7. Bố cục của khóa luận
2.1.1. Giọng giễu nhại
Giễu nhại là nhắc lại, bắt chước lời nói của người khác để trêu chọc, châm biếm, bỡn cợt; là sự miêu tả những sự vật hiện tượng với bề ngoài có vẻ bóng bẩy, mực thước, khuôn mẫu nhưng lại mang trong mình bản chất của sự xấu xa, bỉ ổi, phi thẩm mĩ nhằm mục đích phê phán, chế giễu, đả kích, phơi bày cái thối nát, mục ruỗng bên trong.
Giọng giễu nhại được hình thành trên cơ sở những lời văn giễu nhại tức những lời “nói bằng giọng của kẻ khác” nhưng “đưa vào đó” một khuynh hướng nghĩa đối lập hẳn với khuynh hướng của lời người đó. Giọng thứ hai sau khi chuyển vào trong lời của người khác thì xung đột thù nghịch với chủ nhân vốn có của nó và buộc nó phục vụ trực tiếp cho các mục đích đối lập của mình. Lời nói do đó trở thành vũ đài vật lộn của hai giọng.
Tìm hiểu giọng điệu trần thuật trong tiểu thuyết Nguyễn Việt Hà chúng tôi nhận thấy nhà văn khái quát các vấn đề xã hội xung quanh một giọng chủ đạo là giễu nhại. Thông qua sự giễu nhại này, tác giả một mặt hạ bệ, làm đảo lộn những cái được coi là nghiêm túc nhằm lột trần cái vỏ hào nhoáng, để trơ
ra cái giả dối, cái lố bịch trong xã hội; một mặt để cười, để châm biếm bỡn cợt và để đả kích vào tất cả sự xấu xa tồi tệ được ẩn chứa dưới một cái vỏ bề ngoài sạch sẽ, trang nghiêm.
Độc giả bắt gặp trong “Cơ hội của Chúa” hàng loạt những câu văn mang chất giễu nhại theo lối “umua đen” độc đáo về một thời buổi: “quan buôn lậu có thế hơn dân buôn lậu. Những phi vụ xuyên dọc chiều dài đất nước chỉ có thể là của dân, nhưng muốn xuyên ngang các quốc gia thì chỉ có thể là của quan” [7, 99]; về thị trường Việt Nam: “ thị trường còn chinh nguyên nhưng đã làm tự suy yếu bằng thói buôn bán thủ dâm” [7, 121], “các Company nhiều như nấm sau mưa, nơi liên doanh của quan chức cơ hội với bọn buôn lậu liều lĩnh” [7, 123] và “93% các công ty tư doanh chọn sự lừa đảo làm kim chỉ nam của hoạt động nghiệp vụ. Khoảng hai năm sau bằng sự dốt nát thượng thặng của các quan chức ngân hàng, hệ thống hợp tác xã tín dụng của nhân dân ra đời. Nó chết yểu một cách logic để lại danh thơm là vụ bể bạc lớn nhất thế kỷ của nền tài chính xã hội chủ nghĩa” [7, 130]... Có thể thấy qua cách miêu tả đặc biệt này, cuộc sống hiện ra rõ nét đến từng chi tiết, và ngồn ngộn những điệu bậy bạ. Ngay từ những khái quát đầu tiên về đời sống, đã thấy hiện lên sự lố lăng của một thời buổi mà cái xấu, cái ác ngày càng lên ngôi. Xã hội thời cơ chế thị trường đầy rẫy những mặt trái. Thế cuộc đảo điên, con người tha hóa, trụy lạc: “ba vạn chín nghìn tổng, chánh, phó giám đốc trong và ngoài quốc doanh đều mù và điếc theo mọi nghĩa...”
[7, 402], quan chức phần đông “trở nên sung túc vì đã biết ăn cắp” [7, 133], “cuộc sống sôi sục mùi đồng”, “lịch sử nhân loại chứng kiến số người tự tử về tiền gấp mười tám lần số người tự tử vì tình... đến thời kỳ kinh tế thị trường nền văn minh của chúng ta chết sạch những nhà đạo đức thật” [7, 476].
