Ngân hàng không dám cho vay một số dự án lớn. Các chi nhánh NHTM nhà nước giành nhiều vốn huy động trên địa bàn để điều chuyển vốn trong hệ thống hưởng phí điều chuyển, các chi nhánh NHTM cổ phần, đặc biệt là các Chi nhánh có trụ sở chính tại TP Hồ Chí Minh thì huy động chủ yếu để chuyển vào đầu tư trong Nam. Tỷ lệ sử dụng vốn để cho vay và đầu tư của các chi nhánh NHTM nhà nước chỉ đạt khoảng 43%/ tổng nguồn huy động của họ.
II.3.3.3. Dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm tỷ trọng cao trong tổng dư nợ cho vay khiến các NHTM dễ phải đối mặt với nguy cơ rủi ro thanh khoản
Có đến 98 % vốn được gọi là có kỳ hạn dài của các NHTM Hà Nội là vốn từ 12 tháng đến 36 tháng, trong khi số dư cho vay dài hạn đến cuối năm 2003 dự kiến sẽ đạt gần 19.000 tỷ đồng. 100% vốn để cho vay dài hạn (kỳ hạn cho vay từ 60 tháng trở lên) của Ngân hàng là từ các nguồn: Vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn theo tỷ lệ do Thống đốc NHNN quy định theo từng thời kỳ (hiện nay tỷ lệ này đối với các
NHTM nhà nước, NHTMCP và chi nhánh Ngân hàng nước ngoài là 30%/ tổng nguồn vốn ngắn hạn); vốn huy động trung hạn; một phần vốn tự có được sử dụng để cho vay trung và dài hạn và vốn tài trợ uỷ thác đầu tư (gần 1.300 tỷ đồng).
Việc sử dụng hệ thống Ngân hàng huy động vốn ngắn hạn để tài trợ cho các doanh nghiệp thực hiện các dự án dài hạn thì rủi ro là rất lớn. Như chúng ta đã biết các NHTM phải luôn bảo đảm khả năng thanh khoản (khả năng chuyển đổi nhanh các tài sản của Ngân hàng ra tiền mặt hoặc các tài sản Có động đủ để trang trải các khoản nợ ngắn hạn) nhất là khi Ngân hàng kinh doanh trong kinh tế thị trường. Việc các NHTM phải sử dụng một tỷ lệ lớn vốn ngắn hạn để cho vay trung và dài hạn đã khiến các Ngân hàng phải đối mặt với nguy cơ rủi ro thanh khoản. Nừu có những biến động xấu trên thị trường tài chính thì các NHTM dễ mất khả năng thanh khoản vì tỷ lệ các khoản cho vay trung và dài hạn quá lớn, thời hạn cho vay dài không thể thu hồi ngay được. Đây cũng chính là lý do tại sao các NHTM cổ phần không dám đẩy mạnh cho vay trung và dài hạn (hiện tỷ trọng dư nợ cho vay trung và dài hạn của khối các NHTMCP ở Hà nội chỉ chiếm 28% tổng dư nợ cho vay của khối này, trong khi đó tỷ trọng của các NHTM nhà nước là 51%, NHLD và chi nhánh NH nước ngoài là 30%).
II.4. Huy động và sử dụng vốn dài hạn qua thị trường tài chính
II.4.1. Đặc điểm của thị trường tài chính Việt Nam và Hà Nội
TTTC Việt Nam được hình thành trong thời kỳ đổi mới, ngày càng gia tăng về quy mô; đồng bộ về cơ cấu, hiện đại hơn về công nghệ, nghiệp vụ và cũng ngày càng khẳng định đậm nét hơn vị thế không thể thiếu được trong tổng thể nền kinh tế thị trường, đặc biệt trong tạo động lực định hướng và thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nước, cả hiện tại lẫn tương lai... Tuy nhiên, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan, xét về tổng thể, TTTC Việt Nam hiện nay nổi lên một số đặc điểm sau:
Thứ nhất, TTTC chưa phát triển đồng bộ về cơ cấu, chưa đồng đều về trình độ giữa các bộ phận hợp thành.
