7. Bố cục của khóa luận
2.1.2. Giọng xót xa, cay đắng
Xót xa, cay đắng là cảm xúc của con người khi mất mát những thứ quan trọng có ý nghĩa lớn lao hoặc khi gặp nhiều bất hạnh trong cuộc sống; đó cũng là cảm xúc của một ai đó đang sống “lạc thời” mà tâm hồn còn nhiều thiết tha, đau đáu với cuộc sống; là cảm xúc của một ai đó tủi phận khi nghĩ đến sự đời... Giọng điệu xót xa, cay đắng cũng bật ra từ những dòng cảm xúc ấy. Nó ẩn chứa trong những câu văn đẫm xúc cảm về cõi nhân sinh hoặc về chính cuộc đời mình, do đó nó mang giá trị thẩm mĩ sâu sắc.
Đọc Nguyễn Việt Hà (cả truyện ngắn và tạp văn), có thể thấy, cùng với giọng chủ âm là giễu nhại, bỡn cợt, người ta vẫn thấy phảng phất trong đây giọng điệu buồn thương xót xa. Nỗi buồn thương ấy không xuất phát từ biển đời đen bạc, từ thế cuộc nhố nhăng, cũng không nảy sinh từ cái nhìn bi đát trước cuộc đời mà nó được nói ra từ những trái tim còn ít nhiều tha thiết với cuộc đời, với cái đẹp. Có thể thấy, phần lớn giọng điệu xót xa cay đắng xuất hiện khi nhà văn đặt điểm nhìn trần thuật từ nhân vật hay khi nhà văn hóa thân vào nhân vật để suy tư, chiêm nghiệm về thế cuộc hỗn mang đương đại.
Trong “Cơ hội của Chúa”, thông qua những đoạn độc thoại nội tâm của các nhân vật, thông qua cách nhìn của các nhân vật về nhau, về cuộc đời. tác giả đã thể hiện sâu sắc, toàn diện những nét riêng của các nhân vật, đặc biệt là về cách họ nhìn cuộc sống.
Độc giả có thể thấy vang vọng nỗi xót xa cay đắng trong tiếng nói của Hoàng - chút vương sót cuối cùng của kiểu nhân vật chính diện trong văn chương truyền thống, nỗi xót xa, cay đắng khi anh tự nhủ: “Mình sẽ uống hết chai này, có cái gì cay đắng”. Giọng điệu ấy còn nhiều lần trở lại trong những khi Hoàng nhớ về Thủy, và càng sâu đậm hơn, khi anh mất cô - người con gái anh yêu. Âm hưởng này cũng thấy ngay trong lời Thủy mỗi khi nghĩ về anh (“anh Hoàng ơi, anh nghiện ngập rồi” [7, 348], “Hoàng có biết khi đi thực tập dưới này tôi đã phải âm thầm đi vá đôi săng đan đã sờn chỉ mũi hai lần”, “...
nhưng cứ kéo dài như vậy mãi ư hả anh, anh của em...” [7, 349]), về những kỉ niệm hạnh phúc đã có với người yêu mà nay phải từ bỏ tất cả, và khi cô nghĩ về cuộc đời mình... Giọng điệu này cũng tìm thấy trong suy tư, trăn trở của Nhã khi nghĩ về bản thân mình, nghĩ về những mối quan hệ với những người cô đã từng yêu và bị bội bạc: “thông minh giỏi giang để làm gì nếu những cái đấy chỉ cho tôi biết những bất hạnh. Lần đầu tôi đã bị bán rẻ cho cái lợi, còn lần này tôi không muốn lại là nạn nhân của cái danh [...]... thêm một lần nữa, sinh nhật của tôi chỉ có Hoàng và bé Phương Phương” [7, 505].
