B. NỘI DUNG
1.2.1. Quan điểm của Chủ nghĩa Mác-Lênin về giáo dục và đào tạo
Trong lịch sử hình thành và phát triển của xã hội loài người, giáo dục và đào tạo luôn chiếm một vị trí quan trọng. Giữa thế kỷ XIX, học thuyết Mác - Lênin, học thuyết mang tính khoa học và cách mạng triệt để nhất trong lịch sử tư tưởng nhân loại ra đời đã vạch ra những quy luật khách quan trong sự vận động, phát triển của xã hội và sự hình thành nhân cách con người, mở ra nhiều khả năng thực tế cho việc cải biến xã hội, cải biến thế giới.
Học thuyết Mác - Lênin với ba bộ phận hợp thành: Triết học Mác - Lênin, Kinh tếchính trị học Mác - Lênin và Chủ nghĩa cộng sản khoa học đã đưa ra những luận giải về hàng loạt các vấn đề của tự nhiên, xã hội và nhận thức của con người. Song trùng với những kiến giải hết sức khoa học- thực tiễn ấy, C.Mác- Ph.Ăngghen cũng luôn quan tâm tới vấn đề giáo dục và đào tạo, chỉ rõ vai trò của giáo dục và đào tạo đối với việc phát triển kinh tế- xã hội và sự phát triển nhân cách của con người.
C.Mác - Ph.Ăngghen và sau này là V.I.Lênin khi thừa nhận vai trò quyết định của nhân tố kinh tế- xã hội trong việc hình thành con người và nhân cách con người đều đồng thời khẳng định: Con người là chủ thể của lịch sử, là lực lượng tự giác, tích cực, sáng tạo ra lịch sử. Nghĩa là, con người là sản phẩm của lịch sử, của hoàn cảnh sống, nhưng chính bản thân con người lại làm thay đổi hoàn cảnh, thay đổi môi trường sống. C.Mác- Ph.Ăngghen cho rằng: Bản thân xã hội tạo ra con người với tính cách như thế nào thì nó cũng sản xuất ra xã hội như thế ấy.
Trong luận cương thứ III về Phoiơbắc, C.Mác viết: “Cái học thuyết duy vật cho rằng con người là sản phẩm của những hoàn cảnh và của giáo dục, rằng do đó con người đã biến đổi là sản phẩm của những hoàn cảnh khác và của một nền giáo dục đã thay đổi, cái học thuyết ấy quên rằng chính những con người làm thay đổi hoàn cảnh và bản thân nhà giáo dục cũng cần phải được giáo dục,...Sự phù hợp giữa sự thay đổi của hoàn cảnh với hoạt động của con người, chỉ có thể được quan niệm và được hiểu một cách hợp lý khi coi đó là thực tiễn cách mạng”[17;10].
Tư tưởng này, cho thấy C.Mác không chỉ ủng hộ triệt để tư tưởng phát triển toàn diện về nhân cách con người, mà đồng thời còn chứng minh một cách khoa học tính tất yếu khách quan của nó và ông cũng chính là một trong những người đầu tiên nêu lên con đường thực hiện nó trong thực tiễn đời sống xã hội, gắn việc đào tạo con người, phát triển hài hoà, toàn diện con người với việc xây dựng xã hội mới.
Luận giải các quy luật phát triển của lực lượng sản xuất, C.Mác- Ph.Ăngghen đã khẳng định rằng, chính sự phân công lao động xã hội đã làm cho con người phát triển toàn diện, làm nảy sinh việc phân công lao động trí óc và lao động chân tay trong lịch sử xã hội loài người. Khi đưa ra dự báo về bức tranh của nền sản xuất hiện đại trong tương lai, hai ông cho rằng nó sẽ phát triển theo hai hướng:
Một là: Sự chuyên môn hoá ngày càng hẹp trong sản xuất sẽ làm cho tính phiến diện trong lao động của mỗi con người ngày càng tăng lên.
Hai là: Do sự phân hoá hẹp như vậy, người ta sẽ tìm thấy những điểm giống nhau giữa các lĩnh vực sản xuất hết sức khác nhau. Đó là nguyên tắc khoa học chung tạo thành những cơ sở của các quá trình và thao tác công nghệ máy móc thực hiện. Nếu nắm được cơ sở chung này thì con người có khả năng nhanh chóng nắm vững kỹ thuật mới.
Trong tác phẩm “Những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản” khi trả lời câu hỏi thứ 20: “ Xoá bỏ triệt để chế độ tư hữu thì sẽ đưa lại những kết quả gì?”, Ph.Ăngghen trả lời: “... Giống như trong thế kỷ trước, người nông dân và người công nhân công trường thủ công, sau khi được thu hút vào đại công nghiệp, đã thay đổi toàn bộ lối sống của họ và bản thân họ đã trở thành những con người hoàn toàn khác hẳn; hiện nay cũng vậy, việc tiến hành sản xuất tập thể bằng lực lượng của toàn xã hội và sự phát triển mới của nền sản xuất do việc đó mang lại, sẽ cần đến những con người hoàn toàn mới và sẽ tạo nên những con người mới đó. Những con người như hiện nay thì không thể tiến hành nền sản xuất mang tính chất xã hội được” [18;474-475].
