"Sinh học bảo tồn là một khoa học đa ngành được xây dựng nhằm hạn chế các mối đe dọa đối với đa dạng sinh học".
Sinh học bảo tồn nhằm hai mục tiêu:
• Tìm hiểu những tác động tiêu cực do các hoạt động của con người gây ra đối với các loài, quần xã và các hệ sinh thái.
• Xây dựng các phương pháp tiếp cận để hạn chế sự tuyệt diệt của các loài và cứu các loài đang bị đe dọa bằng cách đưa chúng hội nhập trở lại các hệ sinh thái đang còn phù hợp đối với chúng.
Sinh học bảo tồn ra đời vì các khoa học ứng dụng truyền thống không còn đủ cơ sở để giải thích những mối đe dọa cấp bách đối với đa dạng sinh học. Nông nghiệp, lâm nghiệp, quản lý động vật hoang dã, sinh học thủy sản,... chủ yếu quan tâm đến vấn đề xây dựng các phương pháp quản lý một số ít các loài có giá trị kinh tế và làm cảnh. Những khoa học này thường không đề cập đến việc bảo vệ tất cả các loài có thể có trong các quần xã sinh vật, hoặc chỉ đề cập như là vấn đề không quan trọng. Sinh học bảo tồn bổ sung các
nguyên tắc ứng dụng bằng cách cung cấp phương pháp tiếp cận có tính chất lý thuyết tổng thể cho việc bảo tồn đa dạng sinh học. Sinh học bảo tồn khác với các khoa học khác ở chỗ là bảo tồn một cách lâu dài toàn bộ các quần xã sinh vật là chính, các yếu tố kinh tế thường là thứ yếu. Các khoa học kinh điển như sinh học quần thể, phân loại học, sinh thái học, và di truyền học... là nội dung cơ bản của sinh học bảo tồn.