Có thể thấy, giọng điệu xót xa, cay đắng trong tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” xuất hiện khá dày. Điều này sẽ góp phần quan trọng trong việc thể hiện tâm tư của những “cái tôi” còn tha thiết với cái đẹp, với cuộc đời, mang trong mình cảm thức bất lực trước cái ác nhưng vẫn còn biết cầu xin Đức Chúa “hãy làm chậm trễ hành trình bẩn thỉu” của con người [7, 139]. Đến “Khải huyền muộn”, ta thấy tần số xuất hiện của giọng điệu này có bớt đi song không hoàn toàn thiếu vắng. Những xúc cảm, suy tư, cảm thức về cuộc đời và con người của các nhân vật trong truyện dường xoay quanh nhiều hơn với giọng giễu nhại, bỡn cợt, mỉa mai. Tuy thế ta vẫn bắt gặp đâu đó những dòng tâm sự đầy xót xa của cô người mẫu trong vai Cẩm My trước mối tình đầu bị phụ bạc: “Chao ôi là mối tình đầu. Tôi đã thấy những gì tôi cũng không nhớ và cũng không muốn nhớ” [8, 244]; “Tôi lễnh loãng nằm rờn rợn cay đắng, mắt mũi bải hoải tỉnh táo” [8, 245]; “Đàn ông ơi là đàn ông. Tiền ơi là tiền. Những cô gái mới lớn hoặc đã lớn đừng bao giờ tin vào bọn đàn ông súng sính bạc” [8, 245]. Thất bại trước mối tình đầu, cô gái trong vai người mẫu cay đắng nhận ra rằng mình chỉ là một trong vô số những nạn nhân của tiền bạc và sự giả dối, và mọi sự trên đời với cô chẳng những không đáng tin mà còn thấm đẫm sự đểu giả, mọi thang bảng giá trị, mọi chuẩn mực xã hội dường như hoàn toàn đổ vỡ, con người sống để lừa dối nhau. Kiểu giọng này
còn có cũng tìm thấy trong những cảm xúc chân thành đôi khi xuất hiện trong dòng suy tư của nhà văn Bạch...
Phân tích hai tác phẩm từ phương diện giọng điệu, ta thấy, từ “Cơ hội của Chúa” đến “Khải huyền muộn” có sự biến đổi. Nếu như trong “Cơ hội của Chúa”, giọng châm biếm bỡn cợt, giễu nhại và giọng xót xa cay đắng gần như đi liền kề sóng đôi thì đến “Khải huyền muộn” kiểu giọng xót xa cay đắng xuất hiện ít hơn, mà thay vào đó là sự bỡn cợt. Phải chăng nhà văn đã coi hiện thực cuộc sống đầy đảo lộn, không trật tự đó như một thực tế đương nhiên, anh ta bất lực và đành “chơi” cùng cái hỗn loạn của cuộc sống ấy.
Như vậy, sự biểu hiện của giọng điệu trần thuật trong hai tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà có nhiều biến đổi, hay đúng hơn là sự chuyển dịch. Và sự chuyển dịch đó chính là bằng cớ cho thấy sự chuyển dịch trong cái nhìn đời sống của nhà văn. Nhìn từ phương diện này, độc giả hoàn toàn có thể hình dung rõ nét về một bức tranh đời sống thời hiện đại, thấy được cách nhìn, quan điểm, thái độ riêng có của nhà văn trước cuộc đời.
2.1.3. Giọng triết lý, suy tư
Triết lý là sự thể hiện những khái quát mang tầm triết luận về một vấn đề, một hiện tượng nào đó của đời sống xã hội, của cõi nhân sinh. Giọng triết lý thể hiện cái nhìn có tính quy luật của tác giả về thời cuộc, con người...
