THỊ HOÁ
Mức độ đô thị hoá là mức độ đạt được về kinh tế - xã hội của đô thị tại một thời điểm hoặc trong một thời kỳ nhất định.
Đánh giá mức độ đô thị hoá là việc phân tích, so sánh đối chiếu nhằm biểu thị mức độ đạt được về kinh tế - xã hội của một đô thị tại một thời điểm hoặc trong một thời kỳ nhất định. Việc phân tích, so sánh có thể thực hiện với các tiêu chuẩn nhất định hoặc với những mức độ đã đạt được trong quá khứ. Việc so sánh với những tiêu chuẩn nhất định cho ta nhận thức về trình độ và chất lượng đô thị hoá, những vấn đề bất hợp lý trong quá trình đô thị hoá. Việc so sánh với mức độ đã đạt được trong quá khứ cho ta nhận thức về tốc độ đô thị hoá.
Việc đánh giá mức độ đô thị hoá là nhằm trả lời các câu hỏi : Quá trình đô thị hoá diễn ra trong thực tế là hợp lý hay không hợp lý, tốc độ đô thị hoá là nhanh hay chậm so với yêu cầu xã hội hoặc so với tiềm năng có thể có của đô thị. Thông qua việc đánh giá đó, có thể giúp nhà quản lý điều chỉnh các chính sách đô thị hoá, hay phát triển đô thị cho phù hợp trong từng giai đoạn.
1.3.1. Phương pháp viễn thám
Phương pháp viễn thám là phương pháp phân tích quá trình đô thị hoá bằng cách xử lý ảnh chụp từ vệ tinh kết hợp với đối chiếu thực địa. Phương pháp này có những khả năng sau đây :
- Đánh giá tổng quan về thực trạng đô thị hoá, xác định được các trung tâm của một đô thị và quy mô không gian các đô thị.
- Xác định toạ độ không gian đô thị, thấy được động thái về quy mô diện tích lãnh thổ.
- Trong mỗi đô thị có thể thực hiện phân loại, đánh giá quá trình phát triển cảnh quan, cơ sở hạ tầng qua từng giai đoạn.
- Kết quả xử lý ảnh sẽ là cơ sở để tiếp tục thực hiện các nghiên cứu khác. Tuy nhiên phương pháp viễn thám chỉ dừng lại ở mức độ phân tích không gian, phân bố theo lãnh thổ mà không chỉ ra được những đặc trưng về dân số, cấu trúc kinh tế trong khi yêu cầu phân tích cần những thông tin định lượng cụ thể. Hơn nữa phương pháp này đòi hỏi chi phí lớn cho việc mua ảnh từ vệ tinh mà hiện nay chúng ta chưa chủ động được. Trong tương lai, vệ tinh “VinaSat” đi vào hoạt động, khả năng sử dụng phương pháp này sẽ có triển vọng hơn.
1.3.2. Sử dụng một tiêu chí là tỷ lệ dân số đô thị
Hiện nay, trên thế giới, tỷ lệ dân số đô thị so với tổng dân số là tiêu chí duy nhất được các nhà nghiên cứu sử dụng coi đó là trình độ đô thị hoá của mỗi quốc gia. Điều đó hoàn toàn hợp lý vì các quốc gia có quá nhiều điểm khác nhau mà người ta không thể so sánh hay đánh giá trình độ đô thị hoá qua các điểm khác nhau đó và chỉ còn tiêu chí tỷ lệ dân số đô thị là có thể so sánh được. Hơn nữa trên góc độ quốc tế, tỷ lệ đó phản ánh tương đối chính xác trình độ phát triển đô thị của mỗi quốc gia. Trong phạm vi một quốc gia, khi so sánh nhiều đô thị với nhau thì việc so sánh tiêu chí quy mô và tỷ lệ dân số đô thị là quan trọng hàng đầu chứ không thể là duy nhất. Điều đó xuất phát từ những quy định của pháp luật hiện hành về việc xác định quy mô dân số đô thị.
Việc sử dụng tiêu chí tỷ lệ dân số đô thị để đánh giá mức độ đô thị hoá có những thuận lợi cơ bản là khả năng so sánh của tiêu chí rất cao, thông tin về dân số luôn được cập nhật đầy đủ. Ta có thể so sánh tỷ lệ dân số đô thị giữa các quốc gia, giữa các đô thị trong một quốc gia và sự biến động tỷ lệ này của từng đô thị qua thời gian. Tuy nhiên phương pháp này tỏ ra thiếu toàn diện, không phản ánh được chất lượng đô thị. Mặt khác cũng cần phải thấy rõ những thông tin về dân số được xác định như thế nào để sử dụng nó một cách chính xác.
1.3.3. Phương pháp phân tích đa tiêu chí
Phương pháp Phân tích đa tiêu chí được áp dụng rộng rãi để đánh giá hiện trạng đô thị hoá với cách nhìn toàn diện, nó khắc phục được những nhược điểm của hai phương pháp trên. Điều kiện cơ bản để áp dụng phương pháp này là hệ
thống thông tin ban đầu phải được thu thập khá đầy đủ. Nội dung cơ bản của phương pháp là sử dụng một hệ thống tiêu chí phù hợp dùng để đánh giá đối tượng nghiên cứu. Điều quan trọng là phải định lượng và định tính được cho từng tiêu chí, xác định tầm quan trọng của từng tiêu chí, và cuối cùng là đánh giá tổng quát về mức độ đô thị hoá.
Những ưu điểm cơ bản của phương pháp là không đòi hỏi các kỹ thuật quá phức tạp, tận dụng được các thông tin thống kê sẵn có. Những khó khăn khi áp dụng phương pháp này là phải xử lý một lượng thông tin khá lớn, đôi khi cần thiết thu thập các thông tin bổ sung bằng các cuộc điều tra xã hội học với chi phí cao.
Vận dụng phương pháp phân tích đa tiêu chí trong việc đánh giá mức độ đô thị hoá trong điều kiện Việt Nam hiện nay là rất phù hợp.
1.3.4. Phương pháp sử dụng chuyên gia
Phương pháp sử dụng chuyên gia là phương pháp rất hiệu quả trong việc đánh giá đối tượng nghiên cứu nói chung. Để đánh giá mức độ đô thị hoá của một đô thị, việc lấy ý kiến các chuyên gia là rất cần thiết vì đô thị hóa là một quá trình phức tạp biểu hiện trên rất nhiều phương diện, hơn nữa có rất nhiều thông tin mà hệ thống thống kê chưa có điều kiện thu thập. Yêu cầu cơ bản của phương pháp là phải xây dựng được một hệ thống câu hỏi phù hợp với nội dung của quá trình đô thị hoá và sau đó là hàng loạt các nội dung khác như lựa chọn chuyên gia, thực hiện phỏng vấn, tổng hợp các câu trả lời một cách khoa học.
Nhược điểm của phương pháp: Ý kiến của các chuyên gia thường mang tính chủ quan, các câu trả lời của các chuyên gia phụ thuộc nhận thức chủ quan của họ. Mỗi chuyên gia chỉ chuyên sâu về một lĩnh vực nhất định. Kết quả tổng hợp dễ mang tính phiến diện. Quy mô số chuyên gia được hỏi phụ thuộc vấn đề tài chính, nếu quy mô nhỏ sẽ không đảm bảo các nguyên tắc khoa học.