- Sự nổi tiếng của nhãn hiệu sản phẩm trên thị trường:
THỰC TRẠNG THỊ TRƯỜNG TIÊU THỤ SẢN PHẨM CỦA CÔNG TY GIẦY THƯỢNG ĐÌNH
2.1.1 Khái quát chung của công ty
- Tên: Công ty Giầy Thượng Đình
- Địa chỉ: 227-Km8-Nguyễn Trãi-Thanh Xuân-Hà Nội - Điện thoại: (84-4) 8541346, 5582240, 8544312 - Website: http://www.thuongdinhfootwear.com - Email: tdfootwear@fpt.vn
- Loại hình doanh nghiệp: Doanh nghiệp Nhà nước. - Cơ quan cấp trên trực tiếp: Sở Công nghiệp Hà nội.
- Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh: sản xuất giầy vải, giầy thể thao, dép Sandal phục vụ cho mục đích chính là xuất khẩu và tiêu thụ trong nước.
* Hoàn cảnh ra đời
Xí nghiệp X30-tiền thân của công ty giầy Thượng Đình - chịu sự quản lý của Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam, có nhiệm vụ sản xuất mũ cứng, giầy vải
Mục tiêu hiện tại của Công ty với nhiệm vụ trong buổi đầu thành lập có sự khác nhau rất rõ: Xí nghiệp X30 ra đời trong hoàn cảnh đất nước có chiến tranh và hoạt động của Xí nghiệp là phục vụ cho cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của nhân dân ta, còn Công ty Giầy Thượng Đình ngày nay hoạt động theo cơ chế thị trường lấy hiệu quả sản xuất kinh doanh là mục tiêu hàng đầu.Tuy có sự khác nhau như vậy nhưng giầy vải vẫn là sản phẩm truyền thống của Công ty.
* Lịch sử hình thành Giai đoạn 1957 - 1960 :
- Về tổ chức quản lý:
+ Chịu sự quản lý của Cục Quân nhu Tổng cục Hậu cần Quân đội nhân dân Việt Nam.
+ Ban giám đốc và công nhân đều xuất thân từ quân đội, các kiến thức về quản lý chưa được trang bị đầy đủ, trong hoàn cảnh chiến tranh thiếu thốn về nguyên liệu, lao động có tay nghề, máy móc thiết bị.., hoạt động của Xí nghiệp còn mang tính tự phát. Tuy nhiên, nhờ lòng nhiệt tình, tất cả vì miền
Nam ruột thịt, Xí nghiệp vẫn hoàn thành nhiệm vụ được giao và hoạt động quản lý dần dần đi vào quy củ.
b) Về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh:
Sản xuất mũ cứng và giầy vải cung cấp cho bộ đội. Kết quả sản xuất của thời kỳ đầu: năm 1957 và 1958 tổng số mũ các loại gần 50.000 chiếc/năm. Năm 1960 lên đến hơn 60.000 chiếc/năm và cùng năm sản lượng giầy vải ngắn cổ đạt trên 200.000 đôi. Với những thành tích này, năm 1960, xí nghiệp được chính phủ tặng thưởng Huân chương chiến công hạng Ba và vinh dự đón Đại tướng Võ Nguyên Giáp - Tổng chỉ huy Quân đội về thăm.
Giai đoạn 1961 - 1972
- Về tổ chức quản lý:
+ 2-1961, Xí nghiệp X30 chính thức chuyển giao từ Cục Quân nhu, Tổng Cục Hậu cần sang Cục Công nghiệp, Thành phố Hà nội.
+ 6-1965, Xí nghiệp X30 tiếp nhận một đơn vị công tư hợp doanh sản xuất giầy dép là Liên xưởng kiến thiết giầy vải ở phố Trần Phú và phố Kỳ Đồng và đổi tên thành Nhà máy cao su Thuỵ Khuê
+ 1970, sáp nhập thêm Xí nghiệp giầy vải Hà nội cũ và đổi tên thành Xí nghiệp giầy vải Hà nội. Như vậy, sự thay đổi về mặt tổ chức quản lý phù hợp với xu hướng lúc đó là tiến hành cải tạo công thương nghiệp tư bản tư doanh, chuyển các cơ sở sản xuất tư bản tư doanh sang Xí nghiệp công tư hợp doanh hoặc Xí nghiệp quốc doanh.
+ Trong giai đoạn này nhiều lần Xí nghiệp phải phân tán đi nhiều nơi để tránh bom đạn tàn phá của kẻ thù. Sự không ổn định về địa điểm sản xuất gây nhiều khó khăn cho hoạt động quản lý của Xí nghiệp. Các cán bộ của Xí nghiệp, vừa lao động, chiến đấu, vừa thu xếp công việc gia đình, nhưng với lòng quyết tâm cao, họ vẫn khắc phục mọi khó khăn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ được giao.
