DẾ CHỌI VÀ TRÒ CHƠI CHỌI DẾ

Một phần của tài liệu Đồ dùng dạy học đạt giải A cấp tỉnh (12 tâp) (Trang 39 - 43)

Trước đây trẻ con Việt Nam từ thành phố đến nông thôn đều thích chơi chọi dế, trò chơi này cách đây khoảng bốn, năm chục năm còn rất phổ biến ở nhiều nơi. Con trai thích chơi chọi dế đã đành, con gái cũng thích xem dế chọi và góp phần cùng bạn trai chăm sóc dế.

Hồi đó ở các nơi đất rộng người thưa, ao, hồ nhiều, môi trường thiên nhiên thoáng đãng và trong sạch, xe máy chưa xả khói mù đường như bây giờ, chưa có những căn hộ khép kín và chung cư cao tầng. Trên các mái nhà, từng đàn chim sẻ ríu rít, chúng tự nhiên sà xuống sân nhà nhảy nhót để kiếm những mẩu bánh vụn hoặc những hạt gạo rơi, thoáng thấy bóng người cả lũ lại bay vụt lên mái nhà. Chiều chiều cò đậu trắng trên những lùm cây to. Mùa hè đến, tiếng ve ran như một dàn đồng ca khổng lồ. Bươm bướm, chuồn chuồn, cào cào, châu chấu đủ loại bay lượn nhảy tanh tách trong các vườn hoa, bãi cỏ. Ban đêm, những hôm trở trời cà cuống từ ngoại ô bay từng đàn vào thành phố, lao đến những ngôi nhà sáng đèn, người ta bắt được chúng một cách dễ dàng. Các loại dế sống rất nhiều trong những bãi cỏ rộng, các bãi ngô ven đê. Trẻ con lúc đó sống trong thế giới đầy chim chóc và côn trùng, vui vẻ với những trò chơi dân gian truyền thống. Con trai thì đá cầu, trốn tìm, đánh khăng... Con gái nhảy dây, chơi chuyền thẻ, trồng nụ trồng hoa... Chúng còn bắt châu chấu voi chơi trò kéo xe, bắt chuồn chuồn cắn rốn để biết bơi, bắt cào cào cho giã gạo và bắt dế chọi để chơi trò chọi dế.

người lớn. Dế chọi nhỏ hơn, thân đen bóng hoặc nâu sẫm, đầu cánh có một chấm vàng. Thường chỉ có dế đực mới thích chọi và chỉ chọi lúc đã trưởng thành. Con dế chọi tốt là con dế đực nhanh nhẹn đầu to, vai rộng, bụng nhỏ, chân cao, càng mập, râu dài mướt, cánh nổi rõ từng đường vân.

Bọn trẻ thích trò chọi dế thường họp nhau thành từng nhóm dăm ba đứa, chúng bắt dế đấu với nhau rồi chọn ra những con dế thật hay để đem chọi thi với những nhóm khác. Thường là dế lớp này chọi với dế lớp kia, dế phố này chọi với dế phố khác. Con dế nào thắng thì cả nhóm cùng sướng, cùng hãnh diện.

Những đứa trẻ thích chơi trò này phải ở độ tuổi từ 10 đến 13, 14 tuổi, bé hơn chỉ có thể làm chân sai vặt chứ chưa đủ kinh nghiệm để bắt và nuôi được dế chọi. Dế được nuôi trong lồng tre, loại lồng để nhốt côn trùng, gần giống lồng chim nhưng nhỏ hơn, các nan tre sít nhau để dế khỏi lách ra được, có khi chỉ là hộp gỗ hoặc cái ống bơ.

Đựng dế vào hộp các tông rất dễ bị mất vì con dế thường nhả nước bọt vào một điểm ở đáy hộp cho giấy mủn ra rồi bới thành lỗ mà trốn thoát. Dế nuôi trong hộp gỗ hay ống bơ thì đáy hộp phải được lót 1, 2 lớp giấy báo để thấm nước và tiện thay hàng ngày cho sạch sẽ.

