DƯƠNG VĂN GIAO

Một phần của tài liệu THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ (Trang 25 - 28)

Hải Dương nâng cao năng lực lãnh đạo, quản lý của đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn

DƯƠNG VĂN GIAO

Phó Giám đốc Sở Nội vụ tỉnh Hải Dương

T

rong những năm qua, thực hiện Nghị quyết Trung ương 5 (khóa XI) về đổi mới, nâng cao chất lượng hệ thống chính trị ở cơ sở xã, phường, thị trấn, được sự quan tâm của lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp đội ngũ cán bộ cơ sở nói chung và đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn nói riêng của tỉnh Hải Dương đã được củng cố, kiện toàn, chất lượng được nâng lên rõ rệt.

Qua khảo sát cho thấy, đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn trong tỉnh đã cơ bản đủ về số lượng. Trình độ học vấn, lý luận chính trị, chuyên môn nghiệp vụ, năng lực lãnh đạo, điều hành công việc ở cơ sở đã được nâng lên một bước. Phần lớn được rèn luyện, thử thách trong quá trình đấu tranh giải phóng dân tộc và xây dựng đất nước, lại được quan tâm, đào tạo, bồi dưỡng, có bản lĩnh chính trị vững vàng, giữ gìn phẩm chất đạo đức, lối sống, có ý thức tổ chức kỷ luật, tinh thần trách nhiệm trong công tác. Thông qua hoạt động thực tiễn, nhiều cán bộ đã tích lũy được kinh nghiệm lãnh đạo, quản lý, góp phần nâng cao chất lượng và hiệu quả hoạt động của hệ thống chính trị ở cơ sở, thể hiện ở phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh. Hàng năm có 75% đảng bộ, chính quyền được công nhận trong sạch vững mạnh trong đó có 30% cơ sở được tặng cờ, bằng khen của Ban thường vụ Tỉnh ủy, UBND tỉnh. Nhiều tổ chức cơ sở Đảng đã phát huy tốt hơn vai trò hạt nhân chính trị, vai trò lãnh đạo đối với hệ thống chính trị cơ sở. Hoạt động của HĐND, UBND các xã, phường, thị trấn có chuyển biến, hiệu quả hơn nhất là trong quản lý, điều hành, cụ thể hóa các nghị quyết của Đại hội Đảng các cấp vào trong cuộc sống. Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể nhân dân có nhiều cố gắng trong

công tác vận động quần chúng và tham gia giải quyết những vấn đề mới phát sinh ở cơ sở. Những kết quả đó đã góp phần quan trọng trong sự nghiệp phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Tuy nhiên trước yêu cầu thực tiễn, đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn cũng còn nhiều hạn chế bất cập do hình thành từ nhiều nguồn, cơ cấu chưa đồng bộ, trình độ, phẩm chất, năng lực lãnh đạo của một bộ phận cán bộ chưa đáp ứng yêu cầu đòi hỏi của thực tiễn. Độ tuổi bình quân còn cao, phần lớn cán bộ lần đầu tham gia giữ chức vụ chủ chốt có tuổi đời cao hơn so với quy định. Hiện tại số cán bộ có độ tuổi từ 46 trở lên khá cao (chiếm tới 61,6%). Nhiều cán bộ chưa đạt chuẩn chức danh; còn 9,4% số cán bộ chưa học hết THPT; 49,9% chưa qua đào tạo để có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên; 25% chưa học trung cấp lý luận chính trị; 39,5% chưa học qua lớp bồi dưỡng kiến thức quản lý nhà nước. Số cán bộ biết sử dụng công nghệ thông tin còn thấp. Một bộ phận cán bộ thiếu tinh thần trách nhiệm đối với nhân dân, chưa thật sự tâm huyết với công việc, một số ít có biểu hiện suy thoái đạo đức, lối sống, mất đoàn kết, cơ hội, bè phái cục bộ gia đình, dòng họ, làm giảm lòng tin của cán bộ, nhân dân. Trong điều hành giải quyết công việc của cấp ủy, chính quyền còn biểu hiện "lấn sân" hoặc buông lỏng lãnh đạo đối với chính quyền của một số cấp ủy. Một số cán bộ chủ chốt chính quyền yếu về năng lực quản lý hành chính, điều hành, chỉ đạo quản lý nhà nước trên một số lĩnh vực. Triển khai thực hiện phát triển kinh tế - xã hội còn hạn chế, buông lỏng hoặc vi phạm trong quản lý trên một số lĩnh vực đất đai, ngân sách, thực hiện các chính sách xã hội. Một số lĩnh vực phát sinh ở cơ sở nhưng không được phát hiện, giải quyết kịp thời, gây bức xúc trong nhân dân, dẫn đến cấp tỉnh, huyện phải giải quyết đơn thư, khiếu nại tố cáo của công dân ở cơ sở.