Khai thác các tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà từ góc độ giọng điệu trần thuật, độc giả thấy rõ: bên cạnh những khái quát về con người và cuộc đời đậm chất giễu nhại, bên cạnh những trăn trở, hoài niệm thấm đậm xót xa cay đắng của các nhân vật là giọng điệu triết lý có phần bi quan của tác giả về con người và cuộc sống đương đại. Giọng triết lý bỡn cợt ấy có khi bật ra từ chính những trải nghiệm, suy nghĩ và sự khái quát của nhà văn, có khi nó được nói ra nhờ các nhân vật trong truyện. Chẳng hạn như, trong “Cơ hội của Chúa”, ta bắt gặp những “khái quát lớn”, kiểu như: “cuộc sống có ích là không ngừng
vươn lên và tự khẳng định mình” (tâm sự của Thủy) [7, 193], hay những khái quát ở khía cạnh hẹp, những “triết lý nhỏ nhặt”, kiểu như: “Những kẻ đểu giả thông minh khi tính toán luôn luôn nghĩ người khác cũng tính toán” [7, 82]; “không gian ba chiều, thời gian hai chiều còn con người có vô số chiều”; “con người là thực thể phức điệu; con người được phép sai lầm” [7, 114]; “Khi con người đã dám nói dối một lần thì cũng dám nói dối lần hai” [7, 157], “háo danh, ưa ăn diện là đức tính muôn đời của phụ nữ” [7, 243]; “trong thương trường, táo bạo là điều quyết định nhưng thận trọng là đức tính không thể thiếu”;… [7, 273].
Những quy luật, những điều thường xảy ra trong đời sống đã được Nguyễn Việt Hà đúc rút trong những câu văn ngắn gọn đậm chất suy lý mà không làm cho người đọc thấy khó hiểu, nặng nề hay siêu hình. Đó là sự tổng hợp từ kinh nghiệm, vốn sống, từ quan niệm của nhà văn trước hiện thực cuộc sống, do đó nó dung dị để mọi người có thể hiểu và chia sẻ được.
Đến “Khải huyền muộn”, tác giả một mặt tiếp tục khái quát những hiện tượng phổ biến trong xã hội hiện đại, kiểu như: “tiền bạc là phẳng được nếp nhăn xưng hô tuổi tác” [8, 70], hay “vị tha là một chữ lừa dối cổ kính”... Mặt khác, tác giả lại đào sâu thể hiện quan điểm của mình về văn chương và văn chương đương đại: “Xác chữ muôn đời chỉ là xác chữ” [8, 339]; “văn chương bị lặp lại đáng sợ như văn chương nhạt nhẽo” [8, 341], “văn chương là cái bị dùng theo thời thế, nhẹ thì bóp méo, nặng thì xuyên tạc chữ nghĩa về bản chất vốn đã sẵn sàng đạo đức giả...” [8, 342]. Văn chương là một đề tài thu hút sự chú ý của nhiều nhà văn, nghệ sĩ từ lâu. Với Nguyễn Việt Hà thì “văn chương bị lặp lại đáng sợ như văn chương nhạt nhẽo”, bởi văn chương là một nghệ thuật mà mọi nghệ thuật đều là sự tìm tòi. Tác phẩm nghệ thuật sẽ chết nếu nó không chứa đựng sự khám phá mới mẻ và sáng tạo không ngừng của nhà văn. Đây có lẽ là một khái quát thể hiện tập trung nhất quan niệm của nhà văn về
văn chương đích thực. Và có thể nói thực tiễn sáng tạo của Nguyễn Việt Hà đã minh chứng rõ nét quan điểm ấy.
Qua hai tác phẩm “Cơ hội của Chúa” và “Khải huyền muộn”, tác giả còn muốn gửi tới độc giả một suy tư sâu xa: cuộc sống ngày càng bề bộn, hỗn loạn, con người ngày càng tha hóa và mất dần niềm tin vào cái đẹp, danh lợi, dục vọng biến con người thành những kẻ xấu xa, đê tiện, bỉ ổi và mất nhân cách, nhưng nhà văn cũng không thôi mong muốn con người hãy suy nghĩ và tìm cho mình một hướng đi, một lối sống phù hợp, lành mạnh và tốt đẹp, để gìn giữ lại những gì nhân bản còn vương sót lại trong cuộc đời này.