Thức ăn của dế là cỏ mật, cỏ ấu thật non, cao cấp hơn là những hạt ngô sữa, lạc non hay giá sống, những thứ này đều phải thật tươi. Có khi dế còn được chủ bồi dưỡng cho con cào cào hay châu chấu mới nở. Không ai cho dế chọi ăn cơm hay bánh mỳ, chất bột sẽ làm dế nặng bụng, chậm chạp khi thi đấu.

Trong trận đấu, dế chọi với nhau từng cặp một. Hai con dế phải có tầm vóc ngang nhau, qua sự ước lượng của hai chủ dế.

Trận đấu dế được diễn ra trên các bãi cỏ, trong vườn hoa, dưới bóng mát của một cây to hoặc ngay trong sân một nhà nào đó khi người lớn đã đi vắng. Cửa hai chiếc lồng được áp vào sát vào nhau rồi lần lượt kéo lên. Nếu dế để trong hộp thì hộp cũng được khoét một cái cửa sát với đường gờ đáy hộp. Hai chủ dế ngồi hai bên và chung quanh là một lũ trẻ xúm xít thành vòng tròn, vừa xem vừa nhận xét và tranh nhau phỏng đoán kết quả thắng thua giữa hai “võ sĩ”. Trận đấu không có trọng tài chỉ cần sự quy ước giữa hai “ông chủ”. Có hai quy ước khi chọi dế: chọi đến chết, hoặc chọi đến thua. Dù đã giao hẹn là chọi đến chết nhưng chủ nào thấy dế của mình núng thế thì có thể xin thua để dừng cuộc đấu cứu dế của mình ra, lúc đó phần thắng sẽ thuộc về con dế kia.

chủ cho chọi thử. Những con dế đã quen với “đấu trường” hay tạo dáng để ra oai, con thì lặng lẽ vuốt râu để dò xét địch thủ, con thì rung cánh gáy lên một tràng ròn rã. Trong khi chọi, mỗi con có một miếng đòn riêng biệt. Trong các sách võ của ta chỉ thấy nói đến hùng quyền, xà quyền, kê quyền... nhưng hình như chưa ai nghiên cứu “tất suất quyền” . Thật thú vị và hồi hộp khi được xem một trận chọi dế.

Sở trường của dế lúc đánh nhau là tận dụng cặp răng sắc và đôi càng khoẻ bám đầy gai nhọn hoắt. Có con lúc đầu lầm lì, chỉ né tránh đến khi thấy đối phương thấm mệt liền bất thần quay càng đá mạnh một phát vào phần giữa đầu và vai làm con dế kia gẫy cổ ngay tức khắc. Con khác, vừa vào trận đã tấn công dữ dội để nhanh chóng cắn thủng bụng kẻ thù.

Không phải cứ dế to hơn là thắng, ưu thế luôn thuộc về những con dế gan góc và mưu mẹo. Trong thi đấu dế cũng tỏ ra cao thượng, nhiều con thấy đối thủ đã bỏ chạy thì không thèm đuổi theo mà đứng lại rung cánh gáy một hồi hoặc lẳng lặng dùng hai chân trước vuốt vuốt cặp râu trên đầu.

