Khi xác định đồng phạm có thể phân biệt dấu hiệu về lượng và dấu hiệu về chất. Dấu hiệu về lượng thể hiện ở chỗ là trong tội phạm có hai hoặc nhiều người tham gia và họ phải là người có NLTNHS, đạt độ tuổi luật định đối với từng tội phạm.
Trong thực tiễn định tội danh thường nảy sinh vấn đề về việc đánh giá hành vi phạm tội của hai hoặc nhiều người cùng thực hiện tội phạm, trong đó luật quy định chủ thể của tội phạm đó phải là chủ thể đặc biệt như: các tội phạm về chức vụ, các tội xâm phạm nghĩa vụ, trách nhiệm của quân nhân và một số loại tội phạm khác. Việc chỉ ra trong quy phạm pháp luật hình sự về chủ thể đặc biệt về nguyên tắc là hạn chế giới hạn của trách nhiệm hình sự. Thứ nhất, tình tiết đó được biểu hiện trong việc thực hiện việc định tội danh các loại tội phạm như vậy. Chẳng hạn, người không phải là người có chức vụ, quyền hạn không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo các điều của BLHS về các tội phạm về chức vụ.
Đối với việc định tội danh hành vi nguy hiểm cho xã hội theo các điều luật quy định trách nhiệm hình sự về đồng phạm, ngoài dấu hiệu về lượng đã được chỉ ra ở trên, cần phải xác định cả các dấu hiệu về chất. Điều đó có nghĩa rằng hoạt động của hai hay nhiều người tham gia vào việc cùng thực hiện một tội phạm mang tính chất chung và hành vi của từng người đồng phạm ở trong mỗi liên hệ nhân quả với tội phạm được thực hiện. ở đây “tính cùng chung” được nếu ở nghĩa rằng hành vi của từng người đồng phạm đều hướng đến việc thực hiện cùng một
tội phạm, giữa các hành vi đó có mối liên hệ nhất định và mối liên hệ đó tạo ra tính quyết định lẫn nhau của hành vi của họ và cái đó được phản ánh trong mối liên hệ chủ quan giữa những người đồng phạm.
Khi nói về tính định hướng của các hành vi nguy hiểm cho xã hội đến việc thực hiện cùng một tội phạm, chúng ta cần phân biệt các trường hợp đó với các tình huống khi có một số người cùng một lúc và ngay cả cùng ở một nơi thực hiện các tội phạm độc lập khác nhau. Trong tình huống như vậy, không có đồng phạm.
Trong quá trình liên kết các nỗ lực của những người đồng phạm giữa họ đã có một mối liên hệ nhất định, một sự thống nhất bên trong của hành vi và mục đích. Cái đó có thể được thể hiện ở chỗ rằng mỗi người đồng phạm biết về việc tham gia thực hiện tội phạm của người khác, dựa vào sự tham gia của họ trong tội phạm. Mối liên hệ đó giữa những người đồng phạm có thể được xác định bằng lời nói, bằng văn bản, bằng các hành vi đồng ý ngầm khác nào đó. Trong khi tiến hành định tội danh, nảy sinh vấn đề là đối với đồng phạm có phải có sự đồng ý trước, sự thoả thuận trước, sự đã cùng được tổ chức trước giữa những người đồng phạm hay không? Chúng tôi cho rằng sự hiểu biết lẫn nhau trước đó của người thực hành và những người đồng phạm khác, hơn thế nữa sự đồng ý trước, sự thoả thuận trước giữa họ về việc cùng thực hiện tội phạm bao giờ cũng chỉ đặc trưng cho những hình thức đồng phạm nguy hiểm nhất của đồng phạm, chứ không phải là các dấu hiệu bắt buộc của nó. Khi nói về mối liên hệ của dấu hiệu của đồng phạm như tính cùng chung với các yếu tố của mặt chủ quan như sự hiểu biết lẫn nhau, sự thoả thuận trước, sự đã cùng được tổ chức trước... cần phải cân nhắc các yếu tố sau:
1. Việc cùng thực hiện có nghĩa là hai hoặc nhiều người về khách quan cùng thực hiện một tội phạm. Để xác định được dấu hiệu đó cần chứng minh rằng những người đó về khách quan liên hợp sức mạnh, nỗ lực của mình để thực hiện tội phạm đó. Từng người đồng phạm đều có đóng góp phần của mình vào “công việc phạm tội chung”. Sự đóng góp đó có thể rất khác nhau. Do vậy, pháp luật hình sự nước ta phân những người đồng phạm thành: người thực hành, người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức.
2. Nhân tố của mối liên hệ chủ quan giữa những người tham gia thực hiện tội phạm rất có ý nghĩa biểu hiện ở sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hay ít của những người đồng phạm về việc tham gia trong tội phạm, mức độ thống nhất về mặt tâm lý bên trong cao hay thấp giữa những người đồng phạm. Sự hiểu biết lẫn nhau nhiều hay ít của những người đồng phạm về việc tham gia trong tội phạm, mức độ thống nhất về mặt tâm lý bên trong cao hay thấp giữa những đồng phạm, sự thoả thuận trước, tính đã cùng được tổ chức trước - tất cả những cái đó có thể là bằng chứng thuyết phục của việc cùng thực hiện hành vi phạm tội. Tất cả những cái đó cần phải được chú ý trong khi định tội danh đối với các tội phạm được thực hiện bằng đồng phạm.