Để nâng cao năng lực lãnh đạo điều hành đội ngũ cán bộ chủ chốt xã, phường, thị trấn đáp ứng yêu cầu trong thời gian tới tập trung làm tốt một số lĩnh vực sau:

1. Thực hiện đúng nguyên tắc các cấp ủy Đảng thống nhất lãnh đạo và quản lý đội ngũ cán bộ. Tiếp tục hoàn thiện các khâu nhận xét đánh giá, quy hoạch, luân chuyển bố trí, sử dụng và thực hiện chính sách cán bộ. Cụ thể là thực hiện các bước, các khâu trong quy trình đánh giá cán bộ theo hướng mở rộng dân chủ, thông tin đa chiều. Việc đánh giá phải công khai, khách quan, công tâm, lấy hiệu quả hoàn thành nhiệm vụ chính trị làm thước đo phẩm chất và năng lực cán bộ. Trên cơ sở đánh giá đúng cán bộ mà bố trí sử dụng đúng cán bộ. Đánh giá, sử dụng đúng cán bộ mới khuyến khích được những mặt tích cực và hạn chế tiêu cực trong con người cán bộ. Thực hiện nghiêm túc Nghị quyết số 42-NQ/TW của Bộ Chính trị (khóa IX) và Kế hoạch số 16 KH /TU của Ban thường vụ Tỉnh ủy về công tác quy hoạch cán bộ lãnh đạo, quản lý thời kỳ đầu đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Chú trọng phương châm quy hoạch "động và mở" hàng năm rà soát, điều chỉnh bổ sung kịp

thời. Làm tốt công tác quy hoạch sẽ khắc phục được tình hình bị động, lúng túng về việc chuẩn bị đội ngũ cán bộ thay thế ở một số cơ sở. Thực hiện việc luân chuyển cán bộ để rèn luyện, phấn đấu, đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Có kế hoạch việc bố trí sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức theo đúng các quy định của trung ương và tỉnh. Tổ chức tốt việc thi tuyển công chức cơ sở theo quy định. Tăng cường tiếp nhạn bố trí những sinh viên người địa phương đã tốt nghiệp các trường cao đẳng, đại học làm công chức cơ sở để tạo nguồn cán bộ chủ chốt.

2. Tăng cường đào tạo, bồi dưỡng và nâng cao chất lượng công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt ở cơ sở theo hướng chuẩn hóa cán bộ. Xây dựng và thực hiện kế hoạch đào tạo, bồi dưỡng cán bộ chủ chốt ở cơ sở từ nay đến năm 2010 và hàng năm. Đối tượng là cán bộ đương chức và dự nguồn các chức danh chủ chốt ở cơ sở. Nội dung đào tạo, bồi dưỡng đạt chuẩn chức danh về lý luận chính trị, quản lý nhà nước, chuyên môn nghiệp vụ, tin học. Tăng cường bồi dưỡng kiến thức về quản lý hành chính, pháp luật và kỹ năng hoạt động công tác ở cơ sở. Phấn đấu đến năm 2010 toàn bộ cán bộ chủ chốt và công chức xã, phường, thị trấn trong tỉnh có trình độ chuyên môn từ trung cấp trở lên.