Không dễ mà có được trong tay một con dế chọi luôn lập “chiến công”. Dù phần thưởng cao nhất dành cho cậu chủ của con dế “vô địch” cũng chỉ là một con quay tốt hoặc mấy viên bi ve xanh đỏ do bên thua phải nộp, điều các chú bé cần nhất là sự kính nể của bạn bè. Những câu khen ngợi, những ngọn cỏ non nhất mà đám khán giả đem đến thưởng cho kẻ thắng cuộc đã làm mát dạ những cậu chủ dế. Lúc này sẽ có nhiều lời đề nghị xin được đổi những đồ chơi hấp dẫn lấy con dế vừa thắng cuộc, đó có thể là chiếc xe ôtô chạy dây cót, hoặc hai thằng người đánh bốc chạy bằng pin. Xin nhớ là hồi đó những loại đồ chơi này còn rất hiếm và đắt tiền, chỉ có những gia đình giầu có mới đủ khả năng mua cho con chơi. Nhưng đã thật sự say mê trò chọi dế thì không cậu bé nào có đủ can đảm xa con dế yêu quý của mình dù những món đồ chơi đó có đáng giá đến đâu.

Muốn có dế chọi phải tốn công đi bắt, bọn trẻ thường rủ nhau ra các bãi cỏ hoặc bãi ngô ven bờ sông bắt dế. Chỉ có những chú bé không có kinh nghiệm mới dùng cách “đúc” (đổ nước vào tổ để dế ngạt phải ngoi ra) những con dế ấy có thuộc loại hay đến đâu cũng bị chột không bao giờ trở thành “vô địch”. Cách bắt dế tốt nhất là đào tổ hoặc dùng vợt. Những đêm trăng, những buổi sáng sớm là lúc dế hoạt động. Dụng cụ đi bắt dế gồm một con dao bài, một cái ống bơ hoặc vài vỏ diêm dể nhốt dế khi bắt được, một thanh tre cật mỏng, một cái vợt may bằng vải màn có cán cầm. Nếu bắt vào buổi tối phải đem theo đèn pin hoặc đèn dầu.

Dế chọi thường ở những nơi ít người qua lại, trong các bãi cỏ hoặc những bãi ngô mênh mông đất xốp. Dế chọi không đào hang làm tổ như dế mèn, nó sống trong những lỗ tự nhiên hoặc những tổ dế mèn đã bỏ hoang để tổ không bị phát hiện do dấu đất đùn ra ở cửa tổ khi đào.

Nơi nào có dế thì nơi đó sẽ có tiếng gáy ran, chúng đua nhau gáy trong không gian yên tĩnh. Chỉ có dế đực mới gáy, gáy để gọi bạn, gáy khi cao hứng. Dế gáy bằng đôi cánh, cánh dế có 2 lớp, lớp trong mỏng mịn như lụa. Lúc gáy, dế rung cánh cho phồng lên phát ra từng hồi réc réc, ri ri trầm bổng. Khi đã định hướng được nơi có dế, sẽ nhẹ nhàng tiến đến, nếu thấy đầu dế thập thò ở cửa tổ phải cắm thật nhanh thanh nứa chặn sau lưng ngăn không cho nó thụt xuống, một tay bẩy nhẹ thanh nứa, tay kia cầm vợt úp vào miệng tổ là bắt được. Nếu con dế thấy động tụt xuống lỗ thì phải có một người soi đèn, một người cầm dao hớt những lớp cỏ quanh tổ và đào từng lớp đất mỏng. Nhìn thấy đầu con dế lấp ló thì dừng tay, lấy một cọng cỏ cứng lùa vào xua con dế ra, tay kia dùng vợt đón chụp. Khi chụp dế phải rất cẩn thận không làm cụt râu, gãy càng dế vì râu là giác quan định hướng, còn càng là thứ vũ khí rất quan trọng của dế chọi.

Muốn tham gia chọi dế, vốn liếng phải có khoảng mươi con, dế bắt về cho đấu thử, loại con yếu đi chỉ giữ lại những con khoẻ để luyện đấu, qua quá trình luyện đấu sẽ tìm được một hai con tốt nhất đem chọi thi.

