NGUYÊN NHÂN THÀNH CÔNG VÀ BÀI HỌC KINH NGHIỆM

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp 2008 - 2009 (Trang 83 - 88)

1. Nguyên nhân thành công

Có rất nhiều nguyên nhân dẫn đến sự thành công trong quá trình phát triển kinh tế của các nước NICs Châu Á. Tuy nhiên, trong giới hạn phạm vi nghiên cứu, đề tài này chỉ đưa ra một số nguyên nhân chính sau đây:

Trước hết, các nước NICs Châu Á đã xác định cho mình một chiến lược phát triển kinh tế đúng đắn. Đó là chiến lược công nghiệp hóa hướng ngoại và đã thực hiện khá thành công. Chiến lược công nghiệp hóa hướng ngoại của các nước NICs đều được chia làm 3 giai đoạn:

Giai đoạn 1: Chiến lược công nghiệp hóa thay thế nhập khẩu. Trong giai đoạn này, do trình độ công nghệ chưa cao, sức mua của thị trường chưa lớn lắm, thị hiếu của người tiêu dùng đơn giản do thu nhập thấp nên các nước NICs đã tập trung vào sản xuất các mặt hàng tiêu dùng nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước và thay thế hàng nhập khẩu, nhưng vẫn phải nhập khẩu thành phẩm, bán thành phẩm, nguyên nhiên liệu từ bên ngoài để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế.

Giai đoạn 2: Chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu (những năm 1970). Trong giai đoạn này, các nước NICs đã sử dụng kinh tế đối ngoại làm đòn bẩy cho quá trình công nghiệp hóa, thực hiện mở của giao lưu kinh tế với bên ngoài, nhập vốn đầu tư, công nghệ kỹ thuật và phát triển các ngành công nghiệp mũi nhọn mới, đẩy mạnh xuất khẩu hàng tiêu dùng để thu về ngoại tệ. Với nguồn ngoại tệ thu được này, các nước NICs tập trung phát triển một số ngành công nghiệp cần nhiều vốn. Đồng thời cũng đẩy mạnh những ngành công nghiệp truyền thống như quần áo, giày dép, đồ chơi,.. Chính những ngành đó sẽ sản xuất ra những thành phẩm và bán thành phẩm, vật tư thay thế những mặt

hàng nhập khẩu. Việc tập trung sản xuất các mặt hàng thay thế nhập khẩu đã mang lại nguồn ngoại tệ lớn cho các nước NICs đồng thời có thể giải quyết công ăn việc làm cho số lao động trong xã hội. Mặt khác có được nguồn vốn lớn để nhập khẩu những trang thiết bị, dây chuyền sản xuất hiện đại phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế. Chiến lược công nghiệp hóa hướng ngoại đã mang lại cho các nước NICs nhiều thành công và ngày nay các nước NICs không còn đóng vai trò là kho hàng tái xuất thuần túy mà thực sự trở thành những nước xuất khẩu nhiều sản phẩm công nghiệp, thậm chí có cả các sản phẩm công nghiệp mang hàm lượng vốn lớn và khoa học kỹ thuật cao.

Giai đoạn 3: Đẩy mạnh chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu (từ đầu thập kỷ 1980). Trong giai đoạn này, các nước NICs đã bắt đầu chuyển hướng mạnh mẽ sang giai đoạn tập trung sản xuất những ngành công nghiệp có hàm lượng vốn lớn và dung lượng kỹ thuật cao như kỹ thuật điện tử, tin học hóa chất, công nghệ sinh học. Đồng thời các nước NICs dần dần chuyển giao công nghệ sản xuất hàng tiêu dùng sang cho các nước khác, nhất là các nước láng giềng như Trung Quốc, ASEAN...

