Bí thư Thành ủy Võ Văn Kiệt từng nói trước Hội đồng Nhân dân: “Khác với tất cả các xã hội có giai cấp trước đây, nhà nước xã hội chủ nghĩa chịu trách nhiệm đầy đủ đối với đời sống của nhân dân, vì vậy nhà nước phải nắm toàn bộ khâu lưu thông phân phối, đặc biệt là những nhu cầu thiết yếu đối với đời sống, liên quan đến bữa ăn hàng ngày của nhân dân lao động”(452). Chỉ mấy năm sau, những người như ông Kiệt nhận ra chính tham vọng tốt đẹp đó đã như những bức tường, những hàng rào, giam hãm sự năng động của toàn xã hội. Những nỗ lực “đục thủng” cơ chế “tập trung quan liêu bao cấp” đó về sau sẽ được gọi là “xé rào”.
Bế tắc
Bên ngoài thì giặc dã, bên trong thì bức bối, đói kém, không khí càng trở nên ngột ngạt, nhất là từ giữa năm 1978. Lượng người bỏ nước ra đi càng lúc càng tăng, cỗ xe như đang lao xuống dốc mà không ai nhìn thấy chân phanh ở đâu. Ông Võ Văn Kiệt quyết định gặp gỡ giới trí thức Thành phố. Với hy vọng có được sự chia sẻ từ những người Sài Gòn vốn được coi là có cảm tình với “Cách mạng”, ông Kiệt đã nói khá chân thành: “Anh em cố gắng ở lại, trong vòng ba năm nữa, nếu tình hình vẫn không thay đổi, tôi sẽ đưa anh em ra phi trường”. Cả hội trường im lặng. Rồi, giáo sư Nguyễn Trọng Văn đứng lên: “Chúng tôi sẵn sàng ở lại, nhưng nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì tôi cho rằng người nên ra đi phải là các anh”.
Câu nói của giáo sư Nguyễn Trọng Văn gây rúng động. Tối hôm ấy, tại số 56 Trương Định có một cuộc họp của Thường vụ mở rộng, Tổng Thư ký Hội Trí thức Yêu Nước Huỳnh Kim Báu được mời dự. Hầu hết ý kiến phát biểu đều phê phán Giáo sư Văn gay gắt, ông Mai Chí Thọ đề nghị: “Bắt!”. Ông Báu kể, Võ Văn Kiệt làm thinh, nhưng cặp mắt đăm chiêu. Cuối cùng, ông nói: “Sau khi nghe anh Văn nói, tôi cũng bị sốc, rất sốc. Nhưng rồi suy nghĩ, tôi thấy, anh Văn đã phát biểu rất nghiêm túc. Tôi cho rằng, nếu ba năm nữa mà tình hình không thay đổi thì rõ ràng người ra đi không thể là các anh ấy”. Kết luận của ông Kiệt khiến cho mọi người im lặng, và nhờ nó, Giáo sư Nguyễn Trọng Văn đã không bị bắt. Ông Huỳnh Kim Báu nhớ lại: “Lúc đó, nếu ông Võ Văn Kiệt thiếu bình tĩnh, cứng với anh Văn thì tình hình sẽ diễn biến rất xấu”.
Là người có kinh nghiệm với cả hai phía, ông Huỳnh Kim Báu nhận ra vấn đề không phải ai đúng ai sai mà sức chịu đựng của những nhà lãnh đạo đang nắm quyền tuyệt đối trong tay là rất giới hạn. Ông khuyên giáo sư Nguyễn Trọng Văn: “Anh phải kiềm chế, nếu tiếp tục phát biểu như thế, Sáu Dân không đỡ nổi đâu. Tôi không muốn trở thành người phải còng tay anh”.