3. Đối với phạm tội có tổ chức với hình thức là tổ chức phạm tội là một dạng của đồng phạm, đối với các hình thức đó cũng có dấu hiệu đặc trưng là việc
cùng thực hiện hành vi phạm tội của những người tham gia vào tổ chức đó. Nhưng mức độ cùng thực hiện phạm tội mang tính chất vững chắc, nguy hiểm hơn. Và cái đó được giải thích bằng mức độ hiểu biết lẫn nhau của họ về hoạt động phạm tội của các tổ chức đó.
4. Đối với hình thức đồng phạm đơn giản, khi mà ở đó có người thực hành, người giúp sức, người xúi giục, thì dấu hiệu cùng chung thực hiện sẽ có trong trường hợp nếu tất cả họ đều tham gia trong việc thực hiện cùng một tội phạm. Trong trường hợp này không đòi hỏi là tính cùng chung đó đã có được do có sự thoả thuận trước đó. ở đây chỉ cần xác định được rằng ở những người đó đã có sự cùng cố ý thực hiện cùng một tội phạm. Đương nhiên điều đó không có nghĩa rằng bắt buộc phải có sự hiểu biết lẫn nhau. Nếu như trong khi định tội danh các hành vi của những người có lỗi chỉ cần chứng minh được rằng người xúi giục và người giúp sức đã biết được tội phạm do người thực hành chuẩn bị và xúi giục và giúp sức một cách có ý thức việc thực hiện tội phạm đó. Còn điều đề cập đến sự đòi hỏi về sự hiểu biết của người thực hành về hoạt động của người xúi giục, người giúp sức và người tổ chức, thì điều kiện đó không đòi hỏi phải có trong bản chất pháp lý của chế định đồng phạm.
Do vậy, không nên coi một trong những dấu hiệu bắt buộc của đồng phạm là đòi hỏi về sự phối hợp chặt chẽ và tính bắt buộc của sự hiểu biết lẫn nhau về các hành vi phạm tội của từng người đồng phạm.
5. Trong đồng phạm, tất cả những người đồng phạm đều tham gia vào việc thực hiện tội phạm, dù rằng sự tham gia của từng người đồng phạm mang tính chất đặc thù. Do vậy, trong đồng phạm hành vi được mô tả trong điều luật tương ứng thuộc phần các tội phạm trực tiếp được người thực hành thực hiện, còn những người đồng phạm còn lại bằng các hành vi của mình tạo ra những điều kiện cần thiết cho việc người thực hành thực hiện phạm tội và như vậy trong mối liên hệ nhân quả với nó.
Việc cùng thực hiện hành vi của những đồng phạm cần phải có sự tồn tại mối quan hệ nhân quả giữa hành vi của từng người đồng phạm và người thực hành. Trong khi đó việc xác định mối quan hệ nhân quả trong đồng phạm có đặc điểm đặc trưng cần được cân nhắc trong khi định tội danh. Chỉ hành vi nguy hiểm cho xã hội của người thực hành (của những người thực hành) có mối liên hệ trực tiếp và ở trong mối liên hệ trực tiếp với việc gây ra kết quả (ở các cấu thành vật chất) hoặc các hành vi phạm tội đó tự mình trực tiếp chứa đựng cấu thành tội phạm (ở các cấu thành tội phạm hình thức). Khi đề cập đến các hành vi phạm tội của người khác, thì các hành vi của họ không có mối liên quan trực tiếp, mà thông qua hành vi phạm tội của người thực hành (của những người thực hành). Những người đồng phạm đó đưa phần đóng góp của mình vào cơ chế chung của việc thực hiện tội phạm, tham gia vào việc thực hiện hành vi phạm tội, nhưng tác động đặc thù đến người thực hành, ủng hộ người đó. Việc cần nhắc tình tiết đó là cơ sở để cho rằng trong trường hợp vì những nguyên nhân nào đó người thực hành không thực hiện hành vi phạm tội, thì việc tham gia như vậy những người đồng phạm trong tội phạm được gọi là xúi giục chưa đạt, giúp sức chưa đạt và từ
quan điểm pháp lý hình sự sự tham gia đó được định tội danh như hoạt động phạm tội chưa hoàn thành.
Việc phân biệt các hình thức đồng phạm cần cân nhắc cả mức độ của sự phối hợp chặt chẽ, cả phương thức tác động lẫn nhau, cả tính chất tham gia của những người đồng phạm. Tất cả các đặc điểm đó của các loại cùng hoạt động phạm tội khác nhau cần phải được cân nhắc, chú ý trong việc định tội danh đối với các hình thức đồng phạm. Các hình thức đồng phạm được phân loại đó là: Đồng phạm giản đơn, đồng phạm phức tạp; đồng phạm không có sự thoả thuận trước, đồng phạm có sự thoả thuận trước; phạm tội có tổ chức và tổ chức phạm tội. Việc xác định đúng hình thức đồng phạm trong quá trình điều tra và trong xét xử vụ án hình sự giúp cho việc định tội danh đúng hành vi thực hiện tội phạm bằng đồng phạm.