MỘT SỐ BIỆN PHÁP ĐỀ SUẤT NHẰM ỔN ĐỊNH GIÁ TRỊ ĐỒNG

Một phần của tài liệu Tiểu luận:" Sự biến động đồng EURO và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam " (Trang 81 - 84)

Qua xem xét tình hình diễn biến của đồng EURO và kết quả của các biện pháp của ECB và EU - 11 đã sử dụng cũng như tình hình kinh tế EU và các điều kiện khác em xin đề xuất một số biện pháp ổn định giá trị đồng EURO

1. Đối với ngân hàng Trung ương Châu Âu.

Tăng lãi suất của ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB).

Nâng cao lãi suất của ECB, bằng cách này sẽ làm cho đầu tư bằng đồng EURO trở nên hiệu quả hơn, từ đó khuyến khích sử dụng đồng EURO và dẫn đến tăng giá. Tuy nhiên công cụ này có những hạn chế của nó. Chính sách lãi xuất phải đảm bảo quan hệ lạm phát < lãi gửi < lãi vay < lợi nhuận bình quân. Ngân hàng Trung ương Châu Âu có điều kiện để tăng lãi suất vì kinh tế EU trong thời gian qua có những dấu hiệu phát triển tốt, tốc độ tăng trưởng kinh tế khá cao... Trong khi đó kinh tế Mỹ lại chững lại trong quý IV năm 2000 và mấy tháng đầu năm 2001. Vì vậy ECB có cơ sở tăng lãi suất khi cần thiết và với điều kiện trên chắc chắn sẽ có tác dụng lớn từ chính sách này.

Trong chính sách lãi suất ECB nếu hợp tác với FED sẽ có hiệu quả hơn, điều này trên thực tế rất khó thực hiện do mục tiêu của Mỹ là duy trì đồng đôla mạnh, mặt khác những xung đột thương mại căng thẳng giữa Mỹ và EU liên tiếp xảy ra, và Mỹ cũng không muốn đối thủ của đồng USD lại lên giá. Song không phải là không thể thương lượng được.

Chính sách lãi suất cũng là chính sách thường được các quốc gia áp dụng nhằm ổn định giá trị đồng tiền, tuy nhiên với một khu vực gồm nhiều quốc gia với những đặc điểm kinh tế, chính sách khác nhau như EU thì việc điều chỉnh mức lãi suất của ECB cần phải hết sức cẩn thận vừa đảm bảo khôi phục giá trị đồng EURO vừa tạo điều kiện cho các quốc gia thành viên phát triển kinh tế.

Can thiệp trực tiếp của ngân hàng trung ương Châu Âu (ECB) vào thị trường ngoại tệ:

Căn cứ vào quy luật cung cầu nếu giá của một hàng hoá giảm thì nó có ít người mua hơn người bán. Quy luật cung cầu cũng có giá trị đối với những ngoại tệ. Ngân hàng trung ương Châu Âu lúc đó có thể mua đồng EURO và bán đồng USD. Khi cầu của đồng EURO tăng nhất định sẽ đẩy giá của nó lên. Nhưng liệu làm thế họ có thể đảo ngược được chiều hướng thị trường không? Việc đồng EURO có được người tiêu dùng ưa chuộng hay không còn tuỳ thuộc vào niềm tin của họ vào đồng tiền này, vào những chính sách mà ECB đưa ra. Sự mất giá nhanh chóng của đồng EURO sau gần hai năm (mất giá 27%) có thể giữ được niềm tin cho người tiêu dùng không, điều này ECB cần phải sôưm xem xét.

Mặc dù, ECB vẫn nắm giữ một nguồn dự trữ lớn, và có thể ra tay can thiệp vào thị trường bất cứ lúc nào nhưng cần phải nhận rõ rằng bất cứ can thiệp nào của ECB đều có nguy cơ thất bại.

2. Đối với bản thân các nước thành viên EU.

- Tăng tốc những cải cách cơ cấu, chính sách trong toàn EU sẽ không dễ dàng gì để đạt được sự hồi phục ổn định của đồng EURO đã được hình thành vững chắc trên các thị trường trong gần hai năm qua. Song mục tiêu này vẫn có thể đạt được nếu các thành viên trong khu vực EURO đẩy mạnh các cuộc caỉ cách kinh tế như kiến tạo ra các thị trường lao động linh hoạt hơn, cơ cấu lại hệ thống bảo hiểm xã hội và thực hiện cắt giảm thuế hơn nữa. Công cụ này được các nước ưu tiên nhằm vào dài hạn. Đó là tìm cách để có thể nhất thể hoá cao nhất đồng EURO. Đồng EURO là đồng tiền không điển hình bởi vì nó không phải là nền tảng của một quốc gia duy nhất, sẽ gặp khó khăn do tính đa dạng của luật lệ tài chính và xã hội riêng của mỗi nước. Để tăng cường

lòng tin vào đồng tiền chung cần phải làm cho luật pháp và các quy tắc của các quốc gia xích lại gần nhau.