Tùy vào điều kiện cụ thể của mỗi nước mà trình công nghiệp hóa ở các nước cũng có sự khác biệt. Đối với Đài Loan và Hàn Quốc thì thực hiện đầy đủ cả ba giai đoạn trên thậm chí Đài Loan còn chuyển sang giai đoạn 2 sớm hơn cả Hàn Quốc. Riêng Hồng Kông và Singapore, do thị trường trong nước quá nhỏ bé nên các nước này ngay từ đầu đã thực hiện chiến lược công nghiệp hóa hướng ra xuất khẩu. Nhờ xác định đúng hướng công nghiệp hóa mà cơ cấu hàng xuất khẩu của các nước NICs đã thay đổi rõ rệt theo hướng gia tăng các mặt hàng chế tạo, giảm các mặt hàng phi chế tạo, hướng đến sản xuất những mặt hàng có hàm lượng khoa học công nghệ cao. Kết quả là đến những năm của thập kỷ 80, giá trị sản lượng của các ngành công nghiệp chế tạo như điện tử, máy chính xác, thiết bị vận tải, hóa chất và máy móc thông dụng đã tăng gấp đôi so với thập kỷ 70, tỷ trọng của các ngành này chiếm 53,7% trong tổng số giá trị toàn ngành công nghiệp.

Chính phủ có vai trò quan trọng trong việc điều hành có hiệu quả nền kinh tế thông qua các chính sách kinh tế vĩ mô. Chính phủ đã tạo mọi điều kiện cho nền kinh tế thị trường phát triển. Muốn vậy phải ổn định về kinh tế, xã hội và chính trị, tạo niềm tin đối với dân chúng. Chính phủ các nước NICs đã xác định tăng trưởng kinh tế nhưng không bỏ qua các vấn đề xã hội. Chính vì vậy, sau một thời gian phát triển kinh tế, các nước NICs không bị rơi vào tình trạng như một số nước đang phát triển khác đó là nợ nần chồng chất, nhiều tệ nạn xã hội nảy sinh. Vai trò của Chính phủ còn được thể hiện trong việc hoạch định các chiến lược dài hạn, các kế hoạch phát triển kinh tế ngắn hạn (kế hoạch kinh tế 4 năm ở Đài Loan), điều tiết các hoạt động của các cơ sở kinh tế tư nhân cũng như của nhà nước. Các kế hoạch này đều được xây dựng trên cơ sở khoa học và đều xuất phát từ điều kiện cụ thể của mỗi nước. Tuy nhiên, Chính phủ không can thiệp quá sâu vào các hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp Nhà nước mà chỉ tạo hành lang an toàn thông qua các chính sách về kinh tế, tài chính để các doanh nghiệp này hoạt động có hiệu quả.

Các nước NICs Châu Á chịu ảnh hưởng trực tiếp của một nền văn hóa Khổng giáo. Một trong những nét độc đáo của nền văn hóa Khổng giáo là người ta đề cao lối sống nhân bản, mình vì người khác và có một truyền thống hiếu học. Chính phủ các nước NICs luôn coi trọng và phát triển con người, có nhiều điều chỉnh hợp lý trong chính sách phát triển giáo dục và đào tạo, bồi dưỡng nhân tài cho đất nước. Ở Hàn Quốc có khoảng 1/3 thanh niên tiếp tục theo học đại học, số lượng tiến sĩ theo đầu người là cao nhất thế giới. Còn ở Đài Loan, có khoảng 30% số học sinh trung học theo học đại học. Nhờ chịu khó học tập với những bằng cấp nhất định họ đã thành công trong môi trường kinh doanh và cả trong nghiên cứu khoa học.

