3.2.1 Nội dung các khoản trích theo lương
Quỹ BHXH là 1 quỹ tiền tệ trích lập tập trung được trích lập bằng cách thêm vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh một số tiền theo tỷ lệ quy định với tổng số tiền lương phát sinh trong tháng và một phần sẽ trích từ thu nhập của người lao động để chi tiêu cho các mục đích: thai sản, ốm đau, tai nạn lao động, tử tuất, hưu trí...
Theo cơ chế tài chính hiện hành, quỹ BHXH trích lập là 20% trên quỹ tiền lương cơ bản thực tế phải trả cho cán bộ công nhân viên. Trong đó: 15% doanh nghiệp cho người lao động và hạch toán vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh. 5%trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động.
Nguồn quỹ BHXH do cơ quan chuyên trách quản lý và trực tiếp chi trả các trường hợp nghỉ hưu trí, tử tuất...và có thể phân cấp trực tiếp cho doanh nghiệp một phần chi trả cho CBCNV đương chức tại doanh nghiệp ốm đau thai sản tai nạn lao động...
Việc sử dụng chi tiêu quỹ BHXH dù ở cấp nào quản lý cũng phải thực hiện theo đúng chế độ quy định.
Quỹ BHYT là quỹ tiền tệ được trích lập bằng cách tính thêm vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh một số tiền theo tỷ lệ quy định với tiền lương cơ bản phải trả trong tháng cho CBNV và một phần trừ vào thu nhập của người lao động. Bảo hiểm y tế được nộp lên cho cơ quan chuyên môn chuyên trách (thường chủ yếu dưới hình thức mua BHYT). Quỹ BHYT được sử dụng để phục vụ việc bảo vệ và chăm sóc sức khoẻ cho cán bộ CNV, thanh toán các khoản chữa bệnh tiền thuốc, giường bệnh... Theo chế độ hiện hành BHYT được trích lập theo tỷ lệ quy định như sau: 2% tính vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh (phần doanh nghiệp trả cho người lao động), 1% trích trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động.
Kinh phí công đoàn cũng được hình thành do việc trích lập và tính vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp hàng tháng theo tỷ lệ quy định tính trên tổng số tiền lương thực tế phải trả cho CNV trong kỳ. Số kinh phí công đoàn doanh nghiệp trích lập cũng được phân cấp quản lý và chi tiêu theo chế độ quy định: một phần nộp lên cơ quan quản lý công đoàn cấp trên và một phần để chi tiêu cho các hoạt động của công đoàn tại doanh nghiệp.
Theo chế độ hiện hành KPCĐ trích lập 2% vào chi phí sản xuất, chi phí kinh doanh của doanh nghiệp không trích trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động. Trong đó: 1% nộp lên cho công đoàn cấp trên, 1% để lại chi tiêu ở công đoàn cơ sở.
Như vậy: Theo chế độ hiện hành hiện nay thì tổng các khoản trích theo lương là 25%. Trong đó 19% được trích lập vào chi phí của doanh nghiệp, 6% được trích lập trừ vào tiền lương hoặc thu nhập của người lao động.