Với quan niệm đó, Ph.Ăngghen đã đề xuất một chiến lược giáo dục: “Công tác giáo dục sẽ làm cho những người trẻ tuổi có khả năng nắm vững nhanh chóng toàn bộ hệ thống sản xuất trong thực tiễn, làm cho họ có thể lần lượt chuyển từ ngành sản xuất này sang ngành sản xuất nọ tuỳ theo nhu cầu của xã hội hoặc tuỳ theo sở thích của bản thân họ. Do đó, công tác giáo dục sẽ làm cho họ thoát khỏi tình trạng một chiều mà sự phân công lao động hiện nay đang buộc mỗi một người phải theo. Như vậy là một xã hội tổ chức theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa, sẽ làm cho những thành viên trong xã hội đó có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực phát triển toàn diện của mình” [19;262].
Công tác giáo dục đó, theo Ph.Ăngghen sẽ làm cho con người thoát khỏi tình trạng một chiều mà sự phân công lao động hiện đang buộc mỗi người phải theo, một xã hội tổ chức theo nguyên tắc cộng sản chủ nghĩa sẽ làm cho những thành viên trong xã hội có khả năng sử dụng một cách toàn diện năng lực của mình để phát triển một cách hài hoà, toàn diện. Đồng quan điểm với Ph.Ăngghen, C.Mác khẳng định: “Những người công dân tiên tiến nhất cũng hoàn toàn nhận thức được rằng tương lai của giai cấp họ, và do đó,
của cải loài người, hoàn toàn tuỳ thuộc vào việc giáo dục thế hệ công nhân đang lớn lên” [19;262].
C.Mác còn khẳng định: “Nền giáo dục tương lai, nó sẽ kết hợp lao động sản xuất với trí dục và thể dục đối với tất cả những trẻ em trên một lứa tuổi nào đấy, coi đó không chỉ là một phương pháp để làm tăng thêm nền sản xuất xã hội mà còn là một phương pháp duy nhất để sản xuất ra những con người phát triển toàn diện nữa” [19;668].
Như vậy, C.Mác và Ph.Ăngghen đề cập đến nội dung giáo dục một cách toàn diện, bao gồm: giáo dục thể lực, trí lực, khoa học kỹ thuật tổng hợp và giáo dục gắn liền với lao động sản xuất, tức là nội dung giáo dục bao gồm các mặt: trí, đức, thể mỹ và giáo dục nghề nghiệp. Đồng thời, đã chứng minh một cách khoa học rằng, sự phát triển toàn diện, phát triển mọi khả năng tiềm tàng của con người nhờ giáo dục và đào tạo là yếu tố quyết định sự phát triển xã hội: “Việc kết hợp giữa lao động sản xuất được trả công, giáo dục trí lực, giáo dục thể lực và giáo dục kỹ thuật tổng hợp sẽ nâng giai cấp công nhân lên cao hơn rất nhiều so với trình độ của giai cấp quý tộc và tư sản”. [18;263].
V.I.Lênin đã kế thừa, vận dụng và phát triển những tư tưởng của C.Mác và Ph.Ăngghen về giáo dục và đào tạo trong thực tiễn cách mạng nước Nga, trong bối cảnh xây dựng chủ nghĩa xã hội ở nước Nga vào những thập niên đầu của thế kỷ XX. Tại Đại hội Toàn Nga về công tác giáo dục lần thứ nhất diễn ra vào ngày 28/8/1918, V.I.Lênin đã khẳng định vai trò to lớn của công tác giáo dục, coi đó là một trong những điều kiện quan trọng đảm bảo thắng lợi trong sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội. V.I.Lênin nói: “ Sự nghiệp của nhà trường chúng ta cũng là đấu tranh đánh đổ giai cấp tư sản; chúng ta tuyên bố công khai rằng: nói nhà trường đứng ngoài cuộc sống, ngoài chính trị, là nối dối và lừa bịp” “ Những người lao động khao khát có tri thức, vì tri thức cần cho họ để chiến thắng. [14;92-93].
Chín phần mười quần chúng lao động đã hiểu rõ rằng tri thức là một vũ khí trong cuộc đấu tranh tự giải phóng của họ, rằng sở dĩ họ thất bại là do thiếu học thức; rằng giờ đây việc làm cho mọi người có thể thực sự được học hành, là do bản thân họ quyết định. Sự nghiệp của chúng ta sẽ thắng vì bản thân quần chúng đã bắt tay xây dựng một nước Nga mới, xã hội chủ nghĩa” [14;92-93].