Các nước NICs đã lựa chọn quy mô doanh nghiệp phù hợp. Loại hình doanh nghiệp có quy mô vừa và nhỏ rất phổ biến ở các nước NICs Châu Á và chiếm tỉ trọng cao trong tổng số các doanh nghiệp ở nước này. Các doanh nghiệp vừa và nhỏ có những ưu thế nhất định và có vị trí rất quan trọng đối với các nước NICs

vì loại hình doanh nghiệp này không cần nhiều vốn, dễ quản lý, thích ứng nhanh với những biến động của thị trường, nhanh chóng thay đổi các mặt hàng sản xuất. (Ở Đài Loan, 98% doanh nghiệp là có quy mô vừa và nhỏ chiếm hơn 70% lao động và sản xuất ra > 50% GDP...). Tuy nhiên, loại hình doanh nghiệp này cũng có những hạn chế nhất định như khó có điều kiện để sử dụng những công nghệ tiên tiến nhất, những chuyên gia kỹ thuật giỏi, những chuyên viên kinh tế có kỹ thuật cao, khả năng chi phối thị trường thấp. Do đó mà ở các nước NICs vai trò của các doanh nghiệp lớn lại là rất quan trọng. Ví dụ như ở Hàn Quốc, có 4 chacbol lớn (tập đoàn tư bản tài chính) như Huyndai, Samsung, LG, Daewoo chiếm gần 3/5 GDP, Ở Singapore có khoảng 25 tập đoàn lớn...Các doanh nghiệp lớn ở các nước NICs tuy chiếm tỷ trọng không cao trong tổng số các doanh nghiệp nhưng có vai trò khá quan trọng, là xương sống của nền kinh tế và là cầu nối giữa các công ty đa quốc gia trên thế giới với các công ty vừa và nhỏ ở trong nước. Tuy nhiên, nếu Chính phủ giành nhiều ưu đãi cho các doanh nghiệp này thì sẽ dễ dàng đẩy chúng vào tình trạng trì trệ độc quyền, kém năng động, khó có thể thích nghi với nền kinh tế thế giới có nhiều biến động như hiện nay. (Bài học về các Chacbol Hàn Quốc là một thí dụ điển hình).

Các nước NICs Châu Á còn đẩy mạnh gia tăng các hoạt động dịch vụ và tập trung chủ yếu vào các lĩnh vực như tài chính - ngân hàng - bảo hiểm, vận tải biển và du lịch. Ở Hồng Kông và Singapore, hoạt động tài chính - ngân hàng - bảo hiểm phát triển rất mạnh. Riêng Hồng Kông, hiện có khoảng 500 cơ quan tài chính tiền tệ - ngân hàng của các nước có trụ sở ở đây. Hồng Kông được coi là Trung tâm tài chính tiền tệ Châu Á - Thái Bình Dương. Còn ở Đài Loan và Singapore, dịch vụ vận tải là lĩnh vực hoạt động khá mạnh của các nước này. (Singapore là một trong hai hải cảng bốc dỡ côngtenơ lớn nhất thế giới vượt cả cảng Rotstecdam của Hà Lan). Các nước NICs Châu Á đã trở thành những nhà vận chuyển đường biển quan trọng trong giao lưu hàng hóa của các nước Asean và cả các nước trong khu vực Thái Bình Dương. Hoạt động du lịch cũng là một lĩnh vực rất phát triển ở các nước NICs nhất là Hồng Kông và Singapore. Như

vậy, hoạt động của ngành dịch vụ đã mang lại một nguồn thu ngoại tệ lớn, tạo nguồn vốn quan trọng để phát triển kinh tế

Các nước NICs cũng đã sớm nhận thức được vai trò của thương mại quốc tế. Sự phát triển ngoại thương thông qua chiến lược công nghiệp hóa hướng về xuất khẩu là một trong những yếu tố quan trọng quyết định sự tăng trưởng kinh tế của các nước NICs. Các nước NICs đã tìm mọi biện pháp nhằm đẩy mạnh hàng hóa xuất khẩu ra nước ngoài. Do thị trường trong nước nhỏ bé nên chính sách đối ngoại của Hồng Kông và Singapore có những điểm khác so với Hàn Quốc và Đài Loan. Ở Hồng Kông và Singapore thực hiện chính sách tự do hóa thương mại, khuyến khích xuất khẩu tối đa, hướng mạnh ra thị trường thế giới. Còn Hàn Quốc và Đài Loan chỉ dừng ở chính sách khuyến khích xuất khẩu tức là bên cạnh thị trường thế giới các nước này cũng không bỏ qua thị trường nội địa.

