ: Lực lượng sản xuất và quan hệ sản xuất trong xã hội phong kiến đấu tranh chuyển hoá lẫn nhau để hình thành quan hệ sản xuất mới là quan hệ sản xuất tư bản chủ nghĩa và lực lượng sản xuất mới ở trình độ cao hơn.
Phương thức thứ hai: Cả hai mặt đối lập chuyển hoá lẫn nhau để thành hai mặt đối lập mới hoàn toàn.
Ví dụ: Giải quyết mâu thuẫn giữa nông dân và địa chủ (chế độ phong kiến), xã hội lại xuất hiện mâu thuẫn mới là mâu thuẫn giữa tư sản và vô sản (chế độ tư bản chủ nghĩa).
Hay: Nền kinh tế Việt Nam chuyển từ nền kinh tế kế hoạch hoá tập trung, quan liêu bao cấp sang cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Từ những mâu thuẫn trên cho ta thấy trong thế giới hiện thực, bất kỳ sự vật hiện tượng nào cũng chứa đựng trong bản thân nó những mặt, những thuộc tính có khuynh hướng phát triển ngược chiều nhau. Sự đấu tranh chuyển hoá của các mặt đối lập trong điều kiện cụ thể tạo thành mâu thuẫn. Mâu thuẫn là hiện tượng khách quan, phổ biến của thế giới. Mâu thuẫn được giải quyết, sự vật cũ mất đi, sự vật mới hình hành. Sự vật mới lại nảy sinh các mặt đối lập và mâu thuẫn mới.
Các mặt đối lập trong mâu thuẫn mới lại đấu tranh chuyển hoá và phủ định lẫn nhau để tạo thành sự vật mới hơn, tiến bộ hơn. Cứ như vậy mà các sự vật, hiện tượng trong thế gới khách quan thường xuyên phát triển và biến đổi không ngừng. Vì vậy mâu thuẫn là nguồn gốc và động lực của mọi quá trình vận động phát triển của sự vật, hiện tượng. Với câu nói nổi tiếng của Hêraclit càng minh chứng rõ điều này: “Chúng ta không thể tắm hai lần trên cùng một dòng sông”.
Chủ nghĩa duy vật biện chứng tìm thấy nguồn gốc của sự vận động và phát triển ở mâu thuẫn, ở sự đấu tranh giữa các khuynh hướng, các mặt đối lập tồn tại trong các sự vật và hiện tượng. C.Mác khẳng định rằng: Cái cấu thành bản chất của sự vật biện chứng, chính là sự cùng tồn tại của hai mặt mâu thuẫn, sự đấu tranh của hai mặt ấy và sự dung hợp của hai mặt ấy thành một phạm trù mới. Vậy mâu thuẫn là sự tác động lẫn nhau của các mặt, các khuynh hướng đối lập. Sự tác động qua lại, sự đấu tranh của các mặt đối lập quy định một cách tất yếu những thay đổi của các mặt đang tác động qua lại,
cũng như sự vật nói chung, nó là nguồn gốc vận động và phát triển, là xung lực của sự sống. Như vậy, ta thấy rằng chính mâu thuẫn là nguồn gốc, là động lực của sự vận động và phát triển của mọi sự vật, hiện tượng.
1.2.4. Một số loại mâu thuẫn
Mâu thuẫn tồn tại trong tất cả các sự vật, hiện tượng cũng như trong tất cả các giai đoạn phát triển của chúng. Mâu thuẫn hết sức phong phú, đa dạng. Tính phong phú, đa dạng đó được quy định một cách khách quan bởi đặc điểm của các mặt đối lập, bởi điều kiện tác động qua lại của chúng, bởi trình độ tổ chức của hệ thống (sự vật) mà trong đó mâu thuẫn tồn tại.
+ Căn cứ vào quan hệ đối với sự vật được xem xét, người ta phân biệt các mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài.
Mâu thuẫn bên trong là mâu thuẫn nằm ngay trong chính bản thân sự vật, quyết định bản chất, xu thế vận động của chính bản thân sự vật. Mâu thuẫn bên ngoài là mâu thuẫn giữa các sự vật, hiện tượng với nhau.
