Có một bà chùa

Một phần của tài liệu Tuoi tho im lang-Duy Khan (Trang 35 - 37)

Bà ở ngôi chùa nho nhỏ. Chùa là nhà bà: Chùa làng Vân con được dựng gọn ghẽ trên quả đồi tự bao đời. Sang ngoại chơi, tôi hay rẽ qua chùa. Sân chùa, bao cây gạo. Hoa gạo đỏ góc giời. Hoa rụng xuống đầu, xuống vai tôi... Ngôi chùa tuy nhỏ nhưng cũng nhiều Phật. Tiếng chuông chiều của bà vọng mãi, nó âm u và buồn thiu... Bà có tên là

Mỹ, ở tận thôn Gia Thụy (Gia Lâm) lên đây. Bà ở chùa từ lúc còn trẻ. Vì nguyên cớ gì bà đi tu ít người biết. Trông dáng dấp bà và khuôn mặt ai cũng đoán được thời trẻ bà xinh đẹp. Bây giờ bà đã ngoài năm mươi. Không ai nỡ gọi tên tục của bà. Cả vùng gọi rất thân mật gần gụi là "bà Chùa". Bà có hàm răng đen và chắc, hình như lúc nào bà cũng nhai giầu. Vườn cau của chùa cây này già thì cây khác đã mọc lên xanh mướt, chớp mắt đã thấy cây lớn cây bé thi nhau chửa, ra hoa rồi kết quả, giàn giầu không, cây lá mọc đầy, còn leo lên tường.

Ai quen và nghiện giầu vào thăm bà, thể nào bà cũng cho ăn, rồi cho phần đem về. Quanh năm ngày tháng bà chít cái khăn, mặc áo cánh, cái váy. Tất cả đều là màu nâu non. Hôm bà gội đầu, tôi thấy đầu bà trọc và tóc đã bạc trắng. Bà không nuôi chó. Cổng trước cổng sau bằng gỗ nhưng mối đã xông lỗ chỗ. Cái then chưa lắc đã tuột. Bà thường bảo: - Chùa có gì mà mất trộm. Kẻ cắp cũng ít lấy của chùa. Bà được làng dành cho hai mảnh ruộng ngay trước cổng. Mùa cấy, bà cấy. Mùa gặt bà gặt... Vạt lúa ở sát bờ cây, mùa nào cũng bị ớm nắng, có khi bị lốp. Ấy thế mà bà cũng khối gạo khối khoai. Mấy lần u con tôi sang thăm bà, vừa vào đến cửa bà đã chào: - U con mày sang đấy à! Ấy nhưng mấy lần, u con tôi đứng mãi ở giữa sân không thấy bà đâu? Bà cứ lặng lẽ thế. U cất tiếng: - A-Di-Đà- Phật, bà Chùa có nhà không ạ? Lần thì bà ở nhà ngang đi ra. Lần thì bà từ vườn đi lên.

Lưng bà đã hơi còng. Gặp u con tôi lần nào bà cũng vui hẳn. U xay thóc sàng gạo cho bà, có hôm còn quét tước trong chùa ngoài sân giúp bà. Thường thì u con tôi sang thăm bà vào buổi chiều. U hay chọn tuần trăng, mùa hè. Bóng cau ngả xuống đầy sân gạch. Bà giải cho tôi cái chiếu. Chùa có khác! Mùi hương, mùi hoa như ngấm cả vào chiếu. Tôi ngủ một giấc, tỉnh dậy vẫn thấy u giần gạo. Bà nấu xôi chè ở trong bếp. Một lát bà ra ngồi cạnh u, hai người nói hết chuyện này chuyện nọ. Chắc khuya lắm. Bà bưng mâm xôi chè ra. Bà và u con tôi ăn no nê. Bà nướng lá chuối, gói một gói to, giúi vào tay u: - Mang về cho chúng nó ở nhà. U con tôi mới đi đến làng Chiều, gà đã gáy ran. Tôi cứ tưởng bà đứng mãi ở cổng chùa, dưới ánh trăng nhìn bóng u con tôi đi. Bà Chùa! Bà đã già thế. Bà còn sống lâu nữa không?