- Về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh:
+ Góp phần xây dựng nền công nghiệp còn non trẻ của thành phố (đánh dấu bằng việc chuyển chủ thể quản lý từ Cục Quân nhu sang Cục Công nghiệp thành phố Hà Nội).
+ Nhiệm vụ sản xuất kinh doanh không chỉ giới hạn trong nước mà đã có những sản phẩm xuất sang Liên Xô và các nước Đông Âu (giầy Basket) nhờ mở rộng quy mô và đa dạng hoá sản phẩm.
Giai đoạn 1973-1989
c) Về tổ chức quản lý:
Giai đoạn này đánh dấu sự xuất hiện nhiều đơn vị mới tách ra từ Xí nghiệp giầy vải Hà Nội:
+ Ngày 1-4-1973: Phân xưởng mũ cứng của Xí nghiệp tách ra thành lập Xí nghiệp mũ Hà nội.
+ Năm 1976: Giao phân xưởng may ở Khâm Thiên để UBND Thành phố Hà nội thành lập trường dạy cắt may Khâm Thiên. Cùng năm đó, Hội Đồng Nhà thờ Thế giới đã viện trợ 2 triệu USD cho việc xây dựng một nhà máy sản xuất giầy vải, một dây chuyền sản xuất giầy vải công nghiệp đầu tiên được lắp đặt tại Thượng Đình cũ.
+Tháng 6-1978: Xí nghiệp giầy vải Hà nội hợp nhất với Xí nghiệp giầy vải Thượng Đình cũ và lấy tên là Xí nghiệp giầy vải Thượng Đình nằm trong Khu công nghiệp Thượng Đình.
+ Tháng 4-1989, theo yêu cầu phát triển của ngành giầy, Xí nghiệp đã tách cơ sở 152 Thuỵ Khuê để thành lập Xí nghiệp giầy Thuỵ Khuê. Mặc dù quy mô và cơ cấu tổ chức của Xí nghiệp luôn luôn biến động nhưng Xí nghiệp luôn chịu sự quản lý trực tiếp của Sở Công nghiệp Hà nội.
d) Về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh:
Trang bị giầy vải, mũ cứng cho quân đội. Đáp ứng nhu cầu trong nước và xuất khẩu sang Liên Xô và các nước XHCN (giầy Basket, X314, X330). Đa dạng hoá và nâng cao chất lượng sản phẩm theo khẩu hiệu: “ chất lượng là sống còn”
- Về tổ chức quản lý:
+ Những giai đoạn trước đây, Xí nghiệp chịu sự chỉ đạo kế hoạch tập trung của Nhà nước thông qua cơ quan cấp trên trực tiếp là Sở Công nghiệp Hà Nội. Sau Đại hôi Đảng VI, cơ chế kế hoạch hoá tập trung được xoá bỏ thay vào đó là cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước. Hình thức tổ chức quản lý thay đổi một cách căn bản, vai trò tự chủ, độc lập trong sản xuất kinh doanh được nâng cao.
+ Ngày 8/7/1993, theo quyết định số 2556/QĐUB của Chủ tịch UBND Thành phố, phạm vi chức năng của Công ty được mở rộng: Xí nghiệp trực tiếp xuất khẩu và kinh doanh giầy dép các loại cũng như nguyên vật liệu, máy móc thiết bị phục vụ cho nó, cũng theo quyết định này, Xí nghiệp đổi tên thành Công ty Giầy Thượng Đình.
+ Cải tiến liên tục thiết bị máy móc, mở các lớp đào tạo nâng cao tay nghề cho cán bộ công nhân, xây dựng phong trào tự quản nhằm nâng cao tinh thần trách nhiệm, ý thức kỷ luật của công nhân, tổ chức quản lý theo tiêu chuẩn ISO 9000-9001.
-Về nhiệm vụ sản xuất kinh doanh:
+ Liên Xô và các nước Đông Âu sụp đổ, Xí nghiệp gặp rất nhiều khó khăn do mất thị trường xuất khẩu chính. Nhưng Xí nghiệp vẫn xác định mục tiêu là phải có thị trường xuất khẩu, Xí nghiệp đã chuyển hướng thị trường xuất khẩu sang các nước thuộc EU và Mỹ và đã đạt được một số thành công bước đầu.
+ Chiếm lĩnh thị trường trong nước.
+ Nâng cao hơn nữa chất lượng sản phẩm thoả mãn tối đa nhu cầu khách hàng.
2.1.2.Cơ cấu tổ chức Bộ máy tổ chức (quản lý):
Bộ máy tổ chức quản lý của Công ty được phân thành hai cấp quản lý: - Cấp quản lý doanh nghiệp
- Cấp quản lý phân xưởng
- Giám đốc là người đứng đầu Công ty, đại diện cho Nhà nước và công nhân viên quản lý toàn bộ mọi hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty, có quyền quyết định mọi hoạt động của Công ty theo đúng kế hoạch và chính sách pháp luật của Nhà nước và Nghị quyết của Đại hội công nhân viên chức.