Có thể nói, ở nước ta cho đến nay dường như còn chưa có TTTC thực sự với đầy đủ hình hài, bộ phận cần có như TTTC ở các nước khu vực có nền kinh tế thị trường phát triển. Các hoạt động trên TTTC ở nước ta mới chỉ tập trung vào thị trường vốn ngắn hạn, chưa nhiều các hoạt động trên thị trường vốn dài hạn. Hơn nữa, trong thị trường vốn ngắn hạn cũng chủ yếu mới tạp trung ở một số hoạt động huy động và cho vay tín dụng thông thường của các ngân hàng thương mại Nhà nước, còn ở thị trường vốn dài hạn mới tập trung ở các hoạt động vay nợ dài hạn của Chính phủ hoặc doanh nghiệp Nhà nước... Thị trường chứng khoán - một định chế tài chính tiên tiến, thước đo trình độ phát triển thị trường của một quốc gia, một hình thức tổ chức trực tiếp giữa người có cung - cầu vốn, không có trung gian tài chính, một thị trường liên tục, gần với thị trường cạnh tranh hoàn hảo - thì hầu như chưa hình thành với tư cách một thị trường, cũng như chưa được mở rộng trên cả nước. Cho đến nay mới chỉ có 1
trung tâm giao dịch chứng khoán ở Thành phố Hồ Chí Minh với 21 công ty niêm yết với tổng giá trị cổ phiếu tương đương 130 triệu USD, tức chưa đến 2% GDP cả nước năm 2002. Tổng cộng mới có 11 công ty chứng khoán, 6 công ty kiểm toán, 3 ngân hàng lưu ký nước ngoài được thừa nhận về tư cách pháp lý phục vụ cho 21 công ty niêm yết nói trên và 13000 tài khoản đầu tư thống kê được tại các công ty chứng khoán và chỉ khoảng 1/4 số tài khoản này là hoạt động thực sự (trong đó tài khoản của các nhà đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư có tổ chức rất ít). Đó là chưa kể chỉ số chứng khoán Việt Nam (VN Index) hiện đã giảm còn chừng 1/3 so với đỉnh điểm (khoảng 150 điểm vào giữa tháng 7/2003 so với 571 điểm ngay 25/6/2001).
Thứ hai, quy mô thị trường còn nhỏ, các hàng hóa và dịch vụ tài chính còn nghèo nàn, đơn giản và tính chuyên nghiệp chưa cao.
Mặc dầu còn thiếu số liệu đầy đủ để đánh giá tổng quát quy mô thị trường tài chính của nước ta cả về tổng thể, cũng như từng bộ phận, song có thể cảm nhận thấy sự khiêm tốn của chúng qua số lượng và quy mô vốn điều lệ, cũng như khả năng thanh toán của các ngân hàng, công ty tài chính và các cơ sở kinh doanh khác đang hoạt động trong lĩnh vực tài chính ở nước ta. Các ngân hàng và công ty bảo hiểm quốc doanh lớn nhất nước ta cũng mới chỉ cung cấp chừng 90 sản phẩm dịch vụ cho các khách hàng so với từ 200 - 600 sản phẩm dịch vụ hết sức đa dạng và linh hoạt của các ngân hàng và công ty bảo hiểm trung bình ở các nước phát triển trên thế giới. Đa số dân cư và phần lớn các hoạt động kinh tế - xã hội của đất nước còn nằm ngoài "vùng phủ sóng" của các dịch vụ thị trường tài chính; nhiều doanh nghiệp đang khát vốn kinh doanh, trong khi thiếu cơ chế và công cụ hiệu quả khai thông nguồn vốn "chết" trong dân, trong các ngân hàng .... Tính chuyên nghiệp và năng động của các nhân viên và cơ sở kinh doanh tín dụng "đen" hoặc tư nhân ở góc độ nào đó đang tỏ ra hiệu quả hơn so với các cơ sở tín dụng quốc doanh.
Thứ ba, thị trường tài chính còn tập trung vào "sân chơi" và đối tác thuộc khu vực kinh tế nhà nước, chưa có sư liên thông và mở rộng trong cả nước cũng như với nước ngoài.
Có thể nhận thấy trong bức tranh chung hoạt động của thị trường tài chính ở nước ta, các điểm sáng và đầu mối cung - cầu lớn nhất, các công cụ tài chính quan trọng nhất dường như đều tập trung trong sân chơi giữa các đối tác thuộc khu vực kinh tế Nhà nước với nhau hoặc huy động vốn từ xã hội, nhưng lại đầu
tư cho khu vực kinh tế này, và ước tính có lẽ chiếm không dưới 80% tổng giá trị các giao dịch hiện hành trên thị trường tài chính nước ta.
Các ngân hàng, cơ sở kinh doanh tài chính tư nhân và các đối tượng vay vốn tư nhân còn chiếm tỷ lệ khiêm tốn. Rất nhiều doanh nghiệp tư nhân ở nước ta đang gặp khó khăn trong tiếp cận các dịch vụ tài chính - ngân hàng do thiếu tài sản thế chấp, thiếu dự án kinh doanh "khả thi", thiếu thông tin cần thiết, thiếu sự thấu hiểu và tận tụy của ngân hàng hoặc đơn giản chỉ là do chưa quen vì chưa từng được hưởng các dịch vụ tài chính này...