Như vậy, khi triển khai tác phẩm của mình Nguyễn Việt Hà lấy sự phối hợp, kết hợp nhuần nhuyễn giữa các giọng chủ âm (giễu nhại bên cạnh xót xa, cay đắng đi liền với triết lý sâu xa) làm nền cho mọi cảm xúc, thể hiện tập trung tư tưởng tình cảm, quan niệm thẩm mỹ của nhà văn về đời sống. Tuy nhiên cũng cần thấy rằng bên cạnh ba giọng chủ âm xuyên suốt tác phẩm đó độc giả vẫn thấy tồn tại nhiều giọng điệu khác nhau tạo nên một bản hòa âm đa sắc điệu về cuộc sống: Đó là giọng ngậm ngùi của Hoàng khi tâm sự với cha Đức (“Con hoang mang thưa cha. Những ngày này con chỉ sống bằng lòng tin. Quá nhiều người ác, quá nhiều việc ác. Con gắng gỏi chấp nhận loay hoay với cuộc hiện sih này” [7, 316]), khi thầm trả lời câu hỏi của Nhã (“Mai cậu định làm gì” - “ừ nhỉ, mai tôi phải làm gì. Tôi vẩn vơ đi bộ trên vỉa hè ngân ngấn những vết nước của trận mưa vừa tạnh. Đã nhiều lần tôi không biết ngày mai tôi sẽ phải làm gì? Cái thời hăm hở của tôi sẽ chẳng bao giờ vòng lại. Nghĩ như thế là mình đã già. Tôi trẻ hay già?” [7, 470]) và cũng là lời tự nhủ của Hoàng trong buổi gặp gỡ với Trần Bình (“Bình tĩnh. Phải thật bình tĩnh. Đã bao lần mình ân hận về chuyện nóng nảy. Lạy chúa, xin người cho con can đảm để con đủ bình tĩnh”, “Lại thua rồi. Chấp nhận. Lạ thật. Cứ bao giờ xảy ra chuyện tranh đấu là mình thua. Mọi thứ đều là ý chúa, xin đừng cưỡng lại”
[7, 261]) hay khi anh tự vấn bản thân mình (“Mày là thằng giả dối Hoàng. Giả dối với chính mày. Lại đem lương tâm ra mặc cả chắc. Lạy chúa, con chỉ muốn tốt lành cho những người xung quanh. Nói dối...” [7, 290])…
Đó còn là giọng hoài niệm, đầy tiếc nuối xót xa của Thủy khi nghĩ về những kỉ niệm với Hoàng. Và đan xen vào đó còn có những giọng bỗ bã, dung tục của đời sống thường nhật qua những đoạn đối thoại của các nhân vật trong tác phẩm như: giọng của Nhã trong cuộc đối thoại với Lâm : “Xéo đi với bộ mặt sám hối của anh. Anh tưởng tôi không biết chửi hả. Cút mẹ anh đi”; Tâm trong cuộc đối thoại với Trần Bình - “Vứt mẹ cái chuyện ấy đi”; Cẩm My trong cuộc đối thoại với gã nhạc sĩ - “Tôi chổng mông vào chuyến đi Trung Quốc”... Cũng thấp thoáng trong tác phẩm có những đoạn văn mà tác giả hoặc từ điểm nhìn của mình hoặc thông qua điểm nhìn của các nhân vật thể hiện giọng trữ tình êm ái, đặc biệt rõ nét ở ba bức thư mà Trần Bình gửi cho Thủy hay những dòng tâm sự của Cẩm My khi nghĩ về Vũ... Và nhiều giọng điệu khác nhau cũng được thể hiện trong tác phẩm tuy mức độ đậm nhạt khác nhau.
