Hiện nay, quá trình tiêu thụ hàng hoá của Công ty Điện Tử Sao Mai được thực hiện theo một phương thức chủ yếu là Bán buôn qua kho của Công ty theo các Hợp đồng được ký kết với khách hàng. Theo phương thức này, khi doanh nghiệp vận chuyển các hàng hoá của mình tới cho khách hàng theo ngày, địa điểm giao hàng và các điều khoản khác như trong Hợp đồng đã ký kết thì bên nhận hàng sẽ ký nhận theo từng chuyến hàng, khi hàng được giao đủ khách hàng thanh toán tiền hàng ngay hoặc chấp nhận thanh toán thì hàng hóa đó được coi là tiêu thụ.
Để đẩy mạnh quá trình tiêu thụ hàng hoá, Công ty luôn chú trọng đến việc quản lý công tác tiêu thụ qua các mặt: Giá bán, chất lượng sản phẩm đem đi tiêu thụ và phương thức thanh toán của khách hàng.
Đối với giá bán của hàng hoá tiêu thụ, Công ty có một chính sách giá cả hết sức linh hoạt. Giá bán được xác định trên cơ sở giá mua thực tế của hàng nhập khẩu, đồng thời có tính đến giá thị trường – giá cạnh tranh để bù đắp chi phí, đảm bảo có lợi nhuận.
Do đó, trong từng thời điểm khác nhau, tuỳ từng khách hàng mà Công ty sẽ đưa ra những giá bán khác nhau để tiêu thụ sản phẩm một cách hiệu quả.
Để đảm bảo uy tín với khách hàng và nâng cao hiệu quả kinh doanh, trước khi xuất hàng đi giao cho khách hàng, bộ phận kho (chịu trách nhiệm trực tiếp là Thủ kho) kiểm tra chất lượng hàng một lần nữa (trước đó, khi nhập khẩu hàng hoá về, nhân viên phòng thị trường đã kiểm tra xem có đúng quy cách, chủng loại và đảm bảo chất lượng không mới tiếp nhận). Tuy nhiên, Công ty cho phép khách hàng trả lại hàng hoá đã tiêu thụ do không đúng quy cách, chủng loại, do chất lượng kém, …như đã ghi trong Hợp đồng, nhưng thực tế trường hợp này hầu như không xảy ra.
Do đặc điểm hàng hoá của Công ty là các mặt hàng Điện tử - Điện lạnh - Điện gia dụng, có nguồn gốc chủ yếu là từ nhập khẩu, có thời gian sử dụng lâu dài và có giá trị lớn, cho nên tổ chức bảo hành sản phẩm là khâu rất cần thiết và quan trọng để tăng uy tín, sự tin cậy vào Công ty, mặc dù, các hàng hoá này được nhập khẩu chủ yếu từ các nước: Nhật Bản, Malaysia, Hàn Quốc, Trung Quốc, …Nhưng hiện nay, Công ty chưa tổ chức bảo hành được cho hàng hoá tiêu thụ. Đây là điểm mà đơn vị cần phải hoàn thiện trong thời gian tới, đặc biệt còn vì chi phí bảo hành sản phẩm trả cho khách hàng với hàng hoá nhập khẩu là do bên xuất khẩu phải chịu khi Công ty có thoả thuận trước với bên xuất khẩu về điều khoản này.
Bên cạnh việc quản lý hàng hoá tiêu thụ về mặt giá bán và chất lượng, Công ty còn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong phương thức thanh toán tiền hàng. Hiện nay, Công ty đang áp dụng 3 hình thức thanh toán để khách hàng lựa chọn là: thanh toán trực tiếp, khách hàng trả tiền ứng trước và trả chậm.
Tuy nhiên, phương thức thanh toán chủ yếu hiện nay mà các khách hàng của Công ty đang lựa chọn là trả chậm theo thời gian ghi rõ trên Hợp đồng, vì họ hầu hết là khách hàng lâu năm và có uy tín của Công ty như: Cửa hàng điện lạnh Thái Dương, Công ty TNHH TM và DV Thanh Hoàng, Công ty TNHH Minh Hoàng, .... Mặc dù là các khách hàng thường xuyên của Công ty, nhưng để đảm bảo quản lý chặt chẽ các khoản phải thu và không bị chiếm dụng vốn, trong Hợp đồng ký kết giữa Công ty và các khách hàng này bao giờ cũng xác định rõ thời gian thanh toán và điều khoản: nếu quá hạn, khách hàng sẽ bị phạt với lãi suất quá hạn là 150% giá trị tiền hàng. Vì vậy, trong thời gian vừa qua gần như không xảy ra hiện tượng mất vốn hay bị chiếm dụng vốn, chỉ có 2 trường hợp khách hàng chậm trả theo thời gian ghi trong Hợp đồng. Phương thức này không áp dụng cho khách hàng vãng lai trừ khi có tài sản thế chấp hoặc có ngân hàng bảo lãnh.
Như vậy, Công ty luôn tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng trong khâu thanh toán, đồng thời không gây thiệt hại về mặt kinh tế cho bản thân doanh nghiệp.