Thứ tư, thị trường tài chính hoạt động chưa mang tính thị trường cao và chưa gắn đồng bộ với các thị trường khác trong nền kinh tế
Rất nhiều ngân hàng, công ty tài chính vẫn còn mang dáng dấp và phong cách kinh doanh của ngân hàng thời bao cấp. Hơn nữa, do còn một số bất cập trong khung khổ pháp quy hoạt động và do tập trung vào các đối tác thuộc khu vực kinh tế Nhà nước, nên các nguyên tắc kinh doanh thị trường nhiều khi được thực hiện một cách ước lệ, hình thức. Dòng vốn xã hội, thông qua TTTC, vẫn chưa được thực sự chảy đến những nơi cần đến và tuân theo tín hiệu, nguyên tắc thị trường. Tính cạnh tranh thị trường giữa các ngân hàng mới đựoc khởi động gần đây, từ khi Ngân hàng Nhà nước áp dụng chế độ lãi suất cơ bản và bãi bỏ kiểm soát lãi suất... Nợ quá hạn, khó đòi của nhiều ngân hàng còn cao do ngân hàng chịu sức ép "cho vay chính sách", còn các đối tác được vay thì sẵn tâm lý xin hỗ trợ chính sách càng nhiều càng tốt...
Hơn nữa, thị trường tài chính dường như còn hoạt động một mình, thiếu gắn kết đồng bộ với nhiều thị trường và các hoạt động kinh tế - xã hội lớn khác. Chẳng hạn, thị trường chứng khoán còn thờ ơ với quá trình cổ phần hóa DNNN; hoặc thị trường tiền tệ trong nước còn khá ""lãnh đạm"" với thị trường tài chính quốc tế.... Những rủi ro phi thị trường còn lớn đối với các hoạt động kinh doanh trên thị trường tài chính, nhất là thị trường chứng khoán (do thông tin cổ phiếu thiếu về số lượng, không đảm bảo về chất lượng hoặc không kịp thời...).
Thứ năm, thị trường tài chính đang từng bước được xây dựng, củng cố và phát triển phù hợp quá trình chuyển đổi cơ chế và đáp ứng các cam kết hội nhập và thông lệ quốc tế.
Đây đã, đang và sẽ còn là đặc điểm lớn nhất bao trùm, xuyên suốt, chi phối và định hướng toàn bộ qua trình vận động của thị trường tài chính Việt Nam. Cùng với sự chuyển biến về nhận thức và sự hoàn thiện cơ chế thị trường
mở nói chung, hệ thống pháp lý kinh tế nói riêng, thị trường tài chính Việt Nam sẽ ngày càng được củng cố và phát triển vững chắc, an toàn và hiệu quả hơn cả bề rộng lẫn bề sâu. Các bộ phận thị trường trong hệ thống thị trường tài chính sẽ tiếp tục mở rộng về quy mô, tăng thêm các công cụ, dịch vụ chuyên nghiệp, phân nhánh chi tiết và rõ nét hơn các bộ phận thị trường chuyên biệt (ví dụ, thị trường cổ phiếu doanh nghiệp sẽ phân thành thị trường cổ phiếu của nhóm doanh nghiệp cơ khí, nhóm doanh nghiệp may mặc, nhóm doanh nghiệp giầy, ...). Kiến thức, tâm lý và thông tin về thị trường tài chính sẽ được củng cố, cải thiện cả về phía bên cung lẫn bên cầu, cũng như bên trung gian và toàn xã hội, tạo thuận lợi cho hoạt động của thị trường tài chính. Đặc biệt, thị trường tài chính Việt Nam sẽ ngày càng được kết nối đồng bộ với các thị trường khác trong nền kinh tế, được liên thông với thị trường tài chính quốc tế và thu hút ngày càng rộng rãi hơn và phục vụ ngày càng có chất lượng, hiệu quả hơn mọi thành viên, đối tác và các hoạt động kinh tế - xã hội đất nước.