Qua giọng kể đầy châm biếm của nhà văn một đời sống nhận ra ngồn ngộn những điều bậy bạ, một thời buổi “nhố nhố nhăng nhăng..., ông không
ra ông thằng không ra thằng”. Đó là thời buổi của những kẻ như Tổng giám đốc họ Trương “ba năm trước nó chuyên đi gom phế liệu, nói trần truồng ra là nhặt rác ở Thượng Hải”, như Nguyễn Văn Mười Hai “ông chủ doanh nghiệp nước hoa Thanh Hương, nhà tỷ phú lộ nguyên hình là thằng móc cống dám len vào điều hành kinh tế ở tầng vĩ mô” [7, 401], như vị Tổng giám đốc liên hiệp Sữa - Điện tử - Thiết bị xây dựng “chưa học hết cấp một... báo hình và báo tiếng đều khen biết tám ngoại ngữ và trong giao tiếp không bao giờ dùng tiếng Việt”...
Giữa thời buổi lẫn lộn thật giả ấy, những quan chức, trí thức, doanh nhân phần đông là những kẻ xảo quyệt, bất chấp thủ đoạn chỉ biết chạy theo danh và lợi hoặc là những kẻ “khốn nạn có gien” kiểu Lâm, Trần Bình, Sáng...; và thiếu hẳn những nhân vật ít nhiều còn thiết tha với đời sống như Hoàng, Tâm, Nhã, Thủy.
Qua cái nhìn của Nguyễn Việt Hà, một bức tranh xã hội Việt Nam đương đại được phác họa rõ nét với đầy đủ sự nhộn nhạo, nhiễu nhương trong những năm đầu của nền kinh tế thị trường. Với giọng văn đậm chất giễu nhại, bỡn cợt Nguyễn Việt Hà qua đó thể hiện một kiểu cảm quan đời sống đặc thù Cảm quan này, sau đó được tiếp nối sâu đậm trong “Khải huyền muộn”, nhưng ở những sắc thái đa dạng hơn.
Từ “Cơ hội của Chúa” đến “Khải huyền muộn”, vẫn qua chất “umua đen” trong giọng kể của nhà văn, Nguyễn Việt Hà khái quát thêm một bước về hiện thực đời sống. Điều đáng nói ở đây là nếu giọng giễu nhại mang đậm chất châm biếm, bỡn cợt trong “Cơ hội của Chúa” gần như đi sóng đôi với giọng xót xa, trăn trở thì ở “Khải huyền muộn” độc giả chỉ thấy một lối bỡn cợt, mỉa mai.
Trong “Khải huyền muộn” độc giả bắt gặp hàng loạt các câu văn mang đậm chất giễu nhại, châm biếm, mỉa mai, chẳng hạn: “Vài quan chức thể thao
đang chạy tiền làm tiến sĩ thể chất hệ tại chức” [8, 49], “Ông thạc sĩ điền kinh sếp của liên đoàn bóng đá bị chột cả hai mắt đang đều đều thao thao đọc đít cua. Ngữ điệu dịu dàng đậm chất Séduxen” [8, 49]; hội nghị: “Hội trường trang nghiêm im phăng phắc. Ba phần tư đại biểu đã thiu thiu ngủ, hầu hết bọn họ là dân chuyên nghiệp họp nên mắt vẫn mở to, cổ vẫn thẳng, phải tinh ý lắm mới nghe thấy tiếng ngáy khe khẽ” [8, 49]; con người: “Từ dạo kiếm tiền rồi kiếm quyền, Vũ rất ít khi nhìn mặt mẹ” [8, 78].