Qua phân tích hệ thống giọng điệu trần thuật trong hai tiểu thuyết của Nguyễn Việt Hà, chúng tôi nhận thấy: tác phẩm được trần thuật với giọng điệu khác nhau: giễu nhại bỡn cợt qua những khái quát về thời đại, những miêu tả về chân dung con người và cuộc sống hiện thời; xót xa, cay đắng qua những tâm sự, suy tư của những “cái tôi” trước thời buổi loạn lạc, đảo điên; triết lý về cuộc đời, con người hay những phương diện văn chương nghệ thuật; hoang mang, day dứt của những tâm hồn còn tha thiết với cái đẹp; bỗ bã dung tục qua những đối thoại của cuộc sống thường nhật của các nhân vật...
Như vậy, có thể nói xuất phát từ cảm hứng thế sự đời tư, từ khát khao muốn “lột trần” cuộc sống ở mọi ngõ ngách khác nhau, Nguyễn Việt Hà đã
lựa chọn phong cách trần thuật thông qua nhiều điểm nhìn, các điểm nhìn lại biến đổi linh hoạt. Giọng điệu trần thuật trong tác phẩm, theo đó cũng có biến chuyển phù hợp, mang lại hiệu quả biểu đạt cao đồng thời tránh được lối trần thuật đơn điệu, một giọng. Từ đây, những gam màu cuộc sống cũng hiện lên phong phú và nhiều màu vẻ hơn.
2.2. Những sắc điệu
M.B Khrapchenko trong “Cá tính sáng tạo của nhà văn và sự phát triển của văn học” đã khẳng định:
“Giọng điệu chủ yếu không những không loại trừ mà còn cho phét tồn tại trong tác phẩm văn học những sắc điệu khác nhau. Những sắc điệu này diễn đạt sự phong phú của những phối cảnh cảm xúc trong việc lý giải những hiện tượng, những khía cạnh khác nhau và giống nhau của đối tượng sáng tác” [13, 169].
Một tác phẩm văn học, bên cạnh giọng chủ đạo luôn tồn tại những sắc điệu bao quanh với tư cách làm bè đệm để vừa bổ sung và làm phong phú cho giọng chủ âm vừa làm cho hệ thống giọng điệu đa sắc hơn tránh được sự rập khuôn, đơn điệu. Nhà văn Nguyễn Việt Hà, cũng như phần đông các nghệ sĩ thành công trên chặng đường đổi mới tư duy tiểu thuyết đã vận dụng và khai thác có hiệu quả những ưu thế của việc sử dụng phức hợp các phương diện biểu biện khác nhau của giọng điệu trong tác phẩm nghệ thuật, cũng là để thể hiện và phản ánh cuộc sống ở nhiều mặt của nó.
Sắc điệu trong tác phẩm văn học xuất hiện ở mức độ ít - nhiều, đậm - nhạt khác nhau nhưng cùng hướng tới và bổ sung cho giọng chủ đạo biến tác phẩm văn học thành một “bản hòa âm” về cuộc sống.
Thực tế tìm hiểu giọng điệu trong tiểu thuyết “Cơ hội của Chúa” và “Khải huyền muộn” cho thấy, bên cạnh giọng chủ đạo xuyên suốt tác phẩm (giễu nhại; xót xa, triết lý) còn có sự phối hợp của nhiều giọng điệu khác
nhau. Không những thế, trong một giọng chủ âm cũng có nhiều biểu hiện. Chẳng hạn cùng là giọng giễu nhại nhưng với người trần thuật, trong cả “Khải huyền muộn” và “Cơ hội của Chúa” thì gắn chặt với sắc thái châm biếm bỡn cợt, nhưng khi qua nhân vật, chẳng hạn như Nhã trong cuộc đối thoại với Lâm - người yêu cũ thì lại thấm đẫm sắc thái mỉa mai, châm chọc (“[...] Anh bao giờ cũng thích độc đáo. Và cái đểu của anh cũng quả là độc đáo. Anh Lâm này, sau anh tôi gặp khá nhiều thằng đểu, nhưng thực sự anh là thằng đểu lỗi lạc” [7, 109], “Anh có vẻ béo ra đấy (...). Trong tất cả các sinh