Nguyên nhân chủ yếu.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG TỈNH PHÚ THỌ (Trang 35 - 40)

- Về phía ngân hàng

+ Chưa đa dạng hoá các nghiệp vụ cho vay ngắn hạn

Các món vay được thực hiện tại ngân hàng chủ yếu tập trung vào hai nghiệp vụ là cho vay ngắn hạn từng lần và cho vay theo hạn mức. Hai phương thức này mang tính thụ động, hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng, ngân hàng hoàn toàn không chủ động trong cho vay. Nghiệp vụ thấu chi và cho vay luân chuyển cũng đã được áp dụng đối với một số khách hàng nhưng quy mô còn nhỏ, chủ yếu mới là những thử nghiệm ban đầu.

+ Hạn chế về năng lực chuyên môn của các cán bộ tín dụng

Hiện nay cán bộ tín dụng kiêm nhiệm luôn cả nhiệm vụ thẩm định cho vay. Các cán bộ tín dụng có nhiều kinh nghiệm trong lĩnh vực của mình phụ trách, tuy nhiên để làm tốt khâu thẩm định thì những kiến thức cần phải có rất rộng trên nhiều phạm vi và lĩnh vực. Điển hình là việc xem xét tài sản đảm bảo, quyền sở hữu và quyền sử dụng, những khía cạnh liên quan đến luật pháp thì không phải ai cũng có thể nắm vững được, vì đây không phải là chuyên môn chính của họ. Có thể nói những cán bộ làm việc tại ngân hàng là những người có trình độ chuyên môn cao nhưng những hạn chế nêu trên thì không thể tránh khỏi.

+ Tình trạng thiếu thông tin, hoặc thông tin không chính xác

Trong một xã hội thông tin như hiện nay, vấn đề thông tin trở thành một trong những yếu tố chính trong cạnh tranh. Những ai nắm được càng nhiều thông tin chính xác, kịp thời thì càng có nhiều cơ hội thành công. NHTM hoạt động trong lĩnh vực tài chính tiền tệ - một lĩnh vực dịch vụ mà thông tin là yếu tố cạnh tranh chủ yếu, nó quyết định sự thành công hay thất bại của ngân hàng. Muốn thực hiện tốt công việc kinh doanh, ngân hàng phải tìm kiếm thông tin về khách hàng từ mọi nguồn có thể. Tuy nhiên hiện nay, ngân hàng chưa có được một cơ chế, một cách

thức tối ưu để tìm kiếm thông tin. Những thông tin chủ yếu là do khách hàng cung cấp, và ngân hàng không tìm được cách nào để xác định liệu những thông tin đó là đúng hay sai. Hiện nay NHNN cũng đã thiết lập được một trung tâm thông tin rộng lớn để đáp ứng nhu cầu thông tin của các ngân hàng. Tuy nhiên do không được cập nhật thường xuyên nên những thông tin này đã lạc hậu, chỉ phản ánh những mặt trong quá khứ, không phản ánh được những thay đổi trong hiện tại của khách hàng. Do vấn đề thiếu thông tin nên việc thẩm định khách hàng gặp rất nhiều khó khăn, không đảm bảo tính đúng đắn và chính xác.

+ Biện pháp hỗ trợ khách hàng sau khi vay vốn chưa tốt

Hiện nay mối quan hệ giữa cán bộ tín dụng và khách hàng còn chưa tốt. Sau khi cho vay xong, các cán bộ tín dụng thường ít quan tâm đến tình hình kinh doanh của doanh nghiệp mà chỉ lo tìm kiếm những khách hàng mới. Trong môi trường cạnh tranh khốc liệt hiện nay, việc khách hàng vay vốn gặp phải những khó khăn lớn là điều dễ dàng xảy ra, nếu cán bộ không giám sát chạt chẽ, không hiểu rõ được tình hình tài chính của khách hàng, không trợ giúp họ trong việc giải quyết những khó khăn thì nguy cơ chậm trả lãi, vốn chắc chắn sẽ xảy ra. Ngân hàng thường bị động trong việc giải quyết các khó khăn cùng với khách hàng. Các cán bộ tín dụng thường chỉ gọi điện cho khách hàng để nhắc trả nợ, giục trả nợ chứ không quan tâm đến khó khăn mà khách hàng gặp phải.

- Về phía khách hàng

+ Khả năng tài chính của khách hàng kém

Các doanh nghiệp vừa và nhỏ hiện nay chiếm một tỷ trọng lớn trong tổng số các doanh nghiệp. Các doanh nghiệp này có vốn chủ sở hữu nhỏ, tài sản đảm bảo có giá trị không cao, do đó không có khả năng vay được những nguồn vốn lớn để đáp ứng nhu cầu sử dụng vốn của mình. Đồng thời với những phương án kinh

doanh khi xem xét có hiệu quả cao, tuy vậy do giới hạn về tài sản đảm bảo nên không thể cho vay theo nhu cầu của khách hàng thì chất lượng món vay này cũng không thể coi là tốt. Kể cả trong trường hợp cho vay thì nếu giá trị tài sản đảm bảo không đủ cũng sẽ gây ra rủi ro cho ngân hàng. Dù trong bất kì trường hợp nào thì khi tình hình tài chính của doanh nghiệp không tốt thì chất lượng của khoản vay sẽ không cao.

