3.2.3.1. Tình hình Nợ phải trả:
Từ bảng phân tích ta thấy tài sản của doanh nghiệp nhận được nguồn tài trợ chủ yếu từ nợ phải trả, cụ thể là vào thời điểm đầu năm cứ 100 đồng tài sản thì nhận được nguồn tài trợ từ nợ phải trả là 73,80 đồng. Đến thời điểm cuối năm tuy có giảm so với đầu năm, cứ 100 đồng tài sản thì được tài trợ bởi 50,25 đồng nợ, nhưng hơn nửa phần tài sản doanh nghiệp vẫn được tài trợ bằng nguồn nợ. Như vậy về mặt kết cấu thì nợ phải trả cuối năm đã giảm 23,55% so với đầu năm. Nếu kết hợp phân tích theo chiều ngang ta thấy về giá trị nợ phải trả cuối năm cũng giảm so với đầu năm là 17,904,035,894 đồng, tức là giảm 21,67%. Nguyên nhân của sự biến động này là do: Nguồn vốn tín dụng ở thời điểm đầu năm là 41,560,104,586 đồng, chủ yếu là các khoản vay và nợ ngắn hạn, xét về kết cấu là 37,13% trong tổng nguồn vốn. Vậy nguồn vốn tín dụng của doanh nghiệp tăng về giá trị và tỷ trọng, đây là hiện tượng hợp lý vì trong giai đoạn doanh nghiệp đang mở rộng quy mô hoạt động và lượng
vốn tự có lại không đủ trang trải thì việc vay vốn sẽ giúp doanh nghiệp có đủ lượng vốn phục vụ kinh doanh. Đến cuối năm thì lượng nguồn vốn tín dụng có hướng giảm cả về giá trị và tỷ trọng trong tổng nguồn vốn. Cụ thể nguồn vốn tín dụng đã giảm 37,036,207,199 đồng, tức là giảm 89,11% so với đầu năm, nếu xét về kết cấu đã giảm 33,62%. Như vậy doanh nghiệp đang dần cải thiện khả năng thanh toán của mình, đồng thời sử dụng nguồn vốn tín dụng tích cực, hợp lý. Đây là biểu hiện khá tốt đảm bảo khả năng chi trả của doanh nghiệp. Nguồn vốn đi chiếm dụng cũng có xu hướng tăng 17,716,184,440 đồng, tức là tăng 43,66% so với đầu năm, về kết cấu tăng 9,04% (45,29% - 36,25%) trong tổng nguồn vốn, trong đó các khoản như: người mua trả tiền trước, thuế và các khoản phải nộp, phải trả cán bộ nhân viên đều tăng. Điều này chứng tỏ trong năm 2009, doanh nghiệp đã sử dụng nguồn vốn chiếm dụng tạm thời để bổ sung vốn kinh doanh, mặt khác thể hiện ở thời điểm cuối năm doanh nghiệp đã chấp hành kỷ luật tín dụng và tín dụng thanh toán, là nghĩa vụ của mình đối với ngân sách nhà nước ngày càng tốt hơn.
Tóm lại, qua quá trình phân tích trên ta thấy quy mô tài sản và nguồn vốn của doanh nghiệp ngày càng tăng thể hiện mục tiêu hướng đến mở rộng hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. Kết cấu vốn chủ sở hữu trong tổng nguồn vốn ngày được tăng lên, cải thiện dần khả năng chủ động trong kinh doanh của doanh nghiệp. Các khoản nợ phải trả có xu hướng giảm, do tốc độ tăng của vốn chủ sở hữu nhanh hơn tốc độ tăng của nợ phải trả, đảm bảo khả năng trả nợ vay bằng vốn chủ sở hữu.