Trước “giải phóng”, ông Huỳnh Bửu Sơn là chuyên viên của Ngân hàng Quốc gia. Sau khi bàn giao mười sáu tấn vàng cho cách mạng xong, ông về làm tại ngân hàng Bến Chương Dương. Tại đây, theo quán tính của một công chức chỉnh chu, ông Huỳnh Bửu Sơn vẫn mặc áo sơ mi, quần tây, đôi khi cà-vạt và thường xuyên mang giày đến sở. Điều đó làm cho những vị lãnh đạo ngân hàng từ Bắc vô nhận xét: “Thằng này chưa giác ngộ”. Một hôm, ông Huỳnh Bửu Sơn bị gọi lên nói: “Giờ chúng tôi quyết định đưa anh về ngân hàng Củ Chi”. Một cảm giác vừa chán chường vừa uất hận dâng nghẹn. Cho dù rất sợ vì chưa biết điều gì sẽ xảy ra nhưng ông Huỳnh Bửu Sơn vẫn nói: “Nếu đưa đi Củ Chi thì tôi nghỉ”(453).
Cuối thập niên 1960, khi vừa tốt nghiệp luật và văn khoa về làm tại Ngân hàng Quốc gia, ông Huỳnh Bửu Sơn được cấp một căn hộ trên đường Bà Huyện Thanh Quan. Năm 1970, khi ngân hàng xây một khu cư xá tại An Phú, Thủ Đức, ông được cấp bán một căn biệt thự xây dựng trên khuôn viên rộng 1.000m. Lương của ông Sơn khi ấy là 200.000 đồng, tương đương với sáu lượng vàng, ngoài ra cán bộ như ông còn được cấp một xe hơi hiệu Ladalat để đi lại. Là chuyên viên, ông không những có thể nuôi vợ con sung túc, mà đến tháng 4-1975, số dư trong tài khoản tiết kiệm của gia đình ông vẫn có hơn hai triệu đồng. Số tiền này đã trở thành giấy lộn sau khi đổi tiền và sau khi chính quyền “đình chỉ vĩnh viễn mười sáu ngân hàng tư nhân”.
Để lo cho cuộc sống, cũng như nhiều gia đình khác, vợ chồng ông Huỳnh Bửu Sơn bắt đầu phải bán từ dàn máy nghe băng hiệu Akai, cái tivi, rồi hai chiếc xe gắn máy. Chuyện “ăn tiệm” diễn ra gần như hàng tuần trước đây trở thành cổ tích. Mỗi ngày đi làm, ông Huỳnh Bửu Sơn phải mang theo một lon guigoz cơm độn mì, vợ ông lấy củ hành kho tương với mấy lát khổ qua xắt. Nước mắm khi ấy vô cùng khan hiếm, người dân Sài Gòn phải lấy muối pha với nước rau để làm nước chấm. Nếu như ông Phan Lạc Phúc đã mất “13 ký mỡ” sau khi chịu cải tạo qua các trại Suối Máu, Long Khánh, Sơn La, thì ở Sài Gòn, ông Huỳnh Bửu Sơn nhớ: “Giải phóng hai năm tôi cũng sụt mất mười ba ký”.
Không chỉ có cuộc sống của những người từng làm việc cho chế độ Sài Gòn như ông Huỳnh Bửu Sơn bị đảo lộn. Sự khốn đốn cũng không buông tha những người chiến thắng. Theo một ủy viên Trung ương Đảng, ông Nguyễn Thành Thơ(454): “Một hôm, khoảng sáu giờ tối, vợ của một thiếu tướng, vốn là bác sĩ chăm sóc sức khỏe cho tôi khi tôi làm bí thư Chính ủy khu miền Tây, đến đá cửa nhà tôi ầm ầm rồi kêu: ‘Mười Thơ, gạo đâu ăn?’. Tôi chạy ra mở cửa, trước thái độ đói giận của chị, tôi vô nhà vác bao gạo mới được cấp, đem ra để trên xe. Chị cho xe rồ máy chạy về, đến cũng như đi, không có một lời chào hỏi”. Đó là bao gạo duy nhất còn lại trong nhà.