Việc phân chia mâu thuẫn thành mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài chỉ là tương đối, tuỳ theo phạm vi xem xét.
Mâu thuẫn bên trong có vai trò quyết định trực tiếp đối với quá trình vận động và phát triển. Tuy nhiên, mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài không ngừng tác động qua lại lẫn nhau. Việc giải quyết mâu thuẫn bên trong không thể tách rời việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài; việc giải quyết mâu thuẫn bên ngoài là điều kiện để giải quyết mâu thuẫn bên trong.
+ Căn cứ vào ý nghĩa đối với sự tồn tại và phát triển của toàn bộ sự vật, mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản.
Mâu thuẫn cơ bản là mâu thuẫn quy định bản chất của sự vật, quy định sự phát triển ở tất cả các giai đoạn của sự vật, nó tồn tại trong suốt quá trình tồn tại các sự vật. Mâu thuẫn cơ bản được giải quyết thì sự vật sẽ thay đổi căn bản về chất. Mỗi sự vật, hiện tượng có một hoặc nhiều mâu thuẫn cơ bản tùy từng giai đoạn phát triển khác nhau.
Mâu thuẫn không cơ bản là mâu thuẫn chỉ đặc trưng cho một phương diện nào đó của sự vật, nó không quy định bản chất của sự vật. Mâu thuẫn đó nảy sinh hay được giải quyết không làm cho sự vật thay đổi căn bản về chất. Trong cùng một sự vật, hiện tượng mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản tồn tại gắn liền với nhau và mâu thuẫn không cơ bản chịu sự chi phối của mâu thuẫn cơ bản.
+ Căn cứ vào vai trò của mâu thuẫn đối với sự tồn tại và phát triển của sự vật trong một giai đoạn nhất định, các mâu thuẫn được chia thành mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu.
Mâu thuẫn chủ yếu là mâu thuẫn nổi lên hàng đầu ở một giai đoạn phát triển nhất định của sự vật, nó chi phối các mâu thuẫn khác trong giai đoạn đó. Giải quyết được mâu thuẫn chủ yếu trong từng giai đoạn là điều kiện cho sự vật chuyển sang giai đoạn phát triển mới.
Mâu thuẫn thứ yếu là mâu thuẫn ra đời và tồn tại trong một giai đoạn phát triển nào đó của sự vật, nhưng nó không đóng vai trò chi phối mà bị mâu thuẫn chủ yếu chi phối. Giải quyết mâu thuẫn thứ yếu là góp phần vào việc từng bước giải quyết mâu thuẫn chủ yếu.
+ Căn cứ vào tính chất của các quan hệ lợi ích, người ta chia mâu thuẫn trong xã hội thành mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
Mâu thuẫn đối kháng là mâu thuẫn giữa những giai cấp, những tập đoàn người có khuynh hướng xã hội đối lập nhau về lợi ích cơ bản.
Mâu thuẫn không đối kháng là mâu thuẫn giữa những lực lượng xã hội có đối lập về lợi ích không cơ bản, cục bộ tạm thời.
Việc phân biệt các nhóm mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc lựa chọn cách thức giải quyết mâu thuẫn, xây dựng mục tiêu và phương pháp hành động.
1.3. Ý nghĩa phương pháp luận của quy luật mâu thuẫn
Việc nghiên cứu quy luật mâu thuẫn có ý nghĩa quan trọng trong nhận thức và hoạt động thực tiễn.
Quy luật mâu thuẫn đem lại phương pháp luận khoa học cho việc xem xét và giải quyết các vấn đề, phương pháp phân tích, giải quyết mâu thuẫn.
