2. Các kiểu con người
2.1. Con người nghệ sĩ bế tắc, tuyệt vọng
Với tư cách là một nghệ sĩ - nhà báo, Nguyễn Ngọc Tư đã thực sự tạo nên phong cách độc đáo của riêng mình. Là một nhà văn hiện thực, con mắt nghề nghiệp (nhà báo) đã giúp chị nhìn thấu tường tận và mổ xẻ đúng căn bệnh trầm kha của thời đại. Là một nghệ sĩ trác tuyệt, tâm hồn chị chạm đến miền thẳm sâu, đầy bí ẩn trong tâm trạng và bản thể của mỗi con người. Trạng thái tâm lí thường xuất hiện trong đời sống của nhân vật là nỗi cô đơn và tuyệt vọng trong tâm hồn.
Nhìn một cách thấu triệt, giới nghệ sĩ trong sáng tác của chị say mê cuồng nhiệt với nghề đến hơi thở cuối cùng. Họ sẵn sàng hi sinh cuộc đời mình, bỏ lại sau lưng mẹ già, con thơ để sống đúng với nghĩa “sinh nghề tử nghiệp”. Cuối mùa nhan sắc, một minh chứng cho thấy, họ đã từng “một thời vang bóng” trên sàn diễn, nay còn lại chút hơi tàn cuối đời cũng trút hết cho nghề. Vì vậy, giới nghệ sĩ lập ngôi nhà chung đặt tên “Buổi chiều”, mỗi người một việc: bán chè, bán vé số, đi hát rong…để mưu sinh chung cho cả nhóm. Họ muốn tồn tại để được hát cho thỏa lòng mong nhớ sân khấu. Mặc dù, nơi họ hát không phải là sân khấu sang trọng, đẹp với đủ màu sắc rực rỡ mà chỉ có một khoảng sân rộng, khán giả người trên xóm dưới làng nhưng không hề bận lòng chuyện đó. “Những con người tính từng ngày qua để lắt lay thêm một tuổi nữa vậy mà hát coi cũng ngon lành…Đào Phỉ tám mươi chín tuổi, đứng không nổi, diễn vai gì cũng ngồi trên ghế, ngồi trên ghế mà lấy roi sãy ngựa coi lạ hết biết” [74, tr.9]. Và bản thân “Đào Hồng ốm sát chiếu nhưng vẫn đòi ra hát...Đào Hồng hát đến lịm tiếng đi. Bà ngồi trên sân khấu, gục đầu…” [74, tr.21]
Bởi yêu thương, San mê đắm cải lương và trân trọng, gìn giữ tiếng tăm cho nền nghệ thuật. Chị rất muốn trở thành người nghệ sĩ nhưng không dám biến mơ ước thành sự thật, lý do đơi giản - đơn giản nhưng hệ trọng và thiêng liêng đối với chị: “Đi hát lỡ nổi tiếng,…người ta biết lúc trước tôi từng làm tiếp viên quán bia thì dơ danh cả một giới nghệ sĩ, làm người ta mất cảm tình với cải lương, vậy khác nào hại cả nền sân khấu nước nhà” [75, tr. 14]. San Phản đối những ai mượn danh nghệ sĩ để làm hoen ố nghệ thuật, giọng điệu nghe tưng tửng, vui vui, nhưng ngẫm nghe sao nghẹn ngào, xót xa.
Có thể khẳng định, thiên chức cao quý nhất của người phụ nữ là được làm mẹ, nhưng vì muốn trở thành một nghệ sĩ nổi danh bằng chính con đường nghệ thuật, chị Diệu trong Làm má đâu có dễ, từ bỏ niềm hạnh phúc làm mẹ chọn kiếp “xướng ca”. Vai Trưng Trắc chị mê và chờ đợi từ lâu, nếu được đóng vai này chị nghĩ mình sẽ thành danh trên con đường nghệ thuật. Song càng ước mơ, khao khát bao nhiêu thì càng bế tắc, tuyệt vọng bấy nhiêu, chị cô đơn biết dường nào khi đứa con mình rứt ruột đẻ ra lại lạnh nhạt, xa lạ. Bé San gọi má bằng “chế - xưng em nghe khách sáo như nói với người dưng”.
Đến Phương trong Ngày đùa “thèm hạnh phúc nhưng không cho phép mình hạnh phúc”. Vì nghệ thuật nên “hy sinh cả cuộc đời ”, anh “diễn như ma ám, như điên, như say” điều này “chưa một người nào làm được”. Qúa nữa đời người anh muốn kết hôn với San, anh chọn cách tỏ tình độc đáo, ngày 01 tháng 4, Ngày đùa đã cướp mất mạng sống của San.
Chung cuộc, tình yêu và gia đình là sự thất bại thảm hại nhất của người nghệ sĩ. Họ luôn mang trong mình hai bản thể, sân khấu và cuộc đời, hai bản thể luôn đối cực với nhau. Vì vậy, chúng ta nhìn thấy ở chính người nghệ sĩ dẫu đói hay no, thành danh hay thất bại, sống hay chết…tất cả đều có số phận hẩm hiu.
Nguyễn Ngọc Tư đã gửi gắm cho đời những ý niệm tốt đẹp, những khát vọng nghệ thuật chân chính lại vừa thể hiện tấm lòng ưu ái, sẽ chia của tác giả gửi đến giới nghệ sĩ, là nét nhân văn cao đẹp trong cuộc sống biết chia đôi gánh nặng cùng người.