Nâng cao chất lượng đào tạo ở Trường Chính trị tỉnh, các trung tâm bồi dưỡng chính trị cấp huyện và các trường, trung tâm của tỉnh được giao nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng cán bộ. Các cơ sở đào tạo, bồi dưỡng cần được quan tâm đầu tư xây dựng cơ sở vật chất, trang thiết bị phương tiện phục vụ công tác giảng dạy theo các tiêu chí phù hợp với quy mô, đối tượng đào tạo, bồi dưỡng; xây dựng đổi mới nâng cao chất lượng đội ngũ giáo viên, giảng viên có trình độ; kỹ năng sư phạm, tăng tính hấp dẫn các môn học, đồng thời có chính sách đãi ngộ phù hợp với đội ngũ giáo viên. Tăng cường quản lý các lớp học bảo đảm nghiêm túc trong giảng dạy và học tập.

3. Tăng cường kiểm tra của các cấp ủy, chính quyền các cấp đối với hệ thống chính trị cơ sở trong đó chú trọng đội ngũ cán bộ chủ chốt. Kiểm tra việc thực hiện Nghị quyết của cấp ủy các cấp trong đó tăng cường kiểm tra việc xây dựng và thực hiện quy chế làm việc, kịp thời phát hiện, uốn nắn những biểu hiện như "lấn sân" hoặc buông lỏng lãnh đạo của cấp ủy đối với chính quyền cơ sở. Những nơi nội bộ mất đoàn kết cần được sớm phát hiện và có biện pháp xử lý giải quyết kịp thời. Cần gắn trách nhiệm của các đồng chí huyện ủy viên phụ trách xã để giúp cơ sở triển khai các nghị quyết. Hàng năm làm tốt việc đánh giá, phân loại cá nhân các đồng chí cán bộ chủ chốt. Đồng thời duy trì và đẩy mạnh phong trào thi đua xây dựng tổ chức cơ sở Đảng, chính quyền trong sạch vững mạnh.

4. Xây dựng và kiện toàn đội ngũ cán bộ của hệ thống chính trị, tạo điều kiện cho cán bộ chủ chốt thực hiện nhiệm vụ. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn đủ số lượng, bảo đảm chất lượng, từng bước chuẩn hóa về chuyên

môn nghiệp vụ, có tinh thần trách nhiệm để giúp cho lãnh đạo chủ chốt hoàn thành nhiệm vụ. Trong thời gian tới bổ sung, điều chỉnh phụ cấp cho cán bộ không chuyên trách xã, phường, thị trấn. Thường xuyên củng cố kiện toàn Ban Chấp hành, Ban thường vụ nhất là người đứng đầu Uỷ ban Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể các xã, phường, thị trấn. Tổ chức tốt việc lấy phiếu tín nhiệm các chức danh chủ chốt do HĐND cơ sở bầu, đẩy mạnh việc thực hiện quy chế dân chủ ở cơ sở, tạo điều kiện để nhân dân tham gia góp ý cán bộ chủ chốt cơ sở.

5. Thực hiện chính sách cán bộ đối với cán bộ, công chức xã, phường, thị trấn nói chung và cán bộ chủ chốt nói riêng ở cơ sở. Cụ thể như việc chuyển xếp lương, chế độ nghỉ công tác, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế... Quan tâm xây dựng trụ sở, phương tiện, điều kiện làm việc của các xã, phường, thị trấn, nhất là các xã thuộc huyện miền núi, các xã vùng sâu, vùng xa.

Thực hiện những giải pháp trên, đội ngũ cán bộ chủ chốt ở cơ sở của tỉnh sẽ từng bước được nâng lên đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong thời gian tới./.

Một phần của tài liệu THẤM NHUẦN TƯ TƯỞNG HỒ CHÍ MINH VỀ CÁN BỘ VÀ CÔNG TÁC CÁN BỘ (Trang 25 - 28)

Tải bản đầy đủ (DOC)

(129 trang)
w