Thùng thùng thùng... thùng thùng thùng... Năm nào mà chả thế! Cứ đến tháng bảy, tháng tám tiếng trống ấy lại nổi lên từ làng xa xóm gần. Năm nào cũng lụt! Nước ngập trắng đồng. Lúa má mất sạch. Dân làng quen cái phận thế rồi! Lần này lạ lắm! Tiếng trống làng Nguyễn, làng Ném, làng Quan Đồng, Nội Duệ, làng Và, Hoa Hội, Nga Hoàng, Yên Giả...
nổi lên một chập rồi tắt lịm, chìm nghỉm. Cả làng tôi đổ ra nghè ông Voi nhìn. Nước năm nay lạ quá: Nước đỏ như máu! Nước xô như núi. - Dân làng ơi! Ai có thuyền đi cứu! Mấy con thuyền hạ xuống. Mấy người chèo thuyền giỏi: bác Bát, bác Bao, bác Dương, ông xã Soa... đều lắc đầu: - Nước này, có giời mà cứu được! Nước này thì không ai cứu được ai đâu! Nó lật thuyền! Tiếng kêu, tiếng khóc ríu vào nhau lan trên nước! Tất cả các làng ở thấp đều đã ngập lút rồi. Đến nỗi không còn một ngọn tre, ngọn đa. Tôi chửa biết bể!
Nhưng các cụ bảo nước năm nay là bể! Làng Và có cái núi nhỏ. Núi đen đặc những người là người. Núi làng tôi to hơn. Nó là dãy núi Con Rồng. Người bốn phương cứ hướng núi mà nhào tới. Cả làng giơ tay đón đỡ. Những con thuyền lật nghiêng. Có cái chìm nghỉm.
Những bè tre, bè chuối ghép tạm đều vỡ tung ra. Có người cưỡi trâu. Trâu biết bơi nhưng bơi xa quá, người và trâu đều chìm. Ông Xếp cả nhà tôi, ông Ký... ra ngóng đón họ hàng ở Đông Bình, Hoa Hội, Nội Duệ... Tất cả đều lắc đầu thở dài. Mọi người còn đang trông ngóng núi Thiên Thai, núi Sơn Nam, núi Và, núi Chè, núi Dọc... Núi! Núi!... Núi cứu người! Suốt mấy ngày, suốt mấy đêm làng tôi và chân núi có tiếng khóc. Tôi cũng không ngủ được! Đêm thứ hai, nửa đêm có tiếng kêu: "Cứu tôi với! Cứu tôi với!". Mọi người chưa ra kịp, tiếng kêu đã tắt. Anh Bách, anh Bách chèo thuyền bị... đắm. Xác anh trôi về đâu, sau đó, không ai biết. Nước đã đứng lại, lác đác đã có những chiếc thuyền. Họ chèo về nhà, nhận ra nhà mình. Họ cắm sào, neo thuyền, cởi quần áo, hụp xuống, quờ quạng tìm ra gạo, tìm ra thóc. Trên thuyền có gạo, có thóc. Mọi người đều được ăn no nê. Cả nhà tôi cũng ăn cái gạo này: Nó chua, nó cay và nó chát... khi ăn xong như có ai cào trong bụng... Cơn hồng thủy ấy, tôi nhớ là sau tết Xá-tội vong-nhân độ vài
ba ngày. Năm Ất Dậu! Đói mãi thế này thì chết hết. Phải cướp thóc gạo ở ấp Tây Đen về mà cứu nhau thôi! Ông bếp Diên lực lưỡng đứng đầu. Tất cả trai tráng trong làng đứng lên, theo ông.
Toàn giáo, mác, mã tấu. Trăng lên cao thì đã thấy dân làng rậm rịch, lặng lẽ, ai gánh thóc về nhà ấy. Kìn kìn. Trâu cướp được mổ ngay ở đình, khao quân. Chú Chản tôi bảo: "Thằng Tây đen trốn lên tỉnh báo quan. Con vợ ba béo như đống thịt nói nhịu rất tục, nó ríu cả lưỡi. Đứa con gái mặc váy ngủ đẹp lắm. Nó nằm thẳng cẳng ở vườn. Nó sợ quá, chết ngất. Bê nó vào nhà nó mới tỉnh. Cướp rất êm. Tuyệt nhiên không ai phá phách gì! Chỉ cốt sao được thóc thôi". Nó đi báo quan, báo lính về rầm rập, nhưng chẳng làm gì được.