Một trong những điều kiện cơ bản, tiên quyết để nâng cao năng suất lao động là phải nâng cao trình độ học vấn và văn hóa cho quần chúng nhân dân lao động. Điều này, chỉ có thể thực hiện được và thực hiện đạt hiệu quả tối ưu nhất là thông qua giáo dục và bằng giáo dục. Nhận thức một cách sâu sắc tầm quan trọng của công tác giáo dục trong sự nghiệp chấn hưng đất nước nên trong Dự thảo cương lĩnh của Đảng Cộng sản Nga tháng 2/1919 ở nội dung nói về nền giáo dục quốc dân, V.I.Lênin viết: “Trong lĩnh vực giáo dục quốc dân, Đảng Cộng sản Nga tự đặt cho mình nhiệm vụ phải hoàn thành sự nghiệp cách mạng tháng Mười 1917 đã bắt đầu nhằm biến nhà trường từ một công cụ thống trị giai cấp của giai cấp tư sản thành một công cụ để đập tan nền thống trị đó, cũng như để hoàn toàn xoá bỏ sự phân chia xã hội thành giai cấp. Nhà trường phải trở thành một công cụ của chuyên chính vô sản, nghĩa là nhà trường không những phải truyền bá những nguyên lý của chủ nghĩa cộng sản nói chung, mà còn phải là một công cụ truyền bá ảnh hưởng về tư tưởng, về tổ chức và giáo dục của giai cấp vô sản vào những tầng lớp nửa vô sản và không phải vô sản trong quần chúng lao động, nhằm hoàn toàn đập tan sự kháng cự của bọn bóc lột và thực hiện chế độ cộng sản,...Kết hợp chặt chẽ công tác giáo dục với lao động sản xuất.”[16;141-142].
V.I.Lênin cho rằng, khi cách mạng mới thành công, bước đầu củng cố chính quyền thì nhiệm vụ của công tác giáo dục là tuyên truyền và giáo dục về tư tưởng, chính trị là chủ yếu. Khi cách mạng bước sang giai đoạn hoà bình, xây dựng đất nước thì nhiệm vụ của công tác giáo dục cũng phải có sự thay đổi theo cho phù hợp. Sự thay đổi đó thể hiện ở chỗ: công tác giáo dục
và đào tạo phải luôn gắn liền, bám sát với thực tiễn cuộc sống, giáo dục và đào tạo phải trở thành đòn bẩy, thành công cụ, thành nguồn nội lực bên trong của quá trình phát triển kinh tế - xã hội.
Tư tưởng giáo dục tổng hợp là tư tưởng giáo dục có ý nghĩa hết sức to lớn đối với thời kỳ CNH, HĐH ở Nga. Cuối năm 1920, khi nhận xét bản “Đề cương báo cáo về giáo dục” của Crúpxcaia, V.I.Lênin viết: Bất cứ trong hoàn cảnh nào, chúng ta phải mau chóng từng bước chuyển sang giáo dục kỹ thuật tổng hợp...để mang lại cho học sinh một tầm nhìn kỹ thuật tổng hợp và các tri thức cơ bản ban đầu của giáo dục kỹ thuật tổng hợp,..cụ thể là các bài giảng về điện, điện khí hoá, về nông học, về hoá học. Kết hợp với tham quan nhà máy, nhất là nhà máy điện, nông trường, bảo tàng kỹ thuật...Tư tưởng này thực hiện trong thực tế, xuất phát từ nguyên lý giáo dục kết hợp với lao động sản xuất do C.Mác và Ph.Ăngghen tổng kết thời kỳ đầu cách mạng công nghiệp. V.I.Lênin và các nhà giáo dục Nga đã đưa lên thành nguyên tắc cơ bản của nền giáo dục xã hội chủ nghĩa ở nước Nga, chỉ đạo việc tổ chức nhà trường và tiến hành hoạt động giáo dục, giảng dạy. Từ đó, tất cả các trường phổ thông đều mang tính chất giáo dục lao động và giáo dục kỹ thuật tổng hợp.
Bên cạnh những quan điểm về giáo dục và đào tạo nêu trên, V.I.Lênin còn đưa ra khẩu hiệu nổi tiếng: “Học, học nữa, học mãi!”, đã trở thành khẩu hiệu, thành câu châm ngôn của hàng triệu, triệu các thế hệ không chỉ của nền giáo dục ở Nga, mà còn là khẩu hiệu của nền giáo dục ở nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Như vậy, cả C.Mác. Ph.Ănghen và V.I.Lênin đều khẳng định vai trò to lớn của giáo dục và đào tạo đối với quá trình phát triển kinh tế - xã hội và sự tác động trở lại của phát triển kinh tế - xã hội đối với giáo dục và đào tạo, chỉ rõ ý nghĩa lớn lao và vai trò quyết định của giáo dục và đào tạo đối với việc phát triển con người, nguồn lực con người nói chung và sự nghiệp CNH, HĐH của mỗi quốc gia nói riêng. Những quan điểm ấy có ý nghĩa lý luận và thực tiễn to lớn đối với sự nghiệp giáo dục và đào tạo của các nước xã hội chủ
nghĩa, góp phần xây dựng thành công chủ nghĩa xã hội. Điều này, đặc biệt có ý nghĩa thiết dụng đối với những nước thực hiện sự nghiệp CNH, HĐH đất nước theo định hướng xã hội chủ nghĩa như Việt Nam hiện nay.