Ông Nguyễn Thành Thơ kể tiếp: “Hai anh em con tôi, sau những ngày ăn bo bo, khoai bắp, hôm có ít gạo nấu nồi cháo, em vào bếp múc tô cháo ăn. Anh vô bếp thấy em ăn, hỏi: ‘Mầy ăn gì?’. Người em lấy mặt che tô cháo. Anh nắm lỗ tai kéo lên: ‘Mầy ăn cháo gạo không chờ ai à?’. Nói xong, liền đẩy đầu em xuống tô cháo. Thằng em, mặt đầy cháo, ngước dậy lấy tô cháo vụt vào mặt anh, trúng mé mắt, máu ra lai láng. Vợ tôi vội chở đến bệnh viện Gia Định cầm máu, may lại. Dọc đường thằng anh nói với mẹ: ‘Đừng đánh em, tại con mấy ngày không được ăn cơm cháo gạo, thấy em ăn cháo gạo không kêu ai nên tức giận, có thái độ không phải với em”.
Mậu dịch quốc doanh
Ông Đỗ Mười đến Sài Gòn năm 1978 không chỉ tổ chức các lực lượng đánh thẳng vào “sào huyệt của giai cấp tư sản” mà còn triệu tập cán bộ dân chính Đảng tới nghe ông nói chuyện về lý luận. Ông Nguyễn Thành Thơ kể: “Anh Kiệt kêu tôi thay anh đi dự nghe”.
Tại hội nghị, theo ông Thơ, "Đỗ Mười nói: 'Ta cải tạo công thương thành quốc doanh, để nắm chặt, tránh cạnh tranh, tránh khủng hoảng thừa thiếu, đảm bảo yêu cầu nhân dân, tránh đầu cơ bóc lột. Về nông sản ta có trạm từ tỉnh, đảm bảo tự túc tự cung từ tỉnh, sản phẩm thừa nhà nước thu mua, có kho chứa và vận chuyển cho nơi thiếu, đảm bảo yêu cầu…'. Mỗi lần nói xong, anh Đỗ Mười nhìn lên mái nhà một lát rồi lại nói tiếp, cứ thế đến sáu giờ tối mới chấm dứt. Tôi nghe giải thích đó là xã hội chủ nghĩa, là đảm bảo yêu cầu nhân dân, là không bị đầu cơ bóc lột, những cơ chế tôi hoàn toàn không thông, vì quá mới mẻ chưa từng qua cuộc sống”.
Theo ông Võ Văn Kiệt: “Sau cải tạo, hệ thống thương nghiệp quốc doanh bắt đầu thay thế các cửa hàng tư nhân. Ngay cả những cửa hàng tư nhân đang làm ăn trước chợ Ông Lãnh, chợ Cầu Muối, cũng phải dẹp bỏ để nhường chỗ cho thương nghiệp quốc doanh đến trưng bảng hiệu”. Trước khi cải tạo công thương nghiệp tư doanh, báo chí nhà nước liên tục đổ lỗi cho “gian thương”(455). Sau ngày cải tạo, các hộ kinh doanh bị chính quyền truy quét triệt để tới cả vỉa hè, nơi trao đổi từng chiếc quạt máy, vài cái đồng hồ mà dân Sài Gòn bắt đầu phải bán đi vì túng quẫn.
Báo chí “cách mạng” gọi những tụ điểm mua bán đồ cũ đó là “những hang ổ của bọn lưu manh trộm cướp, đầu cơ, bọn áp phe buôn lậu, bọn bán hàng giả, hàng ăn cắp của nhà nước, tiêu thụ của cướp giật, là những điểm hội tụ của tất cả những bọn làm ăn bất chính, phá rối trật tự trị an, làm hại đến đời sống nhân dân lao động”(456). Công an thường xuyên phối hợp với các lực lượng thanh niên bảo vệ, “đồng loạt truy quét bọn lưu manh côn đồ tại mười ba tụ điểm chợ trời lớn trong thành phố, trong đó có xa cảng miền Tây, khu Huỳnh Thúc Kháng-Hàm Nghi-Nguyễn Huệ, khu chợ trời Trần Quốc Toản”.