Kể từ khi liên minh tiền tệ ra đời, chỉ có chính sách tiền tệ được thống nhất trong phạm vi toàn EU, còn chính sách tài chính vẫn do các nước thành viên độc lập thực hiện. Thực ra chính sách tài chính có ý nghĩa to lớn không kém chính sách tiền tệ, hơn nữa nó còn có tác dụng phối hợp với chính sách tiền tệ trong việc ổn định giá trị đồng tiền. Mâu thuẫn này tất yếu sẽ gây bất lợi cho việc phối hợp nhịp nhàng giữa chính sách tài chính và chính sách tiền tệ, và theo đó chúng có ảnh hưởng nhất định đến hậu quả lạm phát của EU. Chính sách tiền tệ của ECB có nhiệm vụ trước hết là ổn định giá trị đồng EURO và nó được trang bị đầy đủ những công cụ có hiệu lực để làm việc đó như: Quy định trong toàn liên minh tỷ lệ thâm hụt ngân sách thấp, mức nợ thấp, tỷ giá hối đoái cố định... Nhưng tất cả những biện pháp đó lại có xu hướng kìm hãm sự tăng trưởng kinh tế trong EURO. Vì vậy, sự tăng trưởng kinh tế của EU giờ đây phải chuyển sang cho chính sách tài chính. Nếu như chính sách tài chính vẫn chưa được phối hợp trong toàn EU thì mục đích tăng trưởng kinh tế trong toàn liên minh vẫn còn là vấn đề khó khăn.

Trong liên minh tiền tệ (EMU), cuộc cạnh tranh nhằm giảm chi phí sản phẩm ngày càng trở lên căng thẳng hơn. Thuế là nhân tố chi phí của doanh nghiệp, nên cũng nằm trong tâm điểm của cuộc cạnh tranh này. Nhưng thuế cũng là nguồn thu quan trọng của Nhà nước. Với xu hướng cạnh tranh ngày càng làm giảm mức thuế trong toàn EU, nguy cơ tồn tại một mức thuế thấp không đủ khả năng tài chính cho những nhiệm vụ của nhà nước đã có thể xuất hiện. Chỉ có sự phối hợp chính sách thuế giữa các nước thành viên của EMU mới loại trừ được khả năng nói trên.

Trong khu vực đồng EURO, sự khác biệt về trình độ phát triển của các nước còn rất lớn. Một trong những biện pháp để giảm phân cực đó là sự tái phân phối lại thu nhập quốc dân trên toàn liên minh Châu Âu để viện trợ cho những khu vực tài chính yếu kém. Đem thu nhập của một nước giàu có để chu chuyển không hoàn lại cho một nước nghèo hơn, sẽ rất khó được thực hiện nếu như trong phạm vi toàn EU không có một chính sách ngân sách thống nhất, một cơ chế tổ chức và một cơ sở luật pháp hài hoà.

Như vậy, để có được một đồng tiền chung ổn định và được sử dụng rộng rãi trên thị trường đòi hỏi các quốc gia thành viên phải điều chỉnh các chính sách của mình cho phù hợp với mục tiêu chung của toàn liên minh. Phối hợp các chính sách kinh tế tài chính sẽ tạo cho đồng EURO một môi trường thuận lợi trong quá trình phát triển của đồng tiền chung này.

Tóm lại, mỗi biện pháp trên đều có tính hai mặt của nó, việc sử dụng chúng nhằm ổn định giá trị đồng EURO đòi hỏi các nước thành viên phải kết hợp chặt chẽ với ECB. Trong từng giai đoạn khác nhau, với từng bối cảnh kinh tế thế giới, ECB có thể lựa chọn phương sách thích hợp nhất cho việc thực hiện nhiệm vụ của mình - ổn định giá trị đồng EURO.

Một phần của tài liệu Tiểu luận:" Sự biến động đồng EURO và một số vấn đề đặt ra đối với Việt Nam " (Trang 81 - 84)