Để nhận thức đúng bản chất sự vật và tìm ra phương hướng và giải pháp đúng cho hoạt động thực tiễn, phải đi sâu nghiên cứu phát hiện ra mâu thuẫn của sự vật. Muốn phát hiện ra mâu thuẫn phải tìm ra trong thể thống nhất những mặt, những khuynh hướng trái ngược nhau, tức tìm ra những mặt đối lập và tìm ra những mối liên hệ, tác động qua lại lẫn nhau giữa các mặt đối lập đó. V.Lênin viết: “Sự phân đôi của cái thống nhất và sự nhận thức các bộ phận của nó…, đó là thực chất… của phép biện chứng” [11; 378]. Mâu thuẫn là hiện tượng phổ biến, nó tồn tại trong mọi mặt của đời sống xã hội dưới nhiều hình thức khác nhau: mâu thuẫn bên trong và mâu thuẫn bên ngoài, mâu thuẫn cơ bản và mâu thuẫn không cơ bản, mâu thuẫn chủ yếu và mâu thuẫn thứ yếu, mâu thuẫn đối kháng và mâu thuẫn không đối kháng.
Trong hoạt động thực tiễn, mâu thuẫn tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau, việc phân tích mâu thuẫn có ý nghĩa rất quan trọng. Khi phân tích mâu thuẫn, phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển của từng mâu thuẫn, xem xét vai trò, vị trí và mối quan hệ lẫn nhau của các mâu thuẫn; phải xem xét quá trình phát sinh, phát triển và vị trí của từng mặt đối lập, mối quan hệ tác động qua lại giữa chúng, điều kiện chuyển hoá lẫn nhau giữa chúng. Chỉ có như thế mới có thể hiểu đúng mâu thuẫn của sự vật, hiểu đúng xu hướng vận động, phát triển và điều kiện để giải quyết mâu thuẫn.
Như chúng ta đã biết trong mỗi sự vật, hiện tượng không chỉ có một mâu thuẫn mà cùng một lúc có thể có rất nhiều mâu thuẫn. Việc giải quyết mâu thuẫn là tất yếu, nhưng không thể cùng một lúc chúng ta giải quyết được tất cả các mâu thuẫn. Chính vì thế mà phải xác định xem mâu thuẫn nào phải giải quyết trước. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: “Bất cứ địa phương nào, cơ quan nào, thường trong một lúc có nhiều công việc trọng yếu. Trong một thời gian đó, lại có một công việc trọng yếu nhất và vài ba việc trọng yếu vừa. Người lãnh
đạo trong địa phương hoặc cơ quan đó phải xem xét kỹ hoàn cảnh mà sắp đặt công việc cho đúng. Việc chính, việc gấp thì làm trước. Không nên luộm thuộm, không có kế hoạch, gặp việc nào làm việc ấy, thành thử việc nào cũng là việc chính, lộn xộn, không có ngăn nắp”.
Ví dụ: Một trong những nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của chủ nghĩa xã hội hiện thực ở Liên xô và Đông Âu là: Tiến hành cải tổ không theo một trình tự rõ ràng, đã có sự phê phán đối với “sự trì trệ” nhưng không xác định được mâu thuẫn nào cần được giải quyết trước, và chúng được thực hiện theo sự nhất quán nào, vào thời gian nào, trong điều kiện nào. Từ đó dẫn đến hiện tượng luống cuống, hỗn độn, mất ổn định của nhà nước và xã hội.
Trong hoạt động thực tiễn, phát hiện và nhận thức mâu thuẫn là rất quan trọng, không nên lảng tránh và che dấu mâu thuẫn. Việc đấu tranh giải quyết mâu thuẫn phải phù hợp với trình độ phát triển của mâu thuẫn. Phải tìm ra phương thức, phương tiện và lực lượng để giải quyết mâu thuẫn. Mâu thuẫn chỉ được giải quyết khi điều kiện đã chín muồi. Một mặt, phải chống thái độ chủ quan, nóng vội; mặt khác phải tích cực thúc đẩy các điều kiện khách quan để làm cho các điều kiện giải quyết mâu thuẫn đi đến chín muồi. Mâu thuẫn khác nhau phải có phương pháp giải quyết khác nhau. Phải tìm ra các hình thức giải quyết mâu thuẫn một cách linh hoạt, vừa phù hợp với từng loại mâu thuẫn, vừa phù hợp với điều kiện cụ thể.