Ông Kiệt không phải chờ quá lâu để chứng kiến những gì mà chủ nghĩa xã hội mang lại cho Sài Gòn. “Toàn Đảng” và không ít người dân đã từng tin vào một tương lai tươi sáng sau khi thực hiện “kế hoạch 5 năm”, 1976-1980. Đại hội Đảng lần thứ IV đề ra mục tiêu: “Năm 1980 đạt ít nhất hai mươi mốt triệu tấn lương thực quy thóc, một triệu tấn thịt hơi các loại”. Vậy mà thực tế là, ngay trên vựa lúa Đồng Bằng Sông Cửu Long, sau khi “cưỡng bức tập thể hóa”, sau khi máy cày, máy kéo của tư nhân bị đưa vào hợp tác xã, tập đoàn đã trở nên tàn phế, mặc kệ các chỉ tiêu Đại hội, sản lượng lương thực, thực phẩm giảm mạnh sau các “năm năm kế hoạch”(457). Nếu như chỉ có thất bại của chính sách hợp tác hóa, người dân vẫn có thể xoay xở với một lượng lương thực chỉ giảm đi vài trăm nghìn tấn. Nhưng gạo lại để ẩm mốc ở Long An trong khi dân Sài Gòn vẫn đói. Chế độ bao cấp lương thực theo định lượng và chính sách cấm chợ ngăn sông đã trói buộc cả chính quyền lẫn người dân.
Ngay sau ngày 30-4-1975, chính quyền mới nhanh chóng thiết lập một chế độ công hữu các dịch vụ như y tế, giáo dục, biến hàng trăm ngàn thầy cô giáo, y tá, bác sỹ trở thành công chức ăn lương. Không dừng lại ở mức độ “ưu việt” đó, Bộ Lương thực đã điều hơn 3.000 mậu dịch viên vào Thành phố, thiết lập một hệ thống phân phối gạo bao cấp với hơn 1.000 cửa hàng ở khắp Sài Gòn-Chợ Lớn. Chính quyền dự định cấp sổ gạo cho hơn bốn triệu người dân ở Sài Gòn với mức bình quân chín ký mỗi người với giá lúc đầu là bốn mươi đồng một ký; sau đổi tiền, chỉ còn năm mươi xu một ký, trong khi giá gạo trên thị trường năm 1975 là hai đồng rưỡi.
Nhưng niềm hân hoan của người dân Sài Gòn chỉ kéo dài vài tháng. Cửa hàng lương thực là một trong những điểm tiếp xúc đầu tiên của dân chúng với chế độ. Theo bà Ba Thi, người dân vừa than phiền thái độ hách dịch cửa quyền của mậu dịch viên vừa thất vọng về chất lượng gạo. Lượng người xếp hàng ở mậu dịch đông, trong khi các mậu dịch viên thì thủng thẳng vô sổ, cân đong và ca cẩm.
Để mua được đủ tiêu chuẩn gạo, nhiều người phải xếp hàng cả ngày. Gạo mậu dịch khi ấy được gọi là “gạo tổ”, thứ gạo mà trước khi nấu phải đãi sạn và gạo mục, trước khi đãi phải nhặt thóc và bông cỏ. Thế nhưng vì giá bán rẻ hơn rất nhiều so với thị trường, nên những nhà không ăn tới vẫn cho người ra xếp hàng mua hết tiêu chuẩn về cho heo, cho gà ăn, hoặc bán lại. Bà Ba Thi Nguyễn Thị Ráo(458) giải thích: “Nhà nước mua lúa của nông dân với giá rẻ mạt nên người nông dân bán cho tròn bổn phận chứ không hề băn khoăn phải lựa chọn thứ lúa tốt phơi khô, rê sạch. Người ta không nói ra nhưng vẫn thấy nhà nước thật lạ, nông dân làm một nắng hai sương mới ra hột lúa, củ khoai mà thu mua như giựt”(459).