Đánh trận khao quân
Giời sáng giăng suông. Khuya lắm. Anh Hồ đi chơi với tôi, cùng về. Hai anh em giải chiếu nằm giữa cửa. Rì rầm. U mắng cho. Hai anh em ra đầu sân bàn nhau ngày mai đánh trận. Một bên dứt khoát phải là ta. Ta phải mạnh. Một bên là giặc. Nhưng giặc nào thì không cần biết. - Em là tướng bên ta. Anh Hồ là tướng giặc nhá. - Thế tao phải thua mày à? - Vui thôi mà! - Được! - Em tuyển binh trước nhá! Thằng Dị làm phó tướng bên em. Anh Liễn, phó tướng bên anh. Còn quân chia hai. Cuộc họp bàn lâu lắm: Đồn giặc đóng ở nhà thằng Dị. Đồn ta ở thế cao, trên núi. Thanh tre làm kiếm, ống trúc làm súng thũng, đạn là quả dót mèo và giấy nhỏ viên tròn. Súng còn là cuống lá chuối vạt ra. Chánh tướng và phó tướng được che tàn trước hàng quân. Nhưng lấy đâu ra bốn cái tàn? Anh Hồ ngồi phắt dậy: - Nhà mày có hai đường vải đang ruộm lá bàng vàng đẹp. Nhà tao có hai đường vải đang ruộm vỏ già nâu non đẹp, quấn lên bốn cái thúng, lấy bốn cái gậy chống lên thành bốn cái tàn. Anh Hồ thật giỏi. Để anh làm tướng bên giặc thì không được. Tôi bèn mời anh làm tướng bên ta. Tôi làm tướng giặc. Không đầy buổi sáng mọi việc đã xong.
Các thầy, các u, các chị không ai biết. Buổi chiều chỉ còn chúng tôi ở nhà. Trận đã bày. Tiếng nồi, thau, bát đĩa khua nhịp nhàng. Chân núi, anh Hồ, anh Liễn đang ngồi chễm chệ, uy nghi dưới tàn. Bên tôi im ắng. Tôi và Dị cũng được che tàn. Quân anh Hồ tràn xuống. Quân tôi ra chống trả. Tiếng "súng" lốp đốp, tiếng "gươm" chạm nhau chan chát. Quân tôi chạy toán loạn, nấp vào cối xay, gầm giường, vại nước. Tôi, thằng Dị bị trói. Anh Hồ ra lệnh múa hát. Lá chuối được tước làm râu. Mũ chào mào, quần rách được cuốn làm mũ, làm khăn. Anh Hồ, anh Liễn vẫn ngồi che tàn xem hát múa câu được câu
chăng. Anh Hồ bảo: "Thôi chán rồi! Khao quân". Tôi giật mình nghĩ: lấy gì mà khao với thưởng? Chúng tôi thỏa thuận với nhau: chỉ được khao ba con gà rẫu rẫu thôi. Lũ gà đã đến theo tiếng gọi "tích", "tích". Một nắm thóc tung ra. Chúng tôi đánh bẫy bằng thúng. Loáng, ba con gà đã chín. Quân ngồi vây kín cái sàng lá chuối đựng ba con gà. Ai mạnh tay người ấy xé, chấm muối. Anh Hồ ra lệnh: "Từ bây giờ không phân ta, địch; tất cả giở lại người thường. Ăn đi!" Chiều tối, đếm gà; tôi mới biết nhà mình mất hai con. Nhà anh Hồ mất một con. Tôi và anh Hồ phải thú tội, nếu không thì các u lại chửi kẻ trộm đến đêm. Sáng ra, anh Hồ bảo: "Tao thích đánh trận". Tôi bảo: "Em cũng thế".