Sau mỗi trận đấu, con nào chọi hay dành phần thắng sẽ được chủ bồi dưỡng ngô sữa, búp vừng, con nào không đủ sức chiến đấu sẽ phóng thích ra các bãi cỏ, dế phóng thích được cho vào 1 cái tổ đào sẵn, bỏ vào đấy vài ngọn cỏ non để nó ăn khi chưa lành vết thương. Những con dế hay, vì đấu nhiều mà mất sức sẽ được chủ ưu ái cho an dưỡng trong 1 cái hố nhỏ đào ở nơi cao ráo vắng vẻ và xa tổ kiến. Cách này được gọi là om dế, om dế tốn công và mất thời gian: Thả dế xuống hố, cho vào đó một ít thức ăn cao cấp tươi non, đậy lên miệng hố 1 cái đĩa hoặc cái vung nồi, nén đất kỹ bên trên và ngụy trang thật khéo để không bị ai phát hiện. Con dế ở dưới hố sẽ được ăn uống nghỉ ngơi, dưỡng sức hai ba hôm. Dế được om không bao giờ đào đất trốn đi vì nó vốn không có thói quen đào tổ, hơn nữa dế cũng đã thích nghi với việc được người chăm sóc. Nếu không có sự cố gì sau khi được om, con dế hoàn toàn bình phục, trở lại nhanh nhẹn như trước, sẵn sàng xung trận để tiếp tục mang vinh quang về cho chủ.

Chọi dế là một trò chơi thú vị hấp dẫn của trẻ em Hà Nội trước đây. Trò chơi đem lại niềm vui bất tận cho bọn trẻ, nhất là các em trai. Những người khoảng lứa tuổi năm, sáu mươi đã từng lớn lên ở Hà Nội có lẽ đều được biết đến trò chơi chọi dế. Trò chơi giáo dục cho các em tình đoàn kết và lòng thương yêu loài vật một cách rất tự giác. Thật cảm động khi nhìn thấy một chú bé đang nghẹn ngào nức nở một cách đau xót với một con dế chọi trên tay, con dế vừa chết một cách kiên cường trong trận đấu. Những con dế ấy không bao giờ bị chủ nỡ vứt đi hoặc đem làm mồi cho gà vịt - ngày đó ở Hà Nội phần lớn các gia đình đều nuôi gà, sân rộng thả 2, 3 con, chật thì nuôi nhốt trong chuồng - các chú bé thường đem chôn con dế của mình. Tuỳ theo thành tích từng con mà việc chôn cất có khác nhau. Nhiều khi

một con dế nổi danh thì “tang lễ” sẽ to hơn, đám trẻ hâm mộ nó sẽ kéo đến, con dế được trịnh trọng đặt trong bao diêm, chôn xuống một hố đất. Ngôi mộ được những bàn tay bé nhỏ vun đắp cho cao lên. Một đứa chạy về nhà rút trộm mấy nén hương trên bàn thờ, đứa khác tìm quanh đâu đó vài bông hoa để đặt lên mộ cho đúng nghi lễ. Cả bọn vây quanh nấm mộ tý hon, nét mặt trang nghiêm với tất cả tình cảm xót xa buồn thương thật sự.

Tiếc rằng, ngày nay nhiều nơi, không còn đất cho dế chọi sống. Các bãi cỏ, sân chơi tự nhiên, ao hồ đã biến mất, mặt khác, chúng không chết vì mất chỗ ở thì cũng chết vì thuốc trừ sâu và các loại hoá chất. Trẻ con giờ đây không được tiếp xúc với những con vật bé nhỏ đáng yêu trong thế giới tự nhiên sống động và được hưởng cái thú nuôi và chơi dế chọi, chúng đành phải bằng lòng với những đồ chơi đang bán đầy đường phố, trong đó có không ít những đồ chơi vô bổ, độc hại, mang tính chất bạo lực, làm mất đi những nét ngây thơ, nhân hậu rất cần có trong tâm hồn con trẻ.

Một phần của tài liệu Đồ dùng dạy học đạt giải A cấp tỉnh (12 tâp) (Trang 39 - 43)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(53 trang)
w