Năm 1978, khi đồng bằng sông Cửu Long mất mùa, Nhà nước phải dùng hàng vạn tấn khoai lang, sắn và hạt lúa mạch, dân tình quen gọi là bo bo để bán ra thay “tiêu chuẩn gạo”. Trong tình hình đó, Nghị quyết về “Công tác giá trong tình hình mới” của Bộ chính trị lại “đổ thêm dầu vào lửa” khi quy định giá thu mua lương thực, thực phẩm của nông dân thấp hơn rất nhiều so với giá thành(460). Tình hình lương thực càng căng thẳng vì không thu mua được. Ngay trên địa bàn Thủ đô, cho dù Ban bí thư đã trực tiếp điện yêu cầu các địa phương đưa gạo về(461), nhưng tháng 3-1978, người dân Hà Nội chỉ mua được 30% gạo trong khẩu phần lương thực; tháng 4- 1978, tỷ lệ gạo mua được còn thấp hơn tháng 3. Trong khi đó, các thực phẩm thông thường như rau, đậu phụ, mỡ, cá cũng không đủ để bán theo tem phiếu(462). Khan hiếm lương thực, thực phẩm và các nhu yếu phẩm bắt đầu tác động mạnh mẽ lên các thị dân, đặc biệt là đội ngũ cán bộ, công nhân sống dựa vào tem phiếu và những gì được cung cấp ở các cửa hàng mậu dịch. Kể từ đầu thập niên 1960, tại Hà Nội, cán bộ cao cấp có cửa hàng phục vụ riêng tại phố Tôn Đản, cán bộ trung cấp có cửa hàng tại phố Nhà Thờ, Vân Hồ, Đặng Dung và Kim Liên, còn cán bộ, công nhân, viên chức bình thường và nhân dân mua ở các cửa hàng rải rác trong thành phố. Dân tình có thơ: Tôn Đản là chợ vua quan / Vân Hồ là chợ trung gian nịnh thần / Bắc Qua là chợ thương nhân / Vỉa hè là chợ… nhân dân anh hùng!
Những người hưởng chế độ tem phiếu A1, thuộc thứ bậc thấp nhất trong hàng hưởng lương nhà nước, thì mỗi tháng chỉ được ba lạng thịt. Cán bộ, công nhân thường mỗi năm được cấp phiếu mua năm mét vải, mỗi tháng được từ 0,3 đến 0,5 ký thịt, bốn lít dầu… Thường dân thì được mua bốn mét vải một năm. Lao động gián tiếp, làm việc ở văn phòng, mỗi tháng được bán mười lăm ký gạo; giáo viên được mười ba ký; sinh viên được mười bảy ký; còn những người “lao động trực tiếp” như công nhân thì được hai mươi mốt ký gạo. Trong bài văn nộp cho cô giáo, con gái một công nhân làm việc ở Nhà máy Dệt 8-3 ước mơ: “Ngày Tết em mong sao có một nồi cơm trắng và một bát thịt kho”.
Mỗi tháng, theo tiêu chuẩn, các gia đình được phân phối thịt. Gọi là thịt nhưng toàn mỡ vụn, bạc nhạc và lại chia làm hai lần nên phải bốc thăm. Ai trúng thì lĩnh trước, không trúng thì chờ đợt sau. “Có bị cân hụt mất cả lạng thì cũng phải cố mà cười. Thịt mang về, rán cho cùng kiệt mỡ, cẩn thận đổ vô liễn rồi mới cho muối, kho mặn chát để ăn dè. Các nhu yếu phẩm khác như xà phòng, mì chính, chất đốt cũng vậy, có khi năm ba tháng liền chỉ được lĩnh vải mà không có xà phòng, có người ở nhà toàn phụ nữ nhưng khi lĩnh đồ lót phân phối thì toàn quần đùi, áo may ô và…dao cạo râu. Trong những ngày chia thịt, ở các khu phố, có không ít tiếng chì chiết của các ông chồng vì vợ bốc không trúng thăm thịt trong khi mùi mỡ cứ bay từ nhà hàng xóm sang”(463).
Trong khi đó, ở Tôn Đản, theo ông Nguyễn Văn Huy, giám đốc Bảo tàng Dân tộc học: “Bố tôi là bộ trưởng Bộ Giáo dục. Ông mất ngay sau khi đất nước được