Xã hội qua cái nhìn của nhà văn chỉ là hợp thể của những điều nhố nhăng, đồi bại; đâu đâu cũng chỉ thấy người ta chạy chọt để được cái mác danh giá, con người sống để lừa bịp, lợi dụng lẫn nhau... Đó là xã hội của một thời buổi nhiễu nhương, thời đại mà “bọn tiểu nhân phản phúc nhung nhúc đông, lác đác mới có vài ba quân tử tận tụy” [8, 58]; thời đại mà quan chức, trí thức, doanh nhân lại là những kẻ bất tài, vô dụng, hoặc là những kẻ có chút đầu óc nhưng lại dâm dật, bê tha. Trong cái hỗn tạp của đời sống xã hội ấy, đâu đâu cũng chỉ thấy “nhan nhản những giám đốc, những thương gia lưu manh già cặp bồ với những nhân tình trẻ” [8, 70], hay những đám công chức vô đạo đức lúc nào cũng mang bộ mặt “giả vờ dũng cảm, giả vờ run sợ [...] nhưng sâu xa họ vẫn an ủi tự tin là mình trung thực” [8, 124]; trí thức phấn đấu làm phó tiến sĩ dễ dàng như “thôn nữ bây giờ làm cave” [8, 240]; giới văn nghệ sĩ thì đổ đốn kiểu “nhạc sĩ ở Việt Nam nhiều người có tài đào luyện gái tơ thành gái đĩ” [8, 244]...
Hội nghị là nơi luôn cần sự trang nghiêm, trang trọng lại trở thành địa bàn để các quan chức, đại biểu danh giá ngủ; lễ kết nạp hội viên hội nhà văn thì “mấy nhà văn nam hội viên cũ có uống nhiều bia, hớ hênh để mở phéc- mơ- tuya quần. Những chiếc quần xịp sặc sỡ hình như có đăng ten...” [8, 172].
Dưới ngòi bút của Nguyễn Việt Hà, những câu văn giễu nhại, bỡn cợt, mỉa mai xuất hiện dày đặc nhằm thể hiện vênh lệch giữa “vai” và thực chất
giá trị của đối tượng. Qua đó, nhà văn muốn vẽ nên một xã hội đảo điên, một đời sống “ngồn ngộn những điều bậy bạ”.
Miêu tả sự vật ở chiều sâu của sự mâu thuẫn (giữa cái bề ngoài bóng bẩy, mực thước, khuôn mẫu với bản chất bên trong xấu xa, nhem nhuốc, bỉ ổi, phi thẩm mỹ), tác giả “Cơ hội của chúa” và “Khải huyền muộn” đã thể hiện sâu sắc thái độ phê phán, chế giễu những điều nhố nhăng, những mặt trái của cuộc sống xã hội Việt Nam trước ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường.
Có thể thấy, thông qua những câu chuyện tâm thức đặc thù, những trạng thái tinh thần tiêu biểu của con người thời đại, Nguyễn Việt Hà đã thể hiện khá thành công trong tiểu thuyết tiếng nói riêng của mình trước hiện thực đời sống xã hội.
Có phần không giống với giọng nhại của các nhà văn tiên phong trong buổi đầu đổi mới (thường xót xa, thống thiết, thậm chí cay độc), nhại trong giọng điệu trần thuật của Nguyễn Việt Hà cho thấy một cái nhìn bỡn cợt về đời sống, coi cuộc sống hỗn loạn như một trò đùa, và con người như phải an nhiên chung sống với nó. Độc giả không tìm thấy đâu là lý tưởng, đâu là ý nghĩa đích thực của cuộc đời, thế cuộc hỗn loạn, trớ trêu, các thang bảng giá trị của đời sống tan tành đổ vỡ, ngay cả niềm tin tôn giáo cũng trở nên đáng ngờ vực, mong manh, thậm chí vô nghĩa.
Có thể nói, dù bộc lộ trực tiếp qua lời người trần thuật hay qua điểm nhìn nhân vật, Nguyễn Việt Hà vẫn luôn sử dụng lối “giễu nhại” làm giọng chủ âm nhằm thể hiện tập trung cách nhìn của mình với đời sống. Và, để bức tranh đời sống được vẽ lên phong phú, đa dạng hơn, từ nhiều góc khác nhau, Nguyễn Việt Hà cũng khéo xen cài vào tác phẩm của mình nhiều giọng điệu phong phú.