Để gia tăng xuất khẩu, Chính phủ các nước NICs chủ trương đa dạng hóa các mặt hàng xuất khẩu, đa phương hóa các bạn hàng mậu dịch. Đặc biệt những mặt hàng thâm dụng lao động đã trở thành những mặt hàng xuất khẩu chủ lực của các nước này trong những năm của thập niên 1980. Ví dụ Đài Loan đứng đầu thế giới về xuất khẩu giày dép (1984), Hồng Kông đứng đầu thế giới về xuất khẩu quần áo (1985), Singapore là 1 trong 20 nước xuất khẩu vải sợi lớn nhất thế giới. Bên cạnh đó, các nước NICs tập trung sản xuất những mặt hàng thâm dụng vốn, thâm dụng kỹ thuật cao và thực hiện phân công lao động cho các nước khác dưới hình thức gia công những mặt hàng sử dụng nhiều lao động vốn là lợi thế của các nước trong khu vực ASEAN, Trung Quốc... đồng thời mua nguyên liệu, nhập khẩu hàng sơ chế từ các nước khác để sản xuất và tái xuất khẩu ra thị trường thế giới. Nhờ đó mà kim ngạch xuất khẩu của các nước NICs tăng cao, riêng ở Hồng Kông và Singapore, tỉ trọng kim ngạch xuất khẩu thường đạt >100%. Do áp dụng tổng thể các chính sách kinh tế tài chính để khuyến khích xuất khẩu mà các nước NICs đã thu về được nguồn ngoại tệ lớn để phục vụ cho quá trình phát triển kinh tế.

Có thể nói, đẩy mạnh xuất khẩu hàng hóa ra nước ngoài là một trong những chiến lược thành công nhất của các nước NICs Châu Á. Với chiến lược hướng về xuất khẩu, các nước NICs đã đặt nền kinh tế của mình trong quan hệ cạnh tranh với thị trường thế giới nhằm phát huy lợi thế so sánh, làm gia tăng ngoại tệ, tăng sức cạnh tranh của các xí nghiệp trong nước, khai thác lợi thế sẵn có. Đồng thời có điều kiện để đổi mới các trang thiết bị công nghệ, tiếp thu kỹ thuật tiên tiến của thế giới, kể cả cách quản lý. Tuy nhiên, trong những năm qua, do giá nhân công tăng cao làm cho khả năng cạnh tranh kém đi ở một số ngành thâm dụng lao động. Bên cạnh đó, kinh tế Mỹ suy thoái cũng ảnh hưởng đến xuất khẩu của các nước NICs vì Mỹ là một trong những thị trường xuất khẩu lớn nhất của các nước NICs.

Để có nguồn vốn phát triển kinh tế, các nước NICs Châu Á chủ động thu hút nguồn vốn đầu tư nước ngoài, vay hoặc nhận viện trợ, đồng thời huy động nguồn vốn trong nước. Mặt khác, các nước NICs còn đẩy mạnh đầu tư ra nước ngoài chủ yếu đầu tư vào các nước ASEAN, Trung Quốc, trong đó có cả Việt Nam nhằm xâm nhập mạnh mẽ vào thị trường các nước, giúp các nhà đầu tư trong nước tránh được những sức ép về giá cả và tiền lương hiện rất cao ở trong nước, mang lại nguồn thu ngoại tệ lớn để phát triển kinh tế.

Những thành tựu mà các nước NICs Châu Á đạt được trong mấy thập niên qua không phải là ngẫu nhiên mà là cả một quá trình phát triển lâu dài với nhiều bước thăng trầm. Ngày nay, các nước NICs Châu Á có vai trò quan trọng trong nền kinh tế thế giới với địa vị không ngừng được nâng cao trên trường quốc tế.

Một phần của tài liệu khóa luận tốt nghiệp 2008 - 2009 (Trang 83 - 88)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(98 trang)
w