+ Khả năng sử dụng vốn của doanh nghiệp kém

Trong quá trình hoạt động của mình, do nhiều yếu tố khách quan và chủ quan mà các dự án kinh doanh không thuận lợi. Các doanh nghiệp hoạt động không tốt, không tận dụng được vốn vay từ ngân hàng. Các yếu tố chủ quan có thể là do trình độ quản lý, lãnh đạo của người chủ doanh nghiệp, không thích ứng được với những thay đổi của thị trường. Nguyên nhân khách quan có thể đến từ những khách hàng của doanh nghiệp, các đối tác làm ăn, các đối thủ cạnh tranh, từ những biến động bất lợi trên thị trường. Dù là nguyên nhân như thế nào đi nữa thì kết quả vẫn là doanh nghiệp làm ăn không hiệu quả, kinh doanh không có lợi nhuận, không trả được nợ cho ngân hàng, tạo ra các khoản nợ xấu cho ngân hàng.

+ Đạo đức của khách hàng

Một vấn đề có thể làm ảnh hưởng đến chất lượng cho vay của ngân hàng là ý chí trả nợ của khách hàng, đây chính là rủi ro đạo đức. Khi khách hàng đã giành được khoản tiền từ ngân hàng thì việc sử dụng vốn hoàn toàn phụ thuộc vào khách hàng, ngân hàng khó có thể can thiệp được. Khi khách hàng không sử dụng vốn đúng mục đích, khoản cho vay không thể có chất lượng cao. Khi khách hàng chây ì không trả nợ, có các hành vi lừa đảo cán bộ tín dụng thì cũng ảnh hưởng đến chất lượng tín dụng do không thực hiện được mục tiêu vay vốn.

+ Môi trường cạnh tranh gay gắt trong hệ thống các NHTM Việt Nam. Số lượng các ngân hàng thương mại cổ phần ngày càng gia tăng với chất lượng tốt, với cơ chế cho vay thông thoáng đã tạo ra áp lực cho hệ thống các ngân hàng thương mại quốc doanh, làm ảnh hưởng đến các hoạt động, quy trình tín dụng của các ngân hàng, dẫn đến ngân hàng không thực hiện được đầy đủ và thường xuyên các yêu cầu về chất lượng cho vay.

+ Môi trường pháp lý còn có những trở ngại cho hoạt động của ngân hàng

Một trong những vướng mắc đối với ngân hàng khi thực hiện những hoạt động của mình là việc mâu thuẫn giữa những văn bản pháp luật. Hệ thống các văn bản pháp luật nói chung và văn bản liên quan đến hoạt động ngân hàng nói riêng còn chưa đầy đủ, thiếu tính thống nhất. Trong các văn bản pháp luật, còn nhiều quy định không phù hợp với thực tế, gây nên những vướng mắc khi thực hiện. Điển hình nhất là quy định về tài sản đảm bảo khi tài sản là quyền sở hữu đất.

Việc xét xử các vụ vi phạm hợp đồng kinh tế không thuận tiện và nhanh chóng cho các bên có liên quan; hơn nữa các biện pháp, công cụ pháp chế không có hiệu quả, các bên không tuân theo quyết định của trọng tài kinh tế hoặc không bị xử lý. Pháp lệnh về hợp đồng kinh tế không được coi trọng, việc kí và thực hiện hợp đồng không nghiêm túc, đôi khi hợp đồng chỉ mang tính hình thức để hợp pháp hóa thủ tục vay vốn ngân hàng. Các doanh nghiệp không trung thực trong việc cung cấp thông tin cho ngân hàng.

Sự phối hợp giữa các bên có liên quan chưa thường xuyên và hiệu quả. Trung tâm thông tin vẫn chưa thực sự giúp đỡ nhiều cho ngân hàng trong việc thu thập thông tin và hỗ trợ thông tin cho ngân hàng. Hoạt động kiểm toán chưa thực sự có ý nghĩa nhiều và chưa có sự gắn kết với ngân hàng. Các cơ quan hành chính nhà nước, các cơ quan công an, tòa án cũng chưa có sự phối hợp chặt chẽ với ngân

hàng trong việc xử lý các vụ việc vượt quá tầm xử lý của ngân hàng. Thực tế đòi hỏi các cơ quan này phải có mối quan hệ chặt chẽ với ngân hàng.

Tóm lại, trong thời gian qua, bên cạnh nhiều kết quả đã đạt được, chi nhánh ngân hàng công thương tỉnh Phú Thọ vẫn còn có những tồn tại nhất định làm ảnh hưởng đến chất lượng cho vay ngắn hạn. Trong thời gian sắp tới, ngân hàng cần phải có những biện pháp để nâng cao chất lượng cho vay ngắn hạn, từ đó đóng góp vào sự phát triển chung của Ngân hàng Công thương Việt Nam.

Một phần của tài liệu THỰC TRẠNG CHẤT LƯỢNG CHO VAY NGẮN HẠN ĐỐI VỚI DOANH NGHIỆP TẠI NGÂN HÀNG CÔNG THƯƠNG TỈNH PHÚ THỌ (Trang 35 - 40)