Tuy ăn ở với cuộc đời này chưa được bao lăm, nhưng dẫu sao, hai mươi mấy năm qua bàn chân tôi cũng đã bước nhiều, đi nhiều, gặp nhiều miền đất. Bàn chân đa cảm của tôi rất hay mấp máy trên dặm đường biên cương của đất nước. Quyền sở hữu đất đai của dân tộc và quyền được cảm nhận của lòng người xui khiến tôi nôn nao về một tình yêu, mà ở đó sự tương giao của những nền văn minh bắt đầu nảy nở. Tưởng rằng đi cho đến tận cùng nắng nguồn mưa cảm mới định hình được biên giới nhưng có một lần không đi xa, tôi đã bắt gặp một biên giới ngay trên dòng sông chảy qua lòng thành phố tôi sống.
Từ nhà tôi, dăm ba bước chân là đến dòng sông Hương. Nhiều hôm nắng lên cao, tôi nhìn thấy dòng sông như một hoa thể độc cánh và trên cánh hoa rinh rang điểm xuyết một chấm xanh lơ lửng. Cồn Hến- đó chính là địa danh lưu truyền trong sách sử huyền tượng: Thanh long. Có lẽ, không có phường xã nào trên đất nước này kỳ lạ như ở đây. Chỉ một doi đất vỏn vẹn 22 ha nhưng lại khoác lên mình hai lớp áo nghịch cảm: rồng xanh và hến ngọt. Cái thanh tao không tách rời cái mộc mạc, giữa hai bờ giới tuyến ấy là những đoạn trường thăng trầm đan xen. Cùng với Dã Viên, Cồn Hến đã làm nên một cặp phạm trù phong thuỷ tương hợp trên dòng Hương Giang: Tả thanh long- Hữu bạch hổ, rồng xanh chầu hổ trắng, tạo nên đất thiêng phù hộ cho cả một vương triều. Thế nhưng, từ bao đời nay, cưỡi trên rồng xanh ấy lại là những con đỏ con đen náu lưng nắng nhàu màu mặt mưa. Vị giác của dòng sông, vị giác của con người giao thoa với nhau trên quãng lưng dặt dìu gánh của những cô gái, của những bà mẹ vào buổi sáng lên. Vỉa hè Huế nghèo, và chính ngay trên nền đất mục ẩm lá rụng ấy, tôi và Merghi- người bạn gái Mỹ- đã hết cơm lại đến bún hến cay xè. Khuôn mặt man nhiên của Merghi như bừng sốt ớt đỏ quê mùa Việt Nam. Có lẽ Merghi là một trong những tiến sĩ triết học hiếm hoi trên thế giới mang trong mình dòng máu da đỏ của miền trồng ngô. Merghi không còn nhớ nơi chốn mình sinh hạ. Trong ký ức rườm rà của đời sống văn minh, thoáng mờ một miền đất hoang dại những wigwams- những túp lều hình nón hình chữ nhật lợp bằng lá cây nằm rải rác khắp nơi giữa Đại tây dương và dòng Mississipi. Đã hơn 30 năm qua, làm con nuôi của một nhà thám hiểm sinh sống ở bang Indiana. Người cha nuôi này đã thành công khi minh chứng được một điều: sự bình đẳng của loài người không sặc sỡ trên làn da như nhiều kẻ hay huyền hoặc. Bên tôi, Merghi xa xăm vài và vệt buồn xé lẻ ánh bình mình đang lên. Dường như những xác hến tí
hon trong bát sành kia đang thở hắt ra một điều gì đó rất bí ẩn, toàn thể lên tâm tư vị tiến sĩ triết học xứ lạ.
Theo mong ước của Merghi, tôi đưa bạn về nơi ngọn nguồn sinh ra những bát cơm hến. Với tôi, chiều chuộng một tấm lòng cũng là dấn thêm được một bước vào cõi thương của hoà bình. Một trai một gái, một vàng một đỏ, một Mỹ một Việt, chúng tôi cứ tròng trành ven cồn. Trong số sách địa bạ của năm Bảo Đại thứ 20 có lá đơn xin lập làng của phường hến với tên gọi chính thức là: Giang Hến ấp, Trung Lưu thôn, Phú Xuân xã, Phú Xuân tổng. Hơn mấy trăm năm về trước doi đất này chỉ là một nhúm phù sa lau lách- hoa trổ bông trắng trời gieo tên Vĩ Dã, một vùng quê mà sau này người Huế đọc chệch là Vĩ Dạ là nơi đàn chim mỏi cánh tìm về sau một ngày giông tố kiếm mồi. Cũng như chim, bao con đò từ Thuỷ Tú, Vân Dương, Xuân Dương, Bác Vọng... tìm đến nơi nghỉ với những ngão hến rói tươi. Rồi ngày kia dưới thời vua Thành Thái năm thứ tư, lam lũ như truyền thuyết, một người đàn bà tên Nguyễn Thị Thẹp xuất hiện. Theo con nước, bà Thẹp đến cào hến trước đình làng Hương Cần. Cứ ngỡ em hến nhỏ khe chẳng chảy vào đời được một dòng nên nỗi vậy mà hến em lại oai phong vô ngần: Hến về làng như Thành Hoàng về miếu! Hương Cần phát đơn kiện. Trên ngai vàng, vua bình tĩnh châu phê: Tự nguyên đầu khí hải khẩu đầm trí thọ tô giang hà đắc dụng nghĩa rằng từ đầu nguồn đến cửa biển ao đầm chịu thuế sông nước được dùng. Phường Hến mãn nguyện, Hương Cần thua kiện. Đò lọng kết đèn kèn trống, những người dân thắng kiện cùng nghinh rước thánh chỉ cùng với "phạm nhân" Trần Thị Thẹp về làng. Theo lời vua ban, dân phường Hến nghiễm nhiên trở thành người sông Hương với cái nghề độc nhất vô nhị- nghề cào hến. E chăng dòng sông Hương âm tính, không phải vì đón nhận bao nhiêu số phận đàn bà vong tình và chạy ra cuộc đời những dịu dàng yểu điệu thục nữ mà bởi đêm đêm rì rào một cõi hến mầu nhiệm, vọng lên đêm thành phố âm hưởng những giấc mơ của lưỡi! Câm như hến là một quan niệm phản sinh học. Hình hài và sự nhạy cảm của mỗi sinh linh hến như chiếc lưỡi vươn tràn giác cảm. Hến sông Hương có họ hàng với 10.000 loài động vật thân hình 2 mảnh vỏ (bivalvia).
* * * *