Chú Ất

- Cốc.... cốc.... cốc...! - Một hồi mõ. - Ôông chiềng làng nước, mời quan viên ra đình giỗ Hậu! Rao xong chú lại đánh một hồi mõ cốc... cốc... cốc... Chú đã rao khắp xóm Đông, xóm Tây, bây giờ chú đang đứng giữa dốc xóm Trại. Bao giờ rao, chú cũng đứng một chỗ đã chọn: trước cổng vườn ông Xích. Nước da chú như màu đồng ám khói. Chú mặc áo nâu vá, cái quần ngắn đến ngang bụng chân. Chú cầm cái mõ bằng gốc tre, cái dùi gỗ,

đều đã nhẵn bóng. Rao xong, chú lủi thủi quay về, chó đuổi sủa inh ỏi. Có nhiều lần chú rao đêm, vừa nghe cốc... cốc... là nhà nhà im lặng, hồi hộp, vì rao đêm là có chuyện chẳng lành. Giọng chú to lắm, kéo dài. Chưa thấy chú nói chuyện với ai bao giờ. Nhà chú ở sân đất dưới của đình. Sân nhà chú là nơi để mở hội vật hằng năm, có hai cây muỗm cao ngang giời, bình vôi, bát, vỡ lủng củng quanh gốc. Nhà trên quay mặt về đông. Nhà bếp quay mặt về bắc. Tất cả đều lợp rơm, vách đất trống tuềnh, trống toàng, dột nát tứ tung. Vợ chú già hơn chú. Tóc chú đốm trắng lưa thưa. Con gái chú là chị Mùi. Chị Mùi thì đẹp, chỉ tội đôi mắt toét nhèm. Môi chị đỏ như son. Da thì trắng lắm. Cứ bị trẻ con chê: "Mẹ mày ăn nửa củ hành. Đẻ mày toét mắt ba vành sơn son". Chị chỉ khóc. Ngay cả khi trẻ con đánh chị cũng chỉ khóc, gọi thầy ơi, u ơi. Nhưng thầy u chị đứng ngay như cán tàn lắc lắc đầu mà nhìn con khóc. Chị có dám trêu chọc ai bao giờ đâu mà có lần trẻ con đánh vãi máu đầu. Chú bận nhất là khi làng có đám. Các "liền anh" tha hồ chửi rủa: - Mẹ cha mày, chiếu giải lệch. - Mả bố mày, chặt thịt sao lại cứ để bắn ra ngoài nong để chốc nữa mày nhặt, hở! - Mả mẹ mày, sao chậm thế? Nước chè tầu đâu? Mắt tôi nhìn thấy ông xã Tánh tát chú một phát vào mặt. Chú lảo đảo; miệng im như hến, cúi gằm mặt tiếp tục chặt thịt. Ba đầu ngón tay in ở bên má hốc hác răn reo. "Chú già thế mà vẫn bị đánh, bị chửi. Bỏ mẹ cái nghề này mà đi ăn mày còn hơn". Tôi nghĩ thế. Một hôm tôi cõng em bé đi đường, thấy chú cầm mõ, lần đầu tiên tôi đánh bạo hỏi chú một câu: - Chú Ất đi rao gì thế hở chú? Chú vội vàng giả lời ngay. Giọng chú trầm quen thuộc. - Chú đi rao nộp thuế thân cháu ạ. - Ê! Nói chuyện với thằng Ất. Tôi giật mình khi thằng Diễn bảo thế. Lạ thật, chú ngần ấy tuổi mà cả làng gọi là "thằng". Người ta gọi thẳng tên tục chú.

Tôi cứ tưởng Ất tức là phải cầm mõ đi rao. Cả làng tôi không có ai đặt tên giống chú. Người ta kiềng đặt tên "Ất".

Một phần của tài liệu Tuoi tho im lang-Duy Khan (Trang 35 - 37)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(54 trang)
w