Khoảng giữa năm 1952, Đoàn đại biểu quân đội gồm 20 người tiêu biểu của các đơn vị chủ lực, bộ đội địa phương và dân quân du kích trong cả nước đến Tuyên Quang dự “Đại hội liên hoan anh hùng chiến sĩ thi đua công nông binh toàn quốc”.
Trước khi vào Đại hội, Bác mời cơm mọi người. Cụ Hoàng Hanh, Thiếu tướng Trần Đại Nghĩa, anh Ngô Gia Khảm, chị Nguyễn Thị Chiên và một em thiếu nhi được Bác gọi ngồi cùng mâm với Bác.
Trên chiếc bàn bằng tre nứa sạch sẽ, thức ăn được bày lên, có thịt gà, cá rán, dưa chua, rau và cả một bát dưa nấu giấm cá. Bác nói: “Đây là bữa cơm kháng chiến để chúc mừng các chiến sĩ thi đua đã lập nhiều thành tích trong sản xuất và chiến đấu. Trung ương Đảng và Chính phủ không có gì nhiều, chỉ toàn những thứ do anh em trong cơ quan và Bác trồng trọt, chăn nuôi thu hái được, mời cụ, các cô các chú ăn. Đã ăn là ăn thật no, ăn no để đủ sức tham gia hội nghị, nghe hiểu hết mọi điều về nói lại với nhân dân. Nào, xin mời!" Rồi Bác cầm đũa gắp thức ăn vào bát cho từng người.
Có đồng chí nói: “Chao ôi! Bác thết chúng cháu nhiều món quá”. Bác quay sang vui vẻ nói: “Tất cả đây đều là kết quả tăng gia sản xuất của tập thể cơ quan: gà và cá là Bác tự nuôi. Rau thì các cô các chú xem kìa - Bác chỉ tay ra khoảng đất phía sau hội trường. Giữa tán cây cao, có một khoảng nắng rộng, nhìn rõ các luống rau xanh và giàn bầu tươi tốt. Bác tiếp: Rau thơm, hành tỏi cũng không phải mua. Hôm nay chưa giết lợn, để Hội nghị thành công, rồi sẽ khao chung một bữa."
Mọi người mải nghe Bác nói, không ai gắp thức ăn. Bác lại vồn vã giục: “Nào tất cả ăn đi, ăn xong ta sẽ nói chuyện với nhau”.
Có Bác cùng ăn, mọi người ăn rất ngon lành, vui vẻ. Trong bữa ăn, nhìn anh Ngô Gia Khảm có thương tật ở tay, cầm thìa xúc ăn thật vất vả, Bác rơm rớm nước mắt và cứ gắp cho anh đều. Thấy chị Chiên thích ăn cá, Bác hỏi:
- Quê cháu có nuôi cá không?
- Thưa Bác, không nuôi ạ. Khi muốn ăn thì xách giỏ ra đồng, hoặc đánh bắt ở ao, hồ, sông. - Ở đây Bác và anh em trong cơ quan chỉ ngăn lại một quãng suối, vậy mà cá to thế đấy. Bác vui vẻ hỏi chuyện mọi người. Bữa ăn hôm ấy thật ngon miệng, thoải mái và thân thiết.
Theo: Trung Kiên
*12. Quyền lao động của Bác
Năm 1950, Bác Hồ đi chiến dịch biên giới. Chuyến đi dài ngày, gian khổ. Anh em cảnh vệ kiếm được một con ngựa, mời Bác lên. Bác cười: chúng ta có 7 người, ngựa chỉ có một con, Bác cưỡi sao tiện?
Anh em vừa khẩn khoản: chúng cháu còn trẻ, Bác đã cao tuổi, đường xa, việc nhiều... Không nỡ từ chối, Bác trả lời:
- Thôi được, các chú cứ mang ngựa theo để nó đỡ hộ ba lô, gạo nước và thức ăn. Trên đường đi, ai mệt thì cưỡi. Bác mệt, Bác cũng sẽ cưỡi.
Ở khu an toàn, mặc dầu xa địch, nhưng mỗi lần chuyển địa điểm, ngoài việc làm lán trại, Bác cháu còn phải đào hầm, hố. Bác thường giúp đỡ các chiến sĩ bảo vệ vẽ mẫu hầm, cách cầm xẻng, phá đất đá, nện “choòng”... Ngay trong mỗi nhà, mỗi lán Bác đều cho đào công sự đề phòng máy bay tập kích bất ngờ, cây rừng đổ xuống. Cứ mỗi ngày Bác đào một ít, sau giờ làm việc vài ba buổi là xong. Ai muốn đến giúp, Bác ngăn lại, không đồng ý và nói:
- Đây là quyền lao động của Bác.
Theo: Hồng Dương