Mâu thuẫn được giải quyết bằng quá trình đấu tranh theo quy luật khách quan. Cho nên trong đời sống xã hội chúng ta phải coi hành vi đấu tranh là chân chính.
Chương 2: KINH TẾ THỊ TRƯỜNG Ở VIỆT NAM VÀ NHỮNG MÂU THUẪN PHÁT SINH TRONG KINH TẾ THỊ TRƯỜNG ĐỊNH HƯỚNG XÃ HỘI CHỦ NGHĨA Ở VIỆT NAM TỪ GÓC ĐỘ LÝ LUẬN CỦA QUY LUẬT MÂU THUẪN TRONG TRIẾT HỌC MÁC - LÊNIN
2.1. Tính tất yếu khách quan của quá trình xây dựng nền kinh tế thị trường ở Việt Nam
2.1.1. Khái niệm nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa
Kinh tế thị trường là một hình thức tổ chức kinh tế phát triển cao của kinh tế hàng hóa mà mọi yếu tố đầu vào hoặc đầu ra đều thực hiện thông qua thị trường.
Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là một tổ chức kinh tế vừa dựa trên các quy luật phát triển của thị trường vừa dựa trên các nguyên tắc, bản chất của chủ nghĩa xã hội, hai nhân tố đan xen, tác động lẫn nhau, tồn tại trong nhau, nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa chưa phải là chủ nghĩa xã hội đã phát triển đầy đủ và chín muồi. Về nội dung và thực chất, đây là nền kinh tế quá độ của xã hội quá độ, đang trong quá trình chuyển biến cách mạng lên nấc thang mới. Do đó, nó vừa tuân thủ những nguyên tắc và quy luật của bản thân hệ thống (kinh tế thị trường), lại vừa chịu sự chi phối của những nguyên tắc và quy luật nằm ngoài hệ thống (nguyên tắc xã hội hóa - xã hội chủ nghĩa và những quy luật phản ánh bản chất xã hội hóa - xã hội chủ nghĩa). Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa, với tư cách là nền kinh tế quá độ, tiềm tàng những lực lượng cách mạng, những nhân tố mới và những khả năng cũng như phương án phát triển rộng lớn.
Nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là nền kinh tế thuộc dạng đặc biệt: “tiến hóa - cải cách”, khác với các bước quá độ thông thường:
“tiến hóa - tự nhiên” từng diễn ra trong lịch sử. Về nguyên tắc, nền kinh tế thị trường hiện đại không thể ra đời tự phát như các thế kỷ trước. Đây phải là nền kinh tế thị trường được định hướng cao về mặt xã hội và phát triển theo xu hướng xã hội hóa - xã hội chủ nghĩa. Hơn nữa nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa còn đặc trưng bởi “thuộc tính kép” hay “quá độ bậc hai”, kết hợp đồng thời giữa bước quá độ sang nền kinh tế thị trường mà nhân loại đã đạt được với bước quá độ toàn nhân loại sang xã hội hậu công nghiệp, hậu thị trường và nền kinh tế tri thức theo định hướng xã hội chủ nghĩa.
Đây cũng là nền kinh tế thị trường kiểu mới, có tổ chức, có kế hoạch đặt dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và sự quản lý của Nhà nước xã hội chủ nghĩa. Nó hoạt động trên cơ sở kết hợp giữa sự nhận thức tính tất yếu khách quan với việc phát huy vai trò năng động sáng tạo của chủ thể nhằm phục vụ cho sự nghiệp công nghiệp hóa và hiện đại hóa và phát triển rút ngắn, đưa nước ta vào hội nhập nền kinh tế thế giới và trở thành quốc gia phát triển trong thế kỷ XXI.
2.1.2. Chuyển sang nền kinh tế thị trường là một tất yếu khách quan trong quá trình phát triển nền kinh tế đất nước
Sự ra đời của nền kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa ở Việt Nam gắn liền với công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng và lãnh đạo. Kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa là vấn đề lý luận và thực tiễn hết sức mới mẻ và phức tạp. Nó thể hiện mối quan hệ chặt chẽ giữa việc nhận