M: Người mua B: Người bán K: Hoặc người bán hoặc người mua
5.4 Phương thức thanh toán
Có rất nhiều phương thức thanh toán khác nhau trong thanh toán quốc tế. Dưới đây là một số phương thức thanh toán cơ bản thường được áp dụng trong mua bán ngoại thương (sắp xếp theo mức độ rủi ro tăng dần về phía người bán):
Trả trước, Điện chuyển tiền (T/T)
Thư tín dụng (L/C)
Nhờ thu trả chậm (documents against acceptance - viết tắt: D/A)
Nhờ thu trả ngay (Documents against Payment - viết tắt: (D/P)
Thanh toán Ghi sổ.
Với người bán, họ quan tâm nhất là việc người mua thanh toán đầy đủ và đúng thời hạn, cho nên rủi ro là vấn đề mà họ lưu tâm nhiều nhất. Một trong những yếu tố quan trọng để giảm thiểu rủi ro là biết rõ có những rủi ro gì. Vì thế, bạn nên hỏi ý kiến ngân hàng để nhờ họ tư vấn lựa chọn phương thức thanh toán hợp lí nhất cho từng lần giao dịch mua bán cụ thể.
Trả trước: đây có lẽ là phương thức thanh toán mong muốn nhất của người bán vì họ không
phải chịu sức ép về rủi ro phát sinh và có thể thu được tiền hàng ngay nếu sử dụng phương thức điện chuyển tiền. Tuy nhiên, phương thức này gây nhiều khó khăn về dòng tiền và tăng rủi ro cho người mua cho nên thông thường họ ít khi chấp nhận trả tiền trước khi nhận được hàng. Để đảm bảo lợi ích cho cả hai bên, bạn nên thỏa thuận với người mua về phương thức thanh toán. Trong trường hợp người mua không chấp nhận thanh toán toàn bộ tiền hàng trước khi vận chuyển, để giảm bớt rủi ro, bạn có thể cân nhắc đến phương thức trả ngay từng phần. Để giảm thiểu rủi ro, trong hợp đồng ngoại thương có thể qui định như sau: “người mua phải trả cho người bán 30% tiền hàng sau khi hợp đồng được ký kết; phần còn lại sẽ được thanh toán khi người mua nhận được bản copy bộ chứng từ gửi hàng” hoặc “người mua phải trả cho người bán 30% tổng giá trị hợp đồng sau khi hai bên ký kết hợp đồng; phần còn lại sẽ được thanh toán bằng thư tín dụng không hủy ngang có xác nhận”.
Thư tín dụng (L/C): Do phương thức trả tiền ngay mang lại nhiều rủi ro cho người mua (có
thể người xuất khẩu không chuyển hàng ngay cả khi đã được thanh toán) nên trong hoạt động mua bán quốc tế, thư tín dụng được sử dụng phổ biến hơn nhằm bảo đảm lợi ích cho cả hai bên. Theo đó, việc thanh toán chỉ được ngân hàng chấp nhận sau khi người bán đã xuất trình đầy đủ bộ chứng từ. Xét về thời gian thực hiện, thư tín dụng có thể là trả ngay (at sight), hoặc trả sau. Thư tín dụng thường được chia thành các loại sau: thư tín dụng có thể hủy ngang hoặc không hủy ngang, thư tín dụng có xác nhận hoặc không có xác nhận. Thư tín dụng không hủy ngang (irrevocable L/C) là loại thư tín dụng mà trong thời hạn hiệu lực của nó, ngân hàng mở (tức ngân hàng của người mua) hoặc người mua không có quyền hủy bỏ hay sửa đổi nội dung thư tín dụng nếu không có sự đồng ý của người xuất khẩu (người bán). Thư tín dụng hủy ngang (revocable L/C) là loại thư tín dụng mà ngân hàng mở có thể sửa đổi hoặc hủy bỏ vào bất cứ lúc nào mà không cần sự chấp thuận của người bán. Trong thư tín dụng có xác nhận, ngân hàng cam kết trực tiếp trả tiền hàng cho người bán. Còn đối với thư tín dụng không xác nhận, người xuất khẩu có được thanh toán hay không phụ thuộc vào ngân hàng nước ngoài.
Dưới đây là trình tự tiến hành thông thường khi thanh toán sử dụng phương thức thư tín dụng không hủy ngang có xác nhận (Confirmed Irrevocable Letter of Credit)5 của một ngân hàng Mỹ :
1. Sau khi thống nhất về các điều kiện bán hàng và ký kết hợp đồng, người nhập khẩu làm đơn gửi đến ngân hàng của mình xin mở thư tín dụng cho người xuất khẩu hưởng.
2. Căn cứ vào đơn xin mở thư tín dụng, ngân hàng mở thư tín dụng sẽ lập một thư tín dụng không hủy ngang, bao gồm tất cả những chỉ dẫn cho người bán liên quan đến việc vận chuyển hàng.