Tháng 7/2000, TTGDCK TP.HCM đã chính thức đi vào hoạt động, đánh dấu một bước ngoặt lớn trong quá trình phát triển nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa của Việt Nam, tạo nên một kệnh huy động vốn trung và dài hạn cho các doanh nghiệp. Mặc dù sau hơn 3 năm hoạt động, những đóng góp của thị trường này đối với nền kinh tế chưa lớn, chức năng huy động vốn cho đầu tư và phát triển chưa được phát huy, thế nhưng nếu xét ở bối cảnh chúng ta chưa hề có kinh nghiệm trong việc vận hành một thiết chế tài chính phức tạp như vậy, thì việc tạo dựng được các yếu tố cơ bản cho thị trường như: xây dựng khung pháp lý; hình thành nên các tổ chức kinh doanh, đầu tư; tích luỹ được kinh nghiệm và kiến thức về thị trường chứng khoán đã được xem như những thành công bước đầu. Đồng thời, đây cũng là cơ sở để Chính phủ quyết tâm xây dựng và phát triển TTGDCK Hà Nội trong thời gian tới. Tuy nhiên, để có thể hình thành và phát triển thị trường chứng khoán tại Hà nội, đặc biệt là đưa thị trường này trở thành một hạt nhân quan trọng trong hệ thống tài chính tiền tệ quốc gia thì cần thiết phải nghiên cứu xác định rõ định hướng chiến lược cũng như những giải pháp cơ bản để xây dựng và phát triển thị trường. Trong khuôn khổ của đề tài này chỉ xin tập trung nghiên cứu tình hình chung về hoạt động phát hành và giao dịch chứng khoán, qua đó đánh giá vai trò và sự cần thiết của thị trường chứng khoán tại Hà nội và kiến nghị một số giải pháp cơ bản để hình thành và phát triển thị trường này.
II.4.2. Hoạt động phát hành và giao dịch chứng khoán trên thị trường chứng khoán chính thức.
II.4.2.1. Tình hình phát hành và giao dịch trái phiếu * Hoạt động phát hành
Thị trường trái phiếu Việt Nam nói chung còn chưa phát triển và nhiều hạn chế. Hiện nay, chủ yếu mới có các trái phiếu Chính phủ là được phát hành thường xuyên, tuy nhiên phương thức phát hành chủ yếu lại là thông qua đấu thầu tại TTGDCK Tp. HCM là hình thức phát hành dành cho các tổ chức tham gia chứ không phải là phát hành ra công chúng. Gần đây, các hình thức phát hành trái phiếu Chính phủ khác có tính chất đại chúng hơn như bảo lãnh phát hành đã bắt đầu được triển khai. Ngoài ra, một hình thức phát hành truyền thống trước đây là bán lẻ qua hệ thống Kho bạc Nhà nước thì vẫn tiếp tục được duy trì.
Sau hơn 3 năm hoạt động, tính đến tháng 11/2003, TTGDCK Tp. Hồ Chí Minh đã phối hợp với Kho bạc Nhà nước và Quỹ hỗ trợ phát triển tổ chức đấu thầu được 89 loại trái phiếu Chính phủ với số vốn huy động là 9.436 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà nước và Quỹ hỗ trợ phát triển cũng đã tổ chức một số đợt bảo lãnh phát hành trái phiếu Chính phủ với tổng giá trị bảo lãnh phát hành là 2.981 tỷ đồng.
Thị trường trái phiếu công ty còn trong giai đoạn rất sơ khai. Hiện mới chỉ có chỉ có duy nhất Ngân hàng đầu tư và phát triển Việt Nam là đã phát hành trái phiếu dài hạn ra công chúng và đăng ký lại trái phiếu để niêm yết trên TTGDCK với tổng giá trị trái phiếu đăng ký là 1069 tỷ đồng. Hiện tại mới niêm yết 157,7 tỷ đồng trái phiếu vô danh.
* Hoạt động giao dịch:
Tình hình giao dịch trái phiếu Chính phủ trên TTGDCK rất trì trệ. Theo số liệu thống kê năm 2002, khối lượng giao dịch bình quân chỉ là 160 trái phiếu/phiên và giá trị giao dịch bình quân là 15.057.000 đồng/phiên. Giá trị giao dịch thoả thuận trái phiếu có nhiều hơn nhưng cùng chỉ đạt 236.598.500 đồng/phiên trong khi khối lượng giao dịch bình quân là 2.435 trái phiếu/phiên. Giao dịch thoả thuận với khối lượng lớn chỉ được thực hiện đối với 1 số loại trái phiếu nhất định. Trong năm 2003, hoạt động giao dịch trái phiếu tuy có khởi sắc hơn nhưng vẫn còn rất trì trệ. Tính đến ngày 30/6/2003, tổng giá trị trái phiếu Chính phủ niêm yết là 5.561 tỷ đồng nhưng việc giao dịch trái phiếu trên