- Giám đốc trực tiếp xây dựng định mức và chất lượng sản phẩm, coi đó là căn cứ cơ bản để thực hiện chế độ lương, thưởng.
- Giám đốc phải chịu mọi trách nhiệm về kết quả hoạt động kinh doanh của Công ty trước Nhà nước và tập thể Công ty.
- Giúp việc cho Giám đốc là 2 trợ lý Giám đốc và 4 Phó Giám đốc , bao gồm : Phó Giám đốc Kỹ thuật, công nghệ và chất lượng; Phó Giám đốc Sản xuất ; Phó Giám đốc Xuất nhập khẩu; Phó Giám đốc vệ sinh môi trường và an toàn lao động. Các giám đốc đảm nhiệm các mảng công việc theo đúng tên gọi chức danh.
* Chức năng và nhiệm vụ : Nhiệm vụ chủ yếu của Công ty là sản xuất, kinh doanh, xuất nhập khẩu giầy dép, phụ liệu, thiết bị da giầy và dịch vụ du lịch. Năng lực sản xuất đạt từ 3 - 4 triệu đôi các loại.
* Trong cơ cấu tổ chức của công ty có 12 phòng ban và 7 phân xưởng.
Phòng Hành chính - Tổ chức (HC - TC)
- Thực hiện việc bố trí, sắp xếp, điều động lao động trong Công ty, tuyển dụng và đào tạo lao động, công tác tiền lương, chế độ chính sách đối với người lao động.
- Thực hiện tổ chức các hội nghị, phong trào thi đua, đón tiếp khách của công ty và các thủ tục hành chính khác. Đặc biệt phòng còn quản lý bộ phận ISO như hướng dẫn và giám sát chất lượng sản phẩm...
Phòng Kế toán - Tài chính (KT - TC)
Quản lý toàn bộ vốn và tài sản của công ty, đưa ra các quyết định đầu tư, hạch toán các nghiệp vụ kinh tế phát sinh trong kỳ. Bộ máy kế toán được tổ chức theo hình thức kế toán tập trung, hạch toán độc lập theo phương pháp kê khai thường xuyên, ghi sổ kế toán theo hình thức: Nhật ký. Chứng từ, hạch toán thuế giá trị gia tăng (VAT) theo phương pháp khấu trừ (đầu ra - đầu vào)
Phòng tiêu thụ
Phụ trách việc bốc dỡ, lưu kho vận chuyển và tiêu thụ sản phẩm phục vụ thị trường nội địa.
Phòng kinh doanh - xuất nhập khẩu (XNK)
Có nhiệm vụ thu thập thông tin thị trường, giao dịch và tìm kiếm các đối tác nước ngoài để ký kết các hợp đồng sản xuất và tiêu thụ giầy xuất khẩu.
Phòng chế thử mẫu (CTM)
Chịu trách nhiệm về việc thiết kế, chế thử mẫu, đảm bảo việc thực hiện kỹ thuật sản xuất theo đúng quy trình công nghệ.
Phòng Kế hoạch - vật tư (KH-VT):
Lập kế hoạch sản xuất, lập định mức vật tư, khai thác các nguồn cung ứng và thu mua vật tư phục vụ sản xuất theo đúng tiến độ.
Phòng quản lý chất lượng (QC)
Quản lý và chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm của công ty, thường xuyên theo sát từng công đoạn sản xuất và kiểm tra chất lượng của sản phẩm trước khi đem ra thị trường tiêu thụ.
Phòng kỹ thuật công nghệ (KT-CN)
Đưa ra quy trình công nghệ (các bước công việc) trong quá trình sản xuất. Định mức nguyên vật liệu và kiểm tra. Theo dõi, kiểm soát và đo lường sản phẩm nếu có khuyết tật thì phải có hành động phòng ngừa và khắc phục.
Phòng sản xuất - gia công (SX - GC)
Tổ chức và quản lý gia công thành phẩm và bán thành phẩm tại các đơn vị. Tổ chức quá trình sản xuất, chất lượng, xác nhận mẫu, phân tích dữ liệu và đề xuất cải tiến.
Các phòng ban khác
Trạm y tế thường xuyên kiểm tra, khám sức khoẻ định kỳ cho người lao động. Phòng bảo vệ đảm bảo an ninh trật tự cho mọi hoạt động diễn ra trong công ty. Ban vệ sinh lao động thực hiện nhiệm vụ kiểm tra giám sát vệ sinh an toàn lao động.
Xưởng cơ năng
Có nhiệm vụ sửa chữa kịp thời các máy móc, thiết bị sản xuất bị hỏng hóc nhằm phục vụ cho việc sản xuất diễn ra đúng với tiến độ đã định.
2.2 Đặc điểm chung về hoạt động kinh doanh của công ty ảnh hưởng đến phát triển thị trường.