Không phải là siêu nhiên

Một phần của tài liệu Bài soạn 117 mẫu chuyện Bác Hồ (Trang 31)

Bác Hồ của chúng ta là một con người vĩ đại, siêu việt, nhưng cũng giản dị, gần gũi, thân thuộc với tất cả mọi người. Không có gì thuộc về con người lại không vang vọng sâu xa trong tâm hồn của Bác.

Linh mục Phạm Bá Trực là một người yêu nước, kính Chúa. Được may mắn gặp Bác Hồ, do sức cảm hóa và hấp dẫn đặc biệt của Người, cha Trực đã kiên quyết một lòng đi theo cách mạng và kháng chiến.

Là Phó trưởng Ban Thường trực Quốc hội khóa I (tức Phó Chủ tịch Quốc hội ngày nay), cha Trực được mời tham dự các phiên họp của Hội đồng Chính phủ do Bác chủ trì. Nhiều buổi họp khuya, cha thường được ở lại với Bác.

Có một lần, dưới ngọn đèn khuya cha Trực ngồi yên lặng, ngắm Bác làm việc, cha cảm thấy Bác như là hiện thân của Chúa, mang đức độ nhân từ, bác ái, vị tha của một bậc thánh, cha Trực bỗng thốt lên:

- Vous - êtes surnaturel! Bác mỉm cười, phủ nhận:

- Non, nous sommes contre - naturel!

Ý Bác muốn nói: việc Người cũng như cha Trực, hoặc vì phụng sự cách mạng hoặc vì phụng sự Chúa, mà quên lập gia đình chỉ là điều phản tự nhiên thôi chứ không có gì thần thánh cả.

Cũng như vậy, có lần, sau một phiên họp Hội đồng Chính phủ (24-5-1948) các thành viên trong Chính phủ ở lại ăn cơm chiều với Bác. Trong những cuộc gặp gỡ như vậy, Người thường rất vui, kể chuyện những ngày còn bôn ba hải ngoại, chuyện Tây, chuyện Tàu đủ cả. Nhân đó, có người mạnh dạn hỏi: vì sao Bác không lập gia đình?

Bác cười và trả lời:

- Mình cũng chẳng thần thánh gì, cũng như tất cả mọi người thôi. Nhưng với hoàn cảnh đã qua và hiện nay, còn có điều kiện nào mà nghĩ đến chuyện lập gia đình, không phải vì đạo đức mà là phải chịu đạo đức đó thôi. Nhưng chưa lo được gia đình nhỏ thì ta hãy lo cho gia đình lớn đã vậy.

Mồ côi mẹ từ năm lên 9 tuổi. Mười năm sau giã biệt cha già, ra đi tìm đường cứu nước. Anh mất rồi chị mất, đều không có điều kiện chăm lo. Cũng như mọi người, Bác Hồ của chúng ta rất quý trọng tình cảm gia đình, cơ sở bền vững của lòng yêu nước, thương dân. Ở Bác, những tình cảm lớn, dù sâu sắc, mênh mông đến đâu cũng không bao giờ che khuất hay át được những tình cảm riêng tư. Bác Hồ của chúng ta cũng phải gắng gỏi vượt lên trên những phút cô đơn.

Chiều Việt Bắc, rừng Chiêm Hóa u buồn, sương lạnh. Gia đình các đồng chí trong Thường vụ Trung ương đều ở quanh Bác, nhưng cách nhau đến mấy quả đồi, mấy cánh rừng. Chiều đông, càng im ắng, cô quạnh.

Một hôm, bà Trường Chinh dắt cô bé gái của mình lên thăm Bác, có ý định để cô bé lại với Bác mấy hôm cho Bác đỡ buồn. Lúc đầu, được lên với Bác, cô bé rất thích, vui vẻ nhận lời. Nhưng khi chiều đến, bà xin phép Bác ra về, trong cảnh u tịch, vắng vẻ, cô bé đổi ý, khóc đòi về với mẹ.

Không giữ được, Bác tiễn mẹ con ra đầu dốc và cứ đứng nhìn theo mãi. Khi Bác quay về, các đồng chí phục vụ thấy đôi mắt Bác long lanh ướt. Bác nói với các đồng chí xung quanh:

- Chúng ta, ai cũng đều muốn có một cuộc sống gia đình ấm cúng. Người cách mạng là người giàu tình cảm, lại càng quý trọng cuộc sống gia đình, chẳng qua vì chưa có điều kiện thuận lợi nên chưa thực hiện được, đành phải chịu đựng mà thôi.

Theo: Trần Đức Hiếu

Một phần của tài liệu Bài soạn 117 mẫu chuyện Bác Hồ (Trang 31)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(58 trang)
w